Rơi bẫy nợ BRI, Sri Lanka yêu cầu Trung Quốc tái cấu trúc nợ trong bối cảnh kinh tế suy thoái





Các công nhân xây dựng đường bộ Sri Lanka làm việc dọc theo một con đường ở Colombo hôm 05/08/2018. Ngân hàng trung ương Sri Lanka vào ngày 3 tháng 8 thông báo họ đã có được bảo đảm khoản vay 1 tỷ USD của Trung Quốc khi hòn đảo, một mắt xích chính trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh, phát triển quan hệ chặt chẽ hơn với nền kinh tế lớn nhất Á Châu . (Ảnh: Larkruwan Wanniarachchi / AFP / Getty)

Ban thư ký Tổng thống Sri Lanka cho biết hôm 09/01, Sri Lanka đang mắc nợ chồng chất với Trung Quốc vì vướng bẫy nợ Vành đai - Con đường (BRI) của chế độ này. Không thể trả nợ đúng hạn, Tổng thống Sri Lanka đã yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu các khoản trả nợ hàng tỷ USD như một phần của giải pháp nhằm chống lại sự suy thoái kinh tế do đại dịch virus corona.

Văn phòng của ông Rajapaksa cho biết trong một tuyên bố, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa nói với ông rằng “sẽ là một sự cứu trợ lớn cho Sri Lanka nếu Trung Quốc có thể cho phép nước này tái cơ cấu các khoản nợ phải trả. Đây là một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế đã phát sinh tại Sri Lanka do đại dịch COVID-19”.

Sri Lanka ngập trong nợ nần
Theo tuyên bố, ông Rajapaksa cũng yêu cầu Trung Quốc cung cấp một kế hoạch tín dụng thương mại ưu đãi cho các doanh nghiệp Sri Lanka nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc, cũng như hỗ trợ tạo điều kiện cho khách du lịch Trung Quốc đến Sri Lanka; những thành phố, vùng du lịch an toàn không có dịch (còn gọi là bong bóng sinh học).

Sri Lanka được cho là sẽ phải trả khoảng 4,5 tỷ USD trả nợ vào năm 2022, bắt đầu bằng khoản trái phiếu quốc tế 500 triệu USD đến hạn hôm 18/01 tới đây.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Sri Lanka công bố, tỷ lệ lạm phát của nước này đạt mức cao kỷ lục 11,1% vào tháng 11/2021, trong đó lạm phát lương thực tăng lên 16,9%. Sự gia tăng giá được kích hoạt bởi sự sụt giảm của giá trị đồng nội tệ; đồng nội tệ Sri Lanka mất giá tới 7,5% so với USD vào năm 2021.

Chính phủ sau đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế theo sắc lệnh an ninh công cộng và bổ nhiệm một ủy viên dịch vụ thiết yếu để điều chỉnh giá thực phẩm từ các thương gia và nhà bán lẻ.

Không rõ liệu Trung Quốc có đồng ý với yêu cầu của Sri Lanka hay không.

Sập bẫy nợ BRI của Bắc Kinh
Trung Quốc được coi là nước cho vay lớn thứ tư của Sri Lanka, sau các thị trường tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Châu Á và Nhật Bản.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cho Sri Lanka vay hơn 5 tỷ USD để làm đường cao tốc, cảng, sân bay và nhà máy điện than. Nhưng các nhà phê bình nói rằng số tiền này được sử dụng cho các dự án lớn nhưng hiệu quả kém với lợi nhuận thấp, điều mà Trung Quốc đã phủ nhận. Nhưng đó là đặc trưng cơ bản của các dự án BRI.

Sri Lanka là một phần quan trọng trong Sáng kiến ​BRI của Bắc Kinh, một kế hoạch dài hạn nhằm tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Nhưng các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã coi chương trình này là một “cái bẫy nợ” đối với các quốc gia nhỏ hơn.

Vào tháng 12/2017, Chính phủ Sri Lanka đã cho Trung Quốc thuê toàn bộ Cảng Hambantota trong 99 năm để chuyển các khoản nợ 1,4 tỷ USD thành vốn chủ sở hữu, nhưng động thái này đã dẫn đến hàng chục nghìn người biểu tình phản đối thỏa thuận.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã cảnh báo Sri Lanka về việc thân thiết với Bắc Kinh, gọi ĐCSTQ là “kẻ săn mồi” tiếp tục vi phạm chủ quyền trên đất liền và trên biển.

Ông Pompeo nói trong cuộc họp báo chung năm 2018 ở Sri Lanka: “Từ những giao dịch tồi tệ, vi phạm chủ quyền và sự vô luật pháp trên đất liền và trên biển của ĐCSTQ, chúng tôi thấy rằng ĐCSTQ là kẻ săn mồi. Hoa Kỳ không giống như thế. Chúng tôi đến với tư cách một người bạn và một đối tác”.

Đức Duy

Theo The Epoch Times