Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc sẽ tự mất đi khi nào người ta tự thỏa mãn về nó. Hạnh phúc sẽ chỉ bền vững khi người ta luôn luôn vươn tới và hoàn toàn khát vọng.
K.G. Paustopski
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: 40 Năm Âm Nhạc Lam Phương Vol.1

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,756
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Từ ngày Bí Vàng ra đời dưới giàn bí, hôm nay mới có người lạ ngang nhiên xông vào nhà, cầm theo ảnh Hồ Chí Minh, chẳng nói chẳng rằng, lấy búa đóng chặt đinh, treo ngược ảnh Bác ngay trên vách, giữa nhà. Cái vách độc nhất che nắng đỡ mưa. Trong ảnh, hai tai Bác vểnh, một uy nghi, một hoành tráng. Người lạ dí ngón trỏ vào mũi Bí Vàng, dõng dạc, “Tàn tích Mỹ Nguỵ. Sanh ra bởi kẻ thù. Mi phải kính yêu Bác Hồ như...” Ông ngáp, rồi tiếp, “Bác Hồ, tay lãnh đạo ưu việt, dẫu ngủ giấc ngàn thu, hắn vẫn sáng suốt, tài tình lèo lái nhân dân đạt được mục tiêu, bằng hồn.” Nói xong, người lạ rút trong túi ra cái hộp đựng mấy điếu thuốc. Bí Vàng nhón chân liếc, điếu Vàm Cỏ, điếu Sông Cầu, điếu Thủ Đô, điếu Phù Đổng. Còn Salem, Mallboro, Camel, Pallmall... đã bỏ của chạy lấy người. Chỉ trong vòng ba cái đằng hắng, hai cái giụi mắt, một cái hắt xì, Bí Vàng biến thành con của Kẻ Thù + Kẻ Thù. Người lạ vừa ra khỏi cổng, bà ngoại tới xoay mặt ông Hồ vào vách. Mảnh giấy dán sau ảnh ông Hồ ghi hàng chữ Kỷ Niệm Ngày Giải Phóng 30/4/75. Bà quay người nhìn thẳng vào mắt Bí Vàng, “Đó là một ngày không thể quên, cháu ạ.” Rồi ngoại lững thững bước ra vườn với cái lưng khòm hơn một nửa so với ngày hôm qua. Mớ rau trong thúng rũ héo. Rau chia sẻ ngày vui đại thắng của Bác bằng cách tự tử tập thể. Suốt ngày mắt Bác cứ dán chặt vào ngươi Bí Vàng. Bí Vàng tập thói quen mỗi đêm, tự đấm thùm thụp vào ngực, “Mi là kẻ thù. Mi là con của kẻ thù. Mi là kẻ phạm tội. Mi là sản phẩm của quân xâm lược. Mi là thứ tàn dư đế quốc Mỹ. Mi là kẻ thù của nhân dân.” Hàng cau rất cao, phải nằm mới thấy được. Khoai sắn vùi trong đất, phải ngồi mới nhổ được. Còn lá trầu luôn quẹt vào háng Bí Vàng, chỉ đứng mới hái được.

    Màu da không vàng không trắng mà đen thui như khúc củi cháy không ảnh hưởng đến tiếng cười như nước vỡ trong mơ. Mỗi sáng thức dậy, Bí Vàng phải tập nghe/im tựa mưa xối trên da thịt. Chỉ mùi nách ngoại mới khuất phục được cái chết của Bí Vàng. Marx nói, tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Lenin nói, lũ chúng như khoai sọ, nếu không dồn vào bao, chúng sẽ lăn tung toé. Ai-đó-nói, phải xâu lũ dân Việt lại, bởi chúng như bầy cua mòng, bò lổn ngổn đầy mặt bể sau ngày giông. Giờ thì chẳng cần niềm tin, vì đã có Đảng và nhà nước lo tất. Làm tuỳ khả năng và không hưởng theo nhu cầu.

    Bộ đội Bắc xuôi Nam hiện thực ----- Cậu khờ khạo đến độ chân thật. “Bác Hồ khả kính, vị cứu tinh dân tộc, luôn phù hộ ông cha ta.” Cậu lẩm bẩm. Vào được trong Nam, cậu bị lạc đạn. Chẳng biết viên đạn được chế tạo từ Liên Hiệp Quốc hay Liên Xô mà găm ngay bắp đùi cậu, suýt nát dái. Cậu ráng lết đến vườn nhà Bí Vàng, rồi vật người ra như thể nằm vạ. Bí Vàng là người khám phá ra cậu đầu tiên, liền vội chạy gọi ngoại. Bà cháu gồng sức lôi cậu vào trong nhà. Máu cậu bết đặc sân. 3 ngày sau, bà cháu lại lôi cậu ra ngoài ngõ để ông bà Dậu, hành nghề nhổ răng, đồng thời là công an khu vực, chặt phứt cái đùi của cậu. Cả xóm kéo đến tham dự đông hơn giết chó. “Sao không để cho nó chết quách.” Ai đó nói. “Tiên sư mày thằng bộ đội. Cái nồi ngồi trên cái cốc.” Giọng khác chì chiết. “Bác cùng chúng cháu hành quân... ca đi, hát đi, hò reo đi...” Người nữa cố nói bằng nửa con mắt. Cuối cùng, mọi người tan hàng. Nước dãi nước trầu nước mắt nước đái nước mũi cùng máu mủ đờm mồ hôi tuôn rơi thấm đất, lan qua sân, rồi tràn vào tận sàn nhà Bí Vàng. Cậu giờ chỉ còn một chân, và trở thành người thứ ba trong nhà.

    Bí Vàng đi loanh quanh trong vườn, múc nước ao xối lên người, rồi đến nằm chỗ quen thuộc, bắt đầu đếm lá bí. Tổng số luôn khác hôm qua, và biết chắc sẽ khác ngày mai. Bí Vàng ngủ thiếp, tỉnh dậy, dưới gáy cộm bởi vật gì, thò tay rút, đó là cuốn từ điển Anh Việt-Việt Anh. Những con chữ dày đặc (như-thể-hứa-hẹn) tựa lá bí đang trườn leo trên giàn, (sẽ) phải đếm mãi đếm hoài. Trong lòng Bí Vàng toả dâng làn khói, cảm giác trải nghiệm lần đầu. Phần dưới bụng trồi trục, cảm nhận về sự hỗn mang cần thiết. Muốn thuộc lòng những con chữ này thì phải ăn chúng. Bí Vàng tự tin mãnh liệt. Bắt đầu ngày mai tập tính kiên nhẫn. Mỗi ngày một chữ, vậy sẽ ăn được vạn nghìn lần. Bí Vàng nhìn cuốn từ điển cười âu yếm, lòng rộn rã, tưởng tượng đến cái hốc trong pháo đài bộ óc bị lãng quên quá lâu, nay cần kiểm tra. Từ điển như dinh thự đồ sộ, vững bền. Bí Vàng quỳ trên cuốn từ điển, thề, “Ta sẽ ăn thịt mi, nghe rõ chưa?” Bí Vàng nói giọng của người lạ (hôm nào) đã xông vào nhà treo ảnh Bác Hồ. Bí Vàng nhận ra Bác Hồ không xấu lắm! Đừng có mắt mà như mù. Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Tư tưởng không thông xách bình đông cũng nặng. Bác thở ra thơ khuyên nhủ các cháu. Bí Vàng đứng phắt dậy, thấy lưng bỗng mọc dài thêm ba gang tay. Tối đó, khi rúc mặt trong nách ngoại, ngoại hỏi, “Trưa nay ngủ dậy cháu có thấy cái gì dưới gáy không?” “Dạ có.” “Nó đâu rồi?” “Cháu cất trong hòm. Ở đâu ngoại có vậy?” “Đang trên đường từ chợ về… thấy nó từ trời rơi xuống cái ụp…ngoại vội lấy rổ hứng...” Cuốn sách toàn là chữ là chữ. Thứ chữ của thằng đàn ông có cu cưỡng hiếp con gái bà. Nhưng giờ cháu gái đang cần. Bà nghe tiếng ai nói lùng bùng trong lỗ tai. Bà nín thinh, nén chặt trong lòng sự bí mật. Tin chắc Nó là bùa hộ mệnh cho cháu bà đối phó với đời-sống-đang-diễn-ra.

    Bí Vàng, thứ nhất, là biểu tượng không nhan sắc. Thứ hai, là nguồn gốc cuộc xâm lăng. Thứ nhất xí xoá được vì không có lựa chọn. Nhưng thứ hai là tội ác có kế hoạch. Dân miền Nam chiến bại giờ (phải) nhận vơ dân miền Bắc chiến thắng. Bí Vàng là lý do làm bụng họ ngày càng tóp teo, không có gì đổ vào, ngoài bo bo sống, sắn sượng, khoai lang sùng. Màu da Bí Vàng càng đen thì bụng họ càng bùng lửa căm hận. Nhưng họ bị lấn cấn, bởi gã cụt giò đang di chuyển qua lại trong nhà Bí Vàng cực kỳ thản nhiên. Họ bị đẩy vào khối cực kỳ mâu thuẫn. Mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn bên trong. Thằng thua ôm vai thằng thắng. Tha thứ trộn lộn oán thù. Bà ngoại vẫn thở khi nặng khi nhẹ. Từ ngày cậu đến ở, mang theo những từ ngữ mới, dân miền Nam nghe rúm người. Những từ ngữ mạnh mẽ có khả năng khuynh đảo mọi lề lối. Giờ đây người ta bay vì bụng rỗng, chứ không bằng gót chân nứt nẻ như ngày trước.

    Đất nước thống nhất rồi bà con ơi! Bác Hồ, vị cứu tinh dân tộc, đấng cứu thế, người yêu nước thương nòi. Chúng ta phải suy tôn Bác Hồ. Đảng Cộng Sản chuyên chính. Nhà nước vinh quang, Nambắctrung viết thành một chữ. Mỗi sáng, Bí Vàng đứng ngắm mặt Bác như ngây như dại. Bác mạnh mẽ, quyết liệt, uy nghi, đầy ắp nhiệt tình. Nhiệt tình đến độ, giả như nửa đêm tướng Giáp đến rủ Bác đi đánh ghen dùm, Bác sẽ hăng hái phóc người dậy, quên cả xỏ dép râu, đội nón cối. Đi. Hai tai Bác vểnh cao, má hóp, mắt sáng, miệng lúc nào cũng sắp cười hay vừa cười xong. Nụ cười cực kỳ sung mãn. Vầng hào quang toả sáng từ làn da khô rang, cái bụng lép xẹp trông mới đáng yêu làm sao! Bí Vàng ưa lấy ngón trỏ thấm nước bọt rồi thoa đều quanh lỗ rốn Bác, chạm được sống lưng Bác, cùng những mảnh xương vụn trật khớp của Bác.

    Mở mắt thấy Bí Vàng, cậu nói khẽ, “Sao không là màu đỏ mồng gà, màu tím bằng lăng, màu vàng cải cúc, màu trắng hoa nhài, hả cháu?” Sự thất vọng hiển lộ trong tròng mắt cậu không buồn che giấu. Bí Vàng tự nhủ thầm, hãy kiên nhẫn và sống thật. Bí Vàng thương cậu vì khi cậu đi ngủ có đủ hai chân, giờ thức dậy chỉ còn một. Năm phút sau, cậu mỉm cười, với một mắt bẽn lẽn và một mắt hối hận. Rồi bảy phút sau, cậu lộ vẻ ngơ ngác, như kẻ đi ngược đường. Bà con trong xóm nhìn nhau ái ngại: “Đổi đời - Đời đổi!” Bà ngoại bước ra vườn, cầm theo cái rựa chặt cành khế (âm), róc sạch, làm nạng cho cậu chống. Bí Vàng đứng nhìn bà chặt cành, tước lá, mà nhớ lại hình ảnh ông bà Dậu chặt cẳng cậu hôm nào. Hai tay bà thoăn thoắt, gọn, chắc, khoẻ. Toàn thân cậu giờ đây toả mùi chở che. “Bắc là đâu cơ cậu?” Hoặc, “Dạ, cho cháu xin ạ!” Bí Vàng nói như thế với ngoại khi đưa tay đỡ bát cháo chỉ có 9 hạt cơm nhừ. Lần đầu sờ tóc, vuốt da Bí Vàng, cậu nói như dỗ, “Ông mặt trời sấy khô da và tóc của cháu đấy à!” Bí Vàng nghe, nhe răng cười, “Ổng mải ngủ quên, phơi cháu ngoài nắng lâu quá đó, cậu ơi!”

    Hết còn được ca cẩm ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Giờ thì vuốt ve lòng nhau bằng khẩu hiệu với sức người sỏi đá cũng thành cơm, xuất phát từ đất Bắc, nơi ai cũng có hai tay hai chân một đầu, nói thứ tiếng nhẹ mà nặng, nặng mà sợ, sợ mà phách của kẻ chiến thắng. Âm hưởng con chữ cuối cứ vút lên vút lên, như thể tất cả chữ mang độc dấu sắc, dấu đe doạ. Đang là thời bình, mọi người phải biết cười, và cười thật to. Khác với thời chiến, tiếng hát át tiếng bom. Cười với mình, cười với người, cười với những dự đoán không rõ có thích thật hay không. Lạp xưởng ngỡ nến, sao có thể nuốt tọng vào bụng? Chợ về, cá đổ tất vào bồn cầu rửa cho sạch, lỡ tay giật, cá lọt xuống cống, chửi nguỵ giờ còn dám giở thói ba que. Khen máy quạt công bằng, biết quay qua quạt đồng chí một cái, tớ một cái. Đồng hồ ba cửa sổ, mát mẻ thông hơi, khoẻ khoắn. Cà chớn cà chua cà pháo chạy đầy đường phố Hải Phòng. Đèn xanh-đèn-đỏ-đèn vàng biết điều, không cần công an đứng thổi còi chỉ tay năm ngón cho dân đen qua đường. Máy bay Nga nằm nghỉ trong đám mây, chờ máy bay Mỹ bay qua là phóng ra bắn lộn nhào...

    Bác ngồi câu cá, trẻ con trong xóm tranh nhau lặn sâu dưới ao móc cá lòng tong vào lưỡi câu của Bác. Bao quanh Bác bao giờ cũng là đàn cháu ngoan cổ quàng khăn đỏ. Cả nước gọi Hồ Chí Minh bằng Bác, xưng gì Bác cũng vuốt râu cười xoà. Lần thứ ba trong đời, ngoài bà ngoại, cậu, giờ đây Bí Vàng có thêm ông Hồ gọi Bác xưng cháu một cách vô tư. Sáng nào ngủ dậy Bí Vàng cũng hồ hởi phấn khởi không cần lý do chính đáng. Bác luôn hiện diện với vẻ hoành tráng không ai được phép so bì. Bác sống cả trong quần chúng. Bác dạy rằng “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Phong kiến Bảo Đại đã gục ngã. Đế quốc Mỹ đã bị đánh bại. Chuyên chính vô sản Cộng Sản Muôn Năm. Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết! Hình Bác Hồ lộng kiếng treo ngoài chợ, mỗi khi thằng Phước (giả) khùng đi ngang, ngó, cười khì, rồi hô to, “Bảng đỏ sao zàng. Bỏ đảng zào sang!”

    Bởi ngoại chột một con mắt nên tất cả ánh sáng đổ dồn hết vào con mắt còn lại. Nhưng nó vẫn không đủ sáng để giúp ngoại thấy cái kim đít vàng rơi xuống đáy ao chứa đựng nước mắt. Hoặc cái đinh rỉ sét chôn sâu dưới gốc cây khế (âm) gần trăm năm.

    Đất nước thống nhất nhưng không cung cấp đủ công ăn việc làm cho người dân. Không có việc làm thì sao cắt nghĩa, giải quyết quyền lao động, luật công đoàn. Dân đen gặp nhau cùng khoe hàm răng vẩu, vẫy tay gọi đồng chí ơi đồng chí à đồng chí ạ mà ruột đồng chí nào cũng rỗng như bao ni lông tái dụng phồng căng chứa toàn không khí. Đồng chí cấp dưới nhìn đồng chí cấp trên khúm núm lo sợ như sổ gạo thời bao cấp sắp bị tịch thâu. Đồng chí nữ thủ thỉ rằng đồng chí nam là cái đệm thịt êm ái ơi. Đồng chí nam vỗ về đồng chí nữ là cái máy đẻ dấu yêu ơi. Thực tế thì nữ cần hộp băng vệ sinh và nam cần bịch bao cao su. Hai thứ này đâu cần phần tư thế kỷ bắn giết nhau mới nghĩ ra được. Cứ tưởng tượng đồng chí là bạn của thượng đế rồi tự sướng, mà quên rằng chữ “thượng đế” Bác đã gạch khỏi từ điển đời Bác từ thời hai hòn dái Bác còn xinh xắn, tròn trĩnh, cứng ngắc như hai hòn bi. Ngàn năm trước lão Tàu phong kiến đô hộ, dạy rằng phụ nữ tồn tại ở hành tinh này với mục đích đẻ con trai. Trăm năm trước bọn Tây thực dân tuyên bố chắc nịch rằng đàn bà là đồ chơi của đàn ông. Giờ đây những đồng chí gặp nhau, cùng thở dài chép miệng, ôi! chúng ta đầu thai lầm thế kỷ. Bí Vàng thấy màu đỏ rợp trời Nam. Màu đỏ là men say của những ai cương quyết đạt chiến thắng bằng mọi giá. Mà ai chiến thắng ai? Làn gió bao giờ lại chẳng thổi một vật gì đó, chiếc lá khô cằn chẳng hạn. Làn sóng công an đỏ kềm kẹp chùm trái tim bị cột túm, đập thình thịch thình thịch thình thịch. Nỗi sợ nghiền nát tầng lớp mà cách mạng gọi là con nhà có của. Bọn cần được thanh tẩy. Tiểu tư sản bị gọi là tư hữu, rồi bị truất quyền sở hữu, dù sở hữu của Bí Vàng chỉ có mỗi cái quần đùi tưa gấu cũng phải cắn răng lột truồng cho bằng/giống người hàng xóm bốn bên. Tước đoạt sở hữu. Cách mạng dạy rằng vấn đề nằm ở chỗ chẳng phải ít hay nhiều mà là kẻ ít người nhiều. Thế thì xoè mười ngón tay, sao ngón út bé bỏng nhất, vô tích sự nhất, nhưng lại dễ yêu nhất. Mặt trời vốn đã đỏ kè, giờ chỉ biết thở dài ngao ngán, còn không đành thở hắt vội vã, cho xong.

    Ngoại bịa với người trong xóm rằng “Cậu ấy là con cả của anh trai tôi ra Bắc tập kết từ năm năm tư.” Bí Vàng phục trí tưởng tượng và óc khôi hài của ngoại sát đất. Thời chiến, ngoại nhận đứa bé chưa đầy tuổi bị mất cha mẹ trong trận pháo kích làm con nuôi. Đứa bé được ngoại đặt cho cái tên là Võ Thị Gái. Thời bình, ngoại nhận cậu bộ đội chân chất bá vơ tận đẩu đâu thành máu mủ ruột thịt. Những lúc rảnh rỗi, nằm thẳng cẳng dưới giàn bí, Bí Vàng thấy rõ mọi sự trong Quá khứ và Hiện tại. Đêm qua, cậu nói với ngoại rằng, con bé sao mà bé thế! Bé đến mức trời hơi chập choạng một tị là cháu chịu, chẳng thấy gốc lẫn ngọn đâu cả. Trong giọng nói của cậu, chan pha mùi thương cảm. Có hôm, cậu lấy tay chùi trán Bí Vàng, nói dính mồ hóng. Không phải mồ hóng mà lọ nghẹ đấy cậu ơi! Bí Vàng vừa nói vừa cười. Cậu trố mắt, há hốc mồm, chìa mấy cái răng dài, to, xiêu vẹo không còn màu nguyên thuỷ. Cái gì cũng lạ, đã gọi là Đổi Đời cơ mà. Cậu lạ cháu, cháu lạ cậu, vậy hai ta đồng đẳng nhá! Bí Vàng nghĩ chỉ mình ngoại là chẳng khác đi mấy. Ngày chưa giải phóng, buổi sáng ngoại được ăn hai củ khoai, giờ chỉ còn một, rồi còn phải bẻ đôi chia cho cậu nữa chứ. Ngoại đi khuất ngõ, Bí Vàng còn nghe tiếng óc ách sôi sục trong bụng ngoại theo gió vọng ngược vào nhà. Nhưng phải công nhận rằng, nhà giờ đây ấm áp hơn, dễ chịu hơn, vì sự có mặt của cậu. Nhà không hề khoá cửa, đơn giản vì không có cửa.

    Mỗi lần nhìn cậu, ngoại chặc lưỡi thở dài, rồi nói không cơ man nào hiểu hết nỗi khổ đau, nhọc nhằn cậu đã trải qua với từng ấy tuổi mà giờ còn sống sót. Đường mòn Hồ Chí Minh, địa đạo Củ Chi, núi rừng Trường Sơn đông - Trường Sơn tây, súng nổ, bom rơi, tử thi đồng đội, xác quân thù… còn bám rịt trên da thịt cậu. Đôi khi trong ngày, từ rốn cậu phun ra luồng khói xanh đậm, đặc kín mùi máu, mùi bùn, mùi xác chết sau trận giao chiến. Chỉ ăn rau má mà phá (được) đường tàu. Thiệt là đại tài! Cậu bảo ngoại là thành phần công nhân lao động tốt. Còn Bí Vàng, cậu chần chừ đúng 3 giây, rồi nói giờ là cháu ngoan của Bác Hồ. Bác Hồ hay bà ngoại và cả cậu, ai Bí Vàng cũng xưng cháu tuốt. Cậu gọi Bí Vàng là đứa con pha giống, nghe văn hoá phết! Trưa hôm qua cậu bảo cậu là người không chết khi phải chết, mà sẽ chết khi có thể chết.

    Bí Vàng chợt thức giấc vì cuộc chuyện trò giữa ngoại và cậu. Bí Vàng hé mắt thấy cậu móc trong túi áo bên phải ra gói thuốc Vàm Cỏ, đặt lên bàn. Rồi cậu móc trái tim bên trái ra, cũng đặt lên bàn. “Thôi… thôi…” ngoại vội xua tay, nói, “Tôi tin cậu là thằng bộ độ chân chất hiền lành. Từ hồi trong bụng mẹ đẻ, cậu đã được Bác Hồ dạy phải cứu nhân độ thế. Miền Bắc phải giải phóng miền Nam. Như đôi dép râu thất lạc, chiếc phải mong gặp lại chiếc trái. Đồng bào bên này vĩ tuyến mong ngóng đồng bào bên kia vĩ tuyến. Cậu không ma cô ma cạo, không ba que xỏ lá, không đầu đường xó chợ. Cậu không lạm dụng lòng tin của tôi.”

    Cậu đúng là bóng cây mát rượi trưa hè, là quạt nan ngoại phe phẩy đuổi muỗi trong đêm, ru dỗ Bí Vàng ngủ ngon. Nhiều năm cậu lặn ngụp trong rừng, giờ trở thanh người rú. Cậu mang cả rừng rú trú ngụ trong nhà. Cậu là người chân thật, dễ tin, tốt bụng. Bí Vàng cám ơn Bác Hồ đã mang cậu đến cho Bí Vàng. Tư Bản - Vô Sản - Chiến Tranh - Hoà Bình - Mỹ Nguỵ... Tất cả mọi khẩu hiệu nằm hết ngoài ngõ. Ban đêm, mái tóc ngoại rũ ra, Bí Vàng thò tay lấy vạt tóc ngoại vắt qua mặt, như thể ngăn chặn thế giới bên ngoài xâm nhập. Sáng thức dậy, nhìn ra sân trước, thấy ngoại đang súc miệng, rửa mặt. Nhìn ra sân sau, thấy cậu đang bứt từng cọng rau má nấu nước để cả nhà uống cho mát. Rồi cậu rửa, kì cọ hai nách thật kỹ càng. Cậu lấy xác vỏ cau chà mạnh hàm răng không cái nào giống cái nào, màu nào ra màu nào. Nước miếng trên lưỡi cậu quyện bụi phương xa. Nhiều lần cậu thủ thỉ trong tai Bí Vàng rằng, cậu rất thương nhớ nơi có những con đê quyện bụi đỏ. Còn ngoại, giờ đây không khấn vái tứ phương như trước nữa. Bí Vàng hỏi tại sao. Ngoại trả lời không còn tin có ông thần nào phù hộ con người. Ngoại đã khẩn cầu mỗi ngày, suốt cuộc đời, chẳng thấy thần thấy thiếc gì phù hộ cả. Chỉ ngoại phù hộ ngoại. Vuốt tóc Bí Vàng, ngoại nói mong sao sự sống cả ba luôn mạnh mẽ, bởi nỗi sầu đau đang xâm chiếm mạch sống khắp muôn nơi.

    Từ ngày cậu cư ngụ trong nhà, Bí Vàng thường bị đánh thức vào khoảng 2 giờ sáng bởi mùi khét lẹt da thịt người cháy. Có hôm lại ngửi mùi những viên đạn rỗng ruột đẫm máu bầm móc ra từ thân thể cậu. Bí Vàng nhớ hôm ông bà Dậu chặt cẳng cậu, moi ra từng viên đạn đầu đồng. Ban đầu bọn con nít trố mắt trái kinh ngạc, mắt phải sợ hãi, nhưng chúng không quên đồng thanh đếm 1-2-3-4-5-6-7-9-12-14-21-35-41... 109-276-302... Cứ thế, thêm một con số, là moi thêm viên đạn đầu đồng. Giết một mạng hay cứu sống một mạng? Giờ đây, chẳng còn ai bận tâm, chia trí. Mọi người đang sống trong thời bình, nhưng gắng thương yêu, chở che, bảo bọc nhau một cách kh(ổ)ó nhọc. Ông Dậu đếm đến con số 407 thì phải về nhà tắm rửa cho đứa con nửa nam nửa nữ bị chứng đau tim bẩm sinh, và cũng đến cữ rượu đế. Chỉ còn lại bà Dậu, ngoại và Bí Vàng. Những đứa trẻ mỗi đứa về nhà không quên cầm chắc trong tay viên đạn đầu đồng làm kỉ niệm. Cuối cùng, bà Dậu chùi hai bàn tay đẫm máu vào quần lãnh đen, nói nhỏ, “Xong rồi.” Bà ngoại chùi mồ hôi, Bí Vàng chùi nước mắt.

    Mỗi ngày Bí Vàng rửa những kẽ chân còn lại của cậu bằng nước mưa đêm, hứng trong lu, không có con lăng quăng nào chết dầm trong đó cả. Ngoại lấy que cạy đất ghét cáu bẩn bám quanh viền móng tay. “Tại sao cái gì dơ bẩn cũng màu đen hết hở ngoại?” Bí Vàng hỏi. Những nếp nhăn trên mặt ngoại bỗng đổ dồn một bên mặt. Ngoại ra vườn hái lá bí non mới nhú, hoa bí sắp tàn, nhai nát đắp lên vết thương cho cậu. Vết thương lành, nhưng mùi rừng rú, bom-súng-đạn, tử thi sình thối, thịt người khét lẹt vẫn phảng phất trong không gian. Ngoại lấy áo ít bị vá nhất, nhúng xuống ao, nước chảy long tong, vắt ráo, hơ lửa, rồi phủ lên cẳng cụt của cậu mỗi đêm.

    Từng ngày, từng ngày một, thìa cơm nguội Bí Vàng nhai rất kỹ, đợi chờ tiêu hoá. Từng chữ, từng chữ một, trong cuốn từ điển dày cộm cũng phải hành xử như thế, cần được tiêu hoá. Phải làm sao như lá bí xanh, hoa bí vàng thay nhau mọc và rụng quanh năm nhưng rễ chẳng hề nao núng. Ba người sống trong nhà tìm cách thích ứng lẫn nhau. Da mặt màu nhọ nồi Bí Vàng sau đợt bị ong chích — tưởng đã nằm luôn dưới lòng đất — nhờ phép lạ vô tình của cậu cứu kịp thời. Nay da Bí Vàng lổm chổm như đá ong, hết khả năng doạ nạt, gây căm phẫn, hay săn lùng giết cho được những giấc mơ quỷ ám trong đầu cậu khi say ngủ. Lúc thức, trong tầm kiểm soát suy nghĩ, cậu và Bí Vàng hết còn xa lạ, nghi ng(ại)ờ. Cậu luôn nhắc nhủ cuộc chiến đã kết thúc. Ngày 30/4/75 là ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng. Cậu nối tiếp lòng chiến đấu dũng cảm vì tin vào sự tốt lành của nhịp đập con tim. Sự kiêu hãnh của đấng nam nhi trong thời giặc Ngoài xâm lăng. Bí Vàng nghe tưởng như điệp khúc vừa ngây thơ vừa buồn bã. Cậu không nói giặc Mỹ vì biết ngoại không vui, không thích nghe, thậm chí triệt để cấm. Có một số chữ cấm kị, như đen đủi, quỷ dữ, Mỹ lai, địa ngục, con hoang, con vô thừa nhận. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Bí Vàng không cách gì nhớ nổi, chỉ nhớ mẫu tự đầu nào cũng phải viết hoa, và tên HỒ CHÍ MINH phải viết to, in đậm. Cậu bảo, do sự tử tế và lòng tốt, trái tim cậu có được 9 giọt máu của Bác. Cậu cũng không quên nhắc lại là dân ta đã sống qua mùa địa ngục. Cậu bảo giờ đây không nên ôn lại tội ác Mỹ Nguỵ. Cậu là người cực kì tế nhị, như khi nãy cậu chống gậy ra vườn, ngắt cọng bí quăn tít, kéo dài, nói tóc Bí Vàng và cọng bí tựa như nhau, nghĩa là Đẹp. Mỗi khi Bí Vàng chun mũi, khịt khịt vì mùi lá tươi rừng rú súng đạn da thịt người cháy khét lẹt toát ra từ người cậu, thì ngoại bảo đừng làm như thế cháu à, bà thương thật thương mùi đó. Mùi khổ nạn.

    Cậu gồng tới căn nhà này cả gánh mùi lá rừng, mùi bụi đường xa, mùi tử thi đồng đội. Vậy mà giờ đây, trong phút-nói-thẳng-nói-thật, hay đang mớ, cậu bảo chẳng muốn nhớ chút nào nữa cả. Như thể cậu tự tạo ra ảo tưởng để rồi thất vọng. Cậu có thể kiểm soát nỗi buồn đau trong ngày trời sáng trưng. Nhưng trong đêm tối, giữa giấc ngủ không kịp trở giấc, cậu giơ tay đầu hàng vô điều kiện. Bí Vàng nhận thấy, cậu đã bớt ngâm nga, “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!” Đôi khi, bất chợt, nhân dạng cậu là một đám mây băng giá.

    Cậu rời nhà lúc hừng đông, trở về nhà trời bắt đầu nhá nhem. Mặt cậu thẫn thờ. Vẻ thẫn thờ khác lạ, chẳng phải thương nhớ, tiếc nuối cái cẳng đã đứt lìa thân xác, dù hơn nghìn lần cậu bảo Bí Vàng rằng cậu bị mất cái thú rung đùi. Bí Vàng len lén theo dõi cậu sau những kẽ tay xoè. Đêm đó, cậu đứng nói một mình mà tưởng nói với ai đó rất đỗi thân thương đang ở phía bên ngoài cửa sổ. Những đồ vật cậu ước ao sở hữu có cùng chữ đ: đèn pin, đồng hồ, xe đạp, đài radio... như hầu hết các chú bộ đội sinh Bắc tiến Nam ước mơ & đạt được. Bà ngoại cứ thở vô thở ra thở hắt thở dài thở dốc thở ngắn theo từng cơn gió trời đêm oi ả lọt thỏm vào nhà, bởi bà tưởng rằng cậu ước muốn đàn bà. Bí Vàng nằm yên, ngưng thở, thấy trong đầu cậu phất phơ cái quần lót của mẹ cậu phơi ở bờ giậu, đũng đáy vá đụp để cất & giấu vài đồng xu lẻ. Hôm nọ, cậu lạc ra chợ, ngạc nhiên trố mắt thấy sao đít con gái miền Nam có ba đường gân nối kết thành hình tam giác. Một ngang và hai dọc, tựa cái nón hay chữ V có khả năng kích thích cậu mọc thêm cái chân con con, nhưng cứng ngắc, chỉ mình cậu biết, dù chính cậu chẳng ngờ. Cực sướng & cực khổ đánh vật cùng lúc trong con người cậu. Sáng sớm hôm sau, mắt miệng cậu nhắm khít, cố gắng lắm mới mở ra được vài chữ lí nhí với ngoại rằng, cậu xin ít tiền để đánh điện tín về phương Bắc, báo người nhà biết rằng mọi sự đã ổn, cứ chờ đấy. Cậu không cho họ biết rằng cậu không còn đi bằng hai chân nữa. Giờ đây, cậu hay gọi Bí Vàng là đen thương ơi... đen thương à...

    Bà ngoại - Bí Vàng - Cậu có cùng thực tại là thèm ăn, và thực tế là thiếu ăn. Đêm, cả ba nằm nghe tiếng ùng ục ùng ục… ôn nghèo kể khổ trong bụng nhau. Ánh trăng chỉ để đỡ vài đồng dầu cặn. Cậu ra sau vườn hồ hởi phấn khởi trồng 3 dãy khoai lang và 4 dãy khoai sắn. Khoai sắn lá chưa mọc rễ đã thối. Khoai lang trồng được 7 ngày, nhổ lên, giống bầy lợn tí hon, tròn vo, đỏ hỏn. Trời sắp tối, cậu nhắc Bí Vàng đi rửa mặt, “Này bà mặt trời nhá nhem, này cái mặt con đen lem nhem, thèm mút cà rem.” Hai cậu cháu cười to. Cậu cười giọng thanh, Bí Vàng cười giọng đục, nhưng cả hai trùng ý. Tai ngoại nghe không rõ, nhưng thấy cậu cháu cười ngoại cũng hả họng cười theo. Chiều qua, cả ba ngồi lưng quay ra vườn, bụng quay vô nhà, cùng ngốn nồi khoai luộc ngùn ngụt khói. Lúc đó, nước bọt thổi chùm bong bóng bám chặt khoé miệng người hàng xóm. Khoai lang nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Khoai lang chắc nịch, không lõng bõng lơi bơi. Răng ngoại cái còn cái mất cái gãy cái hư cái lung lay, nhưng hoàn toàn không răng mô với những củ khoai lợn tí hon cậu trồng tưới bằng nước ao nhà buộc lòng nhổ sớm. Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nam-Bắc-Trung thống nhất một nhà. Kết quả 30 năm cách mạng là thế này đây! Bí Vàng ủ kín mấy củ khoai bốc khói nằm lặng yên dưới đáy dạ dày. Ngoại nghiêng vai nói khẽ, “Ba người mình chưa bị đày đi kinh tế mới là phúc đức bảy mươi đời đấy, cháu ạ!”

    Cậu nói giải phóng được dân tộc là đã đi được nửa bước. Nửa bước còn lại sẽ giải phóng luôn nhân loại. Thế-Giới-Đại-Đồng. Đoàn Kết & Quyết Thắng. Khi cậu lặp lại lời Bác, Bí Vàng nghe tiếng ộp oạp rống to bất thường của ễnh ương mẹ đang kiếm tìm ễnh ương con thất lạc trong đêm. Mưa to làm ngập ao, mất phương hướng. Bí Vàng run rẩy, răng va đập không ngớt. Ngoại bảo để yên cho cậu mộng tưởng. Cậu nói chỉ mình cậu tin/hiểu. Mộng tưởng làm cậu sinh tồn và tự sướng, miễn cậu không vác súng, dí dao, bật chốt lựu đạn bắt người khác nói theo, làm theo là được.

    Mái nhà chống đỡ những cơn mưa khác nhau đổ xuống từ trời. Bí Vàng thích ngồi trong nhà ngắm mưa hoặc ra hiên tắm mưa. Bí Vàng không muốn mưa lâu, vì mưa làm ướt tóc và da ngoại đang ngồi bán rau ngoài chợ. Bí Vàng cũng không muốn ra vườn hái bông và lá bí luộc chấm nước mưa pha muối hầm cho bữa ăn chiều. Hai nỗi lo sợ của Bí Vàng không ngăn được Marx dạy rằng... Lenin dạy rằng... Bác Hồ dạy rằng... Chúng ta phải khắc phục mọi khó khăn. Trong hoàn cảnh nào cũng không để sai quan điểm, mất lập trường... Cậu huyên thuyên bất tận. Con ngáo ộp có lúc phải ngưng 4 giây để thở nữa là... “Cứ chậm chân, lại nói mãi thế, không khéo chẳng còn cháo mà húp!” Ngoại nói, rồi chép miệng thở dài, “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!” Cậu là người chặt được cây, xẻ được ván, nhưng không đóng được thuyền. Bí Vàng đọc được những điều thầm kín này trong bụng ngoại. Giải phóng vào, tiểu tư sản là ai? Bí Vàng nhìn bà ngoại, bà ngoại nhìn cậu, cậu nhìn Bác Hồ, Bác Hồ nhìn Bí Vàng, Bí Vàng nhìn bà ngoại, bà ngoại nhìn cậu, cứ thế, xoay vòng. Ba người thật và một người không thật trong căn nhà không cửa, thông thống gió. Gió thổi tạt tiếng thở dài về phía lưng, phía Quá Khứ. Tài sản trong nhà là rế rách chổi cùn. Cậu kể Bác Hồ đã từng chu du nhiều nước ngoài, như Pháp, Mỹ, Liên Xô, Nhật, Trung Quốc. Cậu nói gì, bà ngoại nghĩ gì, cũng mặc. Sự kiện đã vượt lên khỏi đầu Bí Vàng. Bí Vàng vẫn tắm ao, vẫn nằm dưới giàn bí, vẫn ăn dần cuốn từ điển, vẫn âm thầm vái lạy Bác Hồ mỗi ngày vài bận: Giúp cho Cầu được Ước thấy Mơ rằng... một ngày nào đó, giải được cơn mộng và tránh trước được những gì đó không lành, không thật ở phía Tương Lai.

    Bí Vàng bắt hai con thằn lằn bỏ vào lon thiếc, đem chôn, sáng hôm sau đào lên, đầu hai con thằn lằn biến mất. Cậu bảo Bí Vàng đừng lo, cứ hái nắm đọt bí non, bằm nhuyễn hầm nước đáy ao đúng 7 ngày 8 đêm. Đợi thật nguội, bôi lên mặt, không phải để bớt đen, mà để da bớt lỗ chỗ như đá ong sau trận ốm làm hồn Bí Vàng suýt lìa khỏi xác. Mùa đậu mọc. Cậu nói. Lên rạ. Ngoại nói. Cái lon thiếc nhốt chặt những cơn ác mộng không cần thiết. Sau giấc ngủ trưa, Bí Vàng thức dậy, bọn trẻ trong xóm tụ tập trước nhà, đồng thanh hô to: Tay trắng tay đen tay ma rốc cốc keng tay bà già đen thui tay việt nam trắng bóc nấu chè đậu hũ! Chữ “hũ” vừa dứt, cả bọn quay người, tụt quần, chổng đít vào mặt Bí Vàng. Hai chữ xúc phạm to hơn trái núi đè nghẹt Bí Vàng thở hết được. Tóc Bí Vàng bỗng như ổ rắn lúc nhúc quấn chặt vào nhau. Bí Vàng muốn bóp cổ từng đứa, từng đứa một. Cậu từ trong nhà phóng ra với cái chổi, quất tứ tung vào người chúng. Cả bọn chạy tán loạn. Lần đầu tiên trong đời, Bí Vàng có được sự chở che.

    Trong thời chiến, thế giới đứng về phe miền Bắc, bởi tội nghiệp. Nay thời bình, thế giới đứng về phe miền Bắc, bởi thắng trận. Khuya qua, cậu quyết định về lại đất Bắc, nơi cậu rời xa trong thời chiến, nay trở về trong thời bình. Anh trở về b(đ)ại tướng cụt chân!

    Cậu đi rồi, Bí Vàng vẫn không cách chi nhớ được hình thể lá cờ để vẽ, chỉ nhớ nó có hai màu đỏ vàng. Bí Vàng nhớ tiếng ú ớ của cậu văng vẳng giữa trời trưa nắng rọi chói loà. “Chiến lược quân sự: Một thần tốc. Hai táo bạo. Ba bất ngờ. Bốn chắc thắng.” Bí Vàng không nhớ lúc bị ông bà Dậu chặt cẳng, cậu có lẩm nhẩm câu thần chú ấy không?

    Cậu đã về lại xứ Bắc của cậu. Cái lon thiếc nhốt hai con thằn lằn cũng biến mất trong ngày cậu rời nhà. Nước da Bí Vàng giờ đây phẳng lì, mướt mịn như rêu non ẩm ướt nằm ngoan sát rạt. Trước ngày đi, cậu dúi vào tay Bí Vàng que kem. Đường chanh đá tan dần giữa từng kẽ răng. Bí Vàng nhai nát que gỗ trong giấc ngủ. Những ngày hạnh phúc đang/sẽ lùi vào dĩ vãng khi Bí Vàng bằng tuổi cậu.

    Khi cậu không còn ở trong căn nhà này nữa, thì mùi lá cây-núi rừng-bom đạn-tử thi đồng đội lặng lẽ chui trở vào nằm sâu dưới đáy ba-lô. Chẳng biết trên đường trở về nhà, cậu có ghé lại công trường bạt núi, xẻ đồi vượt đèo, bụi mù kín mắt như cậu từng kể? Ngoại mấy ngày liền không ra chợ bán rau. Ngoại ngơ ngẩn vô ra như kẻ bị mất đi nửa người. Trong đêm, con mắt không chột của ngoại biến thành cái nút trên áo quan không thể gỡ. Bí Vàng nằm căng mắt ngó mặt trăng tưởng hòn than. Nền nhà u tối, nôn nóng chờ đợi phép nhiệm màu. Bí Vàng đổ lỗi tại nhà không có cửa nên cậu đã bay mất giữa trời trưa. Lần đầu tiên Bí Vàng tức giận, giơ chân đá mạnh vào căn nhà không cửa. Ngoại bảo cậu về lại bên kia là đúng. Cậu từ giã người thân yêu ruột thịt, cùng lời hứa hẹn, khi nào hoà bình sẽ về. Cậu đạt được ý nguyện và giữ đúng lời hứa. Nhưng để giữ đúng lời hứa, đạt được ý nguyện cậu phải hy sinh một cái cẳng. Đơn giản có thế. Cậu từng bảo với Bí Vàng rằng, nếu phải chết, cậu chỉ chết trong vinh quang. Giờ đây Bí Vàng nghĩ, con người sinh ra để sống đời mình chứ không nên trung thành với những người đã sống đời họ.

    Bí Vàng khám phá bài học đầu tiên và duy nhất sau ngày giải phóng là cười. Cười vào mọi thứ, mọi vật, mọi vấn đề, là xong. Như đưa tay tuốt da con rắn hổ mang một cách ngon ơ. Mỗi sáng sớm, Bí Vàng đi ra vườn, moi dưới gốc bí lên cuốn từ điển Anh Việt - Việt Anh. Lượm một chữ bỏ vào mồm nhai nát, nuốt ực xuống bụng, đợi tiêu hoá rồi bước vào nhà với nụ cười. Nụ cười đầy ắp tự tin, bản lĩnh, nhưng lại nằm trong trạng thái giằng co, như dữ dằn và hiền lương chẳng hạn. Dữ dằn và hiền lương đủ liều lượng khuất phục hoặc khống chế tất cả hài nhi trong xóm. Trạng thái giằng co chẳng khác chủ nghĩa tư bản vs. vô sản. Chiến tranh vs. hoà bình.

    Khi cậu chưa đến ở, ảnh Hồ Chí Minh chưa treo, mọi người trong xóm tự động đóng cái mộc trên trán Bí Vàng “Quỷ Con - Con Quỷ.” Quỷ đồng nghĩa không đẹp. Không đẹp tức là xấu. Mà đẹp thì đứa ngu nào cũng biết nó là giấy thông hành hạng nhất đi vào cõi nhân gian, vào kinh tế thị trường. Giờ đây, băng vải đỏ kẻ chữ vàng treo ngược đầu ngõ: Hoà Bình - Độc Lập - Giải Phóng - Thống Nhất mà Bí Vàng vẫn chưa lột xác. Gậy gộc dao kéo búa rìu dùi cui luôn chực chờ phóng đổ lên xác thân Bí Vàng. Kẻ thù là ai? Cả xóm đồng thanh hỏi, rồi đồng lòng chỉ ngay mặt Bí Vàng. Những lúc như thế, Bí Vàng chỉ biết về nhà, nằm úp mặt dưới giàn bí, ôm siết cuốn từ điển vào lòng, bởi trong cuốn từ điển, định nghĩa chữ Xấu không in khuôn mặt Bí Vàng.

    Ngoại tăng 20 tuổi sau ngày cậu rời nhà. Ngoại đi lui thay đi tới, nuốt chứ không nhai. Hai bà cháu bây giờ trở về với những ngày gió thông thốc thổi qua thổi lại trong căn nhà không cửa. Bí Vàng biết rõ là rất khó lòng, không thể coi như chưa từng có sự sống của cậu trong căn nhà này. Căn nhà giờ như địa vực không đáy. Đôi khi trong ngày, đâu đó, trong không gian toả ra luồng gió mang giọng nói, âm hưởng miền Bắc. Những chữ cuối không quên mang dấu sắc, vút cao, vút cao. Trước nghe vui tai, giờ nghe ngậm ngùi. Sáng trưa chiều tối, hai bà cháu sống với kỉ niệm có bóng cậu vụt hiện vụt biến. Cậu một chân lọc cọc vô ra, ra vô như thở. Nhớ nhiều hôm bóng đêm đè lên người cậu, cậu ú ớ một đỗi, rồi bịch nước trong mắt cậu vỡ oà. Cậu than rét quá! rét quá! dù cả xóm đang ngủ, tay ai cũng cầm quạt, quạt cho nhau. Vợ quạt chồng, chồng quạt con, con quạt mẹ, mẹ quạt bà, bà quạt ông, ông quạt cháu... Rồi có khi mặt trời đang đứng dạng háng trên đỉnh đầu, cậu cũng than rét quá! rét quá! Cái rét không để cậu yên thân được năm giây. Mỗi khi ngoại nghe cậu than như thế thì tưởng như có ai thò tay vào lòng ngoại bóp nát. Tình trạng kéo dài đến một lúc cả nhà cùng bị chứng mất ngủ. Phá vỡ giấc mơ hoà bình bằng những cơn ác mộng gãy vụn. Trong đêm khuya khoắt, mối mọt nhai gỗ rào rào làm bụng cả ba thót lại, sợ cột nhà không trụ vững qua đêm. Cậu phải về lại với cha mẹ đẻ, anh chị em cùng loại máu. Vô ý hay cố tình, cậu làm bà ngoại và Bí Vàng đôi khi nhìn, không nhận ra nhau.

    Bí Vàng tinh tế nhận ra chữ N của cậu đổi thành L. Và L của cậu tự động ngược lại thành N. Bí Vàng có cái tai rất thính. Hà Lam Linh. Thế nà thế lào? Bí Vàng nói điều này với cậu, cậu cười, kéo dài sợi tóc Bí Vàng, “Ô rau ngô đây! Thế quả ngô đâu nhể?” Hai cậu cháu cười giòn trong nắng vàng hanh. Bí Vàng không muốn cậu ngồi tư lự hàng giờ nhìn bóng đêm trần trụi, mặc dầu lúc ấy là lúc cậu Thật nhất. Cậu tiếc nhớ cái cẳng đã bị hàng triệu con kiến con sâu con bọ chét con ruồi con nhặng... chia đều gặm nhấm trong sự bình an, tuyệt đối không lời qua tiếng lại. Thống nhất đất nước chung, cậu mất cái cẳng riêng. Hoà bình, bà ngoại & Bí Vàng có cậu. Và hoà bình, Bí Vàng & bà ngoại mất cậu. Đêm trước ngày cậu đi, bầu trời ẩm ướt, nồng nặc nước tiểu trẻ con. Xác muỗi chết trôi, chẳng biết dạt về phương nào?

    Cậu đã chữa lành một số bệnh nhân trong xóm bằng phương thuốc gia truyền. Từ suy nhược thần kinh, nhồi máu cơ tim, đặc đờm tiểu nhắt, loét bao tử đến chốc da đầu. Khi bị bệnh, họ tìm đến cậu, khi hết bệnh, họ quên phứt cậu. Một bữa có người đàn ông giàu sụ ở tỉnh phát hiện bọng đái bị căng phồng đỏ ối như ruột dưa hấu. Ông nhất định không uống thứ nước bông bí vàng, rễ bí non nghiền nát hầm với nước đáy ao. Ông không tin thuốc gia truyền của cậu, mặc dù cháu gái ông mụn nhọt mọc đen nhẻm như mè rắc, chỉ uống hai lần thứ nước này là da mượt mà láng mịn. Ông nhất định chỉ uống nước đái con trai đầu lòng 9 tháng tuổi pha với 9 giọt nước mắt bà già đồng trinh chột một mắt. Ông hứa trả ngoại số tiền mà ngay cả trong giấc mơ ngoại-cậu-Bí Vàng gộp lại cũng không thể thực hiện được. Ông cũng hứa sẽ cho ba người ngày ăn ba bữa no nê trong ba ngày. Ba ngày sau, ba người vẫn tiếc hùi hụi những bữa ăn no hụt, bởi mắt ngoại vắt không ra được 1 giọt, lấy chi 9 giọt. “Bà ngoại tôi chỉ chắc chân mạnh tay, lòng dạ tử tế thôi.” Bí Vàng chống chế trong sự van nài. Sau khi ông giàu sụ rời khỏi xóm, nền nhà bỗng chao đảo. Ngọn gió nào đã luồn vào trong nhà rồi thì không thể luồn ra ngoài được nữa. Bà ngoại cậu Bí Vàng đi đứng nói năng khẽ khàng, sợ tiếng động mạnh sẽ làm cột nhà gãy đổ, vách phên vỡ vụn. Nhưng cũng may, hiện tượng kì quái chỉ kéo dài đúng 3 ngày

    Ngủ dậy, da mu tay Bí Vàng loang lổ như màu ngày màu đêm tranh giành xí chỗ. Bí Vàng cảm thấy mình đang mất dần mình. Bí Vàng đi ra vườn, ngắt bông bí héo và ọt lá bí non, nhảy ùm xuống đáy ao múc gáo nước, trở vào nhà đốt củi nấu ba tiếng. Khi nước rút, lấy bã đắp lên mu tay. Đúng ba giờ chiều, da mu tay trở lại bình thường, Suốt ngày hôm sau, Bí Vàng vô ra lẩm bẩm cám ơn cậu cám ơn cậu cám ơn cậu không ngớt. Cậu đi, để lại ảnh Bác, cùng lời dặn rằng, “Mỗi khi nhìn Bác, cháu nhớ đến cậu nhé. Cậu chỉ ước được thế.” “Nam mô hồ chí minh bồ tát.” Bí Vàng chắp tay khấn.

    Sau ngày cậu đi, nhà lúc nào cũng luông tuồng gió, nhưng không thể bắt giữ được ngọn gió nào. Đôi khi giữ được âm thanh lọc cọc của chiếc nạng gắng gõ khẽ khàng trong từng bước di chuyển của bàn chân còn lại. Móng chân cậu xé còn rơi vãi trên nền. Móng chân xé của cậu mọc dài theo từng ngày, thế mà đi tiểu đêm, hai bà cháu chưa hề giẫm đạp. Bí Vàng nhớ một lần cậu dúi vào tay Bí Vàng nắm cơm vắt. Bí Vàng bốc ăn từng hột, và đếm được 109 hột. Cậu tâm sự trong tiếng nấc cục, “Đời cậu có hai niềm tự hào. Một là đi bộ đội. Hai là được sanh ra cùng quê với Bác.” Khi nghe cậu nói, Bí Vàng thấy cậu chẳng giống Bác chút nào khi về già.

    Hai nách ngoại sưng tấy, đỏ hơn trái cà chua căng chín. Bí Vàng sợ hãi. Lần đầu tiên kinh nghiệm Lẻ Loi - Trơ Trọi - Cô Quạnh xâm chiếm. Quay đi đâu cũng chỉ mình đụng mình. Nước ở mắt lai láng, nước ở háng đầm đìa. Bí Vàng không dám cho ngoại biết, chỉ muốn đập nát cái màu đêm đen dằng dặc có bóng hình mình đồng loã nỗi sợ hãi. Bí Vàng nghĩ đến lỗ sâu chôn một người ngủ hoài ngủ huỷ không chịu dậy để ngồi đi đứng như thường ngày. Sẽ chẳng bao giờ. Bí Vàng chạy ù ra sân, nhào xuống ao, nằm sâu dưới đó. Khi trồi lên, người Bí Vàng khô ráo nhưng bụng buồn rười rượi. Bí Vàng đi lại giàn bí, bưng mặt nằm sấp. Giàn bí héo dần trong tròng mắt Bí Vàng mà vòm trời vẫn cong vòng xanh lơ. Đột nhiên mưa rơi ầm ĩ. Nước mắt/đái Bí Vàng tuôn theo dòng chảy của mưa. Bí Vàng vội chạy ù vào nhà, thần chết giạng chân vòng tay ngó ngoại đang quằn người rên hư hử. Bí Vàng cố canh không cho thần chết đến gần người ngoại. Ngoại khẽ nhắc ngón tay, ra dấu Bí Vàng lại sát gần ngoại hơn, hơn, hơn nữa. Ngoại gắng thì thào từng chữ, từng chữ một vào tai Bí Vàng, “Đừng để bất kì ai... kẻ khốn nạn nào... thích thú cười khi thấy cháu khóc. Nhưng, cháu muốn khóc thì cứ khóc. Luôn nhớ rằng: khi nắng lên, sẽ xoá tan màn đêm. Cháu là người lớn, nhưng đang còn nhỏ. Đừng gọi bà là ngoại nữa... chẳng nên tiếp tục phân biệt trong/ngoài – nội/ngoại. Chỉ chữ bà là được, là đủ, là đúng, là hiểu, cháu nhá!”

    Last edited by Duy_Khang; 04-17-2011 at 01:36 AM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •