NGƯỜI VIỆT ĐÃ BỊ DỐI TRÁ ĂN SÂU VÀO TIỀM THỨC!




Khi một đứa trẻ đi học,

Nếu nó biết được ( do nghe thấy, nhìn thấy, hay thậm chí chỉ là cảm thấy ... ) phụ huynh của nó đút lót cho giáo viên ( bằng nhiều hình thức : trao phong bì tiền, tặng quà cáp, hay thậm chí chỉ là cho con đi học thêm tại nhà của giáo viên ... ) để nó có được một số quyền lợi nào đó ( được học trường tốt, lớp tốt, được có chỗ ngồi tốt, được quan tâm ưu ái hơn, được học gà, học tủ, được biết trước đề kiểm tra, đề thi, được nâng điểm ... vv ... ) ...

Thì điều đó sẽ ghi dấu vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ, ăn sâu vào tiềm thức của đứa trẻ như viết lên một tờ giấy trắng.

Khi đứa trẻ lớn lên, nếu là thường dân thì có thể, hay chắc chắn, sẽ hối lộ ; nếu là quan chức thì có thể, hay chắc chắn, sẽ tham nhũng.
Hối lộ và tham nhũng, đều bắt nguồn từ DỐI TRÁ, là biểu hiện của DỐI TRÁ.

DỐI TRÁ đã ăn sâu vào tiềm thức.

Khoa Phân Tâm Học xác định rằng hành vi của con người được điều khiển rất nhiều bởi tiềm thức. Tiềm thức quyết định tính cách của con người, từ đó quyết định số phận của con người đó.

Nhiều con người hợp thành cộng đồng - xã hội - dân tộc - quốc gia, tiềm thức của nhiều con người quyết định tính cách của cộng đồng - xã hội - dân tộc - quốc gia, từ đó quyết định số phận của cộng đồng - xã hội - dân tộc - quốc gia đó.

Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành tiềm thức - tính cách của con người từ thời thơ ấu.

Ở Việt Nam, chuyện chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, chạy bằng ... đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", và gần đây là các vụ mua bán bằng ở các trường đại học lớn, các vụ mua bán điểm ở các tỉnh thành phía Bắc gây chấn động, nhưng tại sao bộ giáo dục vẫn không thể chấn chỉnh !?!

Rất đơn giản, bởi vì chức bộ trưởng giáo dục có thể, hay chắc chắn, được chạy, được mua bán qua các cuộc bầu cử DỐI TRÁ !
Chức bộ trưởng giáo dục trong một chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ chỉ có thể được dựng lên bởi những nhóm lợi ích tham nhũng. Nếu chấn chỉnh, nghĩa là chống lại những nhóm lợi ích tham nhũng, thì sẽ bị vô hiệu hóa và hạ xuống.

Một đại biểu quốc hội : “người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại” !

Một cục trưởng cục chống tham nhũng thuộc thanh tra chính phủ : “tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn, chúng tôi chống lại có khi ‘chết’ trước” !

Một phó trưởng ban nội chính trung ương : “tham nhũng bây giờ không chỉ một người, một nhóm người, không chỉ một cấp mà nhiều người, nhiều tầng, nhiều cấp … nên chống rất khó”.

Vậy thì thủ tướng, tổng bí thư có thể chấn chỉnh được không !?!

Cũng không !

Tại sao ?

Rất đơn giản, bởi vì chức thủ tướng, tổng bí thư có thể, hay chắc chắn, được chạy, được mua bán qua các cuộc bầu cử DỐI TRÁ !

Chức thủ tướng, tổng bí thư trong một chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ chỉ có thể được dựng lên bởi những nhóm lợi ích tham nhũng. Nếu chấn chỉnh, nghĩa là chống lại những nhóm lợi ích tham nhũng, thì sẽ bị vô hiệu hóa và hạ xuống.

Tại sao các cuộc bầu cử DỐI TRÁ vẫn tồn tại hàng mấy chục năm, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác !?!

Rất đơn giản, bởi vì con người Việt Nam đã bị DỐI TRÁ ăn sâu vào tiềm thức.

Con người Việt Nam biết rất rõ bầu cử là DỐI TRÁ nhưng họ vẫn giả vờ đi bầu cử một cách DỐI TRÁ.

Con người Việt Nam giả vờ đi bầu cử một cách DỐI TRÁ bởi vì họ sợ chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ sẽ làm rầy rà, gây khó dễ, hay bắt bớ và bỏ tù họ mà chẳng dựa trên luật pháp nào cả, tức vô pháp.

Lúc này, DỐI TRÁ đi kèm với HÈN HẠ !


Để có thể sống TRUNG THỰC, con người cần ít nhiều DŨNG CẢM !

Nếu có 10% dân số Việt Nam không DỐI TRÁ và HÈN HẠ, đủ TRUNG THỰC và DŨNG CẢM để cương quyết không giả vờ đi bầu cử một cách DỐI TRÁ, thì chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ sẽ chột dạ lo lắng.

Nếu có 30% dân số Việt Nam không DỐI TRÁ và HÈN HẠ, đủ TRUNG THỰC và DŨNG CẢM để cương quyết không giả vờ đi bầu cử một cách DỐI TRÁ, thì chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ sẽ tái mặt sợ hãi.

Nếu có 50% dân số Việt Nam không DỐI TRÁ và HÈN HẠ, đủ TRUNG THỰC và DŨNG CẢM để cương quyết không giả vờ đi bầu cử một cách DỐI TRÁ, thì chế độ độc tài toàn trị dựa trên sự DỐI TRÁ sẽ tan rã sụp đổ.

Nếu có hơn 50% dân số Việt Nam không DỐI TRÁ và HÈN HẠ, có TRUNG THỰC và DŨNG CẢM, thì Cộng Đồng - Xã Hội - Dân Tộc - Quốc Gia Việt Nam sẽ có một số phận xán lạn.

Không cần phải xuống đường biểu tình ôn hòa hay xông pha chiến đấu bạo động, đơn giản chỉ cần tẩy chay các cuộc bầu cử DỐI TRÁ bằng cách ở nhà, không đi bầu cử, không làm gì cả. Giống như đình công, bãi thị, bãi khóa vậy.

Thay vì đấu tranh bằng "Làm" thì sẽ "Không Làm". Nguyên lý "VÔ VI NHI VÔ BẤT VI" - "KHÔNG LÀM GÌ MÀ KHÔNG GÌ LÀ KHÔNG LÀM" là đây !

"Làm" hay "không Làm" đều thuận theo tự nhiên thì ít tốn công sức.

Sống TRUNG THỰC và DŨNG CẢM là cách tìm về Đạo Đức - Bản Sắc - Nhân Phẩm của mình, như Václav Havel viết trong tiểu luận Quyền Lực Của Kẻ Không Quyền Lực :


- ( trang 125 )
Sống trong dối trá chỉ có thể tạo thành hệ thống nếu mọi người đều làm như vậy. Nguyên tắc của nó phải bao trùm và ngấm vào tất cả. Không có gì có thể cho phép nó cùng tồn tại với sống trong sự thật, và vì vậy mà tất cả những người bước qua vạch đều phủ định nó về mặt nguyên tắc và đe dọa tính toàn vẹn của nó. Có thể hiểu được : Khi ảo tưởng còn chưa va chạm với hiện thực thì dường như nó vẫn không phải là ảo tưởng. Khi “sống trong dối trá” còn chưa giáp mặt với “sống trong sự thật” thì vẫn chưa có đủ điều kiện để vạch trần sự dối trá của nó.

- ( trang 136 )
Sống trong dối trá đã làm cho bản sắc của con người lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc ; đến lượt mình, cuộc khủng hoảng vốn làm cho cuộc sống như vậy trở nên khả dĩ, chắc chắn phải tạo ra hậu quả đạo đức : Hậu quả xuất hiện - bên cạnh những đặc điểm khác - như là một cuộc khủng hoảng đạo đức sâu sắc trong xã hội. Người bị hệ thống giá trị tiêu dùng cám dỗ, người mà bản sắc bị hòa tan trong những bộ trang phục lòe loẹt của nền văn minh bầy đàn, người không có cảm nhận trách nhiệm về bất kì cái gì cao xa hơn sự tồn tại của bản thân, là một người đã mất đạo đức. Hệ thống sống dựa vào sự đồi bại này và làm cho nó trở thành trầm trọng thêm, trên thực tế là phóng chiếu sự suy đồi đạo đức trên bình diện toàn xã hội.

Ngược lại, sống trong sự thật là cuộc nổi dậy của con người nhằm chống lại sự sắp đặt cưỡng bức, là một cố gắng nhằm giành lại quyền kiểm soát cảm nhận của cá nhân về trách nhiệm. Nói cách khác, đấy rõ ràng là một hành vi mang tính đạo đức, không chỉ vì người ta phải trả giá đắt cho nó, mà vì đấy là nguyên tắc bất vụ lợi : Sự mạo hiểm có thể được đền đáp, tức là tình hình được cải thiện, mà cũng có thể không. Về mặt này, như tôi đã nói bên trên, đây là một canh bạc được ăn cả ngã về không, và thật khó mà tưởng tượng được một con người duy lý lại bước lên con đường ấy chỉ vì anh ta nghĩ rằng hy sinh hôm nay sẽ được đền đáp vào ngày mai – mà đền đáp lại chỉ là lòng biết ơn của công chúng. ( Nhân tiện, xin nói rằng những người đang nắm quyền luôn luôn vu khống những người sống trong sự thật bằng cách lúc nào cũng bảo rằng họ vị lợi – thèm khát quyền lực, danh vọng, hay tiền tài – và do đó, chúng cố gắng, ít nhất là tìm cách đưa những người sống trong sự thật vào thế giới của chúng, thế giới phi đạo đức một cách toàn diện ).

- ( trang 177 )

Nói cho cùng, hệ thống hậu toàn trị không phải là một chính quyền đặc biệt đang theo đuổi một đường lối chính trị đặc biệt. Nó là một sự kiện khác hẳn : Nó là sự xúc phạm kéo dài, sâu sắc và phức tạp đối với xã hội, hay nói đúng hơn là xã hội tự xúc phạm mình. Nếu chỉ chống lại nó bằng cách vạch ra một đường lối chính trị khác, và đấu tranh làm cho chính quyền thay đổi, không những chỉ là phi thực tế, mà còn hoàn toàn không phù hợp, bởi vì cuộc đấu tranh đó không bao giờ đụng chạm tới được căn cốt của vấn đề. Vì đã từ lâu, nó không còn nằm trong các đường lối chính trị hay cương lĩnh nữa : Đó là vấn đề của chính cuộc sống. Do đó, bảo vệ các mục đích của cuộc sống, bảo vệ nhân phẩm không chỉ là cách tiếp cận thực tế hơn - vì nó có thể bắt đầu ngay bây giờ và có thể được nhiều người ủng hộ hơn vì nó liên quan đến đời sống hàng ngày của con người, đồng thời ( và có lẽ đúng hơn là chính vì thế ), nó còn là cách tiếp cận triệt để hơn nhiều, bởi vì nó nhắm đúng vào bản chất của sự vật.