Weibo Trung Quốc rầm rộ tin 'sau đợt hạn hán nặng ắt có động đất lớn'





Một nhánh của sông Trường Giang chảy qua thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hình chụp hôm 25/8/2022. (Getty Images)

Trung Quốc đang phải hứng chịu một loạt khủng hoảng hiếm thấy bao gồm nhiệt độ cao, hạn hán và thiếu điện. “Thuyết động đất sau hạn hán" một lần nữa trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên Weibo – mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc.

Gần đây, thông tin “sau đợt hạn hán nặng ắt có động đất lớn” đang được lan truyền rầm rộ trên Internet Trung Quốc.

“Thuyết động đất sau hạn hán” do nhà địa chất học người Trung Quốc Cảnh Khánh Quốc (Geng Qingguo) đưa ra. Ông cho rằng có một mối quan hệ nhất định giữa động đất và hạn hán, trong quá trình hình thành phôi động đất sẽ xuất hiện hiệu ứng khí tượng và thường được biểu hiện thông qua một loạt các kiểu thời tiết cực đoan.

Nhà địa chất Trung Quốc tìm ra quy luật hạn hán - động đất, dự đoán chính xác 2 trận động đất lớn năm 1975 và 1976

Nhà địa chất Cảnh Khánh Quốc đã làm một thống kê về mối quan hệ giữa các trận hạn hán nặng và động đất lớn xảy ra từ ​​năm 1956 đến năm 1970. Ông phát hiện ra một quy luật, rằng “tâm chấn của một trận động đất lớn trên 6 độ Richter thường nằm trong vùng đất từ 1 đến 3,5 năm trước bị hạn hán. Khu vực hạn hán càng nặng, thời gian hạn hán càng dài, thì tương ứng với nó là trận động đất có quy mô càng lớn”.

Năm 1972, ông Cảnh đưa ra "Phương pháp dự báo trung hạn cho các trận động đất lớn liên quan đến hạn hán". Theo quy luật này, ông đã dự đoán được trận động đất Hải Thành ở tỉnh Liêu Ninh năm 1975, đặc biệt là trận động đất Đường Sơn năm 1976, cả hai trận này đều có cường độ trên 7 độ Richter.

Vào những năm 1980, nhà địa chất này đã xuất bản cuốn sách chuyên khảo "Mối quan hệ giữa hạn hán và động đất ở Trung Quốc". Tuy nhiên, những thành quả này đã động chạm tới lợi ích của những người có thẩm quyền trong giới địa chấn.

Năm 1980, ông Cảnh Khánh Quốc được chuyển đến làm việc tại Trung tâm Phân tích và Dự báo của Cơ quan Quản lý Động đất Quốc gia để tham gia nghiên cứu ứng dụng về dự báo động đất. Ông hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Chuyên môn Dự báo Thiên tai của Hiệp hội Địa vật lý Trung Quốc, ngoài ra ông còn là cố vấn khoa học của Chương trình Toàn cầu của Liên Hợp Quốc về Quản lý Hành chính và Giảm nhẹ Thiên tai.

Tờ The Paper của Trung Quốc cho biết, theo nghiên cứu của "Thuyết động đất sau hạn hán", trong vòng 3 năm sau một đợt hạn hán nặng, xác suất xảy ra một trận động đất lớn lên tới 84,8%.

Tuy nhiên, bài báo cũng nhắc lại rằng, ngay từ năm 2011, ông Trương Vĩnh Tiên (Zhang Yongxian), khi đó là Phó Chủ nhiệm Phòng Dự báo Động đất thuộc Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc, đã nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng: “Nếu dùng hạn hán và các hiện tượng khí hậu bất thường để dự đoán động đất, tỷ lệ báo động sai rất cao".

Vậy có thể dự đoán động đất được hay không? The Paper kết luận rằng, cho đến nay, "các nhà khoa học chưa phát hiện bất kỳ tín hiệu cố định nào trước khi xảy ra một trận động đất lớn”.

Ghi chép về các trận 'động đất lớn sau hạn hán nặng' trong lịch sử Trung Quốc

Có khá nhiều ý kiến ​​khác nhau về khả năng một trận động đất lớn sẽ xảy ra sau đợt hạn hán nghiêm trọng.

Tuy nhiên, theo các tài liệu công khai, năm 1972, vùng Hoa Bắc Trung Quốc (gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Tây, và vùng Nội Mông) đã phải hứng chịu một trận hạn hán nghiêm trọng chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Ba năm sau, tức năm 1975, tỉnh Liêu Ninh – giáp với khu tự trị Nội Mông ở phía tây bắc, giáp với tỉnh Hà Bắc ở phía tây nam – xảy ra trận Động đất Hải Thành 7,3 độ Richter. Năm 1976, tỉnh Hà Bắc xảy ra trận Động đất Đường Sơn 7,8 độ Richter.

Năm 1972, vùng Tây Nam Trung Quốc cũng bị hạn hán nghiêm trọng, đến năm 1974 một trận động đất 7,9 độ Richter xảy ra ở huyện Lô Hoắc, tỉnh Tứ Xuyên; năm 1974 thành phố Chiêu Thông, tỉnh Vân Nam xảy ra động đất với cường độ 7,1 độ Richter.

Ngoài ra, vào năm 2006, Tứ Xuyên và Trùng Khánh bị hạn hán nghiêm trọng, cục bộ có nơi phải hứng chịu đợt hạn hán khắc nghiệt ‘cả thế kỷ mới có một lần’, nhiệt độ ở một số khu vực nhiều lần trên 40 độ C, thậm chí lên tới 44 độ C. Đợt hạn hán này tiếp tục kéo dài đến năm 2007.

Kết quả là vào ngày 12/5/2008, xảy ra trận động đất Tứ Xuyên gây chấn động thế giới. Đây là trận động đất mạnh và thảm khốc nhất xảy ra tại Trung Quốc kể từ sau trận Động đất Đường Sơn năm 1976, giết chết hơn 250.000 người.

Trong cuốn "Quốc Ngữ" cũng có ghi ghép rằng, vào năm Chu U Vương thứ hai, đô thành của nhà Tây Chu cùng ba con sông ở đó là Kinh Thủy, Lạc Thủy và Vị Thủy đều xảy ra động đất. Thái sử Bá Dương Phụ nói rằng: “...sông cạn, núi ắt sụp đổ…”. Quả nhiên là cùng năm đó, ba con sông này bị khô cạn, núi Kỳ Sơn cũng bị sụt lở. Trận động đất Kỳ Sơn xảy ra vào năm Chu U Vương thứ hai cũng được ghi nhận là trận đầu tiên có cường độ trên 6 độ Richter trong lịch sử Trung Quốc.

10 tỉnh thành tiếp tục hạn hán, ảnh hưởng đến hơn 4,4 triệu ha đất và gần 5 triệu dân

Gần đây, ít nhất 14 tỉnh, thành ở Trung Quốc đã phải trải qua thời tiết khô nóng khắc nghiệt nhất trong lịch sử.

Theo công văn mới nhất của Bộ Thủy lợi Trung Quốc, tính đến ngày 27/8, hạn hán đã gây ảnh hưởng tới 66,32 triệu mẫu đất canh tác (hơn 4,4 triệu ha) và 4,99 triệu dân ở 10 tỉnh, thành thuộc lưu vực sông Trường Giang (Dương Tử), bao gồm Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Giang Tây, v.v.

Trong đó, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, hồ Bà Dương ở tỉnh Giang Tây, đã phá kỷ lục mùa nước cạn trong 70 năm qua; mực nước sông Trường Giang cũng giảm xuống mức thấp mới sau 150 năm; mực nước sông Hoàng Phố giảm xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong 20 năm qua.

Thời tiết hanh khô cũng gây ra cháy rừng ở nhiều nơi trong khu đô thị chính của Trùng Khánh. Theo các bức ảnh vệ tinh do vệ tinh khí tượng Jilin-1 chụp được, địa điểm cháy bao trùm các quận Phù Lăng, Giang Tân, Ba Nam, Bích Sơn.

Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt cũng sẽ ảnh hưởng đến thu hoạch vụ thu năm nay của Trung Quốc. Theo số liệu năm 2021 từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng ngũ cốc cả năm là 680 triệu tấn, trong đó tỷ trọng ngũ cốc vụ thu chiếm 74,5%. Năm 2021, tổng sản lượng ngũ cốc của sáu tỉnh thành gồm Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây và An Huy là 168 triệu tấn, chiếm 24,6% tổng sản lượng cả nước.

Hơn nữa, lúa gạo lại là cây trồng chiếm khẩu phần lương thực lớn nhất ở Trung Quốc, chiếm khoảng 40% sản lượng ngũ cốc vụ thu. Diện tích lúa ở lưu vực sông Trường Giang, nơi hiện đang bị hạn hán, chiếm 65,7% diện tích toàn Trung Quốc.

Theo giám sát tình trạng khô hạn của cơ quan khí tượng ngày 27/8, phía nam Giang Tô, nam An Huy, đông nam Hà Nam, Hồ Bắc, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Trùng Khánh, Tứ Xuyên, đông nam Thiểm Tây, đông nam Cam Túc và đông Tây Tạng vẫn khô hạn ở mức trung đến nghiêm trọng.

Dự kiến ​​trong ngày 28/8, nhiệt độ ở Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam... sẽ ở mức 35 đến 39 độ C, cục bộ có nơi trên 40 độ C.

Đông Phương

Theo Vision Times