Chùa Tam Bảo ở Louisiana giữa cơn bão truyền thông xã hội






Chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, Louisiana, Hoa Kỳ

Có thể nói rằng vụ lộn xộn ở chùa Tam Bảo, Baton Rouge, Louisiana, thể hiện hai điểm khó khăn mà Phật giáo Việt Nam tại Mỹ đang đối mặt: tin tức không chính xác, trên báo chí và mạng xã hội, và cách quản lý vận hành một chùa Phật giáo như thế nào là tốt trong xã hội Mỹ hiện nay.

Tin không kiểm chứng và bình luận giật gân

Tháng 4/2022, bốn Phật tử tại chùa này kiện vị Thầy Trụ Trì, tỳ kheo Thích Đạo Quảng ra tòa, với nhiều cáo buộc, trong đó cáo buộc kinh hoàng nhất đối với một tu sĩ Phật giáo Việt Nam, là ông đã làm cho một ni cô mang thai rồi đuổi ni cô này về nước.
Cuối tháng 8/2022, tòa án chỉ ra một án lệnh với một điều duy nhất là các Phật tử ở chùa Tam Bảo, phải bỏ phiếu tín nhiệm Thầy Đạo Quảng, theo nội quy của chùa. Tức là các cáo buộc hoặc là không có bằng chứng, hoặc là không thuộc quyền phân xử của tòa án.
Một nhà báo người Việt, bà Ngọc Lan, của kênh truyền thông độc lập Little Saigon TV, đã bỏ công tìm hiểu câu chuyện về cáo buộc tình dục.
Bà Ngọc Lan đã bỏ ra nhiều thời gian trong suốt tháng 9/2022, gặp gỡ cả hai phía, trong một phóng sự video rất chi tiết và công bằng, dài tổng cộng gần ba giờ đồng hồ.
Trong phóng sự này bà Ngọc Lan đã phỏng vấn Thầy Đạo Quảng, cùng những Phật tử ủng hộ ông, và bên kia là ba người trong số bốn người kiện thầy ra tòa, là các bà Elizabeth Le, Lan Trần và Phượng Lê.
Bà Phượng Lê nói rằng họ đã đưa một ni cô đi phá thai vào năm 2017, và họ nghĩ rằng thủ phạm là thầy Đạo Quảng.
Tuy nhiên, sau khi ghi nhận các mốc thời gian, nhà báo Ngọc Lan đã chứng minh được rằng cáo buộc là không hợp lý, với hai điểm chính:
1/ Bà Phượng Lê nói rằng bệnh viện không cho phép phá thai vì thai đã lớn. Vào thời điểm đó, luật ở Louisiana qui định thời gian cho phép phá thai không quá 20 tuần, trong khi đó thời gian ni cô nhập cảnh vào Hoa Kỳ cho đến khi rời chùa Tam Bảo là mới có ba tháng, tức là mới có 12 tuần (cuối tháng 2/2017 đến cuối tháng 5/2017).
2/ Bà Elizabeth Le nói rằng ni cô đã đến chùa vào tháng tám năm 2016, nhưng nhà báo Ngọc Lan tìm được email của người anh của ni cô (cũng là một tu sĩ vào thời điểm đó), cho thấy rằng lúc đó ni cô đang còn ở Việt Nam chờ phỏng vấn tại Việt Nam.

Bên cạnh sự vô lý về thời gian, bên nguyên đơn còn đưa ra những text tin nhắn mà họ nói rằng Thầy Đạo Quảng tâm tình với một ni cô khác vào năm 2020. Nhưng tất cả các text này đều không có dấu hiệu nào để có thể biết người nhắn tin là ai.

Các hình ảnh tin nhắn này được các nguyên đơn đưa vào các video do họ thực hiện, lan truyền trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tài liệu của cơ quan di trú, do một luật sư đưa ra, cho thấy rằng ni cô liên quan đến vụ phá thai năm 2017 không về Việt Nam vào tháng 5/2017, mà vẫn còn ở lại Mỹ cho đến hơn một năm sau đó, và rời Mỹ từ Florida vào 6/10/2018.

Tuy những diễn biến có thật là như vậy, nhưng sau khi có người đệ đơn kiện lên tòa án, thì những bản tin tức bắt đầu bùng nổ.
Đầu tiên là bài trên báo địa phương bằng tiếng Anh có đường link sau:

https://www.yahoo.com/news/buddhist-...221443712.html

Bài này đăng rất nhiều ý kiến của phe cáo buộc, và chỉ có vài ý kiến rất ngắn của bên bị tố cáo.
Nhưng tác động lên dư luận cộng đồng người Việt tại Mỹ mạnh nhất là từ các trang báo mạng tiếng Việt, như hai bài sau đây trên dcvonline và saigonnhonews.

Cả hai bài này đều dịch từ bài báo Mỹ nói trên, nhưng cách dùng từ và cấu trúc mất cân đối tạo nên một hiệu ứng buộc tội rất mạnh mẽ.
Bài đầu tiên đưa ngay câu hỏi về tòa án trong tựa bài, tạo một ấn tượng rằng đã xảy ra chuyện xấu tại chùa.

Bài thứ hai có tựa đề giống như một phán quyết của tòa án.

Thầy Thích Đạo Quảng nói chuyện với tôi qua điện thoại rằng: “Thầy rất thất vọng rằng các tờ báo mệnh danh là các cơ quan truyền thông, nhưng mà là truyền mà không thông.

Một bác sĩ tâm lý người Mỹ ở địa phương đã gửi một bức thư ngỏ, chỉ trích báo chí tại địa phương là đã dẫn dắt câu chuyện làm cho người đọc tin rằng sự buộc tội là đúng.



Sư Thích Đạo Quảng

Thiếu tăng ni và mô hình quản lý chùa Phật giáo tại Mỹ

Vụ việc này còn nói ra một vấn đề không nhỏ, là các chùa Việt đón tăng ni sang Mỹ để thực hiện việc tu hành. Họ tới Hoa Kỳ theo một loại visa là R-1. Theo luật sư di trú từng làm việc cho Chùa Tam Bảo, thì người có visa này phải ở cơ sở tôn giáo bảo lãnh mình 30 tháng, rồi sau đó gia hạn visa.

Thầy Đạo Quảng cho biết rằng việc đưa các tăng ni này từ Việt Nam sang là do nhu cầu làm Phật sự của cộng đồng Phật tử gia tăng.
Và đây là một mâu thuẫn rất khó giải quyết của các chùa Phật giáo Việt Nam tại Mỹ. Theo giáo sư Trần Kiêm Đoàn, một Phật tử thuần thành, người quen biết Thầy Thích Đạo Quảng, lẫn những người cáo buộc ông, cho biết rằng các tu sĩ từ Việt Nam sang rất khó vừa hội nhập lối sống mới, vừa tiếp tục hành đạo.

Đó là không kể đến chuyện khá đông chỉ lợi dụng visa R-1 chỉ để được xuất cảnh sang Mỹ. Một người hoạt động Phật giáo có nhiều quan hệ tại Mỹ cho tôi biết rằng tỷ lệ các tu sĩ hoạt động tôn giáo thật sự khi sang Mỹ chỉ chiếm vài phần trăm.

Một nhà sư trụ trì, tôi xin tạm dấu tên nói rằng theo ông có đến 70 đến 80 % những tu sĩ mà ông biết, từ Việt Nam sang, không thực sự tu tập.
Ngoài việc thiếu tăng ni, còn có một câu hỏi khác là mô hình quản lý nào là phù hợp với hoạt động chùa chiền Việt Nam trên vùng đất mới, vốn xuất phát từ truyền thống đất vua chùa dân từ Việt Nam? Tại Mỹ, các cơ sở tôn giáo cũng phải kê khai tài sản rõ ràng, với tên người, hay tổ chức sở hữu, mặc dù với bối cảnh một đất nước rất mạnh về hoạt động dân sự, các cơ sở tôn giáo có thể làm đơn xin được chứng nhận mình là tổ chức phi lợi nhuận để có thể được miễn trừ rất nhiều thuế.

Theo giáo sư Trần Kiêm Đoàn, hiện nay có ba mô hình quản lý chùa Việt Nam ở Mỹ.

Thứ nhất là chùa tư nhân. Đây thường là các ngôi nhà của ai đó được chuyển sang thành chùa, và chủ nhân, hay bạn bè chủ nhân mời các thầy trụ trì về làm Phật sự.

Thứ hai là chùa Thầy. Theo mô hình này thì thầy trụ trì cũng chính là người chủ tài sản, và thầy có quyền quyết định hết mọi việc. Việc ra quyết định của thầy trụ trì sẽ rất dễ dàng, và nhanh chóng, nhưng cũng có những ý kiến chỉ trích nói rằng nếu vị thầy không tốt sẽ rất dễ bị một thế lực nào đó có nhiều tiền bạc thao túng. Thầy Đạo Quảng đồng ý với ý kiến này.

Ngay khi vụ chùa Tam Bảo vừa được kết thúc bởi quyết định của tòa án, thì một vụ khác lại bùng lên, đó là sự tranh cãi ai sẽ là người tiếp tục vị trí sư trụ trì tại Chùa Việt Nam ở Los Angeles, sau khi hòa thượng Thích Như Minh vừa viên tịch. Vị sư tuyên bố mình là người trụ trì tại chùa này hiện nay là thầy Thích Tâm Thiện. Thầy Tâm Thiện bị cho là từng đại diện Bộ văn hóa chính phủ Hà Nội sang “giao lưu” ở Mỹ (!?) (correct information)

Thứ ba là chùa Hội. Chùa theo mô hình này được quản lý bởi một nhóm người, thường được gọi là ban quản trị (Board of Directors), và ban quản trị mời một hay nhiều tăng ni về làm Phật sự. Có nơi tổ chức theo kiểu các tăng ni được cấp “lương.” Tăng ni chỉ có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến tôn giáo mà thôi.



Một cảnh chùa Tam Bảo

Chùa Tam Bảo tại Baton Rouge Louisiana được thành lập vào năm 1985, như là một chùa Hội. Thầy Thích Đạo Quảng về trụ trì vào năm 2003.

Thầy Đạo Quảng nói với tôi rằng Thầy cho rằng mô hình chùa Hội sẽ nảy sinh sự bất nhất trong việc điều hành, cho nên Thầy đã điều chỉnh lại nội quy, với sự đồng ý của nhiều người, làm cho chùa Tam Bảo được vận hành theo một mô hình mà Thầy gọi là chùa Chung, trong đó vị trụ trì có quyền quyết định việc điều hành và cộng đồng phật tử có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm vị trụ trì, với túc số là 2/3 (tức là nếu 2/3 số phiếu không tán thành vị trụ trì, thì vị này phải ra đi). Trong mô hình chùa Chung của thầy Đạo Quảng, việc kiểm soát tài chánh được thực hiện độc lập bởi một nhóm quản lý được bầu.

Trong phóng sự của nhà báo Ngọc Lan, có những người ủng hộ mô hình chùa Chung, trong đó thầy trụ trì có nhiều quyền hành, nhưng cũng có những người không ủng hộ. Và có thể vụ lộn xộn vừa qua chính là bắt nguồn từ sự không ủng hộ này kéo dài liên tục trong nhiều năm qua.

Ngay cả trong những người ủng hộ thầy Thích Đạo Quảng, như ông Phương Huỳnh, nói với nhà báo Ngọc Lan rằng mô hình chùa Chung này chỉ đạt hiệu quả tốt khi có một vị trụ trì tốt.

Nói chuyện với tôi vào ngày 5/10/2022, thầy Thích Đạo Quảng cho biết rằng ông vẫn thấy mô hình chùa Chung của ông là hợp lý nhất hiện nay, nhưng ông nói rằng trong nội quy của chùa Tam Bảo, đã bỏ sót một điểm là không định nghĩa thế nào là một phật tử có quyền bỏ phiếu trong ngôi chùa Chung ấy.

Vì thế chùa Tam Bảo, theo quyết định của quan tòa, phải hoàn tất một danh sách những người có quyền bỏ phiếu. Nếu bên nguyên đơn không đồng ý danh sách đó, thì tòa có thể sẽ bổ nhiệm một người độc lập để xem xét danh sách đó.
Câu chuyện chúng ta chờ xem là tòa án ra lệnh cho chùa Tam Bảo là phải hoàn thành việc bỏ phiếu tín nhiệm thầy Đạo Quảng trước ngày 3/12/2022, nhưng hiện nay thì có thể kéo dài hơn vì toà muốn có danh sách Phật tử hợp pháp trong việc bầu cử.
*Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Joaquin Nguyễn Hoà ở San Jose, California, Hoa Kỳ.



BBC