.


Tản mạn ly cafe Việt Nam

Từ lâu nay người Việt Nam mình có một niềm tự hào rằng: Cafe Việt Nam ngon nhất thế giới. Người việt mình dù đi đến đâu, cũng vẫn chung thành với hương vị của cafe Việt Nam.





Hôm rồi dẫn một người bạn từ Việt Nam mới sang Mỹ đến Starbucks uống cafe, anh ấy vừa nhâm nhi ly cafe thương hiệu nổi tiếng Starbucks vừa buông miệng nói câu nửa đùa nửa thật:

"Chỉ có qua châu Âu hay qua Mỹ tôi mới bỏ tiền mua cafe Starbucks xứ Tây mà uống chứ còn ở Việt Nam mặc dù Starbucks đã mở cửa hơn cả năm trời nhưng tôi chẳng bao giờ bỏ một đồng bạc nào để uống ly cafe nhạt nhẽo như thế".

Đây không phải là lần đầu tiên tôi được nghe một người Việt mở miệng chê cafe Tây. chắc có lẽ bởi từ thuở tập tành uống cafe thì những ai ở Việt Nam sẽ quên với hương vị đậm đặc đắng nghét và màu đen xì của cafe Việt Nam, rồi sau này khi có cơ hội ra nước ngoài hay từ khi cafe nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam, họ mới được uống cafe Tây thì lại chê không ngớt lời nào là hương vị nhạt nhẽo, không có màu đen đậm đặc như của cafe Việt Nam. Nhưng có một điều là trong số những người yêu thích hương vị đậm đặc cũng như màu sắc đen huyền của cafe Việt Nam, liệu có bao nhiêu người hiểu rõ tính chất cũng như chất lượng thật sự của cafe Việt Nam hiện nay.

Có một sự thật mà không phải ai yêu thích cafe Việt Nam cũng được biết là cafe ở Việt Nam không phải 100% là cafe, nói rõ hơn là cafe ở Việt Nam chỉ có khoảng 1% - 10% là cafe thật sự, còn lại 90% là hương liệu, hóa chất và bột bắp rang cháy. Đó chính là lý do tại sao cafe Việt Nam rất đậm đặc, mùi rất nồng thậm chí có pha lẫn mùi khét, đặc biệt là có màu đen huyền.

Nếu để ý một chút thì ai cũng dễ dàng nhận ra rằng cafe thật sự làm từ hạt cafe nguyên chất có màu nâu vàng hơi đậm một chút, khi pha uống thì vẫn giữ màu nâu vàng chứ không phải màu đen huyền đậm đặc như cafe Việt Nam. Hơn nữa cafe thật nguyên chất lúc nào cũng mang vị hơi chua chua, mùi thơm nồng tự nhiên chứ không mang mùi khét, và hương vị đắng nghét như cafe Việt Nam. Bởi vậy với nhiều người nước ngoài hay những người Việt xa quê đã quen uống cafe xứ Tây, thì khi uống cafe Việt Nam, họ cảm thấy mùi vị đắng và khét chẳng khác nào uống thuốc bắc.

Tôi có một vài người bạn, khi vừa sang Mỹ, họ háo hức muốn đến mua cafe Starbucks uống vì thời điểm đó, Starbucks chưa mở cửa hàng ở Việt Nam. Ngay lần đầu tiên bước chân vào tiệm cafe Starbucks, nhìn thấy bầu không khí yên tĩnh ấm áp trong quán và ngửi thấy mùi cafe thơm nồng từ chiếc máy xay cafe đặt ngay bên cạnh quầy tính tiền cũng làm họ cảm thấy khác xa với những quán cafe ở Việt Nam. Không ít người cảm thấy ngạc nhiên về sự khác nhau một trời một vực khi nhìn thấy cách thưởng thức ly cafe của người Mỹ và người Việt Nam trong nước. Với nhiều người Việt Nam khi đi sang nước ngoài, họ thích tìm đến Starbucks hay Coffee Bean, một là muốn thưởng thức ly cafe xứ Tây để tìm cái hương vị cafe lạ cho biết, hai là muốn được nhìn thấy điều khác lạ, thấy bầu không khí êm dịu nhẹ nhàng với những ánh đèn vàng mờ ảo ấm áp của quán cafe ở xứ Tây khác xa với vẻ hào nhoáng, nhộn nhịp, ồn ào xô bồ của những quán cafe xứ mình.

Mà có về Việt Nam, đi uống cafe từ quán cóc ở vỉa hè, bên lề đường với giá vài ngàn đồng bạc một ly, cho đến quán cafe sang trọng bậc nhất thành phố Sài Gòn với giá vài trăm ngàn đồng một ly, thì chắc hẳn chẳng một ai có thể thấy ly cafe mà mình uống được pha chế như thế nào? Cafe được rang xay tại chỗ từ hạt cafe nguyên chất rồi pha, hay pha từ bột cafe đã chế biến hay pha từ cafe đóng gói bán sẵn ngoài chợ, ngoài siêu thị? Chắc chắn không một ai biết được và cũng chẳng một ai ở Việt Nam có thể thấy được cái máy rang xay cafe để chễm chệ trước mỗi tiệm bán cafe dù lớn hay nhỏ như Starbucks, bởi vì quá trình pha trộn, chế biến cafe đã được làm một cách bí mật và cũng đầu độc dân nghiện cafe ở Việt Nam một cách âm thầm bằng hương liệu, hóa chất và bột bắp rang cháy.

Ấy vậy mà không hiểu sao, nhiều người Việt sống ở nước ngoài lâu năm vẫn nghiện cái vị đắng khét của cafe Việt Nam, vì với họ, uống cafe xứ Tây cảm thấy nhạt nhẽo và không đủ "liều". Do vậy mà khắp các khu chợ Á Đông, cafe Việt Nam vẫn được xuất khẩu và bày bán khắp nơi để chứng minh tình yêu thủy chung của người Việt xa quê với hương vị đắng khét cafe xứ mình.

Với nhiều người Việt Nam, khi Starbucks tiến vào thị trường Việt Nam, họ không hưởng ứng và không thích uống cafe nguyên chất ở Starbucks mà chỉ thích uống những loại thức uống được chế biến, pha trộn từ cafe nguyên chất với sữa, với trứng, với kem có tên gọi Latte, Frappucino, Cappucino cũng bởi vì họ không thích hương vị thuần khiết thật sự không pha tạp chất của cafe và cũng bởi vì bao nhiêu năm qua, họ đã có khẩu vị thưởng thức cafe hoàn toàn bị bị sai lệch so với người nước ngoài. Nhiều năm trước đây, cafe Việt Nam được xuất khẩu rất nhiều nhưng những năm gần đây thì sụt giảm hẳn, có lẽ do chất lượng cũng như hương vị cafe Việt Nam ngày nay đã không còn được người nước ngoài yêu thích như trước nữa.

Nói thật, những ai chung thủy với tình yêu cafe Việt mà chê Starbucks và những thương hiệu cafe xứ Tây khác đều là nạn nhân của cafe Việt Nam. Uống những thứ hóa chất và bột bắp rang cháy trộn với nhau lâu ngày thì vấn đề bị bệnh ung thư là chuyện một sớm một chiều mà thôi. Khổ nỗi, tình yêu chung thủy của những người yêu thích uống cafe Việt Nam bao năm qua đã bị đầu độc mà họ khó nhận biết được. Và bao năm qua, cũng đã có biết bao nhiêu người Việt Nam cũng tự lừa dối mình rằng "cafe Việt Nam ngon nhất thế giới".
11/01/2015
Vina
Cali Today News online