CÓ MỘT TỘC VIỆT RẤT KHÁC !






"Không thể xử lý sự xuống cấp đạo đức vì thiếu kinh phí" lời của Bộ trưởng (đồng hương tôi đấy) phát biểu trước Quốc hội. Phải chăng có thể hiểu câu ởm ờ trên theo 2 cách:


1- Không thể giải quyết vấn đề xuống cấp đạo đức trong xã hội vì chính quyền thiếu kinh phí, hoặc

2- Không thể đổ lỗi của việc đạo đúc xuống cấp trong xã hội cho sự thiếu kinh phí của chính quyền

Câu trên của ngài Bộ Trưởng cho thấy gì? Đó là sự ngu ngốc và bất lực của người làm văn hoá! Chế tài xử phạt chỉ là bề nổi của tảng băng. Dù chua chát nhưng phải thừa nhận một thực tế là văn hoá, đạo đức người Việt đang "phát triển" hỗn loạn. Xã hội đánh mất niềm tin vào nhau.

Các công trình “tâm linh” khủng cùng các “lễ hội truyền thống” phát triển như vũ bão cả về diện, lượng và quy mô nhưng tâm tính con người thì càng ác độc hơn. Họ tìm đến chùa chiềng cúng lễ để tìm sự tha thứ, tìm sự cảm thông từ những thế lực siêu nhiên nào đó được gọi là "bề trên" - người có thể nhìn thấy được mọi điều trong cuộc sống. Cúng lễ đã trở thành thói quen của cả một dân tộc. Từ quan đến dân, từ giàu đến nghèo, từ cao sang đến bần tiện đều chăm cúng lễ đến mức tất cả mọi việc đều không thể không cúng lễ, thậm chí đôi khi, từ thầy đến tín chủ chẳng biết nên cúng ông Thần, ông Thánh nào cho phải đạo! Chỉ biết là phải cúng, phải lễ mọi việc mới xuôi.
Một bộ phận không nhỏ người Việt tống thực phẩm bẩn vào miệng người khác, hãm hại đồng bào chỉ vì vài đồng lợi. Người ta sẵn sàng bơm tạp chất vào thịt lợn, tắm rau bằng nhớt, bán chân gà thối, cà phê hóa chất… Họ bức hại người khác bất chấp để làm giàu. Nhưng, người bán thịt lợn có lúc sẽ ăn chân gà thối, người bán rau nhớt lại phải uống cà phê hóa chất. Oan oan tương báo, tự bức hại lẫn nhau. Sự độc ác của con người đang khiến bữa ăn thành nguồn bệnh, từ thành phố đến thôn quê. Cái ác trỗi dậy, vì người Việt dần đánh mất nền tảng chung; niềm tin trở nên hiếm hoi, chỉ duy trì với những nhóm nhỏ mà mình gắn bó suốt tuổi thơ, cùng nhau trưởng thành (đôi khi vẫn vỡ toang như thường, kể cả những người thân trong gia đình).

Dưới con mắt bạn bè, người Việt bị xem là những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn vụ đánh, chém nhau trong dịp lễ Tết, và điểm đến là bệnh viện thay vì được đầm ấm bên gia đình. Những người nông dân "chân chất" vẫn ngày ngày phun hóa chất vào rau, trái để bán cho khách hàng trong khi vẫn trồng một khoảnh rau, trái khác để ăn; người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ. Những thương hiệu hàng đầu, sành điệu bị bóc mẽ chỉ là hàng Tàu làm nhái, sự trơ trẽn cực điểm khi nhà quản lý nói rằng họ không dối lừa khách hàng, chỉ lột nhãn mác vì sợ khách hàng mặc sẽ bị ngứa!. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi. Cuộc chiến mà kết cục không có người nào thắng, chỉ có người thua cuộc. Một dân tộc bị ngộ độc tư duy, trở nên biến dị lạ thường. Họ không còn niềm tin trên chính quê hương mình, ngoại trừ những kẻ vẫn đang được đặc quyền để nạo vét đất nước, đồng bào mình. Khi ôm đủ những đồng tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc. Số đông còn lại sẽ không có một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể tồn tại ở một thế giới mà niềm tin là thứ ngày càng trở nên quá xa xỉ. Nơi mà con người ta chào đón nhau bằng những ánh mắt nghi kỵ thay vì vồn vả; cẩn thận soi từng câu nói để biết mình đang không bị dẫn dắt đến một mục đích nào đó của người đối diện.

Người Việt giờ đây thích phô trương, thể hiện sức mạnh, đẳng cấp hào nhoáng bên ngoài; học đòi theo những hình mẫu khác và đánh mất dần nét đẹp thật sự của mình là sự thiện lương.

Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống được. Nó được tạo nên bởi sự dốt nát, sự sợ hãi, sự nghị kỵ, vô cảm, mục ruỗng niềm tin và phân hoá.
Vấn đề lớn nhất của Việt Nam nằm ở Con Người Việt Nam, ở chính chúng ta:

- Chúng ta là một dân tộc bị chia rẽ bởi định kiến, vùng miền, ý thức hệ, dễ dàng nổi xung chửi bới, nói xấu lẫn nhau.
- Chúng ta lười lao động, chỉ làm cho xong việc và hầu hết không thực sự không yêu mến, say mê công việc mình đang làm. Sống a dua, bầy đàn, nịnh trên đạp dưới.
- Chúng ta thiếu kỷ luật, thiếu tôn trọng người khác nơi công cộng và cả trong mọi khía cạnh đời sống. Nhiều người khi tham gia giao thông vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, tiết kiệm từng giây để đến quán cafe ngồi đồng cả tiếng hay buổi nhậu thâu đêm.
- Chúng ta ồn ào, thích thể hiện "tiếng nói" ở chỗ đông người; xả rác bừa bãi, không giữ gìn vệ sinh chung.
- Chúng ta lười học, lười biết thêm kiến thức, thiếu lòng say mê háo hức với kiến thức.
- Chúng ta dần trở nên vô cảm với xã hội, cộng đồng; thiếu hụt lòng nhân ái, giá trị tinh thần, suy nghĩ cao thượng và sự nhạy cảm của nhân tính, sự sẻ chia.
- Chúng ta không có tinh thần dân tộc thực sự, không được giáo dục tốt về niềm kiêu hãnh quốc gia. Hầu hết người Việt chỉ lo cái lợi nhỏ của cá nhân mình, thu gom về mình nhiều lợi ích nhất có thể, những vấn đề chung như môi trường, tự tôn quốc gia, phát triển bền vững… ta đều gật gù cho có hoặc mắc cười nhất là “tôi không quan tâm đến chính trị”.
- Đọc báo thấy cuộc chiến chống tham nhũng, chúng ta sung sướng lắm, nhiều người nói bắt bọn nó càng nhiều càng tốt… Ta thấy rõ vấn đề người dân ghét quan chức, không tin quan chức vì cho rằng, quan chức chỉ chăm chăm làm sao cho mình và phe cánh mình nhiều quyền, nhiều tiền, nhiều ảnh hưởng hơn. Những vấn đề quốc gia hùng cường, nhân dân no ấm đa số nằm trên băng rôn hô khẩu hiệu treo đầy đường.
- Giáo dục nát bét, khỏi bàn và liệt kê. Chúng ta dạy học sinh sự sáo rỗng, giáo điều, nhồi nhét không khuyến khích các em tự tư duy, những phong trào thi đua càng làm hỏng bét và băng hoại nhân cách. Những bài học đạo đức sáo rỗng chung chung, kiến thức thì tụt hậu. Chúng ta không ưu tiên dạy học sinh THÀNH NHÂN TRƯỚC KHI THÀNH TÀI. Chúng không được khuyến khích về lòng TRẮC ẨN, LƯƠNG TÂM VÀ SỰ CÔNG CHÍNH. Trong mắt chúng là một xã hội mạnh được yếu thua, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ yếu bị bạo hành, bị bắt phải quỳ gối chịu sự lăng nhục.
- Chúng ta nhìn đâu cũng thấy những nguy cơ và lúc nào cũng thấy sợ hãi. Chúng ta luôn nói dối lẫn nhau để cuộc sống dễ dàng hơn: con nói dối cha mẹ, chồng nói dối vợ, đồng nghiệp nói dối nhau… tất cả đều giả dối theo một cách nào đó. Chúng ta ít khi dám đứng trước một ai đó và nói thẳng suy nghĩ của mình.
- Sự hèn nhược, đạo đức giả, tham lam, vô cảm, thiếu ý thức… đang ăn sâu và ăn mòn vào bộ gen của người Việt. Nó tạo nên những con người dù là Dân hay Quan đều kém chất lượng.
- Chúng ta có lẽ chỉ đoàn kết trong cổ động bóng đá và khi đất nước bị ngoại bang xâm lược (chứ không phải gặm nhấm).

-------------
Ý kiến độc giả :

Bài viết trên chứa toàn ý nghĩ tiêu cực, bi quan và mang tính xuôi tay "đầu hàng", vì chính ngay tác giả cũng không hề đưa ra môt lời khuyên hay giải pháp nào để giảm thiếu vấn nạn.

Đã chịu làm con nhái trong miệng rắn và chỉ biết kêu eo éo thì… thà câm miệng để thế giới còn thấy mình là con vật có chút khí phách !
Ít nhất là phải phản ứng giống như con ếch trong hình dưới đây :



Kim Hoa Bà Bà