Ấn Độ ban hành quy chế visa khẩn cấp cho người tị nạn Afghanistan




Kiều dân Ấn Độ và các nhân viên người Afghanistan được di tản từ Kabul về căn cứ không quân Jamnagar, Ấn Độ, ngày 17/08/2021. AP

Dù đã sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao ra khỏi Kabul, Ấn Độ vừa áp dụng một loại visa điện tử khẩn cấp cho người tị nạn Afghanistan. Hôm qua, 17/08/2021, bộ Ngoại Giao Ấn Độ cho biết mục tiêu là tăng tốc độ xử lý đơn xin nhập cảnh. New Delhi đặc biệt lo lắng cho hoàn cảnh của cộng đồng người Sikh và người theo Ấn Độ Giáo tại Afghanistan.

Thông tín viên RFI Côme Bastin, từ Bangalore, Ấn Độ, cho biết thêm chi tiết:

Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul đã đóng cửa, nhưng chính phủ Ấn Độ, từng hỗ trợ cho chính quyền trước đây ở Afghanistan, muốn giúp đỡ những người muốn chạy khỏi Taliban.

Do đó, công dân Afghanistan hiện có thể nộp đơn xin thị thực đặc biệt gọi là X-Misc trên mạng. Giấy phép cư trú sẽ được cấp trong 6 tháng. New Delhi hứa sẽ xử lý các yêu cầu này trong thời gian sớm nhất.

Các tiêu chí để được cấp loại thị thực này vẫn chưa rõ ràng. Ấn Độ không có quy chế riêng cho người xin tị nạn, vì vậy theo Bộ Nội Vụ Ấn, việc xem xét sẽ theo từng trường hợp cụ thể và với sự trợ giúp của các cơ quan an ninh,.

Trong những ngày gần đây, chính phủ New Delhi cho biết muốn cung cấp nơi lánh nạn cho các dân tộc thiểu số người Sikh và người theo Ấn Độ Giáo, những cộng đồng đang lo sợ cho sinh mạng của họ dưới ách thống trị của Taliban.

Nhiều người đã lên tiếng chống lại tiêu chí phân biệt tôn giáo này, Tuy nhiên, các quan chức đã nói rõ là thị thực điện tử này sẽ được cấp phát mà không có sự phân biệt tôn giáo.

Trong quá khứ, Ấn Độ đã tiếp đón gia đình của nhà đàm phán Afghanistan Abdullah Abdullah hoặc Tổng thống Hamid Karzai. Trong 15 ngày qua, Ấn Độ đã cấp 4.600 thị thực cho công dân Afghanistan.

Thổ Nhĩ Kỳ : Lo ngại làn sóng tị nạn từ Afghanistan

Sau khi Taliban chiếm được Kaboul ngày 15/08/2021, làn sóng di tản khỏi Afghanistan gia tăng. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại làn sóng tị nạn từ quốc gia Trung Á này tràn sang. Trong những tuần gần đây, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối chính sách đón tiếp người tị nạn của chính quyền Recep Tayyip Erdogan. Thông tín viên Céline Pierre-Magnani từ Istanbul cho biết về không khí lo ngại làn sóng di cư :

« Cửa hiệu nằm ở góc con phố Imam Adnan, trung tâm Istanbul, là của Hasan.
Là thợ cắt tóc từ hơn 40 năm ở đây, Hasan trải qua nhiều thời kỳ, và tiếp xúc với nhiều thành phần cư dân. Tuy nhiên, giờ đây, người thợ cắt tóc này tỏ ra lo ngại trước một làn sóng người tị nạn Afghanistan mới.

Ông chia sẻ : ‘‘Pháp, Đức, Hy Lạp… tất cả các quốc gia này đều đã phòng ngừa trước, bởi họ không muốn để tất cả khối cư dân này đến nước mình. Tương tự với chúng tôi thôi. Chúng tôi cũng không muốn để những người này vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã sẵn có nhiều vấn đề kinh tế, cả những vấn đề nội bộ nữa. Nếu như họ đến, lại phải tìm việc làm cho họ, phải nuôi họ. Còn chúng tôi thì sao, chính chúng tôi cũng đang đói.

Nếu như có chiến tranh tại Afghanistan, không phải là do sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy tại sao chúng tôi phải đón tiếp họ ? Trong trường hợp này, Đức, Pháp, Anh, Hoa Kỳ cũng phải đóng góp phần mình. Họ phải thỏa thuận với nhau để xử lý vấn đề này’’.

Để ngăn một làn sóng tị nạn mới, Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một bức tường tại vùng biên giới phía đông ».
---------
Mỹ - Anh thỏa thuận họp G7 bàn về Afghanistan




Hàng đầu : Tổng thống Mỹ Joe Biden ( T) và thủ tướng Anh Boris Johnson tại Thượng đỉnh G7, Cornwall, Anh Quốc, ngày 11/06/2021. AP - Phil Noble


Cộng đồng quốc tế phản ứng rời rạc trước thắng lợi của lực lượng Hồi giáo cực đoan Taliban tại Afghanistan. Hôm 17/08/2021, tổng thống Hoa Kỳ và thủ tướng Anh đã nhất trí dành nội dung chính của thượng đỉnh G7 tuần tới cho việc tìm chiến lược chung trong hồ sơ này.
Theo phủ tổng thổng Hoa Kỳ, trong cuộc điện đàm hôm 17/08, lãnh đạo hai nước "thỏa thuận tổ chức thượng đỉnh trực tuyến của khối G7 vào tuần tới để thảo luận về một tiếp cận và một chiến lược chung của khối" với khủng hoảng Afghanistan. Anh hiện là quốc gia chủ tịch luân phiên của khối G7 (bao gồm 7 cường quốc công nghiệp Anh, Canada, Đức, Nhật, Pháp, Mỹ và Ý). Hôm thứ Hai, 16/08, Luân Đôn kêu gọi tổ chức một thượng đỉnh G7 về chủ đề này.

Vẫn theo phủ tổng thống Mỹ, tổng thống Biden và thủ tướng Johnson cùng khẳng định "cần tiếp tục các hợp tác chặt chẽ giữa các đồng minh và đối tác dân chủ" về vấn đề Afghanistan.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa tổng thống Hoa Kỳ với một lãnh đạo nước ngoài, kể từ khi Kabul rơi vào tay Taliban, sau 20 năm can thiệp của quân đội nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Trong cuộc can thiệp này, nước Anh đóng một vai trò quan trọng. Tại Anh, chiến dịch rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan của chính quyền Biden bị nhiều chỉ trích.

Hội đồng Nhân quyền họp ngày 24/08

Tối hôm qua, Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thông báo sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt ngày 24/08, để xem xét "các lo ngại sâu sắc liên quan đến nhân quyền", sau khi phe Taliban giành chính quyền tại Afghanistan. Cuộc họp sẽ được tổ chức tại Genève, theo yêu cầu của các đại diện Afghanistan và Pakistan, được sự ủng hộ của 89 quốc gia.

NATO cảnh báo sẵn sàng tấn công

Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Bruxelles hôm qua, tổng thư ký NATO kêu gọi lực lượng Taliban không để các tổ chức khủng bố quốc tế trở lại hoạt động. Trong trường hợp ngược lại, NATO sẽ có toàn quyền tấn công từ xa nhắm vào bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Afghanistan.


RFI