Liên Âu muốn giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga







nh minh họa: Một trạm ép khí trên dường ống dẫn khí đốt Yamal-Châu Âu ở Nesvizh, cách thủ đô Minsk (Belarus) khoảng 130 km về phía tây-nam. Ảnh chụp ngày 29/12/2006. REUTERS - Vasily Fedosenko

Đa số các quốc gia châu Âu mua khí đốt và dầu lửa của Nga, nhưng đang cố gắng giảm phụ thuộc vào nước này kể từ khi điện Kremlin quyết định xâm lăng Ukraina. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen hôm qua 24/03/2022 thông báo, Liên Âu sẽ thiết lập một thỏa thuận về năng lượng với Hoa Kỳ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho Liên Âu.

Từ Bruxelles, thông tín viên Anthony Lattier cho biết thêm chi tiết :

Đã có 4 đợt trừng phạt trong một tháng kể từ khi cuộc chiến tranh Ukraina bắt đầu và châu Âu vẫn chưa sẵn sàng thực hiện thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào nhắm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Khí đốt và dầu lửa đang nằm trong tầm ngắm của Liên Âu nhưng vấn đề là họ không biết làm thế nào để không bị phụ thuộc vào dầu khí Nga trong thời gian này.

Một số quốc gia kêu gọi cấm vận. « Chúng ta phải ngăn chặn Putin, nếu không Putin sẽ không dừng lại », lãnh đạo Latvia hôm qua cảnh báo. Nhưng những nước rất phụ thuộc vào khí đốt của Nga như Đức không đồng ý « đóng van » ngay lập tức.

Do đó, các cuộc thảo luận tại Hội Đồng Châu Âu hôm nay sẽ tập trung vào việc làm thế nào để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và tìm kiếm các nguồn cung mới. Tổng thống Mỹ Joe Biden có mặt tại Bruxelles tuyên bố sẽ cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu nhưng rõ ràng điều đó là không đủ. Khối 27 dự định sẽ mua chung khí đốt giống như lúc mua vac-xin. Để giảm giá mua, Liên Âu cũng tìm các biện pháp để đối phó với sự bùng nổ giá hàng nhập khẩu từ Nga. Nhìn chung từ hôm qua, phương Tây đã thể hiện sự thống nhất trong chiến lược về mặt quân sự, một sự thống nhất mà họ luôn không thể hiện được khi nói về vấn đề năng lượng.

Về phần mình, các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) đã cam kết tăng cường an ninh năng lượng bằng cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các nguồn tài nguyên sạch và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga.

Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên IEA đã kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào hôm qua 24/03/2022 tại Paris, Pháp. Các cuộc thảo luận đặc biệt tập trung vào việc giá năng lượng tăng đột biến, nguyên nhân chủ yếu là do Nga xâm lược Ukraina.




RFI