Hà Nội: Bốc thăm vô trường cho trẻ mẫu giáo





Hà Nội: Bốc thăm vô trường cho trẻ mẫu giáo

Trước thềm năm học mới 2022-2023, hàng trăm phụ huynh có con 3, 4 tuổi vào mẫu giáo phải bốc thăm để giành chỗ cho con vào học Trường mầm non Hoàng Liệt. Trường mầm non này là trường mầm non công lập duy nhất của Phường Hoàng Liệt, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội. Ngoài trường mầm non công lập này, phường có 5 trường mầm non ngoài công lập, 79 nhóm lớp mầm non độc lập.

Thầy giáo Ngọc Sơn từ Sài Gòn nêu quan điểm của mình với RFA sáng 29 tháng 8:

“Thứ nhất, trách nhiệm lãnh đạo quận Hoàng Mai là rất lớn. Lẽ ra họ phải quan tâm đến trẻ em nhiều hơn, sớm có kế hoạch xin kinh phí xây dựng đủ trường công cho các cháu.

Thứ hai, khả năng có nhóm lợi ích trong nhóm trường tư (chỉ tiêu trường công ít trường tư sẽ dồi dào).

Thứ ba, đúng ra phụ huynh phải tẩy chay buổi bốc thăm này, gây sức ép để chính quyền có kế hoạch mở rộng trường hoặc mượn cơ sở khác đảm bảo quyền lợi cho con em trên địa bàn. Để trẻ chập chững đến trường mà phải chịu trò may rủi thì thật sự đáng buồn.”

Theo giải thích của vị đại diện Phòng Giáo dục - Đào tạo Quận Hoàng Mai, việc cho bốc thăm xem bé nào trúng tuyển mới được vào học mẫu giáo tại trường là giải pháp duy nhất trường có thể làm, vì số học sinh nộp đơn vào học lên đến hơn 700 em, trong khi với các điều kiện phòng lớp, cơ sở vật chất, thiết bị và giáo viên hiện có, số học sinh trường có thể nhận chưa đến một nửa số nộp đơn.

Chuyện bốc thăm vào trường lớp mầm non ở Hà Nội vừa rồi chưa phản ánh đầy đủ toàn diện tính nghiêm trọng khi mà đi sâu vào từng vấn đề. Chuyện này không thể nào riêng thành phố Hà Nội có thể giải quyết mà phải là ở tầm của Quốc Hội, của Bộ chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam. - Blogger Nguyễn Ngọc Già

Chuyện bốc thăm như vậy từng xảy ra cách đây 10 năm tại Trường mầm non Quỳnh Lôi, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lúc bấy giờ, trường mầm non Quỳnh Lôi chỉ tuyển 40 trẻ cho lớp mẫu giáo 3 tuổi, trong khi có đến 80 trẻ độ tuổi này có hộ khẩu đúng tuyến nộp hồ sơ vào trường.

Blogger Nguyễn Ngọc Già, có cháu nội hơn 3 tuổi cho hay, ông rất phẫn nộ với chuyện các cháu mẫu giáo muốn vào trường công phải bốc thăm như vậy. Ông nói:

“Tôi cho đây là hậu quả tất nhiên của hàng chục năm qua nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không quan tâm đầu tư cho giáo dục nói chung và mầm non nói riêng. Lý do thứ nhất, theo tôi, ngân sách nhà nước thì hầu như luôn bội chi và hụt thu. Trong khi đó, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục thì nhiều năm rồi, tất cả các đại biểu Quốc Hội cũng đã kêu lên cần phải dành ngân sách cho đầu tư giáo dục. Nhưng tất cả chỉ thể hiện trên giấy mà thôi chứ trên thực tế thì không thấy.

Thứ hai, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay đặt nặng nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tất nhiên họ phải giao những mảnh đất gọi là mảnh đất vàng cho các nhà đầu tư bất động sản. Người ta quan tâm tới nguồn thu sử dụng đất như vậy thì người ta thấy rằng, giáo dục mầm non không mang lại nguồn lợi trước mắt. Họ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt thôi mà không thấy cái hại lâu dài khi buông bỏ đầu tư về giáo dục.



Phụ huynh bốc thăm cho con vào mẫu giáo công lập. Photo: congan.vn

Theo ông Nguyễn Ngọc Già, do không có tầm nhìn về giáo dục nên khi quy hoạch đất đai, lãnh đạo Hà Nội chỉ ưu tiên cho việc khai thác bất động sản. Trong khi đó, trường học thì thiếu vô cùng chứ không chỉ riêng về mầm non. Ông nói tiếp:

“Chuyện bốc thăm vào trường lớp mầm non ở Hà Nội vừa rồi chưa phản ánh đầy đủ toàn diện tính nghiêm trọng khi mà đi sâu vào từng vấn đề. Chuyện này không thể nào riêng thành phố Hà Nội có thể giải quyết mà phải là ở tầm của Quốc Hội, của Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Nhiều ý kiến cho rằng, lẽ ra các cháu học sinh mẫu giáo phải được hưởng quyền bình đẳng trong giáo dục. Học sinh nào cũng được quyền vào trường công lập. Đó là trách nhiệm của Nhà nước, không thể chịu số phận bốc thăm may rủi như vậy.

Điều này từng được ông Phùng Xuân Nhạ phát biểu năm 2016, trong lần đầu tiên tiếp xúc với báo chí trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Bất kỳ người dân nào cũng có những mưu cầu rất chính đáng là được học hành tử tế, được sống vui vẻ, sống trong xã hội yên bình.

Đây là lỗi quy hoạch của lãnh đạo Hà Nội trong nhiều đời. Chúng ta thấy rõ ràng rằng ở Hà Nội có quá nhiều tiến sĩ, thậm chí cán bộ ở phường cũng phải phấn đấu đạt được bằng tiến sĩ. Nói chung là nhiều sư, nhiều sĩ nhưng dốt quy hoạch. Hoặc không dốt mà chỉ chạy theo những khu đô thị mới mà quên đi đô thị phát triển tới đâu thì bệnh viện, trường học phải đi theo đến đó. - Nhà giáo Đinh Kim Phúc

Nhà giáo Đinh Kim Phúc nhận định về việc trẻ mẫu giáo phải bốc thăm để được học trường công lập:

“Đây là một việc vô tiền khoáng hậu trong nền giáo dục của Việt Nam. Ở đây, chúng ta không nên đổ lỗi cho nhà trường. Chúng ta thấy rằng đối với Hà Nội qua nhiều đời chủ tịch thành phố, mà không chỉ là ông chủ tịch thành phố Hà Nội mà cả đảng bộ, bí thư, thường vụ thành ủy… phát triển nóng đô thị nhưng không hề có một quy hoạch dành cho trường học, cho bệnh viện dẫn đến dân số tăng cao thì thiếu trường học.

Đây là lỗi quy hoạch của lãnh đạo Hà Nội trong nhiều đời. Chúng ta thấy rõ ràng rằng ở Hà Nội có quá nhiều tiến sĩ, thậm chí cán bộ ở phường cũng phải phấn đấu đạt được bằng tiến sĩ. Nói chung là nhiều sư, nhiều sĩ nhưng dốt quy hoạch. Hoặc không dốt mà chỉ chạy theo những khu đô thị mới mà quên đi đô thị phát triển tới đâu thì bệnh viện, trường học phải đi theo đến đó. Đây là lỗi quy hoạch của thành phố Hà Nội, không thể đổ thừa cho ai khác.”

Theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, việc bốc thăm như vậy sẽ là gánh nặng với những gia đình nghèo một khi con cháu họ phải học trường tư, do không bốc thăm được vào trường công lập. Ông nêu một giải pháp mà ông gọi là “giải pháp tình thế” cho lãnh đạo Hà Nội:

“Bốc thăm mà con mình không trúng tuyển vào trường công thì chỉ còn nước đi học trường tư, mà trường tư ở Việt Nam thì học phí rất cao so với thu nhập bình quân của người lao động.

Theo tôi, giải pháp tình thế hiện nay đối với lãnh đạo thành phố Hà Nội, là thay vì bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để bồi dưỡng cho cán bộ ở các nước tư bản, thì nên dùng số tiền đó mà trợ cấp cho các học sinh trên địa bàn không được vào trường công có đủ điều kiện vào học trường tư.”

Theo thông tin từ một số trường mầm non tư thục ở Hà Nội, mức học phí năm học 2021 - 2022 dao động ở mức 3.000.000 - 10.000.000 đồng/tháng. Trong khi mức học phí đối với giáo dục mầm non công lập chỉ có mức thu từ 24.000 -217.000 đồng/tháng.


RFA