Hải quan Đài Loan tiêu hủy mì gói VN vì tồn dư chất cấm






Mỳ, phở, là món ăn yêu thích của nhiều người Việt Nam

Một số lô hàng mì ăn liền từ Việt Nam vừa bị quan chức hải quan Đài Loan bắt giữ và tiêu hủy sau khi bị phát hiện có chứa hóa chất bị cấm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cho biết trong một tuyên bố hôm 26/7, theo Focustaiwan.

Các quan chức hải quan đã bắt giữ lô hàng do Công ty bán lẻ Simple Mart nhập khẩu từ Việt Nam, tổng trọng lượng 1.116 kg, sau khi phát hiện dư lượng Ethylene Oxide (EO), một loại hóa chất bị cấm ở Đài Loan.

Dư lượng EO được phát hiện trong một gói gia vị của một gói JINRO RAMENJ INRO, một loại mì ăn liền có hương vị thịt bò kiểu Hàn Quốc, vào khoảng 63,729 phần triệu (ppm), FDA cho biết.

Bên cạnh đó, hải quan Đài Loan cũng tịch thu và tiêu hủy một số lô hàng đầu cá đông lạnh mà một nhà nhập khẩu khác mua từ Singapore, sau khi phát hiện tồn dư quá mức metyl thủy ngân, một kim loại nặng, theo FDA.

Đồng thời, hải quan Đài Loan tiêu hủy một lô mặt hàng máy đựng gạo từ Trung Quốc do chúng không qua được bài kiểm tra đánh giá các chất độc hại.

Từ các kết quả này, Cơ quan Hải quan Đài Loan cho hay sẽ tăng cường tần suất kiểm tra các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu vào hòn đảo này từ mức 2% đến 10% lên 20% đến 50%.

Cơ quan quản lý Việt Nam nói gì?

Từ ngày 6/1/2022, một số sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam phải chịu tần suất kiểm tra là 20% với dư lượng EO, theo công báo ra ngày 17/2/2021 của Ủy ban châu Âu.

Mặt hàng mỳ ăn liền, phở, miến ăn liền của Việt Nam từng vài lần bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU).

Mới đây, Đức cảnh báo mì ăn liền hương vị gà và hương vị cà ri của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) bị phát hiện dư lượng EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Ba Lan cảnh báo mì ăn liền vị gà của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon, quận Tân Phú, TP.HCM) có dư lượng EO vượt quy định. Hiện Ba Lan đã trả lại lô hàng này.

Malta cảnh báo sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia sản xuất từ gạo biến đổi gene trái phép và cho thu hồi sản phẩm.

Trước đó, hồi tháng 8/2021, mì Hảo Hảo, miến Good của Acecook Việt Nam và lô phở khô vị bò gà của Công ty cổ phần Thực phẩm Thiên Hương xuất khẩu sang EU bị Ireland và Na-uy cảnh báo và thu hồi do chứa EO.

Trước tình hình này, hôm 22/7, Vụ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cho rà soát lại các trường hợp bị cảnh báo. Theo vụ này, trong ba trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU.

Vụ này cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất bánh phở hiệu Nguyễn Gia 'có trách nhiệm đáp ứng các quy định về các sản phẩm theo các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra', theo Vietnamnet.

Với các sản phẩm khác, Vụ cho biết lý do bị trả hàng là do 'hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp chưa đầy đủ', hoặc 'khả năng lô hàng xuất khẩu từ năm 2021. Theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO khi xuất khẩu.'

Trong khi đó, Bộ Công thương Việt Nam thành lập Tổ kiểm tra dây chuyền sản xuất với ba nhóm sản phẩm mì ăn liền tại Việt Nam, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng thị trường trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa, theo Vietnamnet.
Theo Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI), EO là một hóa chất được sử dụng làm thuốc trừ sâu, khử khuẩn hoặc khử trùng. Ở EU, việc sử dụng ethylene oxide làm thuốc trừ sâu hoặc khử trùng thực phẩm là không được phép.

Ethylene oxide được Cơ quan Hóa chất Châu Âu (ECHA) xếp vào loại chất gây đột biến và ung thư. Việc tiêu thụ thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe nếu tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm EO trong một thời gian dài. Do đó, cần giảm thiểu việc tiếp xúc với EO.



BBC