Nga phát hiện hơn 190 ứng dụng của Huawei có chứa phần mềm độc hại




Ảnh minh họa từ Shutterstock.
Các nhà nghiên cứu của Doctor Web, công ty chống virus máy tính của Nga, cho biết họ đã tìm thấy hơn 190 ứng dụng có chứa phần mềm độc hại trong kho ứng dụng AppGallery của Huawei. Các ứng dụng này đã được cài đặt bởi khoảng 9,3 triệu người dùng, theo Vision Times.

Các nhà nghiên cứu tiết lộ rằng, Huawei ẩn phần mềm độc hại trong các ứng dụng Android, ngụy trang dưới dạng trình giả lập, hoặc trò chơi.Vì thế, người dùng rất khó nhận ra rằng điện thoại di động của họ đã bị dùng để khai thác thông tin của chính họ.

Trong cửa hàng ứng dụng Huawei, ba ứng dụng được tải xuống nhiều nhất có chứa phần mềm độc hại này là: Nhanh chóng và ẩn nấp (2 triệu lượt tải xuống), Những cuộc phiêu lưu của mèo (427.000 lượt tải xuống), Trường học lái xe mô phỏng (142.000 lượt tải xuống).

Doctor Web đã thông báo cho Huawei và hiển thị danh sách các ứng dụng có phần mềm độc hại. Hiện các ứng dụng này đã bị xóa khỏi kho ứng dụng.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các phần mềm độc hại trong những ứng dụng kể trên có thể thực hiện nhiều hoạt động có hại khác nhau, như là thu thập thông tin người dùng và thông tin điện thoại di động, và hiển thị quảng cáo.

Khi một ứng dụng có chứa phần mềm độc hại được người dùng cài đặt, nó thường yêu cầu các quyền không liên quan đến trò chơi, chẳng hạn như thực hiện cuộc gọi hoặc phát hiện vị trí của người dùng. Sau khi người dùng cấp quyền, phần mềm độc hại sẽ lấy các dữ liệu như số điện thoại di động của người dùng, vị trí của thiết bị dựa trên GPS / mạng di động và điểm truy cập WiFi, kiểu máy và thông số kỹ thuật của thiết bị được sử dụng, mã mạng và mã quốc gia, v.v., và chuyển nó sang máy chủ nước ngoài.

Ngoài ra, các phần mềm này được cập nhật liên tục, điểm đáng chú ý là nó có thể được cài đặt thêm phần mềm gián điệp bí mật.

Li Jianjun, một phóng viên chuyên nghiệp về công nghệ mạng của RFA, cho biết: “Huawei đặt trụ sở tại Trung Quốc, nơi không có pháp quyền. Người dùng nói chung rất khó để yêu cầu Huawei bồi thường thông qua các thủ tục pháp lý, hoặc tung ra một phiên bản không có các phần mềm khai thác thông tin người dùng. Vì vậy, bạn không thể mong đợi AppGallery của Huawei có cùng mức độ bảo mật như App Store của Apple, hay Play Store của Google. Đây không chỉ là vấn đề của văn hóa doanh nghiệp Huawei, mà còn là vấn đề của hệ thống an ninh mạng Trung Quốc. Bởi vì chính quyền Trung Quốc có thói quen sử dụng tin tặc để theo dõi người dân, nguồn nguy hiểm lớn nhất tiềm ẩn đối với an ninh mạng chính là chính phủ Trung Quốc ”.


Chuyên gia này nói rằng, cách an toàn nhất là không sử dụng điện thoại di động Huawei.