Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời ở Sài Gòn




SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhạc sĩ Vinh Sử qua đời lúc 3 giờ sáng hôm 10 Tháng Chín sau thời gian chống chọi với bạo bệnh, hưởng thọ 78 tuổi, theo báo Thanh Niên.

Nhạc sĩ Vinh Sử, còn có nghệ danh khác là Cô Phượng, được mệnh danh là “vua nhạc sến.” Ông được nhiều thế hệ khán giả của dòng nhạc bobero yêu mến qua các ca khúc như “Nhẫn Cỏ Cho Em,” “Gõ Cửa Trái Tim,” “Người Phu Kéo Mo Cau,” “Chuyến Xe Lam Chiều,” “Vòng Nhẫn Cưới,” Đoạn Buồn Đêm Mưa,” “Qua Ngõ Nhà Em,” “Tình Đẹp Mùa Chôm Chôm”…



Nhạc sĩ Vinh Sử rơi vào cảnh bệnh tật, nghèo khó lúc cuối đời. (Hình: Thanh Niên)

Trong nhiều tháng qua, bệnh tình nhạc sĩ Vinh Sử trở nặng, ông phải nằm tại bệnh viện Gia Định, quận Bình Thạnh.

Trước đó, ông được chẩn đoán ung thư đại tràng từ năm 2011. Vài năm qua, sức khỏe ông yếu dần, gia đình cho biết số lần ông ra vào viện “nhiều không đếm xuể.”


Bản tin hồi tháng trước của tờ Thanh Niên dẫn lời bà Ngọc Lệ, vợ nhạc sĩ Vinh Sử, rằng bà phải xoay xở tiền bạc, nhờ cậy người thân quen để có chi phí điều trị cho chồng.

“Lâu nay cũng có khán giả ủng hộ, phần tôi cũng đi làm có đồng ra đồng vô và ông ấy cũng có tiền tác quyền để dành trị bệnh, chứ [phải] bán nhà thì không có. Tôi nói bác sĩ hết bao nhiêu thì cứ lo cho ông ấy, vì tôi còn vay mượn được. Tôi cầu nguyện cho ông ấy sống thêm một năm nữa, vì ông ấy sống với tôi chưa có trọn vẹn, chưa được hạnh phúc.


Nhiều khi bây giờ tỉnh lại, ông ấy biết tôi lo lắng cho ông ấy thì thương tôi hơn,” bà Lệ chia sẻ.

Bà Lệ cũng cho biết thêm thuở hoàng kim, nhạc sĩ Vinh Sử “có nhiều tiền lắm, nhưng vì ăn chơi, tiêu xài nhiều quá nên mới vậy.”

Bà còn nói rằng nguyện vọng của nhạc sĩ Vinh Sử là sau khi mất “được hỏa táng, đem tro cốt lên nhà vợ lớn để.”



Vợ con nhạc sĩ Vinh Sử túc trực chăm sóc ông trong bệnh viện. (Hình: Thanh Niên)

Trang Wikipedia ghi nhận nhạc sĩ Vinh Sử có bốn đời vợ, nhưng lúc cuối đời sống một mình.

Trang này dẫn lời tự sự của ông: “Nhạc tôi viết là dành cho những người nông dân, những người lao động. Tôi đã gởi hết toàn tâm toàn ý của mình vào đó và cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo công chúng lao động nghèo. Tôi nghĩ rằng nhạc của mình cũng là tiếng nói của một bộ phận nhân dân. Nghe nhạc của tôi, những người lao động nói rằng đó là nhạc của người Việt Nam, không lai căng.” (N.H.K)