Ukraine: Chiến tranh làm trầm trọng thêm khủng hoảng dân số Nga như thế nào






Các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập có thể ngăn cản phụ nữ Nga sinh con

Sau khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2, Stanislav thu dọn hành lý và cùng gia đình bay khỏi nước Nga.

Họ để lại cha mẹ già, một ngôi nhà với tất cả đồ đạc, sách vở, quần áo, đồ chơi trẻ em, tài khoản ngân hàng với phần lớn tiền tiết kiệm và thậm chí là một ngôi nhà ở nông thôn.
Một cặp vợ chồng có học vấn tốt, cả hai đều giữ những vị trí cao cấp, nói rằng họ rời khỏi Nga mà không có ý định quay trở lại. "Tôi không muốn trở thành một phần của cuộc chiến này [ở Ukraine] và tôi không muốn sống ở một quốc gia giết người vô tội," Stanislav, người đồng ý chỉ nêu tên ông trong bài báo, khi ông trao đổi với BBC qua cuộc gọi video từ Israel.

Ông lo ngại rằng sự đàn áp chính trị ở Nga, mà theo ông đã gia tăng trong thập kỷ qua dưới thời Vladimir Putin, sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều.
"Hãy tưởng tượng rằng bạn sống trong một căn phòng và mỗi ngày các bức tường và trần nhà co lại hơn một milimet," ông nói.
"Sau một năm, nó trở nên rõ ràng hơn, nhưng bạn nghĩ mình vẫn ổn. Năm năm nữa, nó sẽ co lại một mét. 10 năm nữa là kết thúc đối với bạn."

Người di cư có tay nghề cao



Sau khi xâm lược Ukraine vào 24/2/2022, Nga đã bị nhiều nước phương Tây trừng phạt

Kể từ đầu cuộc chiến, ước tính hàng chục nghìn người Nga có học vấn cao, tay nghề cao như Stanislav và vợ ông đã rời khỏi đất nước.
Một số người lo sợ phải nhập ngũ cho lực lượng vũ trang, nhưng những người khác lại chọn di cư vì vị trí chính trị của họ hoặc sự suy thoái kinh tế dự kiến sẽ xảy ra sau đó.

Giới chức được cho là đặc biệt quan tâm đến những người rời khỏi đất nước trong lĩnh vực CNTT (công nghệ thông tin), những người có kỹ năng có thể chuyển giao và có thể mang lại những đóng góp giá trị cho nền kinh tế.

Sergei Plugotarenko, người đứng đầu Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga, nói với một ủy ban quốc hội vào tháng 3 rằng khoảng 50.000 đến 70.000 lao động trong ngành công nghệ đã rời Nga kể từ đầu chiến tranh. Ông nói thêm, 100.000 người khác có thể rời đi vào cuối tháng 4.
Mặc dù một số người đã so sánh việc này với tình trạng "chảy máu chất xám", các nhà nhân khẩu học cho biết nó chỉ đại diện cho một phần nhỏ dân số Nga.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình rằng cuộc di cư gây thêm áp lực lên những thách thức lâu đời về dân số của Nga, đặc biệt là khi nó kết hợp với một trong những mức tử vong tồi tệ nhất thế giới do Covid.
"Có một cuộc khủng hoảng lớn vào giữa những năm 1990, được gọi là cuộc khủng hoảng tử vong ở Liên Xô, số người chết rất lớn do nghiện rượu, tỷ lệ tự tử cao, tất cả được bao bọc trong một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn", Federica Cocco, nhà báo của Financial Times, người đã viết một bài báo gần đây về chủ đề này, nói với BBC.

"Nga vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của điều đó bởi vì số người chết quá lớn. Hiện có rất ít nam giới và nữ giới ở độ tuổi 20 và 30 ở Nga. Nhiều người đang phải nhập ngũ, đặc biệt là nam thanh niên, và nhiều người rời đi để tránh khủng hoảng kinh tế. "
Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng chính dân số Ukraine sẽ gánh vác gánh nặng nhất của cuộc xâm lược của Nga. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), hàng nghìn người đã thiệt mạng trong đó có hàng trăm trẻ em. Vào ngày 12/4, thị trưởng Mariupol, nơi bị đã bao vây trong nhiều tuần, cho biết có tới 20.000 dân thường thiệt mạng vì các cuộc tấn công của Nga và dân không được tiếp cận với thực phẩm và các nhu yếu phẩm.
Nhưng các nhà nhân khẩu học dự đoán rằng suy thoái kinh tế sau cuộc xung đột cũng có thể ảnh hưởng đến dân số Nga.

Tỷ lệ sinh giảm




Tỷ lệ sinh có xu hướng giảm khi nền kinh tế của một quốc gia xấu đi và tăng lên khi nó được cải thiện.

Quy tắc này áp dụng cho Nga trong 30 năm qua, Leslie Root, một học giả sau tiến sĩ tại Đại học Colorado-Boulder với chuyên môn về Nga và Trung Á, nói với BBC.

Root cho biết tỷ lệ sinh rất thấp trong những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng đã tăng trở lại khi nền kinh tế mạnh lên, từ khoảng năm 2005.

Đến năm 2015, tỷ lệ sinh của Nga ở mức cao đối với một quốc gia châu Âu, gần 1,8 trẻ em trên một phụ nữ.
Nhưng nó đã giảm trong những năm tiếp theo do các lệnh trừng phạt và nền kinh tế bị thu hẹp sau khi Nga sáp nhập Crimea



Việc bán đảo của Ukraine được sáp nhập đã đem nhiều cư dân mới đến Nga và điều đó có thể xảy ra một lần nữa nếu hàng trăm nghìn người từ vùng Donbas của Ukraine được nhập quốc tịch Nga.

Tuy nhiên, Root nói rằng điều đó không nhất thiết làm thay đổi tỷ lệ sinh sản.

"Bài học ở đây là mối liên hệ rõ ràng theo hướng khó khăn về kinh tế khiến nhân khẩu học bị suy giảm, thay vì ngược lại".

Bà cho biết thêm: "Suy giảm kinh tế gây hại cho sức khỏe dân số và tạo tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn, vì bạn có một số dân không chỉ nhỏ hơn mà còn yếu hơn".

Ít người chuyển đến Nga



Nhiều người chuyển đến Nga để làm việc nhưng một số chuyên gia dự đoán dòng di cư này có thể chậm lại

Root tin rằng suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến dòng người từ Trung Á và Nam Caucasus di cư đến Nga để làm việc sẽ chậm hơn.

"Những luồng di cư này là một phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế và gia tăng dân số của Nga, và thậm chí còn là một phần quan trọng hơn đối với nền kinh tế của các nước gửi họ đi. Sự thay đổi này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các nhóm dân số vốn đã nghèo và bị gạt ra ngoài lề xã hội," bà nói.

Các vấn đề liên quan đến suy thoái kinh tế dài hạn bao gồm tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, các điều kiện không thuận lợi cho thanh niên tham gia lực lượng lao động, gia tăng bất bình đẳng, mức sống thấp hơn, mức thuế thấp hơn cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cao hơn.
Dù vậy bà thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tác động sẽ phụ thuộc vào những gì xảy ra với cuộc chiến.

'Giai đoạn khó khăn'



Covid đã giết chết ít nhất 360.000 người ở Nga nhưng số tử vong thực ở nước này ước tính lên tới một triệu người

Tỷ lệ sinh thấp của Nga từng là mối quan tâm của chính phủ nước này trong nhiều năm.

Nói về một "giai đoạn nhân khẩu học rất khó khăn", Putin đã rót tài trợ chính phủ cho những phụ nữ mới sinh vào tháng 1/2020 - chính phủ Nga đó chỉ trả tiền cho đứa con thứ hai.

Các đợt giảm thuế mới cho các gia đình đã được công bố và các biện pháp phúc lợi trẻ em được mở rộng, chẳng hạn như bữa ăn miễn phí ở trường và các phúc lợi liên quan đến thu nhập.

Nhưng Ilya Kashnitsky, trợ lý giáo sư tại Trung tâm Liên ngành về Động lực học Dân số, tại Đại học Nam Đan Mạch ở Odense, cho rằng "trên thực tế, hiện nay không có chính sách nào có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng giảm dân số".

Ông nói với BBC: "Chúng ta có thể làm giảm bớt tác động của nó, nhưng mọi thứ đang diễn ra hiện nay đang đi sai hướng."

Trên hết, Covid đã giết chết ít nhất 360.000 người ở Nga - nhưng số người chết thực ở nước này ước tính lên tới một triệu người.

Kashnitsky tin rằng dân số Nga sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi tỷ lệ tử vong cao hơn, sự cô lập về kinh tế, di cư và giảm chất lượng sống, về lâu dài sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh sản.

Root cho biết các chính sách khuyến khích mọi người sinh con thường mang lại nhiều kết quả khác nhau bởi vì "rất khó để thay đổi tỷ lệ sinh trong một xã hội có mức sinh thấp".

Bà cũng lo ngại rằng ở Nga, chiến lược "ủng hộ sinh sản" thường được kết hợp với việc gia tăng các giới hạn về quyền sinh sản và phá thai, bà nói.
Root thừa nhận rằng già hóa và suy giảm dân số không chỉ xảy ra ở Nga. Bà cho biết ở hầu hết các nước phát triển, điều này được coi là kết quả của "các quá trình tích cực, chẳng hạn như nâng cao giáo dục, bình đẳng giới và mọi người có quyền tự do lựa chọn quy mô gia đình của mình".
"Vì vậy, bi kịch ở đây không phải là dân số Nga đang giảm đi mà như thế nào và tại sao nó lại thu hẹp, và điều đó có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của những người ở lại."
Và những người đã ra đi như Stanislav thì sao?

"Cá nhân tôi nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt (của thế giới đối với Nga) nên đi xa hơn nữa," ông nói, bất chấp tác động của nó đối với bản thân ông là người Nga.

"Tôi sẵn sàng mất tất cả mọi thứ, tất cả tiền tiết kiệm, căn hộ và ngôi nhà ở nông thôn, nếu điều đó có nghĩa là chế độ hiện tại sẽ sụp đổ."


BBC