Nhập cảng lương thực tăng vọt, dấu hiệu cảnh báo Trung Cộng sẽ khai chiến?






Từ tháng 1 đến tháng 12/2020, Trung Quốc đã nhập cảng tổng cộng 142.621 triệu tấn lương thực. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP/Getty Images)

Vào ngày 16/8, sau khi Hoa Kỳ vừa kết thúc cuộc tập trận lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, họ đã lại tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chung với các quốc gia đồng minh. Phía Trung Cộng thì đã kết thúc cuộc tập trận lớn nhất ở trên Biển Đông vào ngày 10/8, và ngay sau đó đã khởi động một đợt tập trận khác vào ngày 18. Việc gia tăng nhập cảng lương thực một cách đột ngột có thể là dấu hiệu báo trước cho việc Trung Cộng sẽ tuốt gươm khỏi vỏ, phát động chiến tranh ở trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trước đó, vào ngày 9/8, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đối đầu gay gắt về vấn đề Biển Đông tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã chỉ trích Trung Cộng vì “hành vi bắt nạt” nhưng không nêu rõ tên, còn Đại diện Đới Bình của Trung Cộng thì trực tiếp chỉ trích Hoa Kỳ “gieo rắc bất hòa”, là “mối đe dọa lớn nhất” đối với sự ổn định ở trên Biển Đông.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã dàn trận sẵn sàng ở trên Biển Đông, thanh gươm chĩa về hướng nào?

Bối cảnh của cuộc đối đầu Trung – Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là hai bên đã dàn trận sẵn sàng ở trên Biển Đông.

Vào ngày 4/8, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam của Trung Cộng thông báo rằng sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 6/8 đến ngày 10/8. Các kênh truyền thông ở đại lục cho biết Trung Cộng đã khoanh vùng hạn chế cho cuộc diễn tập lớn nhất trên Biển Đông từ trước đến nay.




Cục An toàn Hàng hải của Trung Cộng đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo vào ngày 4/8 và 12/8, thông báo rằng quân đội sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận quân sự và không cho phép tàu bè đi vào khu vực cấm. (Ảnh chụp màn hình trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải)



Cục An toàn Hàng hải của Trung Cộng đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo vào ngày 4/8 và 12/8, thông báo rằng quân đội sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tập trận quân sự và không cho phép tàu bè đi vào khu vực cấm. (Ảnh chụp màn hình trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải)

Các kênh truyền thông đại lục đã trích dẫn hình ảnh vệ tinh Sentinel 2 của Âu Châu cho biết, ngoài Hàng không mẫu hạm Sơn Đông, còn có một tàu tấn công đổ bộ Kiểu 075, ba khu trục hạm mang hoả tiễn dẫn đường cỡ lớn 055 và hơn 20 chiến hạm các loại đã tham gia vào cuộc tập trận ngày 10/8. Đây được cho là cuộc tập trận với hạm đội lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử của PLA.

Vào ngày 12/8, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam tiếp tục thông báo sẽ tổ chức diễn tập quân sự trên Biển Đông từ ngày 18 đến 20/8. Kể từ ngày 5/8, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, Quảng Tây và Quảng Đông đã công bố ít nhất 9 cảnh báo về các cuộc tập trận.
Các cuộc tập trận liên tục của Trung Cộng được cho là hành động phản công đối với các cuộc tập trận quy mô lớn của quân đội Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cụ thể, từ ngày 3 đến ngày 16/8, quân đội Hoa Kỳ đã phát động “Cuộc tập trận quy mô lớn 2021” (LSE21). Đồng thời, từ ngày 2 đến 27/8, Hoa Kỳ đã cùng với Vương quốc Anh, Úc và Nhật Bản tiến hành Cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn 2021 (LSGE21).

Đợt tập trận lần này của quân đội Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là đợt tập trận lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Giáo sư James R. Holmes của Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ (USNWC) nhận xét, cuộc tập trận này là để chứng minh rằng Hoa Kỳ có khả năng đẩy lùi các đối thủ muốn kiểm soát đại dương, bao gồm cả việc ngăn cản Trung Cộng chiếm lấy Đài Loan ở Tây Thái Bình Dương bằng vũ lực.

Tổng biên tập của Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến – một chiến lang nổi tiếng của Trung Cộng – đã đăng một bài báo vào ngày 5/8, nói rằng việc Hoa Kỳ khoe cơ bắp của mình để hy vọng khiến Trung Quốc và Nga sợ hãi là một tích toán sai lầm, “Hoa Kỳ có gửi chiến hạm đến Biển Đông nhiều hơn nữa, thì cũng đều là những con thỏ dưới tầm ngắm súng săn của Trung Quốc”.

Vào ngày 12/8, liên minh 4 nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh trên toàn bộ eo biển Đài Loan.

Nhà bình luận Đường Ngao của Epoch Times cho biết, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang mài gươm xoèn xoẹt ở Biển Đông, nhưng kỳ thực đều là đang chĩa mũi kiếm về phía eo biển Đài Loan. “Biển Đông là vùng biển gần Trung Quốc và bao hàm lợi ích quá lớn, có thể nói là ảnh hưởng đến toàn thế giới, vì vậy các bên ngược lại là muốn đạt được sự cân bằng nhất định. Các cuộc tập trận của tất cả các bên thực chất là để uy hiếp, răn đe bên kia đừng cố gắng kiểm soát Biển Đông”.

Ông Đường phân tích, “Cuộc họp ngày 12/8 của liên minh bốn nước Mỹ-Nhật-Ấn-Úc đã chỉ ra phương hướng của họ ở trên Biển Đông chính là eo biển Đài Loan. Đó là cảnh báo cho Trung Cộng nếu muốn xâm lược Đài Loan bằng vũ lực”.

Binh pháp của Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng “Binh mã vị động, lương thảo tiên hành” (Binh mã chưa động thì đã phải chuẩn bị lương thảo từ trước). Ông Đường cho biết, “Những thay đổi bất thường gần đây về việc Trung Cộng nhập cảng lương thực có thể là dấu hiệu báo trước cho một cuộc chiến qua eo biển Đài Loan”.

Dân số giảm nhưng nhập cảng lương thực lại tăng

Số liệu thống kê dân số chính thức của Trung Quốc được công bố vào tháng 5 cho thấy tỷ lệ gia tăng dân số của Trung Quốc có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Tỷ lệ sinh thấp và số dân sinh con giảm mạnh đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể sẽ sớm phải đối mặt với mức tăng trưởng dân số âm. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, lượng lương thực nhập cảng của Trung Quốc đã gia tăng một cách bất thường.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Trung Quốc đã nhập cảng 140 triệu tấn lương thực vào năm 2020, tăng 27.97% so với cùng kỳ năm ngoái, lập mức cao kỷ lục, hơn nữa chủ yếu đều là các doanh nghiệp nhà nước.



Số lượng lương thực nhập cảng của Trung Quốc từ 2012 đến 2020 (đơn vị: vạn tấn). (Ảnh: Tổng cục Hải quan Trung Quốc)

Điều đáng chú ý là vào năm ngoái, lượng lương thực nhập cảng từ Hoa Kỳ của Trung Quốc đã tăng 66.9% so với cùng kỳ, chiếm gần một nửa tổng lượng lương thực nhập cảng.

Xem xét kỹ lượng lương thực mà Trung Quốc nhập cảng vào năm ngoái, chúng ta có thể thấy rằng số lượng đậu tương đã đạt mức cao kỷ lục 100.327 triệu tấn, tăng 13.3% so với cùng kỳ. nhập cảng ngô và lúa mì trong ba loại ngũ cốc chủ yếu (gạo, lúa mì và ngô) cũng đã phá kỷ lục, lần lượt đạt 11.3 triệu tấn và 8.38 triệu tấn.

Việc Trung Quốc gia tăng nhập cảng lương thực, đặc biệt là nhập cảng ồ ạt từ đối thủ Hoa Kỳ, đã thu hút sự chú ý của giới dư luận.
Vào ngày 28/1, Cục Dự trữ Vật tư và Ngũ cốc của Trung Cộng đã giải thích rằng việc nhập cảng lương thực tăng mạnh chủ yếu là do lợi thế về chất lượng hoặc giá cả của lương thực nhập cảng, chứ không phải do thiếu nguồn cung ở trong nước.

Giám đốc Hoàng Hán Quyền của Trung tâm Khảo sát Chi phí Giá cả thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng nói rằng, việc lượng lương thực nhập cảng vào năm ngoái tăng so với cùng kỳ chủ yếu là hai lý do: Một là nhu cầu trong nước tăng nhanh, hai là giá thực phẩm trong nước cao hơn ngoài nước.

Đồng thời, các kênh truyền thông ở đại lục cũng phân tích rằng việc nhập cảng lương thực tăng mạnh là do hiệp định thương mại Trung-Mỹ, và cũng có nguyên nhân là để bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Tuy nhiên, ông Đường Ngao cho rằng không có cách giải thích nào ở bên trên phù hợp với tình hình hiện tại.

1. Bảo đảm thực phẩm

Theo số liệu chính thức mà Trung Cộng công bố, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc vào năm 2020 đạt 670 triệu tấn, đạt mức cao kỷ lục và là “năm bội thu thứ 17 liên tiếp”. Hơn nữa, thông báo chính thức của Trung Cộng nói rằng tỷ lệ tự cung tự cấp về ngũ cốc là hơn 95%, trong đó tỷ lệ tự cung tự cấp của hai khẩu phần chính là gạo và lúa mì đã vượt quá 100%, đã đạt mục tiêu là “tự cung tự cấp về ngũ cốc, bảo đảm tuyệt đối khẩu phần ăn”.

Theo tuyên bố của Trung Cộng, thì Trung Quốc không hề thiếu lương thực. nhập cảng ngũ cốc vào những năm trước 2020 đã cho thấy một xu hướng tăng nhẹ và cao lên giống như làn sóng. Nếu đúng như Trung Cộng công bố thì lượng ngũ cốc nhập cảng gần đây nên duy trì mức tăng ổn định trước đó, thay vì đột ngột tăng vọt.

2. Nhu cầu trong nước

Nền kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, virus corona) vào năm ngoái, và Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ.
Theo số liệu chính thức của Trung Cộng, GDP của Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2.3% vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trước đó. Điều này phản ánh nhu cầu thực phẩm trong nước không hề tăng.

3. Hiệp định Thương mại Mỹ-Trung

Theo giai đoạn đầu của hiệp định thương mại được ký kết giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Trung Quốc đã mua 23.5 tỷ USD hàng nông sản của Hoa Kỳ vào năm 2020, tương đương với 64% mục tiêu của năm đầu tiên. Trong sáu tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã mua 20.9 tỷ USD hàng nông sản của Hoa Kỳ, tương đương 87% so với mục tiêu vào cuối tháng Sáu.

Các con số thống kê cho thấy Trung Quốc đã tăng cường nhập cảng nông sản từ Hoa Kỳ, nhưng chưa bao giờ đạt được mục tiêu mà hiệp định thương mại Mỹ-Trung đề ra, hơn nữa Trung Cộng còn đồng thời tăng cường nhập cảng ngũ cốc từ các nước khác. Nói cách khác, việc tăng tốc nhập cảng lương thực của Trung Cộng không hề làm Hoa Kỳ hài lòng.

4. Giá cả lương thực

Hiện tượng “giá thực phẩm trong nước cao hơn ngoài nước” đã diễn ra tương đối nghiêm trọng trong nhiều năm gần đây, nên nó khó có thể là động lực thúc đẩy nhập cảng tăng vọt. Hơn nữa, kể từ năm ngoái, giá lương thực toàn cầu đã luôn tiếp tục tăng, vậy mà lượng lương thực nhập cảng của Trung Quốc không hề giảm.

Trong sáu tháng đầu năm nay, nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc đã tăng 43.1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi nhập cảng ngũ cốc vào năm trước chỉ tăng 20.6% so với cùng kỳ.
Những dữ liệu này cho thấy kể từ đầu năm nay, mặc dù giá lương thực quốc tế đang tăng, nhưng Trung Cộng vẫn đang đẩy nhanh tốc độ nhập cảng ngũ cốc.

5. Giá mà các nhà buôn Trung Quốc phải trả tỉ lệ nghịch với xu hướng tăng trưởng nhập cảng ngũ cốc

Trên thực tế, vào năm nay, giá mà các nhà máy chế biến Trung Quốc phải trả cho nhập cảng ngũ cốc đã vượt xa sự biến động giá cả trên thị trường quốc tế. Ngoài việc chi phí vận chuyển quốc tế tăng lên, các nhà nhập cảng Trung Quốc còn phải chịu mức thuế cao hơn.
Theo quy định của Trung Cộng, ba mặt hàng lương thực nhập cảng chính là lúa mì, gạo và ngô phải chịu sự quản lý theo hạn ngạch, với hạn ngạch nhập cảng lần lượt là 9.636 triệu tấn, 7.2 triệu tấn và 5.32 triệu tấn. Nếu vượt qua hạn ngạch, thuế nhập cảng bổ sung sẽ tăng vọt.

Ví dụ, thuế nhập cảng ngô trong hạn ngạch là 1%, nhưng thuế nhập cảng ngô ngoài hạn ngạch cao tới 65%.

Trước năm 2020, nhập cảng ngô của Trung Quốc vào khoảng 4 triệu tấn mỗi năm; vào năm 2020, lần đầu tiên nhập cảng ngô của Trung Quốc vượt quá 10 triệu tấn.

Theo số liệu hải quan, tính đến tháng 4 năm nay, hạn ngạch nhập cảng dành cho 7.2 triệu tấn ngô đã dùng hết. Giới chuyên môn ước tính rằng nhập cảng ngô trong năm 2021 sẽ đạt ít nhất 25 triệu tấn.

Tóm lại, việc gia tăng nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc bắt đầu từ năm ngoái, dù là về mức tăng trưởng hay là về động lực, đều đã vượt quá phạm vi giao dịch thương mại thông thường và tồn tại rõ ràng những điểm bất thường.

“Binh mã vị động, lương thảo tiên hành”

Trong Binh pháp Tôn Tử có đoạn: “Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi địa, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã” (Chiến tranh là quốc gia đại sự, quan hệ đến sự sống còn và sự tồn vong của đất nước, vì thế không thể không xem xét cho kỹ càng). Từ xưa tới nay, phương Đông hay phương Tây đều coi ngũ cốc là vật tư chiến lược, coi động hướng của sản lượng ngũ cốc là tiền đề cho các hoạt động quân sự.



Kể từ năm 2020, dù cho giá cả tăng lên, Trung Cộng vẫn tăng tốc nhập cảng lương thực trên quy mô lớn. Ảnh chụp các sản phẩm làm từ đậu nành của Brazil đang được chuyển xuống cảng thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô vào tháng 9/2019. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Ông Đường Ngao cho rằng, những thay đổi bất thường trong việc Trung Quốc nhập cảng ngũ cốc đang tỏa ra mùi thuốc súng nồng nặc. “Việc nhập cảng lương thực một cách bất thường có thể cho thấy rằng Trung Cộng đang chuẩn bị cho chiến tranh”.

Liên quan đến việc nhập cảng lương thực tăng mạnh, Trung Cộng đã chính thức đưa ra những lời giải thích như ở bên trên, và các kênh truyền thông ở đại lục cũng đã nhất trí về lời giải thích này, nhưng một số ít kênh truyền thông đã đưa ra những suy đoán khác.

Vào tháng 1 năm nay, khi trang NetEase giải thích về việc nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm 2020, họ đã đưa ra một lý do khác, đó là “Quốc gia cần tư duy cho tốt về điểm mấu chốt”, “Cần tăng tổng lượng dự trữ lương thực chiến lược. Nếu không, nếu có điều gì đó xảy ra, nguồn cung cấp nước ngoài sẽ bị gián đoạn, và đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng lương thực”.

Ông Đường phân tích rằng nếu nâng yêu cầu về vấn đề lương thực – từ mức độ bảo đảm lương thực, nhu cầu và giá cả – lên tầm cao cho việc chuẩn bị chiến tranh, thì sự gia tăng nhập cảng lương thực sẽ cho thấy nhiều ý nghĩa khác.

Trước hết, giá lương thực và giá cước vận tải quốc tế đã tăng vọt trong năm nay, dù tốc độ tăng trưởng nhập cảng đậu tương của Trung Quốc đã chậm lại, nhưng nhập cảng các loại lương thực chính như lúa mì và ngô thì lại bắt đầu tăng ngược với xu hướng này, hơn nữa còn liên tục gia tăng tốc độ.

Ông Đường cho biết, “Sự thay đổi này không phù hợp với thực tế là giá lương thực trong nước tương đối ổn định và tuyên bố về ‘đã bảo đảm khẩu phần lương thực’ của chính quyền, cho thấy khả năng là có nội tình đằng sau”.

Ngoài ra, vì Trung Quốc cần rất nhiều đậu nành để chế biến dầu và làm thức ăn chăn nuôi, nên chủ yếu dựa vào nguồn cung nhập cảng từ các quốc gia bên ngoài như Hoa Kỳ, và mức độ phụ thuộc nhập cảng đã trên 80%.

Trong cuộc chiến thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ vào năm 2018-2019, Trung Cộng đã từng cắt giảm phần lớn lượng đậu tương nhập cảng từ Hoa Kỳ. Nhưng kể từ năm ngoái, lượng đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác mà Trung Quốc nhập cảng từ Hoa Kỳ đã tăng vọt. Ông Đường cho biết, “Đây là bộ mặt rõ nhất của Trung Cộng, dù có tự tát vào mặt mình thì cũng phải thu mua nông sản của đối thủ, đây chắc chắn không phải là một kế hoạch nhỏ”.

Hãy nhìn một chút nguồn nhập cảng ngũ cốc của Trung Quốc. Đậu tương chủ yếu đến từ Hoa Kỳ, Brazil và một phần nhỏ từ Argentina. Lúa mì chủ yếu đến từ Canada, Úc và Hoa Kỳ. Ngô chủ yếu đến từ Ukraine và Hoa Kỳ.
Trong số các nguồn nhập cảng lương thực nói trên, chỉ có Argentina và Ukraine là có quan hệ tốt với Trung Cộng, và trong hai nước chỉ có Ukraine là có khả năng cung cấp lương thực với số lượng lớn.
Các quốc gia xuất khẩu lương thực lớn khác như Hoa Kỳ và Úc thì đang phát động “cuộc tập trận toàn cầu quy mô lớn năm 2021” nhằm chống lại Trung Cộng, Canada cũng đã tham gia cuộc tập trận quân sự của bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc.

Ông Đường nói rằng, “Một khi mối quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ trở thành thù địch, các quốc gia xuất khẩu ngũ cốc cho Trung Quốc có thể sẽ cắt đứt liên hệ với Trung Quốc và chuyển sang hợp tác với Hoa Kỳ. Đây có thể là suy nghĩ ở trong nội bộ của Trung Cộng đối với đợt tăng nhập cảng lương thực gần đây”.

Con đường vận chuyển ngoại thương ở trên biển Đông của Trung Cộng bị khóa chặt

Đối với chính quyền Bắc Kinh mà nói, một thách thức lớn hơn là con đường vận tải biển quốc tế.



Lược đồ các cảng biển và tuyến hàng hải lớn trên thế giới. (Ảnh: Internet)

Biển Đông và eo biển Đài Loan nối biển Đông với biển Hoa Đông không chỉ là con đường liên kết quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, mà còn là cổ họng vận chuyển thương mại và tài nguyên của Trung Quốc.

Cho dù là nhập cảng dầu từ Trung Đông và Châu Phi (chiếm khoảng 80% lượng dầu thô nhập cảng của Trung Quốc) hay nhập cảng lương thực từ Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Argentina, tuyệt đại đa số tài nguyên nhập cảng của Trung Quốc đều phải đi qua Biển Đông.



Bản đồ các tuyến hàng hải ở Biển Đông được lấy từ ấn bản năm 2014 của cuốn “Ocean Passages for the World”. (Ảnh trên Internet)

Theo Báo cáo nghiên cứu về tình trạng hàng hải ở trên Biển Đông vào năm 2017 do Hiệp hội Hàng hải Trung Quốc biên soạn (PDF), các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông (như hình trên) chủ yếu là từ hướng Tây Nam đến Đông Bắc, và được chia thành 3 tuyến là tuyến Đông( 东 线), tuyến Trung( 中 线) và tuyến Tây( 西 线), trong đó các tuyến Trung chiếm đa số. Ngoài ra còn có tuyến Đông Nam / Tây Bắc và tuyến Đông Tây.
Theo báo cáo này, số lượng các tàu lớn ra vào các đảo, bãi đá ngầm dọc theo bờ biển Trung Quốc chiếm khoảng 2.5% tổng lượng tàu ở trên Biển Đông, nghĩa là 97.5% các tàu là đi qua khu vực ngoài khơi của Biển Đông.



Sơ đồ về cách Trung Quốc đột phá cửa ngõ Biển Đông. (Nguồn: Cục Sách Địa lý Quốc gia Trung Quốc )

Theo Sơ đồ về cách Trung Quốc đột phá cửa ngõ Biển Đông do Cục Sách Địa lý Quốc gia Trung Quốc sản xuất, nếu muốn đi qua Biển Đông và mở một tuyến đường vận chuyển mới, Trung Cộng sẽ không chỉ phải chịu chi phí lớn hơn về thời gian và tiền bạc mà còn phải đối mặt với những thách thức về quân sự và địa chính trị. Nói cách khác, Trung Cộng sẽ gặp phải áp lực quân sự lớn hơn từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh ở những vùng biển xa hơn ngoài đất liền.

Ông Đường tin rằng một khi Trung Cộng phát động chiến tranh ở eo biển Đài Loan và đưa cả Biển Đông, Đài Loan và Biển Hoa Đông vào cuộc chiến, hoạt động ngoại thương và vận tải biển của Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn nặng nề. “Mặc dù Trung Cộng đã và đang phát triển tàu tốc hành nối liền Trung Quốc-Âu Châu và các tuyến vận tải xuyên lục địa khác, nhưng tải trọng hiện vẫn còn quá nhỏ; quan trọng hơn là việc nhập cảng lương thực có thể sẽ bị cắt đứt”.

“Không giống như Nga và một số quốc gia xuất khẩu dầu ở Trung Đông và châu Phi, đại đa số các quốc gia xuất khẩu lương thực cho Trung Quốc không có khả năng hợp tác với Trung Cộng để thay đổi các tuyến đường vận chuyển hoặc thách thức các lệnh chế tài thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, nếu Trung Cộng liều mạng tấn công Đài Loan và bắt đầu một trận hải chiến, Hoa Kỳ có khả năng sẽ cắt đứt các con đường vận chuyển ngũ cốc và thương phẩm nhập cảng khác của Trung Quốc thông qua đường hàng không”, “Đây có thể là một trong những lý do đằng sau việc Trung Cộng tăng tốc nhập cảng ngũ cốc một cách bất thường. Trung Cộng có thể là đang tích trữ lương thực để chuẩn bị cho việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực”.


Do Long Đằng Vân, Diệp Tử Minh thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch