Bệnh viêm não virus vào mùa dịch





Bộ Y tế ngày 17/7 cho hay chỉ trong 1 tháng qua đã ghi nhận 49 trường hợp mắc bệnh viêm não virus, trong đó 3 ca tử vong. Đây là những ca tử vong đầu tiên trong năm 2022 vì căn bệnh này.



Các bệnh nhi điều trị bệnh viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2021. (Ảnh minh họa: Bệnh viện Nhi Trung ương/Facebook)

Con số 49 ca mắc bệnh viêm não virus (3 trường hợp tử vong) được ghi nhận từ ngày 19/5 đến ngày 18/6. Tính chung từ đầu năm tới giữa tháng 6 năm 2022, Việt Nam ghi nhận 110 trường hợp mắc bệnh viêm não virus (3 ca tử vong), theo số liệu do Tổng cục Thống kê cuối tháng 6 dẫn báo cáo của Bộ Y tế.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) đang điều trị 25 bệnh nhi bị viêm não, trong đó có một số trẻ bị biến chứng nặng nề, nguy cơ để lại di chứng lâu dài.

Tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) và Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, trong 2 tháng qua ghi nhận sự gia tăng số trẻ mắc bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, trong đó điển hình là viêm não Nhật Bản, viêm màng não và bệnh não mô cầu, đến khám và nhập viện điều trị. Trung bình mỗi tuần 2 bệnh viện này tiếp nhận điều trị từ 2-3 ca bệnh. Hầu hết ca bệnh được chuyển viện từ các tỉnh thành Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Đắk Lắk, Gia Lai…

Hồi tháng 5, TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cảnh báo số trẻ mắc bệnh não mô cầu ở phía Nam thời điểm này bắt đầu gia tăng, kéo dài cho đến tháng 10 hằng năm. Bác sĩ Nghĩa cảnh báo bệnh não mô cầu diễn tiến rất nhanh, trẻ có thể tử vong trong 24 giờ đầu nhập viện. Ngay khi bệnh nhi được cứu sống, vẫn có khoảng 20% để lại di chứng như bị bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi… Đại diện khoa dẫn trường hợp một bệnh nhi mắc bệnh não mô cầu là một bé trai 4,5 tháng tuổi (ngụ Bình Chánh, TP.HCM). Do tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử mô nên các bác sĩ phải đoạn chi (từ phần gối bên trái, một số ngón tay trên hai bàn tay) mới cứu được bé, gây tổn thương lớn cho bé và sốc tinh thần cho gia đình bệnh nhi.

Vừa qua, tính riêng trong tuần thứ 3 của tháng 6, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã tiếp nhận hơn 10 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản, viêm màng não.

Cuối tháng 6, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Nghệ An cho hay tính từ đầu năm, tỉnh này đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Gần đây nhất là một bệnh nhi 10 tuổi ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương được phát hiện mắc bệnh viêm não Nhật Bản vào cuối tháng 6 sau khi xuất hiện các triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ.



Hình ảnh minh họa bệnh viêm não virus. (Hình ảnh: dẫn qua benhvienbaichay.vn)

BS-CKII Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm – COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện nhiều từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, tập trung nhiều ở trẻ em, nhiều nhất ở độ tuổi từ 5-15, theo báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 2/7.

Bác sĩ Sơn cho biết đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, một trẻ đang khỏe mạnh bắt đầu với sốt cao 39-40oC, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn.

Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc đặc trị. Việc điều trị chủ yếu chỉ là giảm nhẹ các triệu chứng, phối hợp với các biện pháp hỗ trợ cần thiết để nâng cao thể chất, sức khỏe của trẻ. Cách phòng ngừa căn bệnh này hữu hiệu nhất là chích ngừa vắc-xin cho trẻ.

Theo báo Sức Khỏe và Đời Sống – cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, viêm não do virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên, là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%) làm giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động.

Một số chủng virus gây bệnh viêm não như:

  1. Nhóm Arbovirus lây truyền qua các loại côn trùng trung gian như muỗi, bọ chét, ve…; trong nhóm này, nổi bật nhất là virus gây viêm não Nhật Bản.
  2. Nhóm Enterovirus: Trong đó enterovirus 71 (thường gọi là EV71) và Coxackie cũng có thể gây bệnh viêm não nặng nề ngoài biểu hiện nhẹ của nó là bệnh tay chân miệng.
  3. Một số virus như Herpes simplex (HSV) hay HHV-6 (human Herpes týp 6) các virus gây bệnh sởi, quai bị, cúm… cũng có thể gây viêm não.


TS.BS Bùi Hữu Nam, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo bệnh viêm não có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em từ 2-8 tuổi. Nếu trẻ sốt cao liên tục, nôn, có các triệu chứng rối loạn vận động và rối loạn ý thức như tay chân khó cử động, run, người li bì, lơ mơ, co giật, hôn mê…, với trẻ lớn, trẻ có dấu hiệu đau đầu… thì cần đưa đến viện khám ngay.

Ngoài đưa trẻ đi tiêm đủ các loại vaccine phòng viêm não, viêm màng não đã có, gia đình cần chú ý vệ sinh, ăn uống sạch sẽ giúp trẻ nâng cao thể trạng; rửa tay cho trẻ trước khi ăn; vệ sinh nhà cửa, môi trường sống của trẻ sạch sẽ, thoáng mát…

Minh Sơn