Ba người ở Quảng Ngãi bị bắt vì các bài viết ‘xâm phạm’ trên Facebook



Hôm 30/6, công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giam ba người vì cho rằng họ đã sử dụng mạng xã hội để “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.”

Báo Quảng Ngãi loan tin rằng ông Bạch Văn Hiền, 34 tuổi, ông Phùng Thanh Tuyến, 38 tuổi, và ông Lê Trung Thu, 41 tuổi, cùng ở TP. Quảng Ngãi, đã đăng tải trên Facebook nhiều thông tin, tài liệu có nội dung “xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.”

Báo Pháp luật Online (PLO) dẫn lời nhà chức trách cho biết ba người này đã “xâm phạm” lợi ích của Toà án, Công an, Quân đội, Thanh tra, VTV, Tuyên giáo và cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Báo Quảng Ngãi dẫn lời đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an Quảng Ngãi, nói: “Mặc dù đã được lực lượng An ninh Công an tỉnh Quảng Ngãi gọi hỏi, răn đe, cảnh báo, song những đối tượng này đều phớt lờ, thậm chí còn thách thức pháp luật.”



Hai người bị công an Quảng Ngải bắt vì viết bài trên Facebook. Photo Quang Ngai TV

Trong diễn biến liên quan, hôm 30/6, chính quyền Hà Nội đã bắt giam nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn gọi là Lê Dũng Vova, với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.” Tổ chức nhân quyền Article 19 ở Anh đã lên tiếng quan ngại việc bắt ông Dũng, gọi đó là việc sách nhiễu những tiếng nói độc lập.

Vào đầu năm 2021, Cơ quan nhân quyền Liên Hợp Quốc lên tiếng cáo buộc Việt Nam vi phạm Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị bằng các kìm hãm quyền tự do ngôn luận.

Cơ quan của LHQ lo ngại về việc sử dụng “những điều luật được định nghĩa mơ hồ” ở Việt Nam để “giam giữ một các tuỳ tiện ngày càng nhiều các nhà báo, blogger, những người đưa ra ý kiến bình luận và những người bảo vệ nhân quyền.”

Việt Nam hiện bị xếp thứ 175 trong số 180 quốc gia trên thế giới trong bảng xếp hạng về “Chỉ Số Tự Do Báo Chí năm 2020” do tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới công bố hồi cuối tháng 4.

Nhà nước Việt Nam nói rằng “Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người.”

Bộ Ngoại Việt Nam vào tháng trước khẳng định tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam vẫn được thể hiện rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và nội dung của báo chí Việt Nam, và rằng có đến hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng mạng Internet và mạng xã hội quốc tế và trong nước.

Theo VOA