Tàu chỉ huy của Ukraine chìm tại cảng sau một tiếng nổ lớn





Tàu hộ vệ "Hetman Sagaidachny", soái hạm chỉ huy của Hải quân Ukraine, được cho là bị thủy thủ tự đánh đắm để không rơi vào tay quân đội Nga.

Ngày 4/3, soái hạm Hetman Sagaidachny, tàu mặt nước lớn nhất còn lại của hải quân Ukraine mới bị đánh đắm. Theo thông tin từ báo Nga Avia, con tàu bị phá hủy sau một vụ nổ lớn ở thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraine.

Vụ nổ xảy ra từ phía bên dưới đáy tàu. Hình ảnh chụp tại hiện trường sau vụ nổ cho thấy khinh hạm Hetman Sagaidachny bị lật nghiêng, nước ngập hầu hết phần thân tàu.

Sự việc xảy ra khi Hải quân Ukraine đã suy yếu đáng kể sau đánh mất cảng chiến lược ở Sevastopol. Quân đội Nga đã thu giữ nhiều tàu chiến của Ukraine ở Crimea, bao gồm một tàu đổ bộ cỡ lớn.

Hình ảnh được chia sẻ trên Twitter hôm 4/3 cho thấy tàu hộ vệ Hetman Sahaidachny chìm và nghiêng về một phía tại âu tàu ở cảng Mykolaiv, miền nam Ukraine. Không rõ thời điểm chiến hạm này bị đánh đắm cũng như bên chịu trách nhiệm.




Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga chưa bình luận về thông tin.

Vì sao soái hạm Ukraine bị đánh chìm?

Theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược và An ninh Thông tin Ukraine (SPRAVDI) ngày 4/3, tàu hộ vệ mang tên "Hetman Sagaidachny", chiếc soái hạm (tức tàu chỉ huy) của Hải quân Ukraine đã bị đánh đắm ở cảng Nikolayev và chính quyền Ukraine hy vọng sẽ khôi phục nó trong tương lai.

Giới chuyên gia quân sự nhận định hải quân Ukraine đã tự đánh chìm soái hạm để tránh rơi vào tay đối phương, trong bối cảnh lực lượng Nga đã kiểm soát thành phố Kherson gần đó và Mykolaiv nằm trên đường di chuyển đến thành phố chiến lược Odessa.

Theo một nguồn tin, có ba lý do chính khiến Ukraine quyết định đánh chìm soái hạm của mình:


  1. Thứ nhất, để giảm ảnh hưởng chính trị. Nếu tàu chỉ huy Hải quân bị quân Nga đánh chìm rõ ràng sẽ gây chấn động tâm lý rất lớn, ảnh hưởng đến tinh thần quân đội và lòng tin của dân chúng.
  2. Thứ hai là tránh tổn thất lớn về nhân sự. Tàu "Hetman Sagadachny” được biên chế thủy thủ đoàn khoảng 200 sĩ quan và binh sĩ, nếu bị đánh chìm sẽ là sự tổn thất nghiêm trọng về nhân lực. Một bài học kinh nghiệm xương máu trước đây là chiếc tàu tuần dương ARA General Belgrano của Argentina bị tàu ngầm Anh đánh chìm trong Chiến tranh Manvinas năm 1982 khiến 323 thủy thủ tử nạn.
  3. Thứ ba là ngăn không cho nó rơi vào tay quân Nga, mặc dù chiếc soái hạm hiện đang trong trạng thái không sử dụng được.




Hộ vệ hạm "Hetman Sagaidachny" (trước) tuần tra chung với tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ (Ảnh: Thepaper).

Thông số kỹ thuật của tàu "Hetman Sagadachny"

Soái hạm Hetman Sagaidachny được hạ thủy vào năm 1992, được trang bị một pháo chính cỡ nòng 100m, 2 pháo AK-630 cỡ nòng 30mm, 2 hệ thống phóng ngư lôi, mỗi bên 4 ống phóng và 2 hệ thống rocket săn ngầm RBU-6000. Tàu có thể mang theo tối đa 2 trực thăng Ka-27.

Thông số kỹ thuật của soái hạm như sau


  1. Chiều dài 123m, rộng 14,2m, cao 4,7m.
  2. Tốc độ lớn nhất: 32 knots (59km/h).
  3. Thủy thủ đoàn: 193 người.


Trang bị hỏa lực: 1 hạm pháo AK-100 (100mm), 2 súng phòng không tầm gần AK-630 (30mm 6 nòng), 2 ống phóng ngư lôi 533mm, 2 dàn rocket chống tàu ngầm RBU-6000, 1 trực thăng săn ngầm Ka-27 (Hangar của tàu chứa được 2 chiếc).



Chiếc soái hạm "Hetman Sagaidachny" khi còn đang hoạt động (Ảnh: Thepaper).
Trước năm 2014, soái hạm Hetman Sagaidachny chủ yếu neo ở cảng Sevastopol, Crimea. Khi Nga chiếm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, tàu đang ra khơi thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển ở Địa Trung Hải, nhờ đó mà hải quân Ukraine vẫn bảo toàn được con tàu.

Ước tính 1/3 số tàu chiến của Ukraine đã rơi vào tay Nga trong sự kiện này.

Nga - Ukraine đã đã trải qua 8 ngày giao tranh. Lực lượng Nga đã kiểm soát được thành phố lớn Kherson ở miền nam Ukraine và đang bao vây, pháo kích một loạt đô thị, trong đó có thủ đô Kiev và Kharkov, thành phố lớn thứ hai của nước này.


Dương Minh