Hàng hóa tăng giá trong mùa dịch, người tiêu dùng khốn khổ




Ảnh minh hoạ: Pixabay.
Nhiều loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô và thậm chí nhiều sản phẩm khác đã tăng giá cao trong những tháng vừa qua khiến nhiều hộ gia đình gặp khó trong sinh hoạt tiêu dùng.

Hơn 3 tháng qua, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến thực phẩm khô tại TP.HCM đều tăng giá mạnh, nhất là khi thành phố và nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, ghi nhận của Thanh niên.

Chẳng hạn, giá thịt heo trước đây thường 130.000 – 135.000 đồng/kg thì có thời điểm nhiều cá nhân bán tăng lên 220.000 đồng/kg. Trong khi đó giá heo sống từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay giảm đến 20.000 đồng, từ 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/kg nhưng giá bán lẻ thịt heo đến tay người dùng lại tăng chóng mặt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các loại cá, tôm như tôm nuôi tại Long An, Tiền Giang giá 110.000 – 120.000 đồng/kg, cùng loại bán tại TP.HCM 240.000 – 250.000 đồng/kg; cua Cà Mau 220.000 đồng/kg, giá lên TP 380.000 đồng/kg; cá nục thông thường có giá 55.000 – 60.000 đồng/kg nhưng trong dịch tăng lên gấp đôi.

Đặc biệt với các loại rau xanh như rau muống, rau cải các loại cũng đã tăng gấp 2-3 lần so với trước đây. Thậm chí các loại rau gia vị như hành lá, rau ngò… có lúc tăng gấp 4-5 lần ngày thường khiến nhiều người “chóng mặt”.

Không chỉ với thực phẩm tươi sống mà ngay thực phẩm khô như các loại bún, mì hay các loại bột làm bánh cũng tăng gấp đôi.

Hầu như tất cả người bán đều giải thích việc tăng giá sản phẩm trong thời gian dịch diễn biến nặng nề đều cho rằng vì các loại chi phí liên quan đều lên cao. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Hiếu, chủ một vựa rau củ tại Đà Lạt, việc nhiều loại rau củ tại TP.HCM tăng gấp 2 hay gấp 3-4 lần ngày thường là vì người bán vẫn muốn có lời quá cao. Thậm chí giá mua rau củ tại vườn rất thấp vì đang vào vụ thu hoạch, cộng thêm chi phí vận chuyển về TP.HCM cũng không thể nào tăng gấp đôi.

Theo thông tin từ Vietnamnet, chiều 26/9, Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết, hiện TP đã qua đỉnh của dịch COVID-19, vì các chỉ số như ca mắc mới, ca tử vong, ca thở máy… đã giảm sâu trong thời gian qua.

Bà Mai cho biết, Sở Y tế đã có kế hoạch thu hẹp các bệnh viện dã chiến theo lộ trình phù hợp.

Theo đó, các bệnh viện ở vùng xanh từ nay đến cuối tháng 9 sẽ trả lại công năng để điều trị bệnh nhân không phải COVID-19; cụ thể là Bệnh viện quận 7 và Bệnh viện Đa khoa Củ Chi.

Theo lịch trình, các bệnh viện dã chiến sử dụng cơ sở giáo dục tại khu vực quận, huyện, TP. Thủ Đức sẽ dần thu hẹp từ nay đến hết năm 2021, để trả lại cho các trường học.





DKN