TP.HCM: Chuỗi lây đã lan rộng ngay giữa những người đã tiêm vắc-xin


Trước việc số lượng lớn nhân viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) khi đã tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin COVID-19 AstraZeneca, giới y tế Việt Nam khẳng định không có vắc-xin có tỷ lệ bảo vệ 100%, việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có tác dụng nếu bị nhiễm bệnh thì làm sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn.

Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý, chuỗi lây 59 ca (55 người trong bệnh viện và 4 người có liên quan) cho thấy virus này trong thời gian ngắn đã lây nhiễm khá nhanh ngay giữa những người đã tiêm vắc-xin.



Phong tỏa nơi ở của 2 nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM nhiễm COVID-19, ở quận 8, sáng 13/6. (Ảnh: HCDC)

Tính đến sáng 14/6, số ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tăng lên 55 ca dương tính, tăng thêm 2 so với hôm qua (xét nghiệm Real-time RT-PCR).

Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Trường Sơn nói vào sáng 13/6: “Việc chích đủ liều của vắc-xin, kể cả sau khi 2 mũi thì hiệu giá bảo vệ chỉ mang ý nghĩa khi chúng ta bị nhiễm bệnh thì có thể bị nhiễm bệnh nhẹ hơn và không bị trở nặng. Chứ việc bảo vệ hoàn toàn chống lại virus thì hiện giờ chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu kỹ“, báo Thanh Niên dẫn phỏng vấn trực tiếp khi ông này vào chỉ đạo việc ngăn ngừa dịch lây lan tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Theo đó, ông Sơn cho biết giới y tế vẫn khuyến cáo tất cả người dân, kể cả nhân viên y tế, khi đã được tiêm đủ 2 mũi thì vẫn phải đảm bảo thực hiện 5K.

Tối cùng ngày, trang web của Bộ Y tế dẫn bài từ báo Gia Đình Net, trong đó, ông Sơn nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không nên đánh đồng việc tiêm chủng 2 lần với tác dụng bảo vệ không mắc COVID-19”.

Ông cho hay theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các hãng sản xuất vắc-xin, việc tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin COVID-19 và sau một khoảng thời gian tạo miễn dịch cho cơ thể thì hiệu quả cao nhất mà vắc-xin mang lại là nếu người được tiêm không may mắc COVID-19 thì sẽ mắc ở mức độ nhẹ hơn. Nguyên tắc 5K (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế) một lần nữa được nhấn mạnh như một giải pháp phòng ngừa để tránh dịch lây lan.

Hiện tại, sáng 14/6, đại diện giới y tế TP.HCM – ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP công bố lượng virus trong cơ thể các ca nhiễm bệnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM rất thấp, và cho rằng có thể là do tác dụng của tiêm 2 mũi vắc-xin trước đó.

Tuy nhiên, các ý kiến không đề cập tới việc chuỗi lây đã lan rộng ra 55 người trong bệnh viện và 4 người có liên quan (vợ và 2 con của một nhân viên; người vợ lây cho 1 đồng nghiệp cùng làm việc tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định) trong thời gian ngắn. Điều này cho thấy những người đã tiêm vắc-xin bị nhiễm virus, sau đó tiếp tục lan sang những người khác, trong đó có nhiều người đã tiêm vắc-xin. 53 nhân viên tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm xong mũi 2 vào cuối tháng 4/2021, còn 2 nhân viên tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 1 vào cuối tháng 4/2021, đều cùng cách đây 7 tuần.

Ngoài ra, thời hạn để vắc-xin phát huy tác dụng là bao lâu cũng là một điều công luận quan tâm. Chuỗi lây tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM được nghi ngờ có nguồn lây từ chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân). Ca nhiễm đầu tiên tại chung cư này được phát hiện hôm 30/5, ca mới nhất phát hiện vào chiều 13/6, còn nhân viên đầu tiên của bệnh viện có triệu chứng và được xét nghiệm sàng lọc (ngày 11/6), người này làm việc cùng với ca nhiễm ngụ tại chung cư Ehome 3. Thời gian giữa hai cụm dịch này là khoảng 13 ngày, nếu tính từ hai ca chỉ điểm đầu tiên. Còn thời gian 53 nhân viên đã hoàn thành tiêm cho tới khi phát hiện bị nhiễm virus là 7 tuần.

Một nghiên cứu do Y tế Công cộng Anh (Public Health England) thực hiện, BBC ngày 23/5 đưa tin, cho biết trong ba tuần đầu sau mũi tiêm đầu tiên, vắc-xin AstraZeneca chỉ có hiệu quả 33% đối với biến thể từ Ấn Độ và 50% với biến thể từ Anh (vắc-xin Pfizer có hiệu quả tương tự).

Hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả 60% trong việc ngăn chặn các triệu chứng bệnh của người nhiễm biến thể từ Ấn Độ, và 66% hiệu quả đối với biến thể từ Anh (tỷ lệ này đối với vắc-xin Pfizer lần lượt là 88% đối với biến thể từ Ấn Độ, và 93% đối với biến thể từ Anh).

Theo đó, trong trường hợp virus Vũ Hán là biến thể Ấn Độ và biến thể Anh, thì tỷ lệ hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca tối đa là 60-66%. Và thời gian để vắc-xin này đạt hiệu quả ngăn ngừa virus phát triển và gây thành bệnh ít nhất cần 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.

Quay trở lại với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, với mức độ căng thẳng hiện đối diện, trong buổi họp sáng 14/6, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM chọn phương án kéo dài thời gian giãn cách toàn thành phố thêm 2 tuần theo Chỉ thị 15 (bao gồm cả quận Gò Vấp và quận 12).

Trang Zing tường thuật từ buổi họp, cho hay ông Phong thừa nhận chuỗi lây mới “thủng ngay từ nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM chứ không ở đâu cả”. Do đó, ông Phong yêu cầu xem lại công tác kiểm soát, nhắc nhở các sở, ngành, quận, huyện, TP… “không để xảy ra trường hợp như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM”, còn Sở Y tế TP cần đánh giá lại tình hình coi sao.


Nguyễn Quân