Thác nước Victoria _ Hai quốc gia, một kỳ quan thiên nhiên






Một chiếc cầu vồng hiện trên thác nước Victoria

Dòng sông huyền thoại Zambezi tạo thành thác nước Victoria hơn 30 tầng, với bụi nước từ thác có thể đạt đến độ cao 2.600 feet (khoảng 790 mét), và có thể quan sát thấy từ xa 30 miles (khoảng hơn 48km). Victoria đã tạo thành đường biên giới giữa hai quốc gia – Zimbabwe và Zambia và là nơi thuận tiện để ngắm nhìn cầu vồng mặt trăng.


Khi màn đêm dần buông xuống, tiếng nước chảy trên con thác càng lớn hơn. Tiếng nước đổ ào ào, va vào vách đá, vang động ầm ầm, át đi tất cả những âm thanh về đêm của khu rừng Phi Châu tràn đầy nhựa sống. Chiếc đèn pin trong tay tôi là nguồn sáng duy nhất để định hướng cả đoàn đi trên một con đường khúc khuỷu, khi tôi tiến đến rìa của vách đá, thanh âm va chạm càng trở nên đậm đặc hơn. Chúng tôi, một phần của nhóm du lịch nhỏ, đã ở đây để chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Mọi người từ âm giọng trầm nhỏ đã phấn khích dần lên khi chúng tôi tiến gần đến con thác, đúng như dự đoán.


Và rồi, con thác ở ngay đây. Khu rừng lùi về sau lưng chúng tôi, và mảnh đất mở ra một khe nứt vô cùng lớn, trông có phần kịch tính khi nhìn vào khoảng không đen kịt. Khung cảnh lấp đầy trí tưởng tượng của tôi khi nhìn vào không gian không trông thấy gì cả – phía dưới đáy trông như vô tận. Phía trên là một cảnh tượng thu hút nhất : chính là một cầu vồng cong cong như vầng trăng, chúng ta thường gọi là “cầu vồng mặt trăng” (moonbow).




Khung cảnh thác Victoria nhìn từ trực thăng

Thông thường, cầu vồng có thể tụ thành hình đẹp đẽ ở hầu khắp các nơi, riêng cầu vồng mặt trăng thì đặc biệt hơn, vì chỉ khi có đủ ánh sáng trăng trải xuống từ bầu trời với đủ nhiều những tia sáng xuyên qua bầu không khí thì hiện tượng khúc xạ ánh sáng mới có thể xảy ra.
Hơn 2,300 năm trước, nhà thông thái Aristotle đã viết về điều kỳ diệu này. Và ngay lúc này, giữa bầu trời đêm, với những dải sáng trắng và xám – thứ ánh sáng quá mờ ảo để tác động đến những cảm thụ màu sắc bằng mắt thường – thì chiếc cầu vồng mặt trăng đang hiện ra trên con thác đường bệ và hùng tráng nhất thế giới: Thác nước Victoria.


Trải dài hơn một mile (khoảng 1,609 mét), dòng sông huyền thoại Zambezi đã tạo cho Thác nước Victoria hơn 30 tầng. Bao bọc bởi những đồng bằng rộng lớn và bằng phẳng của Phi Châu, thác nước này là kiến trúc địa chất kinh ngạc, nước đổ qua một vết nứt gãy trên nền đá ba-zan. Bụi nước từ thác có thể đạt đến độ cao 2.600 feet (khoảng 790 mét), và có thể quan sát thấy từ xa 30 miles (khoảng hơn 48km).

Những người bản địa đã gọi thác nước này là “những cụm khói toả mù”, thác nước này đã tạo thành đường biên giới giữa hai quốc gia – Zimbabwe và Zambia (cả hai quốc gia này đều mở cửa cho du khách Hoa Kỳ). Hai quốc gia này đều có rất nhiều trò chơi để tận hưởng kỳ quan thiên nhiên này – và cầu vồng mặt trăng chỉ là một trong những ví dụ đáng được nói đến hơn.

Cho những ai tìm kiếm cảm giác mạnh


Những ai gan dạ có thể lựa chọn chuyến bay ngắn này ngang qua dòng thác Victoria.
Đối với những du khách thích sự phiêu lưu, quý vị có thể neo mình tại rìa dòng thác. Đây là một trò khá hút những ai ưa mạo hiểm. Quý vị có thể đến Hồ của Quỷ từ đảo Livingstone phía Zambia. Mặc dù khó có thể tưởng tượng được việc bì bõm lội nước trên dòng sông Niagara phía trên dòng thác, nhưng nỗi sợ có lý trong việc có thể bị cuốn đi xuống vách đá thẳng đứng phía dưới đã khiến người ta hầu hết ở trên mé sông – và đây là một tiếp cận đúng đắn khi đến với hồ nước nhỏ này. Khi chúng tôi đang bơi, những hướng dẫn viên ở trên trông chừng nhóm nhỏ của chúng tôi, nhưng dòng sông lúc này chảy khá êm, do đang giữa mùa khô, dòng sông đã phải chia nước xuống những nơi khô cằn hơn.


Càng tiến gần, chúng tôi càng dễ quan sát họng khe nứt ở phía dưới hơn. Đất liền đột ngột biến mất, mở ra một khoảng trống vô cùng lớn, chúng tôi có thể trông thấy những tàng cây xanh ở phía bên kia khe nứt. Trong chốc lát, chúng tôi tiến đến rìa vách đá, và kết thúc quá trình bơi “nín thở” của mình bằng việc lội bộ xung quanh khu vực hồ đá, sâu và tĩnh lặng, nhưng đúng nghĩa là nằm ngay bên miệng vực của thác nước.


Những con cá nhỏ rúc vào chân chúng tôi. Các hướng dẫn viên khuyến khích chúng tôi đi đến một dải đá phẳng nằm ở phía xa của khu vực hồ. Để đề phòng, một hướng dẫn viên giữ mắt cá chân của chúng tôi, trong khi một hướng dẫn viên khác giữ những chiếc máy ảnh của chúng tôi, còn chúng tôi đi bộ dọc theo rìa vách đá để mong chụp được bức ảnh có một không hai trong đời.




Hồ Quỷ
Đó là một cảm xúc rất lạ khi chứng kiến dòng nước lạnh ào ạt không ngừng chảy qua, để rồi đổ xuống một đáy sâu phía dưới và rồi biến mất sau một lớp sương mù. Những du khách phía Zimbabwe đang vẫy tay với chúng tôi, và chúng tôi vẫy tay lại với họ.
Từng lượt người trong chúng tôi được treo lên, kéo qua trên đá với đôi tay thả xuống dòng thác. Toàn bộ trải nghiệm này quả thật khó có thể tin được, ngay cả vào thời khắc [chúng tôi] được bao quanh bởi sức mạnh vô ngần của dòng thác và đắm chìm vào sự hùng tráng ấy.



Những tia nắng ban mai rơi trên dòng thác Victoria

Dĩ nhiên biên giới quốc gia là điều do con người đặt ra. Dòng thác này hiện nay đã được công nhận là Di sản Thế giới, và người Âu Châu đầu tiên được trông thấy dòng thác Victoria này là nhà truyền giáo và cũng là nhà thám hiểm David Livingstone, người đã đặt tên cho con thác để vinh danh sự trị vì của Nữ hoàng Anh quốc. Nhưng những người bản địa đã sống ở đây hàng thiên niên kỷ trước, với các công cụ thời kỳ đồ đá và đồ gốm thời kỳ đồ sắt đã được khai quật qua nhiều công trình khảo cổ.
Có một chút khó khăn để đến được đây. Cả Zambia và Zimbabwe đều yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR COVID-19 âm tính là điều kiện nhập cảnh đối với công dân Hoa Kỳ. Hơn nữa, cả hai quốc gia đều yêu cầu visa du lịch, đôi khi có thể mua được ở cảng nhập cảnh. Họ đều có sân bay quốc tế (thị trấn tại Zambia có tên là Livingstone, còn thị trấn tại Zimbabwe có thể là Thác Victoria), cùng chia sẻ một con đường biên giới, nối với nhau bằng cây cầu cao 650 foot bắc qua hẻm núi.

Và mỗi phía đều có rất nhiều trò để bạn có thể ngắm nhìn địa điểm du lịch thiên nhiên này ở một khía cạnh khác. Bạn có thể bay bằng trực thăng hay thậm chí là khinh khí cầu, khi ấy, toàn bộ chiều dài đáng ngạc nhiên của dòng thác sẽ hiện lên phía dưới bạn, và dòng nước thẫm đen đổ trắng xoá xuống một khe nứt giữa xung quanh là khu rừng mênh mông vô tận.
Từ cây cầu, bạn có thể nhảy bungee xuống khe vực sâu hơn 300 mét; [hay] trượt zipline, đạt đến tốc độ gần 60 dặm một giờ, như thể đang bay qua hẻm núi. Hoặc bạn có thể ung dung tản bộ — cả hai phía đều có những con đường đi bộ thích hợp cho việc thưởng thức dòng thác.

Những khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã




Đàn voi trong Công viên Quốc gia Hwange. Zimbabwe thường được biết đến bởi những khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Ở khu vực này của Nam Phi, người ta không xa lạ gì với khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã.
Công viên Quốc gia Hwange của Zimbabwe chỉ tốn vài tiếng chạy xe. Tương đương với diện tích của Bỉ, công viên khổng lồ này cho chúng ta những trải nghiệm cận cảnh các loài động vật thuộc nhóm Năm loài lớn (Chú thích của người dịch: bao gồm sư tử, báo, tê giác, voi và trâu Cape), cũng như những đàn linh cẩu.


Nhưng quý vị không cần phải đi xa đến vậy. Gần với thị trấn chính và trong Công viên Quốc gia Thác Victoria ở Zimbabwe, quý vị có thể cho một đàn voi bán hoang dã ăn gồm những con voi bị thương hoặc mồ côi tại Trại Voi (The Elephant Camp). Những con vật này có thể được tự do đi lại tuỳ ý, và khi quý vị trải nghiệm chúng với cự ly gần như vậy, quý vị sẽ cảm thấy thật sự phấn khích trước kích thước và sức mạnh thực thụ của chúng.


Một lựa chọn nữa là bơi thuyền bè. Tại một khu cắm trại gần đó, tôi đã có cơ hội ra sông và leo lên thuyền kayak bơm hơi. Zambezi là một trong những con sông nhiều tầng nhất của lục địa này, chảy dài hơn 1.500 dặm từ Zambia qua cửa biển cuối cùng tại Mozambique và đổ vào Ấn Độ Dương. Từ vị trí này, tôi không thể nhìn thấy dòng thác, nhưng hướng dẫn viên của tôi quả quyết rằng dòng thác đang ở ngay đó, mặc dù chúng tôi không dự tính đi xa đến vậy.
“Tất nhiên, trừ khi bạn đã mang sẵn một chiếc dù [cứu hộ]”, anh nói.


Bất chấp một số lo lắng ban đầu, chúng tôi bắt đầu di chuyển xuống sông, định hướng các đoạn ghềnh thác và không trông thấy bất kỳ dấu hiệu nào của những con thú sống ở vùng nước này, chẳng hạn như cá sấu và hà mã. Loài hà mã thoạt nhìn thì thấy hoạt hình và vụng về, nhưng lại là một trong số những loài động vật nguy hiểm nhất Châu Phi. Chúng tôi đúng nghĩa là đang chèo thuyền dọc theo đường biên giới, Zambia ở một bên, còn Zimbabwe ở bên kia. Đường đi của chúng tôi dài khoảng bảy dặm, chúng tôi đến điểm đến một cách an toàn, đầy vui thích và chưa được ăn gì cả — và không cần đến dù [cứu hộ.]


Nhà văn Tim Johnson, định cư ở Toronto, luôn đi du lịch khắp nơi để tìm kiếm và viết nên những câu chuyện tuyệt vời. Từng đến thăm hơn 140 quốc gia trên khắp 7 châu lục, ông đã theo dấu chân sư tử ở Botswana, đào bới tìm kiếm xương khủng long ở Mongolia, và đã từng đi bộ cùng với khoảng nửa triệu con chim cánh cụt ở Đảo Nam Georgia. Ông cộng tác với một số tờ báo lớn nhất của Bắc Mỹ, bao gồm cả CNN Travel, Bloomberg và The Globe and Mail.



Tim Johnson _ Thiên Minh