.

"Vạn Thế Sư Biểu" Nhìn Từ Phương Tây

Đàm Trung Pháp





Từ trên hai ngàn năm nay, người Trung Hoa và các dân tộc Á Châu khác chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Triều Tiên, và Việt Nam đã sống trong một trật tự xã hội lấy triết lý Khổng giáo làm nền tảng. Triết lý nhân bản này chú trọng đến mối giao hảo giữa con người và con người, và dạy dỗ con người cung cách sống trong đạo lý, hòa hợp và thái bình. Vì những công đức vĩ đại đó, người Trung Hoa đã tôn vinh Khổng Phu Tử là "Vạn Thế Sư Biểu" và "Chí Thánh Tiên Sư", một danh dự tuyệt vời đã làm lu mờ cả những thánh nhân và minh quân đã ra đời trước ngài như Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, và Vũ Vương.

Tuy nhiên, chúng ta ít khi nghe đến thế giới phương Tây nghĩ gì về thánh nhân họ Khổng. Trong tập khảo luận mang tên WHY CONFUCIUS HAS BEEN REVERENCED AS THE MODEL TEACHER OF ALL AGES (St. John's University Press, 1976), tác giả Li-fu Chen cho biết một số nghiên cứu gia gồm các sắc dân Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nga, Pháp đã viết về thân thế và sự nghiệp Khổng Tử kể từ năm 1688 trở đi, với các tác phẩm sau đây viết về "Vạn Thế Sư Biểu" được coi là đáng kể hơn cả: CONFUCIUS UND SEINE LEHRE (Von Der Gabelentz viết năm 1888 tại Đức Quốc), The GREAT TEACHER (G. G. Elexander viết năm 1890 tại Anh Quốc). Tóm lại, phương Tây mới chỉ chánh thức biết đến vị "Thầy Học Mười Ngàn Thế Hệ" của phương Đông từ cuối thế kỷ 17 trở đi.

Giới trí thức phương Tây khi nghiên cứu về Khổng giáo thường dùng phương tiện phiên dịch Tứ Thư và Ngũ Kinh sang ngôn ngữ của họ, hoặc viết về cuộc đời Khổng Tử như một hiền triết bậc nhất của nhân loại, hoặc so sánh triết lý Khổng Tử với các nền triết lý nhân bản khác trên thế giới. Theo sử gia Hoa Kỳ Will Durant trong cuốn sách đồ sộ THE AGE OF VOLTAIRE của ông thì triết gia François Marie Arouet Voltaire (1694-1778) người Pháp đã vô cùng ngưỡng mộ hiền triết họ Khổng và đã có công truyền bá tư tưởng Khổng giáo vào giới trí thức nước Pháp thời đó. Triết gia kiêm bách khoa tự điển gia Voltaire ca ngợi Trung Hoa là quốc gia cổ nhất, đông dân nhất, và được cai trị hoàn hảo nhất trên trái đất này. Điều mà Voltaire ngưỡng mộ hơn cả về Khổng giáo chính là ý niệm "đạo đức có thể khả thi mà không phải tùy thuộc vào một tôn giáo siêu nhiên".

Vẫn theo lời sử gia Durant, Voltaire và một vài triết gia người Pháp khác nữa đã sẵn sàng "phong thánh" ("canonize") cho Khổng Tử, nhà hiền triết "đã dạy cho dân chúng những nguyên lý đạo đức 500 năm trước khi Thiên Chúa giáo ra đời". Trong khi đó, triết gia kiêm toán học gia Gottfried Wilhelm von Leibniz (1646-1716) lẫy lừng tên tuổi của nước Đức - người đã từng dùng toán và siêu hình học để chứng minh Thượng Đế chính là Đấng Vô Cùng đã tạo ra vũ trụ - rất cảm phục lý thuyết về vũ trụ mà KINH DỊCH đã làm sáng tỏ. Leibniz cho rằng vũ trụ quan trong cuốn sách ấy đã hoàn toàn hòa hợp với thực thể của vũ trụ, trong đó tất cả mọi vật đều biến đổi không ngừng. Chính Leibniz cũng đã đề nghị xã hội phương Tây nên mở cửa ra để đón lấy những luồng gió triết lý Á Đông đầy nhân tính và bắt đầu một cuộc trao đổi văn hóa giữa Đông và Tây. Và trong lịch sử cận đại Hoa Kỳ, có lẽ cố Ngoại Trưởng John Foster Dulles (1888-1959) là người Mỹ đầu tiên chánh thức tỏ lòng ái mộ Khổng Tử. Giữa thập niên 1950, Dulles đã tuyên bố rằng một trong những mục tiêu ngoại giao của nước Mỹ là phải bảo toàn nền văn hóa Trung Hoa mà tinh túy là Khổng giáo, và ông cũng tố cáo cái manh tâm của chế độ Mao Trạch Đông muốn diệt trừ Khổng giáo để thay vào đó giáo điều Mác-Lê.

Trong lãnh vực giáo dục, mấy ai co thể ngờ rằng "Cửa Khổng" hàng ngàn năm về trước đã là nơi cho áp dụng những nguyên tắc giáo dục nhân bản tuyệt diệu mà nước Mỹ giờ đây đang hô hào thực hiện? Quả thực, học giới nước MỸ ngày nay rất ngưỡng mộ triết lý giáo dục Khổng Tử, nhất là các nguyên tắc sau đây:

(1) GIÁO HUẤN KHÔNG PHÂN BIỆT GIAI CẤP:

Khổng Tử có một niềm tin vững mạnh vào sự bình đẳng và bản chất có thể dạy dỗ được của tất cả mọi người. Trong sách LUẬN NGỮ, ngài nói "Trong giáo dục, không hề có phân biệt giai cấp" ("Hữu giáo, vô loại", Thiên Vệ Linh Công, Chương 38), và "Từ người chỉ có thể mang cho ta gói nem khô trở lên, ta chưa hề từ chối giáo huấn một ai" ("Tự hành thúc tu dĩ thượng, ngô vị thường hối yên", Thiên Thuật Nhi, Chương 7). Hành động đầy nhân nghĩa này của ngài như thể đã xác định căn nguyên cho nền giáo dục đại chúng của nhân loại. Ngài cũng chủ trương một học đường lúc nào cửa cũng mở để đón nhận học trò, và điều kiện duy nhất để được nhập học là phải có lòng hiếu học. Trong mọi đệ tử, ngài đều tìm thấy một tiềm năng học vấn, và ngài nhất quyết giúp mọi môn sinh trở thành con người toàn diện. Hiện nay, một trọng trách của giáo chức Mỹ là phải có "ước vọng cao" ("high expectations") cho từng học trò và phải tin tưởng rằng "học trò nào cũng có thể học được" ("every student can learn"). Đó chính là điều Khổng Tử đã làm 25 thế kỷ về trước để mong xây dựng lại một nước Trung Hoa đang phân hóa và bạc nhược.

(2) GIÁO DỤC ĐỒNG NGHĨA VỚI PHONG CÁCH XỬ THẾ:

Theo Khổng Tử, kiến thức đồng nghĩa với sự thông thái về cách xử thế, một đức tính cần thiết để mang lại một đời sống tốt đẹp cho cá nhân và xã hội. Do đó, mục đích chính của nền giáo dục Cửa Khổng Sân Trình là huấn luyện cho con người cách xử thế để có thể sống hòa hợp với đồng loại, bất kể ở gần hay xa, cao hơn hay thấp hơn mình trong giai tầng xã hội. Trách nhiệm của người thầy không phải chỉ để truyền bá kiến thức mà còn phải có một tiêu chuẩn lý tưởng về đạo đức để còn có thể trau giồi tư cách học trò mình. Trong sách TRUNG DUNG, Khổng Tử viết "Trí, nhân, và dũng là ba đức tính có thể ràng buộc con người khắp nơi vào với nhau" Triết lý giáo dục nhân bản cao thượng này đang vang lên như một sứ điệp thiêng liêng cho các xã hội tân tiến đang bị các tệ đoan vật chất đe dọa và đang tìm cách dạy dỗ thanh thiếu niên trở về với bản chất thiện tâm qua nỗ lực "giáo huấn tư cách" ("character education").

(3) CÁ NHÂN HÓA PHƯƠNG THỨC GIẢNG HUẤN:

Các xã hội tân tiến ngày nay đều đồng ý là muốn thăng tiến giáo dục, phương thức giảng huấn phải được "cá nhân hóa" ("individualized") để giúp mọi học trò thành công. Trong sách LUẬN NGỮ, Khổng Tử xác định "Đối với những người có tư chất từ bậc trung trở lên thì mới có thể nói đến những điều cao xa; đối với những người có tư chất từ bậc trung trở xuống thì không thể nói những điều cao xa" ("Trung nhân dĩ thượng, khả dĩ ngữ thượng dã; trung nhân dĩ hạ, bất khả dĩ ngữ thượng dã", Thiên Ưng Dã, Chương 19). Nhà giáo lỗi lạc Dương Quảng Hàm trong cuốn VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU (xuất bản năm 1941) đã viết như sau về khoa sư phạm của Khổng Tử: "Trong các lời khuyên dạy, chuyện trò với học trò, ngài tỏ ra là một ông thầy hiểu thấu tâm lý học trò và khéo làm cho lời dạy bảo của mình thích hợp với trình độ cảnh ngộ của mỗi người". Phương cách giảng huấn nhân bản tuyệt luân này có thể được coi là tiền thân của các chương trình học đặc biệt căn cứ vào từng khả năng cá biệt của từng học trò mà ngày nay học đường Hoa Kỳ mệnh danh là "independent study, self-paced instruction, gifted and talented program, laureate program", vân vân.

(4) SUY TƯ CHÍN CHẮN:

Giáo giới các cấp nước Mỹ ngày nay đều ao ước các học sinh và sinh viên có được "khả năng suy tư chín chắn" ("critical thinking skills") để thấu đáo, quán triệt việc học. Khổng Tử luôn luôn đòi hỏi các môn sinh của ngài làm việc đó. Ngài dạy điều gì cũng để cho học trò phải cố sức suy nghĩ tìm tòi lấy, khi nào xem chừng đã gần hiểu được thì ngài mới chỉ bảo cho. Lời ngài cho môn sinh, ghi trong sách LUẬN NGỮ, là "Ta không mở sự thực cho kẻ không hăng hái học, không giúp kẻ không sốt sắng tự giải. Khi ta trình bầy một góc cạnh của một vật cho ai mà người đó không thể từ đó học ba góc cạnh kia, ta không nhắc lại bài học nữa" ("Bất phận, bất khải, bất phỉ, bất phát; cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã", Thiên Thuật Nhi, Chương 8). Cũng trong sách đó, ngài nói "Học mà không suy nghĩ thì như không có học; suy nghĩ mà không có học thì nguy" ("Học nhi bất tư tắc võng; tư nhi bất học tắc đãi", Thiên Vi Chính, Chương 15), và ngài đòi hỏi môn sinh phải có một thành tín trí thức, tức là "Điều gì biết được thì nói là mình biết, điều gì không biết được phải nhận là không biết; đó là biết vậy" ("Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri; thị tri dã", Thiên Vi Chính, Chương 17).

Dưới mắt người phương Tây, Khổng Phu Tử là một nhà hiền triết vĩ đại, một nhà giáo vượt thời gian và không gian. Không ai có thể phủ nhận được những tương đồng thần kỳ giữa những điều mà ngài áp dụng cho môn sinh 25 thế kỷ về trước và những mục tiêu giáo dục hiện đại tại Hoa Kỳ cũng như tại các xã hội tiền tiến khác. Sự thực hiển nhiên này lại càng làm tăng thên uy danh cho tước hiệu cao quý "Vạn Thế Sư Biểu" mà người phương Đông đã dùng để tôn vinh và tri ân ngài.