Truyện “trước ngày ba mươi tháng tư”

Tác giả : Hoàng Long Hải





Tướng Trưởng đổi ra miền Trung rồi mà “Chiến thuật diều hâu” của ông ở Vùng 4 vẫn còn đi thưc hiện. Chiến thuật nầy, ở khu vực tôi, xem ra cũng đơn giản. Dọc theo “kinh Kháng Chiến”, con kinh được đào “hồi 9 năm” – thời 9 năm kháng chiến chống Pháp -, nằm dọc theo ranh giới hai tỉnh Long Xuyên/ Châu Đốc và Kiên Giang, thường có những chòm rừng tràm đơn độc. Nó có nghĩa là giữa vùng nước nổi mênh mông hay bên ngoài khu rừng Trà Tiên rộng lớn, là những “chòm” tràm mỗi bề cỡ vài ba trăm thước, đất hơi cao, có thể có Việt Cộng về hoạt động hay ẩn núp trong đó. Cứ cho lính tấn công vào những chòm tràm đó, thế nào cũng “có ăn”.

Khu 4…/ Chiến thuật được tăng phái mỗi ngày 7 trực thăng HU/ 1B, mỗi sáng đến đậu trong phi trường An-Bình. Sau khi Bộ Tư Lệnh Khu /CT chấm xong mục tiêu, cho một đơn vị Biệt Động Quân dùng trực thăng đổ xuống phía ngoài chòm rừng tràm. Đơn vị hành quân “lội” băng qua chòm rừng. Nếu qua xong rồi, không đụng địch thì được trực thăng đón ở phía bên kia, đem về doanh trại nghỉ ngơi. Nếu đụng địch, tùy theo tình hình trận đánh nặng nhẹ, binh sĩ được tăng cường. Nhờ “Chiến thuật Diều hâu” nầy, chúng tôi thắng nhiều trận rất ngoại mục: Một trận bắt được “Bác sĩ Việt cộng”, một trận “chộp” trọn Bộ Chỉ Huy Tỉnh đội, cấp tiểu đoàn, có một bác sĩ ngoài Bắc vào “chi viện” và “Bản đồ Nhà Máy Xin Măng Hà Tiên”, sa bàn. Ý đồ của chúng là tấn công và phá sập nhà máy. Dĩ nhiên, bữa đó, ông Giám đốc Nhà Máy” Lê Hữu Ph., phải khao chúng tôi một “két” Hennessy “cổ vàng thứ thiệt” nhậu chơi… “Đời lính chiến, thắng trận là… vui!

&

Hôm đó, thiếu úy Kiệt, phụ trách tình báo đặc biệt, báo cáo với tôi, bên Biệt Khu 4… có bắt được mấy “ngoe” tù binh, khi họ “nhảy diều hâu” xuống chòm tràm cuối kinh 1 / An Hòa – con kinh nầy kéo dài từ núi Trầu vô với “kinh Kháng Chiến”.

“Chiến lợi phẩm” hôm đó chỉ toàn bộ đội “nón cối” chớ không đội “nón tai bèo”, có nghĩa rằng đây là “quân Cộng Sản Băc Việt xâm nhập”. Chúng lại tiếp tục “xâm nhập miền Nam”, sau khi chúng đã ngưng một thời gian, khoảng hơn nửa năm, sau “Hiệp Định Paris 73”. Tình- trạng “tiếp tục xâm nhập” như thế này là rất quan trọng, có nghĩa Cộng Sản lại tiếp tục công việc xâm lăng miền Nam chớ không ngưng lại như trong Hiệp Định đã cam kết.

Khi tôi đang đứng trong sân Chi Khu K.L, nơi tạm đóng của Biệt Khu 4…, thì một ông trung sĩ dẫn một tên “cán binh Cộng Sản”, nói nôm na là một “tên lính Cộng Sản” hay nói cách khác là “bộ đội cụ Hồ” đi vào – Ông trung sĩ tên Cung hay Cưng gì đó, vì chữ U trên bảng tên ông ta không có dấu, nói:

– “Thiếu tá! Thằng nầy nó không chịu khai gì cả.”

Thiếu tá Thanh, – người tôi sang gặp là thiếu tá Thanh -, bước tới phía tên lính Cộng Sản, nói, vẻ dữ dằn, chưởi thề:

– “Mày không khai hả. Đ.M. tao đá một cái cho mầy thấy mẹ bây giờ!”

Ông thiếu tá chưa kịp đưa chân lên, tên lính Việt Cộng đã cúi gập người xuống xin xỏ:

– “Nậy (lạy) ông. “nậy” ông! Con bị bắt nghĩa vụ. Con xin khai.

Vừa bỏ chân xuống, thiếu tá Thanh nói với trung sĩ “Cung”

– “Đưa nó vào trong. Bảo nó khai hết. Không khai thì liệu hồn, cho bỏ đói.

Một lát sau, thiếu tá Thanh gọi tài xế của ông tới bảo:

– “Mày vào trong, coi thử thằng bé khai chưa?”

Anh tài xế “dạ” rồi đi vào trong. Một lát, y đi ra, nói với thiếu tá Thanh:

– “Nó khai rồi thiếu tá. Có mặt cả đại úy Danh Lol bên Chi Khu.”

Đại úy Danh Lol là trưởng ban 2 Chi Khu. Thiếu tá Thanh nói với tài xế: “Mày ra ngoài mua cho nó ổ bánh mì thịt!” Thiếu tá Thanh vừa nói vừa rút ví lấy tiền đưa cho tài xế. Tôi nói nửa đùa nửa thật:

– “Không biết khi mình bị bắt có được Việt Cộng cho ăn bánh mì thịt không, chớ xem điệu nầy “ông” nuôi tù binh Việt Cộng hao quá.

– “Cũng may, “Tử Thần” cũng thông cảm, lâu lâu đưa cho tôi ít tiền để lo việc “bánh mì Chùa” như vầy.

– “Tử thần” là danh hiệu truyền tin của trung tá Thiệt, tư lệnh Khu CT. Ông ta có một nét “đặc biệt”, biểu lính phải gọi ông là “Tử Thần” khi trình diện ông, không gọi theo cấp bậc.

Một lúc thiếu tá Thanh hỏi tôi:

– “Anh có biết cái chiến thuật độc ác của Võ Nguyên Giáp không?”

– “Không!” Tôi trả lời.

– “Khi vào một trận đánh, Võ Nguyên Giáp dùng cái chiến thuật thắng thì có ăn, được tiếp tế, có lương thực, có tiếp liệu…

– “Còn thua?” Tôi hỏi.

Thiếu tá Thanh đáp: “Thua thì “chém vè”. May gặp gia đình “Việt Cộng” thì được che giấu, cho ăn… Còn nếu không thì trốn trong rừng, trong ruộng, rồi tìm về với đơn vị. Chết không ai hay cũng là chuyện thường.

– “Tôi từ Thủ Đức ra, chỉ học làm trung đội trưởng, không rõ loại chiến thuật có một không hai ấy, nhưng cách đây không lâu lắm, tôi có nghe một “ri-póc-tơ” (reporter) của AP hay AFP gì đó, nói trên đài BBC về cái chiến thuật ấy của Võ Nguyên Giáp, và khen ông là người tài giỏi.”

– “Giỏi gì?” Thiếu tá Thanh nói. “Dù có ai đọc hết binh thư xưa nay, không mấy ai thấy cái chiến thuật độc ác như thế nầy của “ông đại tướng thước mốt”. Dù có “Nhứt tướng công thành vạn cốt khô”, cũng khong bằng “Thắng có ăn, thua nhịn đói”. Tàn nhẫn với lính của mình đến thế là cùng”. Cấp chỉ huy có lương tâm, thương lính bao giờ cũng phải lo cái ăn cho lính của mình.”

Một lúc, tôi đi theo thiếu tá Thanh đi vào văn phòng. Tên “cán binh Cọng Sản” đã khai xong, đang được cho ngồi nghỉ.

Thiếu tá Thanh hỏi trung sĩ Cưng:

– “Nó khai chưa?”

– “Khai chớ! Khai xong hết rồi, thiếu tá. Đơn vị nó mới xâm nhập, thiếu giao liên nên lạc giữa rừng tràm. Bọn nó tính tản ra, đi kiếm gì ăn thì bị “múm” gọn, chớ chưa có ý đồ gì hết!”

Quay qua tên tù binh, thiếu tá Thanh cười hỏi:

– “Bánh mì ngon không mậy?”

– “Dạ thưa ngài…

– “Ở đây không ai là Ngài cả nghe mậy! Chế độ Cộng Hòa nầy đâu có “phong kiến”. Dù “Quốc trưởng Bảo Đại”, dù ông tổng thống, dù “ông già râu dê” của mầy, không ai gọi họ là “Ngài”, huống gì tao!”

Rồi thiếu tá Thanh hỏi tiếp: “Ngoài Bắc có bánh mì ăn không?”

– “Bánh mì? Cái hồi nãy cho ăn “nà”… “nà” …

– “Bánh mì đấy! Có bao giờ ăn bánh mì chưa?”

– “Dạ chưa! Con ở nhà quê, nghe “lói” ở Hà Nội mới có bánh mình, nhưng con chưa ra Hà “lội” bao giờ! Sao mà “ló” ngon thế!”

– “Sao mầy không ở nhà mà lên Hà Nội ăn bánh mì?”

– “Dạ không! Con bị bắt “nghĩa vụ”!

– “Nghe mầy nói, muốn nổi sùng! Đã là “nghĩa vụ” thì còn “bị bắt” gì nữa. Mày nói vậy không sợ cán bộ à?” Tôi nói.

– “Họ cũng “lói” như vậy ông à!

– “Chúng nó biết chữ nghĩa gì đâu!” Tôi nói: “Nói như con vẹt mà không rõ ý nghĩa của nó như thế nào cả. “Bị bắt đi nghĩa vụ, tình nguyện đi nghĩa vụ hay đi nghĩa vụ”, ý nghĩa cũng như nhau, không khác gì cả.”

– “Cũng buồn cười – “Tam đại bần nông” cả đấy, vậy mà chúng nó cai trị một nửa nước Việt Nam. Lỡ mai đây, chúng nó dốt nát như vậy mà cai trị cả nước thì bỏ mẹ luôn!”

Tôi hỏi “thằng bé” – đúng là thằng bé thật. Nó ốm nhom, xương hai gò má nhô cao, cái áo “kaki bộ đội” rách teng beng -. Thay vì cái quần kaki như cái áo thì nó mặc cái quần xà lỏn nhăn nhúm, hình “thằng nhỏ” của nó ịn ra trong lớp vải mỏng khá rõ. Da nó mốc đen… Tôi hỏi:

– “Mày bao nhiêu tuổi?”

– “Dạ thưa ông, nhà cháu mười bảy tuổi.”

– “Láo! Mày đi “lính cụ Hồ” mấy tuổi.”

– “Dạ thưa 16 tuổi? Thằng bé nói.

– “Mười tám tuổi chớ?

– “Dạ không. Đảng/ nhà nước đang cần, vay 2 tuổi.

– “Vay! Vay! Rồi có trả không, khi nào trả?

– “Dạ! Nhà cháu không biết! Đảng nói sao, nghe vậy.” Rồi nó nói tiếp: “Dạ cho cháu đi đái một cái.”

Trung sĩ Cung cầm súng dắt thằng bé đi ra phía sau. Một chốc cả hai người vào.

Tôi nhìn thằng bé rồi cười nói với thiếu tá Thanh: “Cỡ nầy thì “chưa biết mùi đời” đã đi lính rồi. Chết không thành ma mà thành tinh đấy.

Nghe tôi nói đùa, một anh trung sĩ trong chi khu, chỉ hình con đầm ở truồng trong tờ Playboy lót dưới tấm kính để bàn, hỏi “thằng nhỏ”: “Mày thấy cái nầy chưa?”

Thằng nhỏ nhìn tấm ảnh, nói như than:

– “Ối dzời. Ối dzời. Cái “lầy” là không được đâu. “Trên” phê bình dữ lắm đây.

– “Trên cũng khoái thấy mẹ. Tụi nó đạo đức giả đó mầy ơi. “Bác Hồ” mầy mà không khoái cái nầy là tao “đi đầu xuống đất”. Chỉ có những “thằng bé” như thằng nầy mới dễ bị tuyên truyền.” Tôi nói.

Thiếu tá Thanh: “Người ngợm như thế nầy, còn con nít quá mà bắt con người ta đi lính, thật tội nghiệp.”

Tôi cười: “Đâu phải một mình thằng nầy. Năm thằng Việt Cộng đeo cành đu đủ không gãy mà “ông”. (1).

– “Nãy giờ là nói chơi! Bây giờ tao hỏi thiệt: “Hồi nhỏ mày làm gì?”

– “Nàm” gì “nà” “nàm” gì? Thằng bé hỏi lại.

– “Nghĩa là, là… Mày có đi học không?” Thiếu tá Thanh nói.

– “Thưa ông! Có. Nhà cháu học tới “nớp” “lăm” thì nghỉ.”

– “Sao nghỉ”. Thiếu tá Thanh lại hỏi.

– “Dạ! Không có thầy giáo?”

– “Thầy bị bắt lính?” Tôi hỏi.

– “Dạ đúng. Thầy bị bắt nghĩa vụ. Không ai đứng “nớp”.

– “Cô giáo thì sao?”

– “Cô giáo cũng nghỉ “nuôn”. Đi thanh “liên” Xung phong.

– “Đi B”? Thiếu tá Thanh hỏi.

– “Dạ đi B hết!”

– “Cha mẹ mầy thì sao?” Thiếu tá Thanh hỏi.

– “Bố cháu đi “Lam” rồi mất tích trong “Lam” “nuôn”.

– “Mẹ mầy có lấy chồng khác không?”

– “Không. U cháu ở vậy!”

– “Chung thủy với chồng?”

– “Không! Chủ tịch xã không cho “nấy” chồng.

– “Sao kỳ dzậy?”

– “Ló” cặp với u cháu “lên” không cho u cháu “nấy” chồng!

– “Mày không ghét nó sao?” Tôi hỏi.

– “Dạ có! “Ló” ghét cháu, bắt cháu “nột” khăn quàng đỏ. Cháu chả cần.”

– “Nghỉ học mầy làm gì?

– “Chả “nàm” gì cả, chờ đi nghĩa vụ. Người “nàng” “lói” cháu đi nghĩa vụ sớm vì Chủ tịch Xã ghét cháu. Tới tuổi, cháu đi ngay đợt đầu”.

– “Mày ưa đi bộ đội phải không?” Thiếu tá Thanh hỏi.

– “Cũng không phải ưa, nhưng “nàng” người ta đi hết, không đi cũng không được.”

– “Mày không muốn “chống Mỹ cứu nước sao?” Tôi hỏi.

– “Người ta “lói” vậy thì mình hay vậy thôi, chớ cháu còn nhỏ, chưa biết gì?

– “Nhưng mày “ghét Mỹ Ngụy” lắm phải không?” Thiếu tá Thanh hỏi.

– “Cháu cũng không “ý thức” như người ta giáo dục đâu! Nhưng ghét thì có ghét Mỹ như mọi người vậy. Cháu “nói” thiệt. Hồi “lãy” cháu cũng khai vậy!”

– “Tại sao lại ghét Mỹ?”

– “Mỹ đánh bom khiếp “nắm” ông à. Người ta sợ “nắm”, nhất “nà” đám “chẻ con.”

– “Sợ bom nên người ta ghét Mỹ phải không?”

– “Ghét hai cái, Mỹ đánh bom “nà” một. Đánh bom “nà” xâm “năng” “lước” ta.

– “Ai bảo mầy thế?”

– “Người ta tuyên truyền thế; với thực tế cũng thế. “Chánh phủ ta” mà đầu hàng “nà” Mỹ cai trị “lước” ta, không còn độc “nập” “lữa”.

Thiếu tá Thanh nói nhỏ với tôi: “Đúng là bọn Mỹ hãnh tiến, cứ tưởng mình súng đạn đầy đủ, ngon lành là ai cũng sợ, cũng đầu hàng. Ngoài ấy, chết là chết dân chứ bọn lãnh tụ bao giờ lại chẳng an toàn.”

– “Thưa các ông! Cháu sợ ở tù “nắm”. Xin các ông đừng bỏ tù cháu.”

– “Ở trong Nam nầy,” tôi nói. “Ở tù sướng lắm, không như ngoài mầy đâu! Đừng lo!” Sở dĩ tôi nói câu ấy là vì mấy năm trước, khi còn dạy học, có lần tôi nói chuyện với một hồi chánh viên, tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoài ấy, bị bắt “nghĩa vụ”. Anh ta nói: “Thà đi lính chết mất xác ở trong Nam còn hơn ở tù ngoài Bắc. Một chế độ tù kinh khiếp nhất nhân loại.”

Thiếu tá Thanh nói đùa: “Mày không muốn ở tù thì tao cho mày về lại ngoài ấy với “bác Hồ” của mày nhé! Chịu không?”

– “Dạ, không!”

Tôi và thiếu tá Thanh nhìn nhau cười.

Tôi nói: “Tao mới sợ Cộng Sản. Mày là Việt Cộng rồi, sợ chi nữa mà không dám về ngoài đó?”

– “Ngoài Bắc, không phải ai cũng “là” Cộng Sản đâu ông ạ! Ưa hay không ưa, không ai dám “lói” ra. Tù mọt gông đấy! Cháu cũng vậy. Cháu không phải là Cộng Sản. Họ biểu gì “nà” chấp hành, không “nàm” “nà” không được.”

– “Còn như chủ tịch xã của u mày?”

– “Ông ta “nà” cán bộ rồi. Ông “nà” vua của “nàng” cháu đấy! Về gặp ông ấy, cháu không muốn về.”

– “Thế còn mẹ. Mày không thương mẹ?”

– “Thương thì có, nhưng u cháu có ông chủ tịch xã.”

– “Ông ta mới chủ tịch xã. Còn bí thư xã nữa chi?” Tôi lại hỏi.

– “Ông “lào” cũng như ông “lào”, “trên” của dân cả.

Thiếu tá Thanh hỏi:

– “Bây giờ mầy muốn đi ở tù hay chiêu hồi?”

– “Cháu không hiểu!” Thằng bé nói.

– “Ở tù là làm tù binh.” Tôi nói. “tức là vô tù ngồi chờ.”

– “Chờ gì? Thưa ông.”

Tôi đùa:

– “Chờ đem đi bắn, xô xuống biển, trả mày về ngoài kia với “bác Hồ” của mày.”

– “Ối dzà! Cái “lào” cháu cũng sợ, không muốn cả.”

– “Vậy tao mày “chiêu hồi”. Mày biết “chiêu hồi” là gì không, muốn không?” Thiếu tá Thanh hỏi.

– “Cháu có nghe nói chiêu hồi, sợ lắm!

– “Sợ ai?” Tôi hỏi.

– “Trên” biết “là” xử “ní” ngay. Ông ạ.”

– “Xử lý” là bắn?” Tôi hỏi.

– “Chứ gì!” Thằng bé trả lời.

– “Tao cho mày chiêu hồi. Mày đi học ba tháng rồi về. Đi học không phải ở tù.”

– “Mày nhớ khai là mày đầu hàng – túc là “chiêu hồi” đấy, trước khi nổ súng. Mày có tờ truyền đơn “chiêu hồi.” Quay sang tôi, tiếu tá Thanh nói: “kiếm bên chiêu hồi cho nó tờ truyền đơn được không?

– “Thiếu gì. Tôi sẽ biểu thiếu úy Kiệt kiếm cho nó một tờ.

Thiếu tá Thanh giải thích: “tôi kèm tờ truyền đơn vào lời khai của nó.” Lại quay sang trung sĩ Cung, thiếu tá Thanh nói:

– “Cho nó khai lại để chuyển nó cho Chiêu Hồi.”

– “Trong “Lam” “lày” cháu không có thân nhân. Học chiêu hồi xong, con ở đâu?”

– “Mày trở thành công dân trong Nam nầy, làm gì chẳng được. Mày còn tuổi quân dịch, không chừng bị bắt lính đấy.” Tôi giải thích.

– “Nính” như “nính” của các ông? Con thích “nắm” đấy.” Thăng bé cười. Từ nãy đến giờ, tôi mới thấy nó cười. Thấy vui, tôi nói:

– “Mày đi lính trong Nam nầy rồi, ít lâu nữa, quân trong Nam về giải phóng ngoài Bắc. Mày đi không?”

– “Đi chứ. Con thích lắm.”

– “Mày có về làng tìm thằng cướp vợ của cha mày không?” Thiếu tá Thanh cười hỏi.

– “Chủ tịch xã?” Thằng bé hỏi lại.

– “Chớ ai nữa!” Thiếu tá Thanh lại cười nói.

– “Thế thì con thích “nắm”. Con thích “nắm”. Con sẽ hỏi tội thằng cha ấy.”

Tôi cười, nói vớ thiếu tá Thanh: “Cộng Sản Bắc Việt là vậy, đi đâu cũng chỉ nghe nói tới hận thù.”

Thiếu tá Thanh cười to, phủ nhận: “Bắc kỳ Cộng Sản đó ông, không phải Bắc kỳ Quóc Gia như tôi đâu!”

Viết cho ngày 30 tháng Tư/ 2021

hoànglonghải