Thiền chánh niệm hiệu quả như dùng thuốc trong điều trị chứng lo âu




WASHINGTON, DC (NV) – Thiền chánh niệm (mindfulness meditation) có tác dụng tương đương như một loại thuốc tiêu chuẩn để điều trị cho những người mắc chứng lo âu, theo AP dẫn tin từ một nghiên cứu lần đầu tiên so sánh công hiệu giữa hai phương pháp này và được công bố trên tạp chí JAMA Psychiatry hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười Một.

Chương trình thiền chánh niệm được thử nghiệm trong nghiên cứu lần này bao gồm hai tiếng rưỡi đồng hồ lên lớp hằng tuần và 45 phút luyện tập hằng ngày ở nhà. Những người tham gia nghiên cứu sẽ được chỉ định ngẫu nhiên thực hành thiền chánh niệm hoặc sử dụng thuốc Lexapro để điều trị chứng lo âu.



Một buổi thiền ở Los Angeles, California. (Hình minh họa: Vivien Killilea/Getty Images for Swisse Wellness)

Sau hai tháng, chỉ số lo âu được đo theo thang mức độ nghiêm trọng giảm 30% ở hai nhóm và tiếp tục giảm trong bốn tháng tiếp theo.

Đây là một nghiên cứu cần được quan tâm, vì hiện nay nhiều chuyên gia khuyến cáo nên khám định kỳ các vấn đề về chứng lo âu cho người lớn. Đồng thời tỷ lệ mắc chứng lo âu toàn cầu cũng đang tăng trong bối cảnh đại dịch, bất ổn chính trị, chủng tộc, biến đổi khí hậu và nguy cơ tài chính.


Các rối loạn lo âu bao gồm lo âu về mặt xã hội, lo âu tổng quát và các cơn hoảng loạn. Những người bị bệnh này thường gặp rắc rối vì các lo lắng dai dẳng, xâm nhập và cản trở cuộc sống lẫn các mối quan hệ của họ. Tại Mỹ, rối loạn lo âu ảnh hưởng đến 40% phụ nữ và hơn 25% nam giới tại vài thời điểm trong cuộc đời.

Thiền chánh niệm là một hình thức thiền định trong đó người thiền chỉ tập trung vào những gì đang xảy ra tại thời điểm hiện tại và gạt bỏ những suy nghĩ xâm nhập. Mỗi lần thiền thường bắt đầu với các bài tập thở. Tiếp theo là “quét cơ thể,” tức là suy nghĩ về từng bộ phận cơ thể một cách hệ thống, từ đầu đến chân. Khi những suy nghĩ lo lắng xâm nhập, người tập thiền nghĩ về chúng nhưng sẽ chỉ trong phút chốc và nhanh chóng loại bỏ các suy nghĩ đó.


Bác Sĩ Elizabeth Hoge, trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Rối Loạn Lo Âu của đại học Georgetown University, cho biết tập thiền chánh niệm sẽ giúp con người thay đổi mối quan hệ với những suy nghĩ của chính họ khi không thiền định.

Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng thiền chánh niệm có tác dụng tốt hơn so với việc không dùng bất cứ phương pháp điều trị nào, hoặc ít nhất cũng là liệu pháp hành vi để giảm thiểu lo lắng, trầm cảm và các vấn đề về tinh thần khác. Tuy nhiên nghiên cứu này là lần đầu tiên đem thiền chánh niệm và thuốc lên bàn cân.

Bà Hoge cho rằng kết quả này có thể giúp các công ty bảo hiểm dễ chi trả chi phí hơn, vì mỗi khóa thiền kéo dài tám tuần chỉ có giá khoảng $300 đến $500.

Tham gia nghiên cứu có 200 người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu sử dụng thang điểm tâm thần từ 1 đến 7, số càng lớn mức độ càng trầm trọng. Khi bắt đầu điều trị, điểm trung bình là 4.5. Sau hai tháng, điểm giảm xuống còn 3, sau đó giảm nhẹ ở cả hai nhóm sau ba tháng và sáu tháng. Bà Hoge cho biết sự thay đổi này có ý nghĩa về mặt lâm sàng, giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng.


Mười bệnh nhân trong nhóm dùng thuốc phải bỏ liệu trình vì các tác dụng phụ phiền toái, chẳng hạn mất ngủ, buồn nôn và mệt mỏi. Trong khi đó nhóm thiền chánh niệm thì không ai bỏ ngang, mặc dù có 13 bệnh nhân báo cáo rằng các triệu chứng lo âu gia tăng.

Bác Sĩ Scott Krakower, bác sĩ tâm thần tại bệnh viện Zucker Hillside Hospital ở New York, cho biết thiền chánh niệm có hiệu quả tốt nhất đối với những bệnh nhân lo lắng mức độ nhẹ. Còn khi triệu chứng trầm trọng hơn thì ông hay kê thuốc.

Ông cũng lưu ý rằng nhiều người hay than phiền không có thời gian thiền chánh niệm. Trong khi đó, các buổi thiền qua mạng có thể có hiệu quả hay không vẫn chưa biết được. (V.Giang)