Cụ ông 87 tuổi người Nhật sống trên đảo hoang trong 29 năm trước khi bị buộc về nước vì tuổi tác





(Được phép của Docastaway)

Gặp rắc rối với cuộc sống thành thị rực rỡ và nhộn nhịp ở Nhật Bản, một người đàn ông đã liều lĩnh trốn đến một hòn đảo hoang, nơi ông đã sống 29 năm trong cô đơn hạnh phúc. Khi tuổi tác trở nên cao hơn, ông bị buộc phải trở lại đất liền. Nhưng gần đây ông đã có cơ hội quay trở lại để nói lời chào tạm biệt đúng nghĩa với hòn đảo san hô yêu quý của mình.

Masafumi Nagasaki, 87 tuổi, trở nên nổi tiếng khi chuyển đến đảo Sotobarani vào năm 1990. Gần đây, ông đã trở lại hòn đảo với sự giúp đỡ của Alvaro Cerezo, một doanh nhân sở hữu một công ty chuyên đưa khách du lịch đến sống trên các đảo hoang để giải trí.

Cerezo nói với The Epoch Times: “Những khách hàng của tôi thường ở một mình trên đảo hoang trong hai tuần, tối đa là năm tuần. Nhưng Nagasaki đã trải qua 29 năm! Ông ấy giống như một người hùng đối với chúng tôi. … Ông ấy là một nhiếp ảnh gia quá căng thẳng với cuộc sống thành thị. Ông ấy không phải là một người giỏi thích nghi; ông ấy có một tính cách khó gần”.


(Được phép của Docastaway)Ở Sotobarani, Nagasaki ngủ trong một túp lều và không có công nghệ hiện đại nào ngoài một cái bật lửa. Ông nhận một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng từ các con trai, và đi thuyền nhỏ đến ngôi làng gần nhất để mua thực phẩm mỗi tháng một lần. Ngoài đó ra, ông không có phương tiện giao tiếp nào khác với thế giới bên ngoài.

Nagasaki đã đánh bắt cá trong những năm đầu của mình trên đảo, nhưng sau hai thập kỷ, ông đã dừng lại vì “cảm thấy tiếc cho những con cá”. Ông đã chịu đựng những cơn bão thường xuyên trong mùa bão, nhưng không bao giờ bị thương hay ốm đau.



(Được phép của Docastaway)Ông đã hạnh phúc ở đó, cho đến khi tuổi già chiếm ưu thế hơn so với mong muốn sống một mình. Câu chuyện của ông đã trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản.

Cerezo nói: “Vào năm 2018, ông đã buộc phải rời khỏi hòn đảo vì ngư dân địa phương tìm thấy ông gần như bất tỉnh trên bãi biển. Ở trong môi trường đó ông đã không được ăn uống đầy đủ. … Ông ấy đã 87 tuổi, quá già để sống một mình trong thiên nhiên. Ở nơi hoang dã, những người ở độ tuổi này có lẽ đã không còn sống”.
Nagasaki được đưa trở lại đất liền Nhật Bản trước đại dịch và tái hòa nhập xã hội với sự giúp đỡ từ chính phủ Nhật Bản, họ đã chuẩn bị một căn phòng nhỏ cho ông ở thành phố Ishigaki. Tuy nhiên, ông không hề vui vẻ với cuộc sống mới.



(Được phép của Docastaway)



(Được phép của Docastaway)Cerezo nói: “Ông ấy không kết bạn với ai cả. Ông ấy vẫn chưa thể sử dụng công nghệ. Ông ấy dành cả ngày để thu gom rác thải trên đường phố”.

Nagasaki cũng có gia đình nhưng ông đã bị ghẻ lạnh.

Cerezo nói: “Họ có lẽ không tự hào về ông ấy. Trong một xã hội như người Nhật, một người như thế này thường không được ngưỡng mộ. … Nhiều người sợ ông. Ông ấy chắc chắn hạnh phúc hơn trên đảo; mong muốn của ông ấy là được chết ở đó, nhưng ông ấy quá yếu để có thể sống ở đó cho đến khi qua đời”.
Cerezo, người đã biết Nagasaki từ năm 2014, đã liên lạc với ông sau khi ông tái hòa nhập cộng đồng và biết được tình trạng bất ổn của ông. Vì vậy, anh đã tổ chức một chuyến đi trở lại Sotobarani để người đàn ông lớn tuổi có cơ hội chào tạm biệt hòn đảo lần cuối.

Công ty đã nhận được giấy phép của các bác sĩ và chính quyền địa phương ở Iriomote. Cerezo tự mình giám sát chuyến đi. Bốn năm sau khi Nagasaki rời đi, ông đã có cơ hội quay trở lại hòn đảo yêu quý của mình vào cuối mùa xuân năm 2022.



(Được phép của Docastaway)



(Được phép của Docastaway)



(Được phép của Docastaway)Cerezo đã quay phim chuyến đi và sau đó chia sẻ cảnh quay trên Facebook. Gánh nặng của Nagasaki dường như được trút bỏ khỏi bờ vai khi cả hai khởi hành; tư thế và biểu cảm của ông toát ra sự hưng phấn khi ông hòa nhập lại với những con sóng quen thuộc, bãi cát và sự cô độc thanh bình.

Chuyến đi này không phải là lần đầu tiên Cerezo đến Sotobarani.

Anh nói: “Vào năm 2014, tôi đã dành năm ngày với ông ấy. Ông ấy rất nghiêm khắc với giờ giấc và việc dọn dẹp. … Tôi cắm trại xa lều của ông ấy để không làm phiền ông ấy, và rất buồn cười là ông ấy là một người hơi khó tính; ông ấy đã từng nổi khùng với tôi vì tôi đến muộn 5 phút khi chúng tôi có một cuộc hẹn để thực hiện các hoạt động”.




(Được phép của Docastaway)



(Được phép của Docastaway)Cerezo mô tả cuộc vui là “một trải nghiệm tuyệt đẹp mà tôi sẽ không bao giờ quên”.

“Có lẽ một vài năm nữa, nếu ông ấy vẫn muốn trải qua những ngày cuối cùng của mình tại đảo Sotobarani, cảm thấy thời gian của mình đã đến và sẵn sàng rời khỏi thế giới này, chúng tôi chắc chắn sẽ giúp đỡ ông", Cerezo viết trên Blog.

Cho đến nay, Nagasaki là người tự nguyện lưu trú trên đảo lâu nhất trong lịch sử từng được ghi nhận. Sau khi hiểu rõ về hành động táo bạo của người đàn ông và cuộc sống phi thường của ông trên hòn đảo, Cerezo rất ngưỡng mộ ông vì đã tạo ra hạnh phúc của chính mình trong cuộc sống.

Cerezo nói: “Ông ấy có thể gặp vấn đề về tâm thần, hoặc nghiện ngập, khiến những người xung quanh không hạnh phúc, nhưng thay vào đó ông ấy chọn ở một mình và có một cuộc sống tuyệt vời ở nơi thiên đường đẹp nhất”.


Thanh Hương
Theo The Epoch Times