“Chúng tôi cảm thấy bị phản bội”: Các cựu chiến binh Việt Nam cảm nhận dư âm của năm 1975 tại Afghanistan




Bạn đọc thân mến,

Bạn cứ gọi đây là thái độ bi quan của báo giới. Mùa Xuân này, ngay cả trước khi Tổng thống Biden tuyên bố rút toàn bộ lực lượng Hoa Kỳ khỏi Afghanistan, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về việc Kabul có thể so sánh với Sài Gòn như thế nào ngay trước khi nó thất thủ vào năm 1975. Có những khác biệt rõ ràng nào không? Những điểm tương đồng quan trọng nào không? Thậm chí có thể rút ra những bài học nào không?

Tôi bắt đầu đào bới các tài liệu lưu trữ của “The New York Times,” đọc tất cả các bản tin gởi đi từ Sài Gòn kể từ ngay sau khi tất cả các đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ rời miền Nam Việt Nam vào năm 1973, cho đến mùa xuân năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hoà bị quân Cộng sản đánh bại.

Đó là một giai đoạn lịch sử mà người Mỹ ngày nay hiếm khi nghĩ đến. Khi nói về Việt Nam, chúng ta có xu hướng ít nghĩ về giai đoạn tiếp theo sau các cuộc tấn công trên bộ dữ dội của Mỹ, vốn đã lắng dịu sau tháng 10 năm 1971, hơn là chúng ta nghĩ về những chiếc trực thăng cuối cùng của Mỹ cất cánh khỏi nóc đại sứ quán Mỹ vào năm 1975.

Nhưng những gì đã xảy ra trong những năm giữa hai thời điểm ấy rất giống với những gì đang xảy ra hiện nay ở Afghanistan: Hoa Kỳ đã ký một thỏa thuận hòa bình với kẻ thù nhằm dọn đường để rút các lực lượng Mỹ, nhưng cố tình để đồng minh địa phương của mình đứng ngoài các cuộc đàm phán, và cho phép quân địch giữ lại vũ khí và lãnh thổ của họ.

Richard Nixon coi việc rút quân là một chiến thắng, nói rằng Hoa Kỳ đã đạt được các mục tiêu chiến lược của mình. Ở nước sở tại, mọi người vừa háo hức loại bỏ người Mỹ vừa lo sợ về những gì mà sự vắng mặt của họ có thể mang lại. Khi đầu tư của Hoa Kỳ cạn kiệt, nền kinh tế địa phương suy yếu và chính phủ Nam Việt Nam không thể hỗ trợ quân đội khổng lồ, tốn kém mà nhiều năm viện trợ Mỹ đã xây dựng. Các nguồn cung cấp quan trọng bắt đầu cạn kiệt và tinh thần chiến đấu cũng vậy.

“Năm ngoái Quân đội Nam Việt Nam vẫn nắm thế chủ động trên phần lớn đất nước và vẫn đang chiếm lãnh thổ từ tay Cộng sản,” một phóng viên của Times viết vào tháng 12 năm 1974. “Giờ đây, cục diện đã xoay chuyển. Các lực lượng miền Nam Việt Nam bị phân tán, mệt mỏi và thiếu đạn dược và xăng dầu do Quốc hội cắt viện trợ, đang hồi hộp chờ đợi những đòn giáng trả mới từ phía Cộng sản, những người dường như có rất nhiều đạn dược”.

Nghe rất giống lực lượng an ninh Afghanistan và phe Taliban ngày nay.

Ở miền Nam Việt Nam, các quận lỵ bắt đầu sụp đổ, sau đó là các thành phố lớn hơn ở các vùng chiến thuật. Tại Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo quân sự thúc ép Hoa Kỳ gia hạn viện trợ, nhưng Quốc hội, mệt mỏi với một thập kỷ chiến tranh, không có tâm trạng đó.

Tôi biết mình muốn kể lại phần lịch sử bị bỏ qua này của chúng ta, nhưng làm thế nào? Các nhà lãnh đạo Lầu Năm Góc, những người đứng ra đòi hỏi tài trợ không hiệu quả đều đã ra đi từ lâu. Nhiều người lính Mỹ chứng kiến sự sụp đổ của Sài Gòn vẫn còn sống, nhưng hiểu biết của họ về sự sụp đổ và hậu quả của nó còn hạn chế. Ai là người còn lại để kể câu chuyện mà họ đã thực sự kinh qua?

Cách đây không lâu, tôi đọc cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer” [Cảm tình viên] của Nguyễn Thanh Việt, cuốn sách làm sống động cộng đồng tị nạn phong phú và phần lớn bị bỏ quên của những cựu quân nhân Việt Nam từng chiến đấu cùng với người Mỹ, sau đó bỏ nước chạy đến những nơi như Los Angeles và Houston khi Cộng sản chiếm Miền Nam. Họ đã trực tiếp sống qua cuộc rút quân của người Mỹ và trải nghiệm sự hỗ trợ trên thực tế đang cạn kiệt về mọi thứ như nhiên liệu, giày lính và đạn dược. Và hầu hết trong số họ đã sống ở Mỹ trong nhiều thập kỷ, vì vậy họ có thể có cả cái nhìn của một người ngoài cuộc và một công dân.


Dù không chắc có ai trong số những cựu chiến binh này muốn nói chuyện với tôi hay có nhiều điều để nói, nhưng tôi vẫn bắt đầu tìm kiếm một người trung gian có thể bắt nhịp cầu tin cậy. Tôi tìm thấy điều đó ở một cựu chiến binh Mỹ trẻ tuổi có cha mẹ là người Việt Nam và anh ta từng phục vụ tại Afghanistan. Anh ấy tên là Hugh Pham.

Sau khi trở về từ Afghanistan, Đại úy Phạm (vẫn còn ở trong Lực lượng Trừ bị ) muốn hỏi các cựu chiến binh Nam Việt Nam nhiều câu hỏi giống tôi. Các thành viên trong gia đình anh, những người từng chiến đấu chưa bao giờ nói về điều đó. Nhiều người trong số các cựu chiến binh, những người không có quê hương, những người chỉ có những câu chuyện về thất bại, dường như quyết tâm đưa câu chuyện của họ xuống mồ. Nhưng Đại úy Phạm bắt đầu theo dõi những cựu chiến binh này và phỏng vấn họ qua camera để cố gắng lưu giữ những câu chuyện của họ. Anh ấy đủ tốt bụng để kết nối tôi với một bảo tàng nhỏ dành riêng cho Cộng hòa miền Nam Việt Nam [sic] đã mất, nằm trong một dải cửa hàng mua sắm không bắt mắt ở ngoại ô Westminster, California.

Vào tháng 6, tôi dành ra một vài ngày và đi gặp các cựu chiến binh tại bảo tàng này. Ngồi trên một bộ ghế xếp trong góc phòng, chúng tôi nói chuyện hàng giờ về những năm tháng họ được huấn luyện bên cạnh người Mỹ với niềm tin không thể lay chuyển rằng họ sẽ đánh bại quân xâm lược Cộng sản. Mọi người đều mô tả sự sụp đổ của đất nước mình như một thiên tai – như thể nền đất mà họ đinh ninh là vững chắc bỗng chốc bị sụt lún.

Một số người lo lắng rằng họ đang thấy lịch sử lặp lại ở Afghanistan. Họ nói về những khó khăn xảy đến sau khi Miền Nam sụp đổ: các đám đông người tị nạn tranh nhau lên thuyền, và nhiều năm sống trong các trại cải tạo khắc nghiệt dành cho những người không thoát ra được.

Cuộc chiến ở Afghanistan có đáng để chiến đấu không? Hầu hết những người đàn ông này không biết chắc. Họ không tin rằng chính phủ sở tại có thể thực sự điều hành đất nước, hay sự can dự tiếp tục của Mỹ sẽ dẫn đến hòa bình.
Nhưng tất cả đều rõ ràng về một điều: Hoa Kỳ có nhiệm vụ giúp đỡ những người Afghanistan đã làm việc với họ, và đảm bảo rằng họ có thể trốn thoát vào mùa Thu tới, [thời điểm Mỹ rút quân toàn bộ ra khỏi Afghanistan].
***

Dave Philipps là phóng viên quốc gia về quân sự và là người đoạt giải Pulitzer. Cuốn sách mới nhất của anh là “Alpha, Eddie Gallagher và cuộc chiến giành linh hồn của lính SEAL Hải Quân.”

----------
[/COLOR][/INDENT][/FONT]