Facebook đổi tên: Đặt cược vào “đa vũ trụ ảo” hay “ve sầu thoát xác”?




Ngày 28/10/2021 là ngày mang tính lịch sử của Facebook. Trong ngày này, Facebook đã đổi tên công ty thành “META”.



Mark Zuckerberg (Nguồn: Frederic Legrand – COMEO/ Shutterstock)

Ngày 28/10/2021 theo giờ miền đông nước Mỹ, tại đại hội thường niên có tên Facebook Connect, Facebook tuyên bố đổi tên công ty thành “META”, mã cổ phiếu của công ty sẽ đổi thành “MVRS” từ ngày 1/12. Facebook đổi tên thành Meta để tập trung chuyển hướng sang thực tế ảo, lấy nền tảng máy tính mới nổi làm chủ. CEO của Facebook Mark Zuckerberg cho biết, “đa vũ trụ ảo (Metaverse) là một tuyến đầu tiếp theo, bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi sẽ lấy Metaverse làm ưu tiên, chứ không phải là ưu tiên Facebook”. Từ góc độ của Facebook, dù là nói chuyện với đồng nghiệp tại phòng làm việc, hay là đi lang thang cùng bạn bè ở các nơi xa xôi trên thế giới, mọi người sẽ thông qua việc vào môi trường ảo để tiến hành tụ họp và trao đổi nói chuyện.

CEO Mark Zuckerberg tích cực đề xướng xây dựng đa vũ trụ ảo, là một nền tảng dựa trên thực tế ảo mới của công nghệ thực tế và mạng internet. Trả lời phỏng vấn hồi tháng 7, ông Zuckerberg cho biết, “một công ty mạng xã hội biến thành một công ty đa vũ trụ ảo.”

Có truyền thông cho rằng tên gọi mới có thể có liên quan với nền tảng thực thế ảo “Horizon” mà công ty này vẫn đang phát triển, đây là một hoài bão, ý chí lớn tiếp theo của ông Mark Zuckerberg – xưng bá “đa vũ trụ ảo”. “Đa vũ trụ ảo” là một loại siêu thế giới ảo được cấu thành thông qua công nghệ VA và AR, khái niệm này gần đây được nhiều nhiều công ty internet toàn cầu theo đuổi tung hô.

Theo truyền thông Mỹ đưa tin, cái tên Meta này thực tế từ lâu đã xuất hiện trong kế hoạch “mở rộng vũ trụ” của Facebook. Hiện tại, nếu đăng nhập vào tên miền “Meta.com” thì sẽ tự động chuyển sang trang web “meta.org”. Trang web “meta.org” là một trang web y học, thuộc tổ chức từ thiện “Chan Zuckerberg Initiative” do ông Mark Zuckerberg và vợ là Priscilla Chan điều hành.

Từ năm 2017, tổ chức từ thiện này đã mua lại công ty Meta, chuyên về công nghệ trí tuệ nhân tạo tìm kiếm luận văn khoa học. Điều này cho thấy ông Zuckerberg đã sớm có tính toán cho công ty “đa vũ trụ ảo” của mình.

Truyền thông Mỹ phân tích, mặc dù hiện tại vẫn chưa rõ ý đồ thực sự của Facebook, nhưng các chuyên gia kinh doanh cho rằng Facebook có thể làm theo cách làm của Google, thành lập một công ty mẹ để giám sát các loại nghiệp vụ / hoạt động kinh doanh. Nếu tên của công ty mẹ là “Horizon”, vậy thì các phòng ban của công ty có thể đổi tên thành “Horizon Facebook” hoặc “Horizon Instagram”, v.v, hoặc cũng có thể giữ nguyên không đổi.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng sau liên tiếp các vụ bê bối, thực tế Facebook hy vọng mượn việc đổi tên và xây dựng lại thương hiệu “đa vũ trụ ảo” để vãn hồi lại thể diện của công ty.

“Thay tên đổi vận” hay “ve sầu thoát xác”?

Có không ít quan điểm cho rằng một nguyên nhân quan trọng khác của việc đổi tên có lẽ là do những năm gần đây, Facebook liên tiếp gặp phiền phức và cần “thay tên đổi vận”. Vào 2 ngày trước khi Facebook sắp sửa đổi tên, công ty này đã nhận liên tiếp 3 khoản phạt tố tụng.

Vào ngày 20/10, Tổng chưởng lý Racine của Đặc khu Columbia, Mỹ, đã chính thức kiện người sáng lập Facebook Zuckerberg, nói rằng ông Zuckerberg cần phải chịu trách nhiệm cá nhân trong vụ bê bối Cambridge Analytica vào năm 2018. Có phân tích cho rằng điều không thể phủ nhận là sau vụ bê bối làm rò rỉ một lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng vào năm 2018, Facebook đã “chìm sâu trong vũng lầy và không thể tự thoát ra được”.

Cùng ngày, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường của Anh (CMA) thông báo sẽ phạt Facebook gần 7 triệu đô la Mỹ do Facebook không cung cấp thông tin cập nhật theo yêu cầu. Truyền thông đưa tin, khi án phạt của CMA được đưa ra, các công ty công nghệ Internet đứng đầu là Facebook đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về quy định và kiểm duyệt. Vào mùa xuân năm nay, CMA và cơ quan quản lý cạnh tranh cao nhất của Liên minh Châu Âu đã khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền chính thức đối với dịch vụ phân loại quảng cáo Marketplace và dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Facebook. Trong những năm gần đây, Quốc hội Mỹ cũng đã thảo luận về khả năng quản lý giám sát hoặc chia tách các công ty của Facebook.


Ngay trước khi Facebook quyết định đổi tên, Frances Hogan, một cựu nhân viên của công ty được mệnh danh là “người thổi còi”, đã làm rò rỉ hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Facebook cho Wall Street Journal, cáo buộc công ty lấy “lợi ích trên hết” làm nguyên tắc. Công ty tồn tại hàng loạt hành vi coi thường lợi ích cộng đồng như kích động chia rẽ, phá hoại nền dân chủ, gây tổn hại đến sức khỏe tâm lý của người dùng trẻ tuổi. Sau đó, Quốc hội Mỹ đã tổ chức một phiên điều trần về các tài liệu này.

Về vấn đề này, truyền thông Mỹ chỉ ra, một chỗ tốt khác khi đổi tên là ông Zuckerberg có thể thực hiện kế “ve sầu thoát xác” từ hàng loạt các tranh chấp pháp lý. Có thể trong lần làm chứng trước Quốc hội Mỹ lần sau, thân phận của ông không còn là CEO của Facebook nữa, mà là CEO của tập đoàn “Horizon”. Từ lý thuyết mà nói, điều này sẽ khiến ông tránh được phiền não phải chịu trách nhiệm vì bất cứ sai lầm nào của Facebook. Thậm chí có thể từ chối tham gia làm chứng, không còn là “kẻ đáng thương” buộc phải chịu trách nhiệm cho Facebook.

Vũ Chân, Vision Times