Chất tạo ngọt tiềm ẩn nguy cơ về tim mạch



Một nghiên cứu công bố hôm Thứ Tư, 7 Tháng Chín, cho thấy chất tạo ngọt (artificial sweeteners) có thể gây ảnh hưởng sức khỏe tim mạch bên cạnh nguy cơ bệnh tiểu đường, béo phì và một số vấn đề khác, theo UPI.

Nghiên cứu được British Medical Journal loan tải và đang gặp phải sự phản đối của hiệp hội các nhà sản xuất chất tạo ngọt International Sweeteners Association. Các nhà khoa học cho rằng các chất phụ gia ít calorie này không phải là loại gia vị thay thế an toàn cho đường.



Một số sản phẩm tạo ngọt. (Hình minh họa: Noberto Duarte/AFP via Getty Images)

Nhóm nghiên cứu do Viện Nghiên Cứu Y Tế Và Sức Khỏe Quốc Gia Pháp (INSERM) dẫn đầu đã phát giác tổng lượng chất ngọt nhân tạo tiêu thụ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Họ đã phân tích chất ngọt nhân tạo từ nhiều nguồn thực phẩm đa dạng, bao gồm đồ uống, đường hóa học và các sản phẩm từ sữa. Họ xem xét ba loại: aspartame, acesulfame potassium và sucralose.

Nghiên cứu chỉ ra aspartame có khả năng tăng nguy cơ biến cố mạch máu não, trong khi acesulfame potassium và sucralose thúc đẩy nguy cơ bệnh tim mạch vành.

Tất cả đều nằm trong danh sách “chất làm ngọt cường độ cao” được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm Và Dược Phẩm (FDA) chấp thuận. Theo các nhà nghiên cứu Pháp, mặc dù các chất thay thế đường được sử dụng rộng rãi, chúng vẫn gây tranh cãi.

Các nghiên cứu trước đây từng xem xét liên kết giữa thức uống chứa đường nhân tạo và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, không có công trình nào đo lường lượng chất ngọt nhân tạo từ chế độ ăn uống tổng thể của một người.


Do đó, các nhà khoa học Pháp đã phân tích chế độ ăn uống của 103,000 người tham gia, hầu hết là nữ với độ tuổi trung bình 42. Hồ sơ được trích lọc từ nghiên cứu NutriNet-Sante, một dự án được khởi động tại Pháp vào năm 2009 nhằm khám phá mối quan hệ giữa dinh dưỡng và sức khỏe.

Nhìn chung, hơn một phần ba (37%) người tham gia từng tiêu thụ chất tạo ngọt. Lượng tiêu thụ trung bình của họ là khoảng 42 miligam mỗi ngày, tương đương với một gói đường nhân tạo hoặc 3.5 ounce (99.22 gram) soda ăn kiêng. Một số người tiêu thụ trung bình gần 78 mg.

Trong khi đó, tổ chức International Sweeteners Association phản bác rằng nghiên cứu của Pháp không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy chất tạo ngọt chứa hàm lượng calorie thấp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Họ viện dẫn độ an toàn của các chất này đã được công nhận bởi các cơ quan an toàn thực phẩm trên toàn thế giới, bao gồm Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) và FDA. Ngoài ra, tổ chức cho rằng lượng chất làm ngọt mà những người tham gia nghiên cứu tiêu thụ “rất thấp” và khó có thể đánh giá.

Nhóm nghiên cứu thừa nhận hầu hết người tiêu thụ chất tạo ngọt có xu hướng trẻ tuổi hơn, chỉ số cơ thể cao hơn, hút thuốc và ít hoạt động thể chất. Tuy nhiên, các tác giả khẳng định đã tính đến những yếu tố này trong phân tích. (V.Giang)