.


Kỷ niệm nhỏ về sách miền Nam

Những tiếng vỗ tay rầm rộ về cuộc hội thảo hai mươi năm văn học miền Nam khiến tôi nhớ hai kỷ niệm nhỏ.

Không nhớ rõ là năm nào chỉ biết chắc là sau năm 75. Sách được tuôn ra bán trên vỉa hè. Sách bán trên vỉa hè đường Lê Lợi, trước nhà sách Khai Trí trước năm 75 là chuyện bình thường. Tôi nhớ đã mua mấy cuốn sách toán Đại số trên vỉa hè mang về nhà tự học. Nhưng sau năm 75, sách bán vỉa hè rầm rộ hơn. Những người bán sách đựng sách trong một cái thùng giấy carton, hay đổ sách ra trên một tấm bạt vừa bán vừa ngó dáo dác, chuẩn bị tóm gọn đồ hàng để chạy.

Tôi cũng mua được một số sách, bán rẻ, đại hạ giá người ta bán để tránh bị tịch thu. Trong số sách tôi mua, có một quyển dịch Thơ Đường, tôi không nhớ tên dịch giả chỉ biết quyển sách này đắt nhất trong số sách tôi mua.

Sau năm 75, đám sinh viên năm thứ nhất Văn Khoa Sài gòn được khuyến khich, kêu gọi, xung phong đi quét dọn thành phố. Trong những lần tụ tập quét dọn hay học tập chính trị gì đó, tôi có quen với một anh sinh viên ngoài Bắc mới vào Nam, anh tên Kim Cương. Anh trắng trẻo, đẹp trai, hiền lành, đeo kính cận rất trí thức. Tôi khoe với anh tôi có tập thơ Đường, rất hay, tôi mua ở chợ trời khá đắt. Anh muốn mượn. Tôi đồng ý. Sau đó tôi kiss my book good bye. Tôi đi tìm anh mấy lần để đòi lại quyển sách nhưng anh biến mất. Có lẽ bước vào quyển sách và ở luôn trong đó. Quyển sách thì tội nghiệp, không biết đường đi tìm chủ nhân. Hay nó lại đi ngược ra chợ trời tự rao bán chính nó để có thể lại lọt vào tay một cô nàng ngu ngốc không dám ăn để dành tiền mua sách nào đó.

Số sách tạp nham tôi mua, không muốn nộp cho các tổ đi thu sách bài trừ văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy, tôi nhét vào khe hở giữa mái nhà và trần nhà. Nhà tôi có một cái chái de ra, nới rộng căn nhà nhỏ bé đông người để bọn chúng tôi có chỗ ngủ. Cái chái này thấp thôi, nên tôi có thể đứng lên cái ghế và nhét sách vào chỗ hổng giữa nóc chái và tấm phông dưới mái để giảm sức nóng của mái tôn. Chẳng nhớ số sách tôi mang đi giấu có những quyển gì, chắc là vài cuốn tiểu thuyết dịch, vài cuốn thơ của Phạm Thiên Thư, Đinh Hùng, Nguyễn Tất Nhiên, triết lý cao lắm là đến cỡ Nói Với Tuổi Hai Mươi của thầy Thích Nhất Hạnh.

Một số sách còn lại tôi bỏ vào bao thòng qua vách tường chùa Giác Nguyên bên cạnh. Ngăn cái sân hẹp bên hông nhà tôi, nơi để giặt giũ, làm cá nấu cơm, là một hàng rào xi măng. Bên kia hàng rào, là cái liêu của một vị sư trẻ, cũng trắng trẻo, đeo mắt kính rất trí thức. Tôi không nhớ tên của thầy, chỉ nhớ mọi người đều gọi là thầy Giác Nguyên, kêu theo tên chùa. Tôi hỏi thầy, người ta kiểm kê bắt nộp sách, thầy cho con gửi sách được không. Thầy nói, được được.

Chùa Giác Nguyên ngày xưa chắc cũng nuôi nhiều thầy nằm vùng cho Cộng sản. Năm 74 tổ chức biểu tình ùm sùm, cảnh sát bắn lựu đạn cay vào chùa, nhà tôi bị cay sặc sụa. Tôi thòng bao sách qua bên chùa. Thày mang vào liêu, ít hôm sau thầy nói vọng qua, sách của tụi bây toàn là sách nhảm nhí, chẳng có cuốn nào giá trị. Thầy nói cũng đúng, toàn là sách thiếu nhi, tuổi ngọc, tuổi hoa của con nít đọc, và một số sách lá cải mua trên lề đường.

Rồi thôi, năm 1980 rời Việt Nam, tôi quên luôn. Năm 2007 chị tôi ở Việt Nam sang chơi kể lại. Số sách tôi nhét dưới mái của cái chái và tấm phông trần nhà, lâu ngày bị mối mục. Chị tôi phải thuê người tháo cả tấm phông và để lấy sách xuống vì tôi nhét, cuốn bên ngoài đẩy cuốn bên trong vào khá sâu nên không thể dùng cây khều ra. Có lẽ chị cũng chửi thầm, con quỷ đó nó phá của phá nhà. Đi ra khỏi nước rồi mà vẫn còn để lại những chuyện làm nhọc lòng gia đình.

Chuyện đời đáng học. Những thứ mình xem là quí thì nhiều khi chẳng quí nhiều như mình tưởng. Giá mà mình bắt chước những nhân vật trong phim Farenheit 451, cứ học thuộc lòng một quyển sách nào đó và biến tên của quyển sách thành tên của mình. Chỉ khổ một cái nhỡ mà mình học thuộc một quyển sách ba xu nào đó thì tên của mình sẽ là ba xu thì tội nghiệp biết bao nhiêu.

JANUARY 11, 2015 BY BÀ TÁM
https://chuyenbangquo.wordpress.com/2015/01/11/ky-niem-nho-ve-sach-mien-nam/