Lười vận động trong thời gian dài dẫn đến hậu quả nghiêm trọng




Tâm trí ở trạng thái tốt nhất khi cơ thể chuyển động. Sau khi đi dạo một thời gian, những khái niệm khoa học còn ngổn ngang trong đầu bỗng có ý nghĩa và trở nên mạch lạc hơn. Sau 1 giờ tập yoga, cơ thể vô cùng thư thái, tưởng chừng như có thể đối mặt với bất cứ thử thách nào tiếp theo, và thậm chí chỉ cần nhảy lên nhảy xuống theo điệu nhạc cũng khiến tâm trạng hạnh phúc. Lý do của tất cả điều này là gì?



(Ảnh: Studio Romantic/ ShutterStock)

Trên thực tế, các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học thần kinh, sinh học tế bào, đến sinh lý học hệ vận động hay sinh học tiến hóa, đều đã bắt đầu nghiên cứu cách mà cơ thể chuyển động đã ảnh hưởng đến tâm trí của chúng ta như thế nào.


Những khám phá khoa học mới này là bước ngoặt quan trọng trong việc thay đổi các nhận thức trong quá khứ, mở ra một phương thức điều chỉnh cách sống của hầu hết mọi người trên thế giới, đây là chìa khóa để cải thiện sức khỏe tổng thể và hạnh phúc.

Người hiện đại ít vận động và ngồi lâu không phải là điều gì quá xa lạ. Hãy thử tưởng tượng lịch trình sinh hoạt trong 1 tuần của bạn như thế này: Buổi sáng các ngày trong tuần, ngoài việc dắt chó đi dạo cả tiếng đồng hồ, thời gian còn lại hầu như là ngồi vào bàn làm việc, nhiều nhất là vào bếp pha một tách trà cho mình, nếu bạn ở trong một tâm trạng tốt, bạn sẽ dắt con chó đi lang thang trong vườn một lần nữa. Mặc dù bạn có một vài ngày tập yoga, nhưng lại chủ yếu ngồi vào ban đêm và đi ngủ khi hết giờ.

Theo thống kê về những người trưởng thành ngày nay, sau khi trừ đi 8 giờ ngủ, trong 16 giờ còn lại có ít hơn 5 giờ hoạt động, và 70% thời gian kia là ngồi hoặc nằm. Thời gian cả ngày chỉ bằng một nửa so với những người trong thập niên 1960. Còn đối với trẻ em, tình hình cũng không khá hơn là bao, sau khi trừ số giờ ngồi trên ghế nhà trường, một nửa thời gian rảnh còn lại là ngồi, chưa kể thực tế là 80% trong số 16 giờ thức dậy, các cơ hoàn toàn không hề được vận động một cách hiệu quả.

Con người chọn lối sống lười biếng vì những lý do riêng của họ. Đầu tiên, là do nó rất thoải mái. Thứ hai, hơn 100 năm qua, nhân loại đã phát minh ra nhiều công nghệ khác nhau cho phép mọi người sống mà không cần di chuyển. Cho dù đó là kiếm thức ăn, kết bạn hay vui chơi, tất cả đều không cần nỗ lực, chỉ cần ngồi và di chuyển, thậm chí là chỉ cần di chuyển các ngón tay.

Mặc dù nhân loại rất tự hào rằng bộ não người có thể phát minh ra rất nhiều thứ tốt để không cần phải vận động, nhưng con người không biết rằng sự tiến hóa của bộ não là để chỉ dẫn cho chúng ta di chuyển, xu cát tị hung, chứ không phải là dùng để suy nghĩ. Các khả năng giác quan khác trong não, chẳng hạn như năm giác quan bao gồm thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác và xúc giác, cũng như trí nhớ, cảm xúc và khả năng lập kế hoạch, tất cả đều được “cài đặt” sau đó. Mục đích cũng là để giúp chúng ta thu thập đầy đủ thông tin và thực hiện một cách chuẩn xác. Nói cách khác, cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận đều dựa trên sự “vận động”, nếu không vận động, khả năng nhận thức và điều tiết cảm xúc sẽ giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, khi chúng ta cố gắng làm cho mình thoải mái, những kẽ hở sẽ bắt đầu xuất hiện. Cho dù đó là chỉ số IQ thấp hơn, thiếu sáng tạo, gia tăng hành vi chống đối xã hội, hoặc tỷ lệ mắc các bệnh tâm thần khác nhau, tất cả đều liên quan đến lối sống ít vận động. Một thực tế đáng buồn là mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi ngành nghề đều đang bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ít vận động có xu hướng ít tự tin và ít “hành vi vì xã hội” hơn. Ngồi trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ phát triển chứng lo âu và trầm cảm. Mặc dù chúng ta không thể nói chắc chắn điều nào xảy ra trước, ít vận động hay trầm cảm, nhưng hoạt động thể chất có tác dụng làm giảm trầm cảm và lo lắng. Vì vậy, dù là người đã mắc bệnh tâm thần hay người có nguy cơ cao mắc bệnh thì lối sống ít vận động rõ ràng là không phù hợp.

Khả năng nhận thức cũng bị ảnh hưởng khi chúng ta ngồi. Ngồi trong thời gian dài là kẻ thù của sự tập trung, trí nhớ, lập kế hoạch, và nó cũng có thể kìm hãm sự sáng tạo.

Một nghiên cứu gần đây về học sinh Phần Lan kéo dài 2 năm cho thấy thời gian ngồi học có liên quan mật thiết đến điểm kiểm tra toán và tiếng Anh, trong đó các bé trai bị ảnh hưởng đặc biệt. Thói quen được hình thành từ nhỏ, nếu giáo viên không uốn nắn kịp thời thì thói quen ít vận động có thể sẽ theo các em suốt đời.

Ít vận động cũng có thể khiến chúng ta già đi sớm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người dành hơn 2 hoặc 3 giờ mỗi ngày để ngồi trong ô tô hoặc xem TV có trí lực kém hơn nhiều so với những người hoạt động nhiều. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên có thể giảm 28% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.



Cắt giảm thời gian ngồi, bộ não sẽ cảm ơn bạn. (Ảnh: PeopleImages.com – Yuri A/ Shutterstock)


Một báo cáo gần đây ước tính rằng 13% trường hợp sa sút trí tuệ trên toàn cầu trước đây đều là do có lối sống ít vận động. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, giảm 1/4 thời gian ngồi trên toàn cầu thì sẽ có thêm hơn một triệu trường hợp có thể tránh khỏi sa sút trí tuệ. Bất kể bạn rút ngắn thời gian ngồi của mình bằng cách nào, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được sự năng động, hoạt bát và não sẽ vô cùng cảm ơn bạn.

Mặc dù có một vấn đề chung là con người thích lười biếng và không thích làm việc, nhưng cũng phải cảnh báo mọi người rằng lối sống ít vận động sẽ khiến tất cả loài người trở nên “trì trệ trí não”. Kể từ khi bắt đầu các cuộc kiểm tra trí thông minh trên khắp thế giới, chỉ số thông minh của con người cứ 10 năm lại tăng 3 điểm. Xu hướng này được gọi là “Hiệu ứng Flynn” (Flynn Effect). Hiện tượng này được nhà tâm lý học người New Zealand, James Flynn lần đầu tiên phát hiện ra vào những năm 1980.

Tuy nhiên, kể từ giữa những năm 1990, hiệu ứng Flynn bắt đầu giảm bớt, và thậm chí còn đảo ngược từ đầu những năm 2000 là giảm một vài điểm sau mỗi thập kỷ. Một số nhà quan sát đã tranh cãi và đổ lỗi vì một số vấn đề. Ví dụ, những người thiểu não đã sinh quá nhiều con, điều này theo thời gian đã làm giảm chỉ số IQ trung bình của quốc gia, trong khi những người khác lại đổ lỗi cho sự gia tăng nhập cư toàn cầu. Bởi vì những người nhập cư từ nước ngoài nên không hiểu các đề thi. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây được công bố ở Na Uy cho thấy rõ ràng rằng cả hai lập luận này đều không hợp lý.

Các nhà nghiên cứu đã dành nhiều thập kỷ để theo dõi chỉ số thông minh của những người đàn ông trẻ trong cùng một gia đình và phát hiện ra chỉ số thông minh đã suy giảm qua các thế hệ. Hiện tượng này có nghĩa là sự suy giảm của chỉ số IQ qua từng năm không phải là sản phẩm của quá trình tiến hóa di truyền, bởi vì tốc độ tiến hóa không quá nhanh, và một đặc điểm phức tạp như chỉ số IQ đòi hỏi một số gen để giải thích sự biến đổi của chúng. Vì vậy, nó được giải thích từ góc độ của môi trường.

Trong những năm gần đây, lối sống của chúng ta đã có một số thay đổi, hoạt động không đủ là một trong số đó, việc ngồi lâu là tình trạng bình thường của nhiều người. Tình trạng này cũng đang xảy ra trên toàn thế giới, và nó không chỉ giới hạn ở xã hội phương Tây. Năm 2012, một nghiên cứu so sánh lượng hoạt động thể chất trong công việc, giải trí, du lịch và cuộc sống gia đình giữa những người ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil kể từ những năm 1960 cho thấy xu hướng đang giảm đi rất nhiều.

Trong những năm 1990, sự sụt giảm hoạt động nhanh nhất ở Trung Quốc và Brazil, chủ yếu là ở nơi làm việc và ở nhà. Đó là do sự xuất hiện của các công việc đặc thù ở văn phòng và sự hỗ trợ lao động của các thiết bị máy móc, khiến công việc hàng ngày trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chỉ có hoạt động của người Ấn Độ là đi ngược lại xu hướng trong năm 2012, nhưng ngay cả như vậy, thời gian ít vận động ở Ấn Độ cũng đang có dấu hiệu tăng lên.

Theo Lạc Lâm, Vision Times