‘Lao động thời vụ’ người Việt bỏ trốn quá nhiều, Nam Hàn ‘cấm cửa’




QUẢNG BÌNH, Việt Nam (NV) – Trong 41 người Việt đi “làm việc thời vụ” tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, chỉ bảy người trở về đúng thời hạn khiến những người đi đợt sau bị phía Nam Hàn từ chối tiếp nhận.

Báo VNExpress hôm 20 Tháng Chín cho hay hồi Tháng Ba vừa qua, Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội tỉnh Quảng Bình tuyển chọn và đưa 41 người sang thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Nam Hàn, “làm việc thời vụ” năm tháng trong lĩnh vực nông nghiệp, lương hơn 40 triệu đồng ($1,689)/tháng.



Số lao động người Việt đợt hai bị phía Nam Hàn từ chối do đợt một bỏ trốn quá nhiều. (Hình: Th.H/VNExpress)

Trước khi đi, người lao động “được giáo dục định hướng,” tuy nhiên sau vài ngày xuất cảnh, bốn người đã bỏ trốn. Đến hôm 12 Tháng Bảy, thêm 10 người bỏ trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Nói với báo Dân Trí, anh Nguyễn Xuân Ái, ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình, một trong những người được đi làm việc trong đợt này, cho biết ngay khi đặt chân đến Nam Hàn, người lao động đều bất ngờ bởi điều kiện sống tại đây rất thoải mái. Mỗi người được bố trí chỗ ăn, ở đầy đủ tiện nghi, từ tủ lạnh, đến quạt sưởi, wifi miễn phí… Có người còn được các ông chủ hỗ trợ các khoản phí làm các thủ tục sau khi nhập cảnh. Cơ hội việc làm và thu nhập đáng mơ ước là vậy, nhưng vẫn có người bỏ trốn khỏi nơi làm việc.


Dù vậy, thành phố Yeongju vẫn đề nghị tỉnh Quảng Bình tuyển chọn đợt hai với 55 người. Thế nhưng đến giữa Tháng Chín, hợp đồng đợt một kết thúc, tổng số người bỏ trốn lên đến 34 người, chiếm 83%, buộc phía Nam Hàn ra thông báo ngưng tiếp nhận 55 người đợt hai. Những người này đã hoàn thành thủ tục, giấy tờ, học tiếng Hàn, định hướng…, dự kiến bay sang Nam Hàn hôm 6 Tháng Chín.

Nói với báo đài, bà Đinh Thị Ngọc Lan, phó giám đốc Sở Lao Động – Thương Binh và Xã Hội tỉnh Quảng Bình, cho rằng những người bỏ trốn do “có người quen bên kia [Nam Hàn] rủ rê, lôi kéo vì lợi ích cá nhân.”

Để xoa dịu nhóm 55 người không được đi “xuất khẩu lao động,” Sở Lao Động đề nghị tỉnh hỗ trợ 9 triệu đồng ($380)/người để chi trả các khoản học ngoại ngữ, giáo dục định hướng nghề nghiệp, và hứa “sẽ ưu tiên giới thiệu đi làm trong nước hoặc nước ngoài nếu họ có nhu cầu.”



Một phụ nữ ở Quảng Bình đang làm việc tại Nam Hàn. (Hình: Người Lao Động)

Tình trạng người Việt phá vỡ hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc ở Nam Hàn khá nhiều. Những năm 2003-2005, tỷ lệ này là 25%-30%, buộc phía Nam Hàn ngừng gia hạn tiếp nhận mới người lao động Việt Nam từ năm 2013 đến 2016, khiến 35,000-40,000 người Việt “lỡ cơ hội đi làm việc.”

Đến nay có tám huyện, thành phố phải dừng đưa lao động sang nước này đến hết năm 2022, do tỷ lệ bỏ trốn cao. Đó là các thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương; hai huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa; huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; và hai huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên của Hà Tĩnh. (Tr.N)