Chờ Trung Cộng xây gần xong ở Trường Sa, Việt Nam mới dám phản đối


Từ hồi năm 2013, Trung Cộng đã cho đưa lượng lớn nhân công, vật liệu đến Trường Sa để mở rộng đảo Chữ Thập thành đảo nhân tạo. Trong khi đó, đảo Ga Ven, Trung Cộng đã cho quân đồn trú ở đó vào năm 2003, và từ năm ngoái, họ đã cho xây dựng để biến hòn đảo này rộng với quy mô hơn 70 ngàn mét vuông.
Cali Today News - Mặc dù việc Trung Cộng cho xây dựng, mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông nhằm tạo các bến đỗ cho tàu thuyền và xây dựng sân bay quân sự đã nhiều tháng qua. Điều này thể hiện sự hung hăng, muốn độc chiếm, biến Biển Đông thành “sân nhà” của mình. Vậy nhưng, mãi đến chiều ngày 5/3/2015, phía Bộ Ngoại giao Việt Nam mới có lời phản đối chính thức.

Lời phản đối được nói trong buổi họp báo khi trả lời câu hỏi về việc Trung Cộng xây, bồi đắp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam để phục vụ cho mục đích đồn trú, xây sân bay quân sự, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Phạm Thu Hằng nói: “Quan điểm của Việt Nam về việc này là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Việc Trung Quốc xây dựng các công trình trái phép trên các bãi, đá và làm thay đổi nguyên trạng tại khu vực quần đảo Trường Sa không những đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam mà còn vi phạm tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN”- bà Hằng khẳng định.

Bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Cộng đang tiến hành xây dựng, mở rộng. Ảnh: Người Lao Động
Trước đó, hôm 28/2, tình báo Hoa Kỳ tuyên bố Trung Cộng đang mở rộng các tiền đồn ở Biển Đông để nhằm gia tăng sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Trên tờ báo điện tử Vnexpress dẫn lại từ AP lời của Giám đốc Tình báo Hoa Kỳ, James Clapper, cho biết: “Mặc dù Trung Quốc đang tìm kiếm mối quan hệ ổn định với Mỹ, nước này sẵn sàng chấp nhận những căng thẳng song phương và khu vực để theo đuổi lợi ích, đặc là về vấn đề chủ quyền biển”

Vào ngày 4/3, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear trả lời phỏng vấn báo chí tại Hoa Thịnh Đốn đã tỏ ra rất quan ngại về tốc độ xây dựng của Trung Cộng tại Trường Sa nhằm tuyên bố chủ quyền đối với một số đảo trong khu vực tranh chấp
Ông Phùng Quang Thanh lo ngại xu thế ghét Trung Cộng gây nguy hiểm cho dân tộc. Ảnh: Báo Thanh Tra.

“Tốc độ khai hoang của Trung Quốc thật đáng nể. Đó là điều chúng tôi đặc biệt quan ngại.

Rõ ràng là diện tích đất mà các bên tuyên bố chủ quyền khác khác mở rộng để chiếm đóng trong vòng 5 tháng qua lớn hơn cả tổng diện tích mà các bên tuyên bố chủ quyền khác mở rộng được trong 5 năm qua”.

Trên báo Giao Thông cho biết, như để thách thức dư luận quốc tế, trang mạng Đông Phương của Trung Cộng còn cho đăng tải hàng loạt ảnh về quá trình cải tạo đất đá, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông tại 6 bãi đá Chữ Thập, Tư Nghĩa (Huy-Gơ) Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên.

Từ hồi năm 2013, Trung Cộng đã cho đưa lượng lớn nhân công, vật liệu đến Trường Sa để mở rộng đảo Chữ Thập thành đảo nhân tạo. Trong khi đó, đảo Ga Ven, Trung Cộng đã cho quân đồn trú ở đó vào năm 2003, và từ năm ngoái, họ đã cho xây dựng để biến hòn đảo này rộng với quy mô hơn 70 ngàn mét vuông.

Không phải chính quyền Việt Nam không biết những động thái ngang ngược này từ phía Trung Cộng, vì từ hồi tháng 11/2014, trong khi Trung Cộng cải tạo một số đảo ở Trường Sa, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối. Vậy nhưng, tất thảy chỉ nói bằng miệng mà không thấy bất cứ động thái mạnh mẽ nào từ phía Hà Nội cho thấy họ muốn ngăn cản việc làm phi pháp, gây bất ổn khu vực từ phía Bắc Kinh.

Chẳng những vậy, vào ngày 29/12/2014, tại hội nghị của Chính phủ, ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh còn thẳng thừng nói rằng: “Xu thế ghét Trung Quốc gây nguy hiểm cho dân tộc”

“Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc.” Ông Thanh cho biết.

Có lẽ chính vì vậy mà, từ sau khi trao công hàm phản đối đến nay, bất chấp việc Trung Cộng cho mở rộng các hòn đảo trong vùng tranh chấp, báo chí quốc tế cho đăng tài rất nhiều lần nhưng Việt Nam vẫn một mực im lặng. Đáng báo động hơn, báo chí trong nước vẫn ít khi dám nhắc đến. Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ dám phản đối sau khi có những cảnh báo từ Giám đốc tình báo Hoa Kỳ và sau đó là từ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, David Shear- người từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Người Quan Sát