Hắn hỏi cho có chuyện. Vì hắn biết anh em Hùng đều đã khuyên can Hùng. Vợ Hùng đã bao lần định “xé xác con đĩ”. Cơ quan không nói gì Hùng vì Hùng không có cơ quan, nhưng nhà máy xi-măng hành hạ cô Hà (cô vợ trẻ của Hùng), kiểm điểm lên xuống.
- Rất may. Cô ấy đã ly dị.
Hùng bảo hắn:
- Đi với tôi. Tôi sẽ có cách cho ông kiếm sống. Bao nhiêu năm tôi có làm biên chế đâu mà vẫn sống.
- Mày còn có nghề vẽ. Chỉ riêng làm tranh cổ động thôi cũng đã tươm rồi.
Hùng cười khì khì:
- Tươm chó gì. Không đủ tiền mua thuốc vẽ, mua vải. Không có bà Cầu Gỗ thì chết nhăn răng.
- Thế sao lại đi với bà này. Bà ấy nuôi mày...
Hùng ngắt lời:
- Bi kịch. Bi kịch. Đừng hỏi nữa.
Bà “Cầu Gỗ” có một cửa hàng bán chăn bông, gối bông. Các loại áo gối thêu chim bồ câu, hoa păng-xê, hạnh phúc, tuổi trẻ, ngủ ngon...
Hùng đưa hắn đến nhà Hà, một căn nhà bé xíu, nền vẫn còn cỏ đâm lên. Chung quanh toàn là cỏ. Nhưng cũng có cầu rửa làm bằng một tấm sắt có những lỗ thủng tròn rất đều bắc lên mấy viên gạch, có rãnh thoát nước. Và một cái bếp xinh xinh. Hà cao dong dỏng, xinh và trẻ. Chỉ khoảng hai mươi nhăm tuổi. Hùng cười chỉ vào vợ đang bế con, chỉ vào nhà:
- Một túp lều tranh, hai trái tim vàng.
Và bảo vợ:
- Anh Tuấn.
Hà cười với hắn như một người quen cũ.
- Em đi mua gì làm cơm.
Hà ẵm con nhỏ đi chợ. Hùng đòi bế con, nhưng Hà không nghe. “Nó quấy, để hai anh nói chuyện”.
Hùng còn dặn theo:
- Cá rô nhé. Một món thôi. Cho nhanh.
Nhìn Hà, hắn hiểu Hà dám đánh đổi tất cả để có Hùng. Và hắn lo ngại: Không biết Hùng có đáp ứng được tình yêu của Hà không?
Hà mang về một mớ cá rô và một bó rau muống. Hắn cảm thấy dễ chịu vì Hà đối với hắn không có chút mặc cảm nào. Kính trọng. Tin cậy. Cởi mở. Hẳn là Hùng đã nói nhiều về hắn với Hà. Hùng bế con cho Hà làm cơm:
- Thằng này vừa đầy năm đây. Hà có một đứa con với thằng chồng trước. Nó ở đây. Nhưng hôm nay nó về nội. Cả nhà cô ấy phản đối việc cô ấy lấy tao. Nhưng bạn mày không phải tay vừa. Cũng nhiều sức hấp dẫn lắm.
- ồ! Bạn tao, tao còn lạ gì. Nó là chú ruột Đông-Gioăng.
Bữa ăn ngon. Cá rô rán giòn tan. Có cả rượu. Hà bảo:
- Ngày anh còn đi vắng, em đã sang nhà với anh Hùng thăm chị.
Câu ấy làm hắn cảm động. Hắn cảm thấy Hà là người tuyệt vời. Khi Hà bưng mâm bát xuống rửa, Hùng xốc xốc thằng bé lên lòng:
- Mình nghĩ cũng kinh. Ba thứ con. Đất nước có ba thứ quân thì mình có ba thứ con. Con riêng của mình. Con riêng của vợ. Con chung. Hùng lại cười khinh khích. Anh mở tủ, cái tủ sắt con, lấy ra một tập giấy sơn các màu, đã xén thành hình chữ nhật.
Làm cái này được. Tí nữa đi với mình. Đến gặp mấy cô hiệu trưởng quen.
Đó là giấy thủ công cho học sinh cấp một. Hắn và Hùng đạp xe đi mấy trường nội thành. Các cô hiệu trưởng quen chào Hùng rất nhiệt tình. Hắn xấu hổ vì cái trò đi gạ gẫm thế này. Nó có cái gì tư hữu, vụ lợi, đáng lên án, nếu không nói đây là một hình thức đi ăn mày. Nhưng Hùng cứ nhe hàm răng chín chín ba không ám khói vàng khè dẻo quẹo:
- Đây, ông bạn tôi, chuyên gia về mặt hàng này. Các chị có thể ưu tiên cho chúng tôi.
Các cô pha trà mời bọn hắn và hứa sẽ trả lời sau. Bọn hắn lại đi trường khác. Hùng luôn động viên hắn:
- Yên tâm. Chỉ cần được một trường thôi là tạm ổn.
Đi chào hàng như vậy hắn đã gặp những cô giáo quen, những cộng tác viên của báo. Nhưng hình như cả đôi bên đều cố tình không nhận ra nhau. Cũng như khi gặp Hạnh, vợ Sơn ở một trường cấp hai, hắn và Hạnh đều lúng túng. Cả hai cùng muốn hỏi nhau một câu gì đó ngoài cái chào xã giao. Nhưng biết nói gì, “Anh ra tù bao giờ?” “Sơn được ra chưa, hả chị?” Chẳng lẽ lại hỏi nhau như vậy ở chốn đông đúc này. Chung quanh họ, các em nhỏ ríu rít, bọn chúng đều trạc tuổi thằng Hiệp, con Thương. Và các thầy, cô, những nhà sư phạm đạo mạo, nghiêm trang đứng nói chuyện ở sân hay đi vào các lớp. Hắn chỉ lí nhí: “Chị dạy ở trường này ạ. “
Cô giáo Hạnh nhìn hắn với vẻ ái ngại. Đó là cái nhìn của Ngọc nhìn bọn Min, Dự. Thế Hùng vẫn cười nhe hàm răng ám khói thuốc, liến thoàng:
- Chúng tôi chuyên sản xuất giấy thủ công, bảng - không - phấn phục vụ ngành giáo dục. Các chị cần loại dày hơn cũng được, loại mỏng hơn cũng được.
Thôi Hùng ơi Đừng nói nữa. Không bịp nổi ai đâu! Người ta thừa biết mình vừa ở đâu về. Người ta thừa biết mình chẳng làm được trò gì, thừa biết chúng mình là những tên bịp bợm. Hắn nở nụ cười gượng gạo với bà hiệu trưởng. Hạnh cúi đầu chào tất cả và đi vào lớp. Thế là hắn lại nghĩ đến Sơn. Sơn có lẽ đã hết ba năm. Được về rồi. Hắn muốn biết Sơn đã làm ăn gì chưa mà hắn chưa hỏi được.
Vừa lúc ấy có một người cầm cái chổi to dài hiện ra ở đầu sân trường, lối đi ra khu nhà xí. Người ấy quét. Quét lia lịa. Chỉ nhìn người ấy đưa một nhát chổi, hắn đã biết ngay là Sơn. Sơn đã được về. Sơn đã xin được việc làm ở ngay chỗ vợ Sơn dạy học. Khi hắn chia tay bà hiệu trưởng và nhận ở bà một lởi hứa hẹn, Sơn đã quét ra giừa sân. Sơn nhận ra hắn. Sơn gọi to:
- Anh Tuấn!
Sơn cầm chổi chạy tới. Tiếng gọi làm bà hiệu trưởng đang đi về vàn phòng, quay lại. Như cảm nhận báng gáy cái nhìn ấy của bà, Sơn đứng khựng. Hạ chổi. Quét. Nhìn trước nhìn sau. Quét. Dù sân trường sạch bong. Sơn vừa quét vừa tiến lại hắn. Hắn rỉ tai Hùng:
- Một người bạn ở trong ấy.
Hai người nắm chặt tay nhau. Sơn kéo hắn về nhà. Vợ chồng Sơn ở trong một căn buồng nằm trong khu tập thể của trường, phía sau ngôi nhà hai tầng dùng làm lớp học, có tường vây quanh, cách biệt.
Cả khu tập thể, cả chung quanh trường, khu nhà vệ sinh đều có những nhát chổi của Sơn. Sạch như ly. Không một mẩu giấy, một đầu mẩu thuốc lá, một cục phấn vỡ, một mẩu ngói non chơi lò cò.
Sơn pha nước mời hắn và Hùng. Sơn cũng về được vài tháng nay. Đúng rồi. Sơn tù sau hắn gần hai năm. Một năm giam cứu. Hai năm ở Q. N. Cũng ăn đủ ở đủ Thế là Sơn được ra vào dịp tháng Năm. Khi hắn chuyển lên V. Q, Sơn đang làm quét trại ở Q. N. Vậy là Sơn tham gia hội tù quý tộc khoảng mười sáu tháng. Thật đại phúc. Cái nghề quét dọn ấy lại được tiếp tực khi Sơn đã tự do. Kể ra cũng hơi khốn nạn, vì vợ Sơn là cô giáo dạy ngay ở trường. Nhưng dù sao cũng còn hơn thất nghiệp. Dù sao cũng còn hơn ăn bám.
Hắn thực sự ngạc nhiên và hoảng khi biết Sơn vẫn thất nghiệp. Trường có thuê Sơn đân! Không ai khiến Sơn quét. Vợ Sơn đã cấm Sơn không được quét. Nhưng Sơn cứ quét. Vợ Sơn rầy la khóc lóc, đốt chổi, chặt chổi, giấu chổi. Sơn lại có chổi mới. Bó buộc chặt chẽ vào một cái cán dài. Lại xênh xang di ở sân, lia những nhát chổi khoáng đạt. Lại lúi húi ở sau khu nhà xí quét dọn, cọ rửa... Đều đặn. Tỉ mẩn. Chăm chỉ. Các em học sinh đi làm vệ sinh trường lớp ngơ ngác hỏi cô giáo:
- Thưa cô, sạch thế này có phải quét nữa không ạ?
Cô giáo Hạnh chỉ còn muốn độn thổ. Nhục nhã, thương chồng, Hạnh phải cố gắng lắm mới có thể tiếp tục ở lại trường. Bạn bè khuyên. Bà hiệu trưởng khuyên giải Hạnh. Hạnh đã nói với Sơn mọi lời. Nhưng cô không biết khuôn mặt chồng đang ngây thộn kia nghĩ gì. Cô đã khóc biết bao đêm...
Những chuyện đó về sau hắn mới biết. Nhưng lần gặp Sơn ở trường ấy, hắn đã nhìn thấy trước kết cục dù Sơn đã trở lại dáng hình ngày trước: khuôn mạt đầy đạn, da nâu mịn, răng trắng đều. Sao mà giống Phượng Đang ngồi trong nhà nói chuyện với hắn, thấy cái lá bạch đàn mới rụng ngoài cửa, Sơn vội ra, nhặt cho vào sọt rác. Và khi nghe tiếng ồn ào của học sinh hết tiết học, biết các cô giáo đã ra khỏi lớp, Sơn cứ lăm le đứng lên vớ lấy cái chổi, định ra quét...
Hắn phải quát:
- Sơn! Ngồi đã nào!
Sơn miễn cưỡng ngồi lại, dáng vẻ bồn chồn đau khổ, lấm lét nhìn sang phía trường học. Hắn kéo Thế Hùng ra về. Sơn không giấu được vẻ vui mừng, cầm chổi đi theo hắn. Vừa tới sân trường, Sơn đã hạ chổi. Hắn nghe thấy “tiếng chổi tre xao xác hàng me” của Sơn phía sau. Hắn cảm thấy những cái nhìn của bà hiệu trưởng, của các cô giáo, của các em nhỏ bàn vào gáy hắn rát rạt. Hắn đỏ nhừ mặt: Mọi người thừa biết hắn ở chốn nào về. Tiếng chổi của Sơn tố giác hắn!
- Vợ Sơn tốt thật đấy.
Hùng bảo hắn khi hai người ra khỏi trường. Hắn cũng công nhận thế. Nhưng hắn nhìn thấy trước rằng Hạnh không thể chịu đựng được Sơn lâu hơn nữa.
Đúng như hắn đoán. Hạnh gặp Phượng, gặp mẹ Sơn khóc lóc, xin ly dị. Hoặc ít nhất cũng phải ly thân. Phải để Sơn ở nơi khác. Không thể để Sơn trong trường được.
Lúc đó Phượng đã về ở với chị. Hai chị em bán nhà ở Hải Liên, mua một mảnh vườn ven phố. Đó là thời gian hắn làm miến thất bại, làm hợp tác xã cơ khí thất bại và đang chầu chực ở công ty phế phẩm xin khâu bao tải.
Hắn đang đạp xe đi, lòng nặng trĩu thì Phượng gọi hắn. Đã dừng lại, nhưng nhìn thấy Phượng, hắn uể oải đạp tiếp. Phượng chạy theo:
- Anh Tuấn Dừng lại! Em bảo! Em không nghĩ gì khác về anh đâu.
Hắn không quan tâm đến mọi người nghĩ về hắn như thế nào. Hắn chỉ muốn chôn chặt quá khứ.
Không muốn nghĩ đến nó nữa. Nó đã chết rồi, còn khơi dậy làm gì. Hắn đang tự nghiền hắn thành bột, nhào nặn lại mình, mà Phượng thì nhắc đến cái hình hài của hắn ngày trước. Phượng gợi hắn nghĩ đến cái quá khứ hắn phải chôn đi. Phượng nắm chặt ghi- đông xe hắn:
- Vào em đi.
Cái nhìn của Phượng van vỉ, cầu khẩn như chính Phượng là người có lỗi với hắn. Hắn ngần ngừ.
Phượng nói tiếp:
- Em còn giữ một bản thảo của anh.
Câu nói ấy hơn mọi lời mời. Hắn ngoan ngoãn đi theo Phượng. Một cái ngõ to, dài, sâu. Ao. Vườn. Một mảnh sân xinh xinh. Một căn nhà lợp ngói.
- Phượng ở đây à? Thích quá nhỉ.
Hắn chưa vào nhà ngay. Hắn đứng ở sân ngắm quanh. Vườn khá rộng. Đánh thành từng luống. Ươm những cây gì đó, chưa mọc. Nhưng kìa! Một luống đã mọc rồi. Lá to xoè ra. Hình tim. Bóng. Một loại cây quen thuộc với hắn. Hắn đã tìm, đã thấy ở Q. N. Nhưng hắn vẫn còn ngờ ngợ:
- Trồng dọc mùng à, Phượng?
Phượng rầu rầu:
- Thằng Sơn đấy. Nó trồng ráy.
Như có tiếng sét đánh vào gáy. Hắn cố không thở dài. Đến lúc ấy hắn mới biết Sơn đã về đây, không ở với Hạnh nữa. Hắn bước ra vườn, cúi xuống những khóm ráy mơn mởn và hắn nghe tiếng Sơn gọi hắn. Hắn quay lại. ở dẻo đất hẹp sau nhà, Sơn đang cởi trần, chặt những cây cam cuối cùng.
Làm sao thế Sơn?
- Chặt đi. Thứ này vô tích sự.
Hắn đứng như trời trồng trước cảnh tượng lạ lùng này: Những cành cam đang mang quả bị chặt ngổn ngang. Sơn cầm con dao rựa giơ thẳng cánh bổ vào những cành cam khác. Bên cạnh đó là mai, cuốc... Đến lúc ấy hắn mới để ý thấy cái rãnh nhỏ bao chung quanh vườn đã mọc toàn ráy xanh um. Phượng kéo tay hắn:
- Thôi. Kệ nó. Anh vào nhà đi. Nó phá hết cả cái vườn này đấy. Bao nhiêu là cam. Bây giờ toàn ráy.
Khi đã vào trong nhà, hắn lo lắng bảo Phượng:
- Cẩn thận, không nó hỏng mất.
Phượng bình thản như từ lâu đã chấp nhận một thực tế phũ phàng:
- Nó hỏng rồi. Cho nó làm theo ý nó. Cho nó giồng ráy khắp nơi còn đỡ. Cấm nó là nó bỏ nhà đi. Lang thang. Vườn cam khi mới dọn đến đẹp lắm, anh ơi. Nó chặt hết. Chả lẽ lại gửi nó xuống Đặng Thất . à mà còn ghi chép nữa chứ.
Và Phượng tìm đưa hắn quyển sổ của Sơn. Trang đầu Sơn viết nắn nót:
PHụC Vụ CôNG CUộC KHáNG CHIếN
CHốNG Mỹ CứU NướC - CẩM NANG HàNH QUâN
Sơn viết cẩn thận, không xóa một chữ. Chắc là đã nháp rồi mới chép vào sổ:
- Vừa hành quân vừa nấu ăn. Bảo đảm yếu tố cơ động của trận đánh và chiến dịch. Ông cha ta từ thời Lê Lợi, Quảng Trung đã rất chú trọng để tạo nên yếu tố bất ngờ.
Thức nấu: Tốt nhất là sắn. Khoai lang lâu chín hơn. Cách làm: Sắn bóc vỏ, xắt thành khúc vừa bằng chiều dài của gô. Khi hành quân, người đi trước xách gô Người đi, sau dùng nứa đốt lửa, đưa vào đít gô. Từ chỗ làm về trại đã sôi, chín. Chú ý: Cho ít nước để chóng sôi. Sắn chín bằng hơi.
Nướng sán trong năm phút. Thời gian nghỉ ngơi ít ỏi bên suối, các chiến sĩ có thể nướng sắn bằng cách:
Đốt lửa. Cho củ sắn vào giữa ngọn lửa (không sợ cháy). Đốt khoảng năm phút cho củ sắn nóng già. Rồi vất xuống suôí. Sắn nở tung. (Nguyên tắc nóng gặp lạnh). Nêú địch đến cũng có thể áp dụng cách này để xóa dấu vết. Khi quản giáo đi thì lội xuống suối vớt lên. Sắn bị nhã và nhạt. Nhưng ăn vẫn tốt.
Định kiến sai lầm về rau tàu bay: ăn mất máu, có hại... phải được xóa bỏ. Rau tàu bay có tên khoa học là Gynura Crepidioides Benth. Rất nhiều chất bổ. Mát. 2, 5% protit. 1, 9% glucid... Ngoài công dụng riêng, khi hỗn hợp với các chất khác sẽ có tác dụng kỳ lạ (sẽ nói ở phần sau). Là nguồn sống quan trọng của các chiến sỹ Trường Sơn.
- Cây ráy. Có tên khoa học là Alocasia odora. Chỉ có ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Nam Trung Quốc và châu úc (Có thể châu úc trước đây dính liền với Đông Nam á nên đã có đươc may mắn này). Sản lượng chưa điều tra. Là nguồn thực phẩm quan trọng, nhưng chưa được đánh giá đúng mức. Đã được cha ông ta đúc kết:
Củ khoai, củ ráy. Dễ trồng. Sản lượng lớn. Trong tương lai sẽ cứu loài người khỏi nạn thiếu lương thực. Có thể trồng ở sa mạc. Phủ xanh xa mạc. Nhưng phải giải quyết vấn đề nước vì ráy thích ẩm. ăn hơi ngứa. Cách khử ngứa: Nâú lẫn với rau tàu bay, ếch (có thể thay bằng nhái), lá sắn non.
Hắn rời quyển sổ và im lặng nghe tiếng đánh gốc cam huỳnh huỵch ở phía sau nhà. Đó. Tiếng những nhát cuốc của phu đào huyệt mai táng một con người sống.
Đó. Sơn đang cởi trần, mồ hôi, đất cát, mím môi đánh bung những rễ cam dưới đất với tất cả sự chăm chú thiêng liêng của người mở đường cứu vớt nhân loại khổ đau. Huỵch. Huỵch... Phượng đứng sát vào hắn như che chở khi thấy hắn run lên. Hắn lạnh sống lưng vì chợt hiểu rằng một điều gì còn khủng khiếp hơn nhiều đang chờ đợi hắn. Lấy quyển sổ bưng mặt một lúc, hắn gập đưa trả Phượng. Phượng nhìn hắn như muốn nói: “Em biết anh ở chốn nào về”. Hắn tránh cái nhìn đăm đăm ấy và cảm thấy Phượng nắm hai bàn tay hắn. Phượng muốn chia sẻ với hắn cái quá khứ ghê gớm hắn vừa trải qua. Cái quá khứ ghê gớm ở một chốn Phượng đã tới nhưng không thể nào biết được. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành Sơn dang hùng hục ngoài vườn. Cái quá khứ bí mật hiện hình thành hắn đang ngồi trước mặt Phượng dẫn đến thực tại này không thể nào thoát được. Phượng ôm lấy đầu hắn Phượng cúi xuống ép má Phượng vào má hắn thương xót. Hắn thấy ướt ở má. Phượng khóc. Không. Đã đoạn tuyệt với quá khứ, phải đoạn tuyệt đến cùng. Hắn đứng lên:
- Cám ơn Phượng. Phượng cho tôi xin lại bản thảo. Truyện gì đấy, hở Phượng?
Phượng lau nước mắt, mở tủ, giờ một gói giấy bọc ni-lông cẩn thận. Phượng đưa cho hắn một xếp pơ- luya đã đánh máy, phẳng phiu. Hắn nhìn: Vợ chồng người thợ xóm Chiêu Thương - Truyện ngắn. Lại thấy choáng váng. Như cái hôm ở trại trong, trước khi được tha, nhìn thấy quyển Người gác đèn biển. Lại thấy chập chờn quá khứ. Những ngọn phi lao xanh. Khói xi-măng cuồn cuộn. Nắng chiếu xoai xoải trên dòng sông chảy ra khơi.
Phượng biết những gì hắn đang nghĩ. Phượng bảo:
- Truyện này em thích. Em đánh thêm một bản. Đó là bản thảo duy nhất còn sót lại trong số một nghìn năm trăm trang bản thảo của hắn. Hắt lật từng tờ cho đến trang cuối cùng...
Hắn run run:
- Cám ơn em
Lần đầu tiên gọi Phượng bằng em. Và cũng là lần cuối cùng. Phượng nắm chặt tay hắn, ngã hẳn vào người hắn. Hắn nâng khuôn mặt Phượng lên. Lại một lần nữa nhìn thấy quá khứ trong gương mặt ấy.
Uất hận, đau đớn, cam chịu, hắn nói với vẻ của người trở về cõi chết:
- Vĩnh biệt Phượng!