Tiếng Việt ngày nay dưới chế độ Việt Cộng.




"Con học sinh" là để phân biệt với thằng học sinh hay để phân biệt với con chó, con mèo, con gà, con lợn? Thương tiếng nước tôi...


Trường học (nhiều trường), nơi dạy và giữ gìn tiếng nói dân tộc, lại đang đều cùng nhau viết sai một cách ngớ ngẩn là "các con học sinh" và nhiều cái sai ngờ nghệch khác nữa, rồi đăng công khai trên web. Mà lạ, không giáo viên nào thấy giật mình nữa ư? Phá hỏng ngôn ngữ là một tội ác, tội ác hủy diệt văn hóa và con người mà không cần dao súng.

Chưa hết. Gọi học sinh là "con", hãy dẹp cái lối xưng hô kẻ cả/thảo mai nhão nhoẹt ấy đi. Tôi thấy nhiều người, cấp 1, cấp 2, cấp 3, kể cả đại học, vẫn cứ xơi xơi gọi người học là "con". Xưng "tôi" và gọi "trò", bằng không thì cũng "thầy/cô" và "em".
Lên phường mà xưng con/cháu/em với nhân viên chính quyền là hỏng rồi. Học sinh và nhất là sinh viên, phải chăng cũng nên xưng tôi với giáo viên, giảng viên ?
Ngôn ngữ là một nhà tù vô hình của tính cách và linh hồn. "Ngôn ngữ hướng dẫn thế giới quan" và tâm thế, hành vi của người nói. Người Việt nên tập xưng "tôi" trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là vai dưới đối với vai trên. Đó là một cách để thiết lập tâm thế bình đẳng, dân chủ, và sự chững chạc, đặng ra khỏi sự yếu nhược và tôn ti, để mà lớn lên, để giải thoát/giải phóng con người.
Thái Hạo
-----------



Có nên gọi học trò là các con: Gọi thế có gì là sai?





Gọi thầy/cô xưng con để bọn trẻ có sự tôn trọng với người giáo dục mình, điều đó có gì là sai?




TS Vũ Thu Hương, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập cho rằng gọi học trò là con trong trường học chẳng có gì là sai.

Có nên gọi học trò là các con? Mới đây, câu hỏi này được “xới” lên bởi các học giả có tiếng. Họ đưa ra lí lẽ để khẳng định không nên gọi học trò bằng con, bởi không ích lợi về nhiều mặt, trước hết và trên hết, không tốt cho trò.

PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, “Vấn đề được nêu lên từ lâu rồi. Cách đây gần hai chục năm giới ngôn ngữ học đã bàn đến các cặp xưng hô phù hợp trong nhà trường”.

GS Trần Đình Sử chính là một trong những người “châm ngòi” cho cuộc tranh luận: Có nên gọi học trò là các con, trên facebook hiện nay.

TS. Nguyễn Đức Mậu, Viện Văn học Việt Nam hưởng ứng nhiệt tình, anh đăng dòng trạng thái: “Cực lực phản đối gọi học sinh bằng con”. Trước thái độ của các giáo sư, tiến sỹ, dư luận “nóng” lên.

Về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập cho rằng, cách xưng hô như vậy có gì là sai.

Ông giáo già như bố tôi 84 tuổi rồi, học sinh hay sinh viên còn bé hơn cả cháu của cụ thì gọi cụ xưng "em" có được không? Giờ ông vẫn đi dạy thì thử hỏi 84 tuổi xưng "em" với học sinh có … nghe nổi không”- TS Hương nêu vấn đề.

TS Hương cho rằng, ngoài trừ học sinh hệ THPT và sinh viên đại học nếu giáo viên trẻ, giáo viên chênh lệch ít tuổi thì khó xưng kiểu như vậy. Tuy nhiên, nếu học sinh lớp 6,7 chẳng hạn, số tuổi giáo viên hơn học sinh cả 10-15 tuổi rồi thì chả nhẽ không xưng con được sao?

TS Hương cho rằng, ở đại học thì dù phong trào ở phổ thông gọi thế nào nhưng sinh viên vẫn gọi thầy/ cô, xưng "em" và không thấy xưng "con" bao giờ.

Gọi thầy/cô xưng con để bọn trẻ có sự tôn trọng với người giáo dục mình, điều đó có gì là sai”- TS Hương nêu quan điểm.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, việc thầy/cô xưng "con" với học sinh là bình thường nếu học sinh còn ở các lớp nhỏ.

Cô Dung chỉ ra, ở lớp cô dạy lớp 6 thì học sinh rất thích xưng con và nói một cách tự nhiên vì chính học sinh cảm thấy có tình cảm với thầy cô giáo của mình. Nhưng đến bắt đầu lên lớp 7 thì rất ít hoặc không có cách xưng hô này nữa.

Cô Dung nói: Tôi vẫn gọi các trò của mình là các con. Bởi, ở các cấp dưới các trò đã quen được gọi như vậy. Khi học sinh lên lớp 6, mới vào trường, vẫn quen cách gọi cũ thì thầy cô gọi “con” để tạo sự thân mật, gần gũi.

Thực tế, giáo viên và học sinh đến thời điểm nào đó nếu cảm thấy không phù hợp nữa thì sẽ không xưng hô như vậy nữa”- cô Dung nêu quan điểm.

Tại sao lại ấm ức vì việc gọi thế? TS Vũ Thu Hương cho rằng, kể cả học lớp 10,11 rồi nhưng chỉ cần có số năm công tác từ 5 năm trở lên thì việc xưng "con" với học sinh không có gì là sai cả. Vậy tại sao lại ấm ức vì việc gọi thế.
Người ta nói cần trọng thầy mới có thể có chữ. Tại sao lại không giữ cách xưng hô trọng lễ nghĩa đó mà phải bẽ chữ, bẻ nghĩa ra”- TS Hương nhấn mạnh.

TS Hương cho rằng, việc gọi cách xưng hô chỉ là “công cụ dạy đạo đức cho trẻ, sao lại tìm cách chặt bớt đi là sao”.

Cô Đỗ Thị Dung cho rằng, bản thân không cần chỉ ra cách xưng hô nên phải thế nào. Thực tế, chính học sinh đến độ tuổi nào đó sẽ bỏ cách xưng hô "con-cô/ thầy" vì xưng hô không còn thoải mái nữa: “Có trường hợp học sinh lớp 8,9 sau khi xưng "con"với cô đã bị bạn bè tẩy chay và nói học sinh đó là đồ điêu vì với các học sinh khác, họ không ai gọi cô thầy như thế nữa, trừ khi muốn nịnh thầy cô”- Cô Dung nói.

Đỗ Hợp




Ý kiến độc giả :

Thật ra người có hiểu biết thì không ai dùng chữ "con" để gọi người khác ngoại trừ đối với những đứa trẻ chưa có ý thức về nhân phẩm. Một khi học sinh (trẻ con hay thanh thiếu niên) đã ý thức được "cái tôi" của mình thì người lớn tuổi cần phải tôn trọng cách xưng hô đối với họ. Lắm gia đình gia giáo, cha mẹ thường gọi con cái đã lớn của mình bằng Anh / Chị.


Thời vua chúa, cách xưng hô rất quan trọng, dùng chữ "con" để tự xưng với người quyền thế cũng có thể là một sự xúc phạm. Một vị quan xưa cho biết, ở triều đính không ai được xưng "con" với Vua hay Hoàng đế, vì đó là phạm thượng có thể bị đánh đòn, bởi lẽ thần dân chỉ được xem là tôi tớ của vua quan thôi !!

Cô giáo (chẳng hạn đã bị học sinh xem là vô đạo đức hoặc xấu tính) mà gọi học sinh là "con" thì sẽ bị nó chưởi thầm trong bụng vì phẩn uất khi cô công khai tự xem mình ngang hàng với cha mẹ đáng kính của nó.

Tốt hơn hết là cứ để học sinh tự xưng mình là con hay em, còn bậc thầy cô chỉ nên gọi chúng là "em" vì chữ em không xúc phạm đến học sinh, hơn nữa chữ "em" có truyền thống lâu đời trong môi trường học vấn ở Việt Nam (hoặc Trung Hoa), người giỏi hơn thì được tôn làm đàn anh chị (sư huynh / sư tỷ) được quyền làm thầy cô dạy lại cho bọn đàn em (sư đệ/sư muội). Liệu các thầy cô ở Viẹt Nam có đủ tự tin và bản lãnh để tự xưng minh là Sư Phụ hay Sư Mẫu và muốn học sinh "xưng con" với mình ??
Kim Hoa Bà Bà