Khai Tử

Nha Trang



Bầu trời âm u không ánh nắng mặt trời kéo dài đã hơn một tháng. Lạnh, mưa lâm râm dai dẳng. Đưa con gái vào lớp học võ, một tiếng đồng hồ trống, thôi thì ngồi ngoài xe vừa đọc sách vừa đợi. Phải chi có ly latté thì hay biết mấy.

Trước quán cà phê ngay sát bên trường là một người vô gia cư cuộn tròn trong nhiều lớp áo quần bẩn thỉu rách rưới. Hắn khoảng 40, người Á Châu, run rẩy không biết vì lạnh hay vì đói. Ngước mắt nhìn nàng đi ngang qua, cái nhìn của hắn trống lổng, lạnh lùng, thờ ơ, không cầu xin nài van.

- Anh có đói không? Ngày nay anh đã có cái gì vô bụng chưa? Nàng hỏi bằng tiếng Anh.

Hắn lắc đầu.

- Anh có muốn tôi mua cho anh cái bánh muffin và ly cà phê anh dùng cho ấm lòng không?

Hắn gật đầu.

- Hay anh vào bên trong quán với tôi. Ngồi ngoài này mưa lai rai sẽ ướt hết, tôi không muốn anh bị cảm lạnh.

Lần này hắn bật cười, trả lời nàng bằng thứ tiếng Anh rất chuẩn:

- Tôi là dân vô gia cư. Sống ngoài sương gió, dầm mưa quen rồi.

Hắn nhìn cuốn sách nàng cầm trên tay. Seven Years In Tibet. Hỏi nhau về đức Dalai Lama. Chuyện vãn lung tung và thế là họ thành "bạn". Một tuần 5 ngày đưa con đến trường, nàng đem thức ăn cho hắn vì cái niềm vui nho nhỏ ngồi nhìn hắn nhai ngốn nghiến. Có khi lượm được nhiều lon bia, hắn khăng khăng nhất quyết đãi nàng một ly espresso. Năm ngày một tuần, hắn luôn ngồi bệt trước hiên quán đợi nàng. Chẳng bao giờ hỏi tên nhau. Chẳng bao giờ hỏi chuyện đời tư nhau. Kỳ lạ. Một người đàn bà sống đời khuôn mẫu và một người đàn ông homeless. Vậy mà thành bạn được. Hạp gu được mới lạ. Họ nói chuyện văn chương viễn vông, chuyện trên trời dưới bể, chuyện con người phản bội muôn đời , chuyện xã hội ruồi phủi không bay, triết lý ba xu tào lao thiên đế, chuyện hoà bình thế giới chẳng bao giờ có.....

Tháng hai. Bất ngờ hắn hỏi mượn nàng 100 đồng. Nàng bối rối. Tôi cũng đang thất nghiệp, tôi phải nghĩ lại trước khi quyết định có thể cho anh mượn hay không. Đó không phải là một số tiền nhỏ. Ngày mai tôi trả lời nghe. Hắn cúi đầu, trả lời "tôi hiểu".

Hôm sau, đưa cho hắn năm tờ hai chục, nàng cười: Anh phải lượm bao nhiêu lon bia, chai bia mới có đủ 100 đồng mà trả cho tôi? Tôi chẳng biết anh ở đâu, tên gì để mà đòi. Anh cần thì tôi biếu anh. Dù sao, hoàn cảnh của tôi vẫn còn đỡ hơn anh nhiều lắm.

Hôm sau hắn biến mất. Nàng buồn đến não lòng. Thì ra mình bị lừa. Lừa tình cảm đau nghìn lần hơn là lừa tiền bạc. Tự sỉ vả bao giờ mới chịu chừa cái tính tào lao, trải tình thương người ba phải.

Bẵng đi gần hơn hai tháng, hắn lại xuất hiện trong quán cà phê. Lần này đầu tóc, áo quần, giày dép đàng hoàng sạch sẽ. Trả lại 100 đồng. Xin lỗi vì đã biến mất không lời từ biệt. Nghĩ cho cùng, đâu có cách nào để liên lạc, và nhắn gởi cũng chẳng quan trọng hay cần thiết.

Nàng trợn mắt khi hắn đưa vài tờ báo Việt Nam địa phương, nhờ đặt dùm một phân ưu, cáo phó, chia buồn một bác sĩ tên Nguyễn XXXX vừa mới qua đời. Thì ra hắn cũng dân Mít tị nạn. Nàng nhận lời, chẳng tò mò hỏi ông bác sĩ này là ai, hay hắn có liên hệ gì với ông bác sĩ Việt Nam này.

Rồi hắn lại biết mất. Có lẽ bận rộn trong đời sống mới. Thôi thì cũng mừng cho hắn. Cũng là cái duyên. Cũng là kỷ niệm.

Tuần rồi, lại ngạc nhiên gặp hắn ở trường dạy võ. Mình có thể sang quán cà phê nói chuyện được không cô. Lâu lắm rồi.

Hắn hỏi bằng tiếng Việt , từ ngày cô đặt cái ad cáo phó dùm tôi, có ai hỏi cô điều gì không? Không, không có ai hết. Mắt hắn tối sầm xuống. Hắn bật cười buồn. Họ lại nói chuyện tào lao trên trời dưới biển, chuyện văn chương, chuyện vòng vo tam quốc.

Ngày mai tôi đi xa, xa lắm. Có bao giờ cô tự hỏi tôi là ai không? Nàng cười. Không. Tôi không thích xăm xoi vào đời tư của người khác, nhưng nếu anh muốn kể, tôi sẵn sàng nghe. Nàng nhìn đồng hồ. Anh có đúng 20 phút, tôi phải đón con và đưa nó đi Thư Viện như đã hứa. Hắn nhìn ra xa. Tôi sẽ ráng "sum up" đời mình trong vòng hai mươi phút.

Tôi sinh ra trong một gia đình toàn là bác sĩ. Ông nội tôi là bác sĩ, cha tôi là bác sĩ, chú tôi là bác sĩ, hai anh tôi là bác sĩ. Cái "huôn" bác sĩ theo ám gia đình tôi. Tôi lớn lên trong tai luôn văng vẳng lời Cha tôi tuyên bố: gia đình này sinh ra để đi theo nghề y, và không ai có một quyền chọn lựa nào khác.

Từ nhỏ, tôi là một đứa bé èo uột, bệnh tật ốm đau liên miên. Tôi luôn làm phiền mọi người. Và cha tôi dù là bác sĩ nhưng lại tin vào khoa tử vỉ, tướng số. Ông không bằng lòng với lá số mạng vận mệnh, tương lai chẳng ra gì của tôi. Thầy tướng số chê tôi có nhiều lộ tướng xấu, ẩn tướng tồi... quá xấu mọi điều là đằng khác. Cha tôi khi giận dữ, thường mắng tôi bằng những lời giải trong lá số, nào là các sao chiếu, nào là tôi tướng tá của thứ đần độn, phá gia chi tử, vô tích sự, sống đời không ăn mày cũng ăn xin ăn bám... Ông ghét và hắt hủi tôi ra mặt. Khi mẹ tôi, người đàn bà yếu đuối sống phục tòng suốt đời bà là cái bóng mờ bên cạnh người chồng có địa vị, danh vọng và tiếng tăm.

Cô có tin không? Tôi nhất định cãi số mệnh. Tôi miệt mài kinh sử, và ra trường với mảnh bằng bác sĩ trong tay như các anh tôi. Tôi cưới một cô vợ đẹp và có học thức bằng cấp cao hơn hai bà chị dâu của mình. Tôi làm việc ngày đêm. Nhà tôi ở phaỉ lớn hơn, đẹp hơn, xe tôi đi phải sang trọng hơn tất cả mọi người trong dòng tộc.

Một ngày đẹp trời, trong ngày kỷ niệm lễ cưới, vợ tôi đã tặng tôi tờ đơn xin ly dị. Nàng nói nàng không hề yêu tôi. Nàng thẳng tay đuổi tôi ra khỏi nhà. Những ngày sau đó, tôi sống trong khủng hoảng cùng cực. Cha tôi lại lôi những lời giải trong tử vi ra "chiêm nghiệm". Những ganh ghét tỵ hiềm của anh, chị dâu tôi rõ nguyên hình tướng. Họ vui mừng châm biếm, mỉa mai trên nỗi đau của tôi. Ngay cả những "người bạn" của tôi ngày xưa, tôi đến gõ cửa và họ đã quay lưng vì quá bận rộn trong cuộc sống của chính họ. Không ai thích ngồi nghe người khác kể lể tâm sự đau buồn, phải không cô?

Trong tận cùng của tuyệt vọng, tôi đã ra đi, bỏ hết mọi thứ, vì tôi đã mất hết mọi thứ. Tôi không còn biết tin vào điều gì trên cuộc đời này. Gia đình. Tình yêu. Tình vợ chồng. Tình bằng hữu. Những niềm tin sụp đổ tanh bành. Tôi lang thang sống như một người vô gia cư. Không có ngày mai, không có tương lai. Còn ai quan tâm đến sự hiện hữu của tôi trên cõi đời này?

Cô có nhớ ngày Tết năm nay, Cô đã lì xì cho tôi một phong bì đỏ với những lời giải thích khá dài dòng thú vị tôi ngồi lắng tai nghe mà cười thầm trong lòng. Nàng đỏ bừng mặt. Xin lỗi, lúc đó tôi đâu biết ông là người Việt Nam. Hắn cười: Cô biết tôi đã làm gì với tờ bạc năm đồng trong phong bì đó không? Tôi đi mua vé số. Hắn nghiêm trang. Cô có biết, cái vé số đó đã mang đến cho tôi sáu triệu đô la. Vâng. Thật không ngờ tôi đã trúng số độc đắc. Tôi bây giờ là một triệu phú. Nhưng lúc đó thì không có lấy một xu để mua vé xe bus mà đi lãnh! Tôi không ngờ cô đã biếu tôi một trăm đồng mà chẳng hề hỏi han, ra điều kiện.

Cái ad nhờ cô đăng trên báo mấy tháng trước, tôi gởi nó về cho gia đình, anh em , bạn bè thân quen như một lời khai tử. Ông bác sĩ Nguyễn XXXX không ai khác hơn là tôi.

Nàng sửng sốt. Tại sao anh lại làm cái trò trẻ con quái ác như thế? Lúc ấy, tôi không nghĩ đó là cái trò trẻ con quái ác, tôi chỉ muốn biết sự hiện hữu của mình có còn quan trọng gì với người thân, gia đình của tôi hay không mà thôi. Nàng gật đầu thông cảm, hỏi tiếp. Sau khi anh gởi thư đi, có ai hồi âm, có ai hỏi người gởi về cái chết của con, em, bạn mình không? Hắn thở dài: Không. Nàng hỏi tiếp. Xin lỗi, tôi không thích tò mò , nhưng không lẽ mẹ anh, cha anh, gia đình anh, người thân của anh không ai muốn biết ông bác sĩ Nguyễn XXXX đã chết như thế nào, được an táng ra sao, chôn ở đâu hay sao? Hắn nhìn ra xa, cười buồn. Không một ai. Thật không thể tưởng được cô nhỉ.

Họ ngồi im một đỗi. Nàng nói. Tôi không nghĩ rằng anh đã khai tử anh mà chính là anh đã khai tử gia đình mình. Này ông bác sĩ XXXX đã qua đời, ông Millionaire, ông Lottery Winner, bây giờ thì tôi có thể gọi anh là gì? Hắn gãi đầu. Xin cô gọi tôi là Mr. Homeless. Hắn ấp úng hỏi: Còn cô, tên cô là gì. Tôi chưa bao giờ được biết tên cô.

Đồng hồ chỉ năm giờ. Nàng đứng dậy, uống nốt phần cà phê còn lại trong ly. Call me Ms. Nameless. Hắn hỏi lại, what? Nàng cười, you heard me right, Mr. Homeless. Nameless is my name.