Thủ tướng Anh: 'Nga có kế hoạch cho cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ 1945"







Thủ tướng Boris Johnson nói Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến lớn nhất Châu Âu kể từ năm 1945

Bằng chứng cho thấy Nga đang lên kế hoạch cho "một cuộc chiến tranh lớn nhất ở Châu Âu kể từ năm 1945", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói tại Munich, CHLB Đức.

Trả lời phỏng vấn với BBC, ông Johnson nói: "Tất cả các dấu hiệu cho thấy kế hoạch ở vài khía cạnh đã bắt đầu."

Thông tin tình báo cũng chỉ ra rằng Nga dự định tiến hành một cuộc xâm lược bao quanh Thủ đô Kyiv, ông Johnson cho biết.
"Mọi người cần biết về hậu quả tổn thất sinh mạng vô cùng lớn," ông nói.
Thủ tướng Anh đã trả lời phỏng vấn từ Munich, nơi đang diễn ra Hội nghị An ninh châu Âu thường niên.

Chính phủ Mỹ ước tính hiện có khoảng từ 169.000 đến 190.000 binh sĩ Nga đang đồn trú dọc theo biên giới với Ukraine, ở Nga và quốc gia láng giềng Belarus - con số này cũng bao gồm những phiến quân ở miền đông Ukraine.
Giới chức phương Tây đã cảnh báo trong những tuần gần đây rằng Nga có thể đang chuẩn bị xâm lược Ukraine bất kỳ lúc nào trong khi đó Nga luôn bác bỏ các cáo buộc và cho biết các binh sĩ chỉ đang diễn tập quân sự trong khu vực.







Đông Ukraine: Sơ tán dân tại Donetsk và chiến sự nhỏ lẻ

Khi được hỏi liệu một cuộc xâm lược Nga vào Ukraine có thể xảy ra hay không, ông Johnson nói: "Tôi e rằng đây là điều mà các bằng chứng cho thấy".
Thủ tướng Anh cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các nhà lãnh đạo phương Tây rằng thông tin tình báo cho thấy lực lượng của Nga đang không chỉ lên kế hoạch tấn công vào Ukraine từ hướng đông, thông qua Donbas mà từ Belarus và khu vực xung quanh Thủ đô Kyiv.

"Tôi e là phải nói rằng kế hoạch mà chúng tôi thấy có thể là một cuộc chiến lớn nhất Châu Âu kể từ năm 1945 xét về quy mô," ông Johnson nói với BBC.

Ông Johnson cho biết cần xem xét vấn đề tổn thất sinh mạng của người dân Ukraine mà còn cả "thanh niên Nga".

Phát biểu của ông Johnson được đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phát biểu với các nhà lãnh đạo khác rằng bất kỳ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine sẽ khiến thế giới phản ứng.
"Ukraine sẽ không đáp trả trước khiêu khích"


Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine tham gia diễn tập vào ngày 19/02

Phát biểu tại Munich, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng quốc gia của ông sẽ không đáp trả trước các khiêu khích trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong những cuộc đụng độ đẫm máu ở khu vực ly khai miền đông Ukraine vốn do Nga hậu thuẫn.
Ông Zelensky khẳng định Ukraine sẽ tự bảo vệ trước sự tấn công của Nga và cho biết "người dân Ukraine không sợ hãi và chúng tôi muốn sống cuộc đời của chính mình".

Hai binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong ngày thứ 3 xảy ra giao tranh giữa quân đội Ukraine và các phiến quân thân Nga.

Ông cũng cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây về một "chính sách nhân nhượng" trước Moscow và yêu cầu Ukraine phải được có những đảm bảo an ninh mới.

Trước khi đến Munich, giới chức Mỹ cũng khuyến cáo ông Zelensky về việc không an toàn khi rời khỏi đất nước.
Bình luận của ông Zelensky được đưa ra sau khi các cơ quan giám sát cho biết đã có "sự gia tăng đáng kể" các vụ tấn công dọc theo tuyến phân định giữa lực lượng chính phủ Ukraine và phiến quân ở miền đông Ukraine. Đã có hơn 1.400 vụ nổ xảy ra tại các vùng ly khai Donetsk và Luhansk chỉ tính riêng trong ngày thứ Bảy 19/02.
Denys Monastyrsky, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine đã phải xuống hầm tránh bom sau khi có xảy ra bắn đạn pháo khi ông thị sát nơi tuyến đầu.



Một số cư dân ở thành phố Donetsk lên xe buýt theo yêu cầu sơ tán đến Nga

Các phiến quân ở hai quốc gia cộng hòa tự xưng là Donetsk và Luhansk đã ra lệnh huy động tất cả đàn ông ở tuổi ra chiến trường và yêu cầu dân thường sơ tán đến Nga. Những phần tử ly khai này nói mà không đưa ra bằng chứng rằng Ukraine đang lên kế hoạch tấn công.
Nhiều người đã không tuân theo lệnh sơ tán mà vẫn ở nhà.

Truyền thông Nga cũng tung ra một loạt các báo cáo chưa được xác minh về các vụ tấn công hoặc cố ý tấn công vào bên trong lãnh thổ do phiến quân chiếm giữ vào ngày 19/02.
Nga cũng đã tiến hành một cuộc điều tra quân sự vào các báo cáo này, vốn đã bị phía Ukraine bác bỏ, một quả đạn pháo đã phát nổ tại lãnh thổ Nga ở vùng Rostov, cách biên giới với Ukraine khoảng 1 km.
Đức và Pháp đã yêu cầu các công dân rời khỏi Ukraine. Hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng sẽ hoãn các chuyến bay đến Ukraine trong một tuần kể từ ngày thứ Hai 21/02.

Trong khi đó Nga đã phóng các tên lửa siêu thanh hiện đại trong cuộc diễn tập hạt nhân chiến lược vào ngày 19/02 với sự thị sát của Tổng thống Putin.

Nga cũng đang tiến hành các cuộc diễn tập quân sự ở Belarus gần biên giới với Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói lực lượng quân đội Nga đang bắt đầu "trải ra và di chuyển gần hơn" đến biên giới với Ukraine.

Ngày hôm nay 20/02, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chủ trì một cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về tình hình Ukraine.

Cũng trong ngày 20/02, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin.


BBC