Độc lạ hội chợ rau củ quả khổng lồ tại Alaska



Hội chợ bang Alaska nổi tiếng khắp thế giới là nơi trưng bày những loài rau củ quả khổng lồ khác thường. Điều kỳ diệu này được các chuyên gia tiết lộ là nhờ ánh sáng mặt trời.



Hội chợ Alaska được tổ chức hàng năm ở Palmer, nằm cách thủ phủ Anchorage 68 km về hướng đông bắc. Hội chợ nổi tiếng khắp thế giới bởi đây là nơi nông dân tại thung lũng Matanuska-Susitna trưng bày những loài rau củ quả khổng lồ.



Bắp cải nặng 138 pound, dưa đỏ 65 pound và bông cải xanh 35 pound chỉ là một trong số những loài rau củ quả khổng lồ được trưng bày tại hội chợ trong những năm gần đây.



"Một số loại rau củ quả phát triển khổng lồ đến mức, bạn thậm chí không thể nhận ra chúng là gì", giám đốc cây trồng của hội chợ, Kathy Liska cho biết.



Steve Brown, một đại lý nông nghiệp tại Đại học Alaska Fairbanks, người cũng phục vụ trong ban giám đốc của hội chợ, cho biết ánh nắng mặt trời vào mùa hè mang lại cho người trồng trọt ở Alaska một lợi thế.



Alaska không có những buổi đêm dài trong suốt thời gian gieo trồng.
Với 20 giờ nắng mỗi ngày, cây trồng ở Alaska nhận được nhiều sự quang hợp hơn, cho phép chúng phát triển với kích thước lớn hơn bình thường và đơm hoa kết trái nhiều hơn.



Việc được bổ sung nhiều ánh sáng mặt trời cũng làm cho sản phẩm ngọt hơn. Brown nói: “Mọi người thường ăn thử cà rốt của chúng tôi ở đây và họ nghĩ rằng chúng tôi đã cho đường vào chúng."




Brown, người dạy về trồng cây khổng lồ cho biết, chọn đúng giống cũng quan trọng như thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.




Người trồng rau hàng đầu ở Palmer như Scott Robb, người mà Brown gọi "Einstein" trong lĩnh vực này, đã dành nhiều năm thử nghiệm các giống khác nhau để giành được giải thưởng. Ông cho rằng: "Nếu bạn không có hạt giống di truyền phù hợp, bạn sẽ không bao giờ thu được những loại quả khổng lồ."



Những người trồng rau củ quả khổng lồ bắt đầu gieo hạt vào tháng Giêng, dưới ánh đèn trồng trong nhà kính. Trong nhiều tháng, họ chăm sóc và chuyển cây của mình vào các chậu khi chúng ngày càng lớn hơn. Đến tháng 5, cây được chuyển ra trồng bên ngoài khi mặt đất đủ ấm.



Trong thời gian chờ đợi diễn ra hội chợ, người trồng phải bảo vệ rau của họ. Robb nói rằng sẽ thức cả đêm để bảo vệ rau của mình khỏi những con nai sừng tấm đói bụng.



Việc trồng trọt ở Thung lũng Matanuska-Susitna ban đầu bắt đầu như một thử nghiệm vào những năm 1930 để tăng sản lượng nông nghiệp của Mỹ trong thời kỳ Đại suy thoái.




Nhưng việc thiếu cơ sở hạ tầng và không có sẵn các nguồn cung cấp cơ bản đã làm nản lòng những người định cư. Đến năm 1940, hơn một nửa dân số rời khỏi thung lũng. Năm 1965, chỉ còn lại 20 gia đình. Mặc dù khi đó trồng trọt không thành công rực rỡ nhưng đã trở nên ổn định đủ để cung cấp thực phẩm và chăn nuôi.




Từ đó, cư dân trong khu vực tăng đáng kể, thung lũng Matanuska trở thành khu vực sản xuất nông nghiệp chính ở Alaska.