Báo Sạch hay Bẩn





Mình thường theo dõi các vụ án có màu sắc chính trị, bị áp theo điều 331, Luật Hình sự cũ là điều 88 hay 256, để xem bản chất của vụ án là gì, tại sao họ lại bị bắt?


Vụ án Báo Sạch không phải dễ để nhận diện bản chất, vì nó có nhiều màu quá, mỗi người có thể thấy một màu riêng, nhất là nếu chỉ đọc qua báo chí cách mạng thì lại càng dễ lạc màu. Riêng với những phiên tòa xử tội này thì hầu hết xử vậy mà không phải vậy.

Cảm nhận cá nhân của mình là ở Báo Sạch có cả màu đấu tranh dân chủ, đấu tranh cho bất công xã hội, đấu tranh cho tổ chức, cá nhân, để nhận thù lao. Với mình thì việc nhận thù lao để làm gì đó thì bản chất nó không sai, chỉ sai khi đấu tranh cho cái xấu, cái ác (dù có nhận tiền hay không).

Ví dụ bạn lên tiếng cho một doanh nghiệp đang bị đánh đập, thì bạn nên nhận tiền, vì đó chính là business. Nếu lên tiếng vì cá nhân bị oan ức, mà người ta quá nghèo khổ, thì không nên nhận tiền, hoặc chỉ vừa phải. Nhưng nếu người ta giàu có thì nhận tiền là đúng. Đi làm phải có công chứ, không thì sống bằng gì? Ai nuôi vợ con cho mà đi làm việc bao đồng? Chỉ có điều là đánh giá thế nào là đúng hay sai để lên tiếng cũng không phải dễ lắm.

Vậy bản chất vụ này là gì?

Về việc lên tiếng cho bất công xã hội, kiểu BOT bẩn, thì Báo Sạch sẽ không bị bắt. Vì thực tế một số thành viên khác có tham gia đánh BOT, nhưng đã bỏ Báo Sạch, lại không bị bắt.

Việc đánh đấm doanh nghiệp, chả biết có tiền không, mình dự là có, thì còn tùy thuộc doanh nghiệp đó do ai đứng sau! Đôi khi đánh doanh nghiệp lại thành ra đánh nhóm lợi ích đứng sau, thì lại biến thành đánh phe nhóm. Và có thể thành ra hai phe đánh nhau. Đây là lý do mà báo chí nêu ra. Nhưng nói dậy chưa chắc đã đúng dậy. Cái này mình suy đoán, anh em tự hiểu. Nói chung doanh nghiệp thuần túy đánh nhau trên báo chí và mạng xã hội thì anh em công an cũng kệ mẹ, nếu có xử thì cũng tội vu khống là cùng, đại khái như Vingroup báo công an thằng trẻ trâu chửi VinFast. Nhưng nếu xử nặng là có mùi lợi ích phía sau.

Việc phe nhóm chính trị đánh nhau thông qua một vụ án hình sự mà Báo Sạch làm truyền thông cũng “CÓ THỂ” xảy ra. Chuyện này cáo trạng không nêu! Thế mới hay. Nhưng mình lại dự đây mới là bản chất. Bởi suy từ một thành viên Báo Sạch bị xử khá nặng là Lê Thế Thắng. Cậu này đâu có viết lách gì được mấy, cũng không rành nghề viết bằng những người còn lại, chủ yếu là quay phim chụp ảnh. Nhưng lại dính ba năm, còn nặng hơn người viết nhiều hơn. Từ đó mình mới suy ngược ra rằng lý do là bởi vì cậu này là người làm phim tài liệu cho vụ án Hồ Duy Hải, đầu trò luôn. Thế có nghĩa là bị xử nặng vì một tội không có trong cáo trạng! Từ đó suy tiếp là vụ này bản chất là trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết thôi.

Đây là nhận định cá nhân mình, mọi người có thể có đánh giá khác. Thế mới thấy là nếu liên quan đến cái ghế của các quan thì rất nguy hiểm, bạn chửi chế độ phong long thì có khi chả sao, chửi lãnh tụ đã chết cũng chả sao, nhưng mà làm cái ghế của ai đó rung rinh là bạn dễ toi. Vì sinh mệnh chính trị, nồi cơm của ai đó bị ảnh hưởng thì họ sẽ quật lại ngay.


Dương Quốc Chính




Hai án oan của Báo Sạch




Nhóm Báo Sạch từ chỗ kêu oan cho Hồ Duy Hải – trớ trêu thay, như nhiều bạn đã nói – lại trở thành nạn nhân của ít nhất hai vụ án oan.

Một án oan do chính quyền ép phải chịu. Oan này là oan không thể oan hơn vì bản chất Điều 331 Bộ luật Hình sự đã là điều luật hoàn toàn phi lý.
Một án oan do một bộ phận dư luận áp cho. Đó là cái án “báo bẩn”, với cáo buộc núp bóng báo chí để ăn tiền doanh nghiệp đánh phá người này người kia. Án này có nhiều chi tiết mù mờ, không rõ trắng đen, nên càng dễ chụp hơn. Thực ra mọi thứ rất rõ ràng nếu bóc tách vấn đề ra:
– Nhận tiền doanh nghiệp để làm truyền thông cho họ chưa bao giờ là vi phạm pháp luật, bất kể là vi phạm hình sự hay hành chính. Đây thực chất còn là một nghề hoàn toàn bình thường ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu Báo Sạch có hợp đồng truyền thông như vậy thật (tôi không biết có hay không) thì cũng hoàn toàn bình thường. Việc cáo trạng đưa thông tin này vào là hoàn toàn vô nghĩa về mặt pháp lý.
– Nếu Báo Sạch có mập mờ giữa báo chí và truyền thông thì cũng chỉ đáng phê phán về đạo đức nghề nghiệp. Về mặt chuyên môn, tôi nghĩ Báo Sạch nên làm tốt hơn trong việc làm rõ mô hình hoạt động và nguồn thu của mình để độc giả đỡ nhầm lẫn.
Đáng tiếc, mọi thứ còn đi xa hơn nữa khi nhiều người không hiểu lấy thông tin ở đâu ra cáo buộc Lê Thế Thắng ăn tiền của Vingroup; rồi sau đó họ lặng lẽ gỡ/sửa thông tin đi mà không có một lời xin lỗi hay đính chính. Nay phiên toàn phúc thẩm đã xong, y án, Lê Thế Thắng ở nhà chờ ngày thi hành án 3 năm tù, và cái án oan nhận tiền Vingroup vẫn treo trên cổ chưa biết bao giờ được giải oan.

Chúng ta không bao giờ biết được sự thật và toàn bộ sự thật của bất kỳ việc gì. Chuyện duy nhất ta có thể làm là cẩn trọng tối đa khi đưa tin và khi đeo gông vào cổ người khác, vì đó là cái nhớp sẽ theo họ cả đời, thậm chí con cái vợ chồng họ cũng phải chịu lây. Hòn đá ném đi dù có thu lại được thì nạn nhân cũng đã sứt đầu mẻ trán.

Tôi thấy không công bằng cho Báo Sạch khi chuyện họ làm truyền thông cho doanh nghiệp (nếu có) bị ác quỷ hóa và thậm chí còn bị vu khống, trong khi lại lờ đi cái oan tày trời họ phải chịu với Điều 331.

Trong khi đó, việc đáng ra phải làm là lên án bản án bất công và trân trọng những đóng góp lớn lao của họ trong việc điều tra hàng loạt vụ án, vụ việc oan ức như vụ Hồ Duy Hải. Để đóng góp được tới đó, cái giá mỗi người trong số họ phải trả là hàng năm tù và vô cùng nhiều hệ lụy vật chất lẫn tinh thần.

Chẳng phải vì quen biết với vài người trong nhóm mà tôi bênh. Tôi thậm chí còn va chạm với anh Trung Bảo vài lần trên Facebook vì bất đồng quan điểm. Nhưng oan thì vẫn là oan. Hãy công bằng với họ.

Trịnh Hữu Long