Thế vận hội Bắc Kinh 2022: Hai người bị bắt ở Hy Lạp vì phản đối việc thắp đuốc




Hai người đã bị bắt ở Hy Lạp vì treo biểu ngữ trước khi ngọn đuốc Olympic cho Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh được thắp sáng, tờ SCMP đưa tin hôm 18/10.


Nhà hoạt động lưu vong người Hồng Kông Joey Siu, 22 tuổi và sinh viên người Mỹ gốc Tây Tạng Tsela Zoksang, 18 tuổi, đều là công dân Hoa Kỳ, đã bị bắt tại Athens hôm Chủ nhật (17/10). Họ đã giăng các biểu ngữ đòi hỏi các quyền tự do cho Hồng Kông và Tây Tạng tại một buổi diễn tập cho lễ thắp đuốc hôm thứ Hai (18/10) ở địa danh cổ đại Acropolis. Hai người bị bắt sẽ phải ra tòa ở Hy Lạp.

Hai người này là thành viên của nhóm “No Beijing 2022” (tạm dịch: Không Bắc Kinh 2022) một liên minh các nhóm đã và đang vận động Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) dời Thế vận hội khỏi Trung Quốc. Nhóm cũng đang kêu gọi các chính phủ và các nhà tài trợ tẩy chay sự kiện này vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương, Tây Tạng và ở Hồng Kông.

Trả lời phỏng vấn tổ chức Tây Tạng Tự do trước khi bị bắt, cô Siu nói nếu cô thực hiện hành động tương tự ở Hồng Kông, cô sẽ có nguy cơ đối mặt với “án tù kéo dài, hoặc thậm chí tệ hơn.”

Cô nói: “Bằng cách trao cho chính phủ Trung Quốc vinh dự đăng cai tổ chức Thế vận hội Olympic, IOC đang gửi đến thế giới một thông điệp rằng chúng ta có thể nhắm mắt làm ngơ trước tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người của Trung Quốc.”

Trung Quốc đã bị cáo buộc có nhiều hành vi vi phạm nhân quyền như giam giữ hàng loạt và cưỡng bức lao động chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương, hay bức hại, bao gồm cả việc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Một số chính phủ cho rằng đây là tội ác diệt chủng.

Bắc Kinh đã bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc này và cho biết các chính sách của họ là chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, và nhằm mục đích xóa đói giảm nghèo.

Học giả nhân quyền Teng Biao hiện đang ở Hoa Kỳ, một người thường xuyên chỉ trích việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội, nói rằng theo những gì ông biết, đây là vụ bắt giữ đầu tiên trong nhiều tháng đối với những người phản đối Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh.

Tuy vậy, ông cho biết “Những người biểu tình sẽ không bị khuất phục bởi các vụ bắt giữ. Trên thực tế, nó có thể thúc đẩy nhiều người hơn tham gia các cuộc biểu tình trong tương lai. Chúng tôi có vài tháng trước khi Thế vận hội diễn ra và lập trường tàn nhẫn của Bắc Kinh về những vấn đề này sẽ thúc đẩy nhiều người hành động hơn.”

Ông nói rằng Hy Lạp, nơi khai sinh ra nền dân chủ, đang vi phạm pháp quyền khi bắt giữ những người biểu tình ôn hòa và không cho phép họ được bảo lãnh tại ngoại. Ông cho rằng Trung Quốc có thể đang tăng cường ảnh hưởng của mình lên các nền dân chủ nhỏ hơn, như trường hợp này của Hy Lạp.

Chính quyền Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ những lời chỉ trích của các nhóm nhân quyền và tiếp tục các chính sách đàn áp của họ ở Tân Cương và Hồng Kông. Ông Teng cho rằng cộng đồng quốc tế nên duy trì áp lực đối với Bắc Kinh.


Ông Teng nói: “Tẩy chay toàn diện hoặc tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội là rất quan trọng. Những điều này sẽ khiến nhiều người hơn nữa tìm hiểu những gì đang xảy ra ở Hồng Kông, Tân Cương và phần còn lại của Trung Quốc.”

Ông cũng cảnh báo về khả năng chính phủ Trung Quốc bịt miệng những người bất đồng chính kiến ​​và những người chỉ trích ở Trung Quốc trước thềm Thế vận hội – điều đã xảy ra với ông trước Thế vận hội Mùa hè 2008, khi ông bị cảnh sát giam giữ hai ngày. Trong một vụ án nổi bật khác vào năm đó, nhà hoạt động nhân quyền Hu Jia đã bị kết án 3 năm rưỡi tù giam vì tội danh tương tự.

Xuân Lan (theo SCMP)