TP.HCM chi 3,9 tỷ đồng hỗ trợ người yếu thế, khó khăn vì COVID-19



Từ ngày 27/4 đến trưa 11/7, TP.HCM ghi nhận 12.658 ca mắc virus Vũ Hán, đang là ổ dịch lớn nhất tại Việt Nam.



TP.HCM chi 3,9 tỷ đồng hỗ trợ người yếu thế, khó khăn vì COVID-19. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Hôm 10/7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu cho biết, Ban vận động tiếp nhận và phân phối Quỹ phòng dịch COVID-19 TP.HCM sẽ chi 3,9 tỷ đồng để hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người yếu thế, khó khăn trong giai đoạn thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16. Mỗi phần quà nhu yếu phẩm là 300.000 đồng/người.


Theo đó, TP sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi quận cho các quận 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận; hỗ trợ 200 triệu mỗi quận, huyện cho các quận 6, 8, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và các huyện; hỗ trợ 500 triệu cho TP. Thủ Đức.

Cũng trong hôm 10/7, liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán tại TP.HCM, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết từ ngày 6/7 đến nay, thành phố đã triển khai hỗ trợ khoảng 40.000 người (trong tổng số 230.000 lao động tự do) nằm trong gói hỗ trợ 886 tỷ đồng cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (1,5 triệu đồng/người).

Riêng nhóm bán vé số dạo, với khoảng 20.300 người đã được hỗ trợ hết. Trong đó, có khoảng 8.000 người từ các tỉnh vào TP.HCM để tạm trú, cư trú hợp pháp.

Ngoài ra, Sở cũng đề xuất với UBND TP.HCM hỗ trợ 34.000 xe ôm truyền thống hai bánh (trừ xe công nghệ), xe xích lô chở khách bị mất việc làm, gặp khó khăn do ảnh hưởng COVID-19.

Trả lời về việc xe ôm công nghệ không được đề xuất hỗ trợ, ông Tấn cho biết xe ôm truyền thống được coi là lao động tự do, không bị lệ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, xe ôm công nghệ làm việc cho một doanh nghiệp cụ thể nên không thuộc nhóm hỗ trợ này.

Trước đó, ngày 8/7, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký công văn số 2279 về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM trong 15 ngày kể từ 0h ngày 9/7.

Theo đó, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.

Từ ngày 27/4 đến trưa 11/7, TP.HCM ghi nhận 12.658 ca mắc COVID-19, đang là ổ dịch lớn nhất tại Việt Nam.


Hoàng Minh