Những người thông minh không tranh cãi







Khi bạn nói thì đối phương phản bác với ý kiến bất đồng, khẩu khí giống như tranh cãi vậy, khiến bạn có chút chạnh lòng, mặt mũi cũng dường như không cất lên được nữa. Bất tri bất giác, âm lượng của cả bạn và đối phương đều tăng lên. Bạn bắt đầu cảm thấy căng thẳng toàn thân và khí bị tắc nghẽn ở trên đỉnh đầu, giống như một cái nồi áp suất vậy.


Sau khi sự việc qua đi, có lẽ bạn sẽ tự hỏi, lúc ấy tại sao lại ầm ĩ lên như vậy? Đây không phải là một chuyện tốt, làm vậy cũng không thể khiến cho mọi thứ tốt hơn, vậy nên làm thế nào để tránh nó?

Một bài báo từ Trường Y Harvard cho biết, kiểu rơi vào cãi vã trong vô thức này bắt nguồn từ bản năng sinh tồn của cơ thể và nỗi sợ mà nó mang đến. Để tránh cãi vã và nâng cao hiệu quả giao tiếp trong những tình huống căng thẳng, có ba thói quen chúng ta cần rèn luyện mỗi ngày.

Cãi vã có phải là điều ngu ngốc không?


Cãi vã, kỳ thực là một chuyện ngu ngốc.


Khi không đồng ý với ý kiến của người khác, đôi khi chúng ta trong tiềm thức sẽ coi sự phản đối của người khác là một hành vi xúc phạm. Điều này khiến hệ thống limbic của não (một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người) cảm thấy bị đe dọa, và gửi đi tín hiệu chiến đấu.

Lúc này, huyết áp của chúng ta sẽ tăng lên, nhịp thở trở nên nhanh hơn, cơ bắp co lại và adrenaline cũng tăng vọt. Những phản ứng sinh lý này làm suy giảm khả năng mở mang trí óc, khiến tâm trí của chúng ta chỉ tập trung vào việc thắng bại trước mặt.


Bà Antonia Chronopoulos, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, cho biết: “Khi ở trạng thái sinh tồn, không dễ để chúng ta nghĩ về các giải pháp sáng tạo. Mục đích chủ yếu lúc này là phòng thủ, chạy trốn hoặc chiến đấu”.


Tất nhiên sự việc là do cả hai bên, bởi một bàn tay chẳng thể vỗ thành tiếng. Chúng ta muốn cao giọng để khống chế cục diện, rất có thể sẽ kích thích phản ứng đồng dạng từ phía đối phương, khiến cả hai khó có thể tự khống chế bản thân, và rơi vào cảnh nói năng bốp chát.
Mặt khác, ngay cả khi chúng ta kìm nén được cơn giận của mình, thì những phản ứng cơ thể nói trên cũng rất khó biến mất. Chúng ta không la hét, nhưng cơ bắp vẫn căng, hơi thở gấp gáp, tư tưởng vẫn bị thắt lại, vì vậy nó không thể giúp chúng ta tìm ra giải pháp hợp lý.


Chúng ta không muốn tức giận mà muốn phối hợp với người khác để giải quyết vấn đề, nhưng nguồn gốc của cơn cãi vã giận dữ này là bản năng sinh tồn được hình thành trong lịch sử lâu dài của cơ thể con người. Một khi bị cuốn vào tình huống căng thẳng, nó có thể dễ dàng “bắt cóc” cảm xúc và hành vi của chúng ta. Để giữ bình tĩnh và trao đổi trong tình huống bất ngờ bị “bẽ mặt”, chúng ta phải rèn luyện một số thói quen tốt hàng ngày.

3 cách đơn giản giúp bạn “bỏ qua” những cuộc tranh cãi

Ghi lại các hành vi của bạn


Để tránh một cuộc tranh cãi, trước tiên chúng ta cần hiểu nó sẽ xảy ra trong những trường hợp nào. Vì vậy, hãy thường xuyên ghi lại những lời nói và việc làm của bạn.

Mỗi cuối tuần, nếu không ngại thì chúng ta hãy ngẫm lại một chút, điều gì đã khiến chúng ta tức giận trong tuần vừa qua? Những việc này liên quan đến ai, chủ đề nào và ở đâu? Chúng có khiến chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên hay không? Nếu mức độ tức giận được phân thành 10 cấp, thì lúc đó chúng ta đang ở cấp mấy?
Sau khi viết ra những tình huống này, chúng ta sẽ có thể tổng kết “các kiểu giận dữ” của mình, từ đó chú ý hơn đến những người hoặc việc dễ khiến chúng ta tức giận, và chuẩn bị trước “chiến lược đối phó”. Ví dụ: chúng ta có thể lập ra một chế độ ăn uống giảm căng thẳng, hoặc lên lịch cho những cuộc trò chuyện có thể gây khó chịu vào những lúc chúng ta có tâm trạng tốt hơn.
Điều chỉnh nhịp thở


Trong cuộc trò chuyện, chúng ta cần thường xuyên chú ý đến nhịp thở của mình, khi cảm thấy nhịp thở hơi ngắn, tốt nhất là nên điều chỉnh lại.

Mỗi người đều có thể có cách điều hòa nhịp thở của riêng mình. Chúng ta có thể hít thở sâu một vài lần hoặc bỏ đi với lý do đi vệ sinh, và quay lại sau khi đếm từ 1 đến 10. Điều quan trọng là phải tạm thời ngắt sự lo lắng, để não bộ quay trở lại phương thức suy nghĩ mà thực sự giải quyết được vấn đề.
Cảm xúc có thể ảnh hưởng đến hơi thở, hơi thở ngược lại cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và thậm chí cả cơ thể. Bà Nicole LePera, một nhà tâm lý học nổi tiếng ở Hoa Kỳ nói rằng, thở chậm hơn và sâu hơn sẽ có thể giúp làm chậm nhịp tim và trấn an tâm trí. Ngược lại, thường xuyên trong tình trạng khó thở rất dễ dẫn đến cao huyết áp, mất tập trung, rối loạn tăng động và các vấn đề khác.


Bà Lepera đã tổng kết ra một bộ phương pháp hít thở 5 phút mỗi sáng như sau: Bắt đầu hít vào từ phần sâu nhất của dạ dày, khi bạn không thể hít thêm không khí vào nữa thì giữ hơi trong 2-3 giây, sau đó thở ra từ từ và nhẹ nhàng, và cuối cùng là hít thở đều đặn (hít vào, thở ra). Bà cho biết, thuận theo việc luyện tập, bà phát hiện bản thân bình tĩnh hơn, bình hòa hơn, đồng thời có thể tự giác hít thở sâu để xoa dịu cơ thể vào những khi xúc động, những khi cần bình tĩnh nhất.

Ngoài hít thở, bác sĩ Antonia Chronopoulos gợi ý rằng chúng ta có thể thực hiện một số bài tập “huấn luyện phân biệt” hàng ngày, tức là thư giãn cơ thể thường xuyên và có chủ ý, để cảm nhận sự khác biệt giữa thư giãn và căng thẳng. Điều này giúp chúng ta phát hiện và điều chỉnh độ căng của bản thân kịp thời, chẳng hạn như hạ thấp đôi vai đang nâng lên hay thả lỏng bàn tay đang nắm chặt.
Thay thế những cuộc cãi vã bằng thương lượng


Trước khi một ngày bắt đầu, chúng ta có thể lên kế hoạch cho những điều khó chịu có thể xảy ra trong ngày hôm nay. Khi chúng xảy ra, ngay cả khi chúng ta cảm thấy rất tức giận, chúng ta cũng không nên la hét hoặc trách móc. Ngay cả việc âm thầm nghiến răng cũng tốt hơn nhiều so với việc đối chọi nhau gay gắt.

Lúc này, chúng ta nên ngỏ lời với đối phương rằng: “Điều bạn nói thực sự khiến tôi rất không vui”. Sau đó ngay lập tức chuyển chủ đề: “Làm thế nào để chúng ta giải quyết việc này?”


Cách nói chuyện này sẽ biến cuộc chiến thành một cuộc thương lượng, giúp cả hai bên suy nghĩ về sự việc một cách hợp lý, thay vì tập trung vào tự vệ và tấn công.

Sự khác biệt lớn nhất giữa con người và động vật là ở lý trí và sự văn minh. Khi ba phương pháp trên trở thành thói quen, chúng ta sẽ không dễ bị tác động bởi khả năng phản ứng của cơ thể, từ đó có thể giao tiếp và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn nhiều.


Lưu Cảnh Diệp _ Xuân Hoàng