Mùa hè ở Mỹ nóng đến 57 độ



Từ những vùng lạnh giá đến oi bức, kỷ lục nhiệt độ được ghi nhận ở nhiều tiểu bang ở Mỹ như California, Arizona, Neveda... trong mùa hè.


Alaska (38 độ C): Alaska được coi là bang lạnh nhất của Mỹ, với nhiệt độ trung bình năm là -3 độ C, theo Trung tâm Dữ liệu Thời tiết Quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 6 đến tháng 9, Alaska có mức nhiệt khá cao trong ngày, tầm 38 độ C. Theo các nhà khoa học, Alaska đang nóng lên với tốc độ gấp đôi trung bình toàn cầu. Nguyên nhân của hiện tượng này là băng tan nhanh và Bắc Băng Dương nóng lên, ảnh hưởng tới động vật hoang dã, dân cư cũng như kinh tế của bang.


Vermont (42 độ C): Đây là một trong những bang sở hữu phong cảnh thiên nhiên ấn tượng nhất xứ cờ hoa. Nơi đây nổi tiếng với khu rừng lá phong, những sườn núi ngoằn ngoèo đường mòn và dốc trượt tuyết. Vào 7/7/1912, nhiệt độ nơi đây tăng cao đến 42 độ C, khiến du khách hạn chế tham gia nhiều hoạt động dã ngoại ngoài trời.



Delaware (43 độ C): Là tiểu bang nhỏ thứ 2 của Mỹ, Delaware có nhiệt độ khá dễ chịu nhờ vị trí giáp sông, biển và vùng vịnh. Với nhiệt độ trung bình trong tháng mùa hè là 29 độ C, Delaware thu hút các tín đồ du lịch biển. Tận hưởng nắng ấm trên những bãi biển lộng gió, đi dạo bên cồn cát là những trải nghiệm được yêu thích vào mùa hè tại đây. Tuy có khí hậu tương đối mát mẻ, vào 7/1930, mức nhiệt cao đến 43 độ C từng được ghi nhận ở Millsboro, Delaware.



Minnesota (46 độ C): Tiểu bang vùng Trung Tây của Mỹ có thời tiết mùa hè khá nóng nực. Kỷ lục nhiệt độ tới 46 độ C đã được xác lập ở phía tây thành phố Beardsley vào 7/1917. Minnesota được du khách yêu thích bởi cảnh sắc hoang sơ cùng các khu dã ngoại ngoài trời. Đi rừng, bắt cá, chèo thuyền, cắm trại là những hoạt động lý thú được dân phượt yêu thích tại đây.



New Mexico (50 độ C): Ngày nóng nhất của Mexico vào 6/1994, lên đến 50 độ C, được ghi nhận tại một nhà máy xử lý chất thải phóng xạ bên ngoài Carlsbad. Bang phía tây nam của Mỹ được biết đến với cảnh quan sa mạc, khí hậu khô cằn và mùa hè oi bức. Tuy nhiên, mức nhiệt trung bình hàng năm tương đối có thể kiểm soát được, khoảng 36 độ C.


Arizona (53 độ C): Mức nhiệt cao kỷ lục của Arizona là 53 độ C, được ghi nhận ở hồ Havasu City vào 29/6/1994. Bang phía đông nam của Mỹ được biết đến với khí hậu sa mạc. Hàm lượng vi khuẩn gây hại sẽ cao hơn khi nhiệt độ nước biển tăng cao là lý do các bãi tắm tại đây hạn chế đón khách vào mùa hè. Đồng thời, du khách cũng không thể tắm nắng hay đi bộ trên cát bỏng rát.


California (57 độ C): California giữ kỷ lục về nhiệt độ nóng nhất ở Mỹ với 57 độ C, được thiết lập vào 7/1913 tại Furnace Creek ở Thung lũng Chết. Thung lũng Chết nổi tiếng là một trong những nơi nóng nhất trên trái đất, không một loài động thực vật nào có thể sinh sôi phát triển được và con người cũng hiếm khi lui tới đây.



Theo Love Exploring