Các bậc cha mẹ ở Virginia kiện học khu vì chương trình giảng dạy CRT





Mọi người chuyện trò trước khi bắt đầu một cuộc biểu tình phản đối “thuyết sắc tộc trọng yếu” được giảng dạy trong các trường học tại trung tâm Chính phủ Quận Loudoun ở Leesburg, Virginia, hôm 12/06/2021. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP/Getty Images)

Các bậc cha mẹ ở Virginia đã kiện Hội đồng Học khu Quận Nam Albemarle về điều gọi là các tài liệu giảng dạy “chống phân biệt chủng tộc” mà họ cáo buộc là đang truyền dạy cho con cái họ những giáo lý của Thuyết Sắc tộc Trọng yếu (CRT) mà thực ra bản chất của thuyết này là phân biệt chủng tộc.

Các nguyên đơn này gồm chín bậc cha mẹ cùng con em của họ, đã nộp đơn khiếu nại (pdf) tại Tòa án Quận Albemarle vào ngày 22/12 với sự trợ giúp của các luật sư đến từ Liên minh Bảo vệ Tự do (ADF), một tổ chức bất vụ lợi hợp pháp.

ADF cho biết trong một tuyên bố rằng các bậc cha mẹ đã đệ đơn kiện hội đồng học khu vì “ban hành các chính sách phân biệt đối xử và nhồi nhét tư tưởng cấp tiến vào đầu học sinh,” vi phạm quyền công dân của học sinh bằng cách đối xử với các em khác nhau dựa trên chủng tộc.

“Các khách hàng của chúng tôi tin rằng mỗi người được tạo nên theo hình ảnh của Chúa, đáng được tôn trọng, và do đó, không nên bị trừng phạt hay khen thưởng vì điều gì đó mà họ không có quyền kiểm soát,” Cố vấn cao cấp của ADF Kate Anderson cho biết trong một tuyên bố. “Các trường công không có quyền miệt thị học sinh vì chủng tộc, sắc tộc, hay tôn giáo của các em.”

Học khu Quận Albermarle đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về vụ kiện này.

Đơn khiếu nại của các bậc cha mẹ lưu ý rằng, vào năm 2019, Học khu Công lập Quận Albemarle đã thông qua “Chính sách Chống Phân biệt Chủng tộc” với mục tiêu đã nêu là xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, nhưng chính sách này và việc áp dụng chính sách này vào chương trình giảng dạy của nhà trường được nhồi nhét thêm các tư tưởng của thuyết CRT, vốn “nhìn mọi người và mọi việc qua lăng kính chủng tộc.”

Đơn khiếu nại nêu rõ, “Khác xa với việc khám phá những tư tưởng hoặc triết lý xoay quanh công lý và hòa giải, hệ tư tưởng đó khuyến khích chia rẽ chủng tộc, định kiến chủng tộc, và thù địch chủng tộc. Và Chính sách này cũng như vậy.”
Các bậc cha mẹ cho rằng việc đưa thuyết CRT vào chương trình giảng dạy đồng nghĩa với việc “đi theo một cách hiểu mới cực đoan cấp tiến về ‘phân biệt chủng tộc’ vốn gây tổn hại và hạ thấp giá trị của tất cả mọi người,” phân loại tất cả mọi người thành các nhóm chủng tộc và xác định họ là “những kẻ áp bức đặc quyền đặc lợi vĩnh viễn hoặc những thành viên vĩnh viễn là nạn nhân của kẻ áp bức, bác bỏ quyền tự quyết đối với cả hai nhóm người này.”

Đơn khiếu nại nói rằng các tư tưởng của thuyết CRT gán sự phân biệt chủng tộc cho không chỉ những người có chủ ý phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc mà còn với “những người thuộc một chủng tộc nhất định (da trắng) không tham gia tích cực vào việc loại bỏ theo quy định” điều mà những người ủng hộ CRT lập luận là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống đã len lỏi vào các thể chế của nước Mỹ và ẩn tàng trong thái độ của những người không tích cực “chống phân biệt chủng tộc.”

Một ví dụ về thuyết CRT trong chương trình giảng dạy ở trường này gồm một slide hướng dẫn học sinh lớp 8 hiểu phân biệt chủng tộc là “sự gạt ra ngoài lề và/hoặc áp bức người Mỹ gốc Phi Châu dựa trên một hệ thống phân cấp chủng tộc được xây dựng theo xã hội ban đặc quyền cho người da trắng,” theo các tài liệu lớp học được trích dẫn trong đơn khiếu nại.

Một ví dụ khác có một slide khuyến khích học sinh “chống phân biệt chủng tộc”, bởi vì “không đưa ra các lựa chọn chống phân biệt chủng tộc, chúng tôi (không) có chủ ý đề cao các khía cạnh quyền thượng đẳng da trắng, văn hóa người da trắng thống trị, cũng như các thể chế và xã hội bất bình đẳng.”

Các bậc cha mẹ này đang yêu cầu tòa án ngăn chặn học khu thực hiện các phần của chính sách “chống phân biệt chủng tộc” vốn đòi hỏi “việc truyền thụ cho học sinh của Albemarle hệ tư tưởng làm hạ thấp giá trị của các em học sinh — toàn thể học sinh — dựa trên chủng tộc của các em.”

Họ cho rằng chính sách này vi phạm quyền được bảo vệ bình đẳng của các nguyên đơn, buộc họ phải khẳng định những thông điệp đi ngược lại niềm tin của họ, bịt miệng những ý kiến bất đồng là vi phạm quyền tự do ngôn luận, và can thiệp vào quyền định hướng việc nuôi dưỡng và giáo dục con em của họ.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng’.
Cẩm An biên dịch