Nước Ý lên kế hoạch cứu Venice khỏi bị nhấn chìm




Venice là một nơi chốn độc đáo diệu kỳ. Đây là một thành phố được xây dựng trên đỉnh của khoảng 120 hòn đảo nhỏ với 177 kênh đào đan xen chằng chịt.


Cách tốt nhất để khám phá thành phố là không dùng đến xe cộ mà tản bộ qua 391 cây cầu của thành phố.
Venice là một mê cung chan chứa nước, với những lối đi bộ nhỏ xíu ở khắp nơi và những quảng trường ẩn khuất tuyệt đẹp, những bảo tàng giấu mình và những nhà thờ hẻo lánh tồn tại từ nhiều thế kỷ trước.
Nhưng ở tại "La Serenissima" này, mọi thứ lại không hề ổn thỏa. Thực sự là nếu các biện pháp quyết liệt không được thực hiện ngay, thì quãng thời gian thành phố còn tồn tại có thể phải tính từng ngày.
Nói như vậy không hoàn toàn cường điệu: Venice đang đứng trước nguy cơ cực cao bị nhấn chìm dần dưới làn nước.
Trong tình huống xấu nhất, thành phố có thể biến mất dưới sóng biển sớm nhất là vào năm 2100. Trong khi đó, nhiều tòa nhà của thành phố đang bị chìm hoặc bị hư hại do tàu thuyền đi qua tạo sóng đánh vào. Venice cũng thường xuyên chịu sự quá tải bởi khách du lịch, còn dân số địa phương của thành phố thì đang liên tục giảm đi.
Trên toàn cầu, một loạt các thành phố cũng đang bị ảnh hưởng tương tự bởi các vấn đề cốt lõi mà Venice gặp phải, đó là nguy cơ sụt lún và nước biển dâng.
Chẳng hạn như Jakarta nằm ở vùng trũng, nơi có khoảng 11 triệu người, đang ở trong tình cảnh cấp bách đến mức vai trò thủ đô Indonesia của thành phố này đang được chuyển sang cho Nusantara, một thành phố thậm chí còn chưa được xây dựng.
Mỗi thành phố gặp phải nguy cơ đều có những thách thức riêng cần giải quyết. Nhưng với quy mô nhỏ, sự nổi tiếng và khả năng tiếp cận nguồn vốn của Venice, đây có thể là một cơ sở chứng minh lý tưởng cho công nghệ mới và phương pháp tiếp cận, là những nhân tố sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu chống lại nước biển dâng.
Từ việc những rào chắn lũ công phu trên biển đến việc chuyển sang sử dụng thuyền nhẹ ít tạo sóng hai bên mạn, may ra cảnh ngộ của Venice có thể dẫn đến những giải pháp hữu hình, thiết thực có thể được triển khai trên toàn thế giới?



Quảng trường St. Mark lụt lội vào tháng 12/2020 sau đợt triều cường "alta acqua". Hệ thống rào chắn lụt Mose đã không được nâng lên để chặn nước
Nước biển đang dâng lên
Vào tháng 11/2019, Venice đã hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ thứ hai kể từ khi hồ sơ dữ liệu bắt đầu được ghi chép lại, hồi gần 100 năm trước. Sự kiện này đã trở thành một tâm điểm lan truyền trên khắp thế giới, và những người xem choáng váng trước những hình ảnh gây kinh ngạc về Quảng trường Saint Mark, một trong những khu vực thấp nhất và mang tính biểu tượng nhất của thành phố, bị ngập sâu trong nước tới hàng bộ Anh.
Theo Thị trưởng Venic, Luigi Brugnaro, thì khi đó thủy triều đã đạt đỉnh cao 187cm (6,1 bộ) so với mực nước biển, khiến hơn 80% thành phố nằm dưới nước. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố và thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ euro (0,9 tỷ bảng Anh / 1 tỷ USD).
Trận lũ lụt tồi tệ nhất từng xảy ra vào năm 1966 đã chứng kiến mực nước dâng lên đến 194cm (6,4 bộ) so với mực nước biển, và được cho là đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ít nhất ba phần tư các cửa hàng, doanh nghiệp và studio của thành phố.
Mặc dù những sự kiện này xảy ra cách nhau hơn 50 năm, các xu hướng gần đây cho thấy rằng người ta có thể sẽ phải chứng kiến một trận lụt thảm khốc khác mà không phải đợi đến nửa thế kỷ nữa.
Kể từ khi bắt đầu được ghi nhận chính thức vào năm 1923, đã có 10 lần mực nước đã đạt 150cm (59 inches) trở lên, trong đó có tới năm lần diễn ra trong vòng chỉ ba năm qua.
Biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng mực nước biển dâng cao, vì vậy bất kỳ thành phố nào được xây dựng ở mực nước biển đều đặc biệt dễ bị nước tràn ngập,” Sally Stone, Phó giáo sư về kiến trúc và tái sử dụng thích ứng tại Trường Kiến trúc Manchester cho biết.
Venice luôn bị buộc phải chiến đấu chống lại biển cả, với các đợt triều cường "acqua alta" thấp, có thể quản lý được, nơi thành phố bị ngập lụt tạm thời vào các thời điểm khác nhau trong năm, xảy ra trong nhiều thế kỷ. Nhưng đợt triều cường gần đây là chưa từng có.
Và những đợt triều cường như vậy chắc chắn sẽ tiếp diễn thường xuyên hơn. Theo một phúc trình năm 2021, ngay cả khi nhiệt độ toàn cầu được duy trì ở mức cao hơn dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước biển ở Venice có thể sẽ tăng 32cm (13 inches) vào năm 2100.
Tình huống xấu nhất là nhiệt độ tăng 4C, liên quan đến sự tan chảy mạnh mẽ của các tảng băng, có thể khiến mực nước biển sẽ dâng cao đến 180cm (5,9 bộ) ở Venice vào năm 2100 – bằng mức kỷ lục mà trận lũ lụt năm 2019 gây ra rất nhiều thiệt hại.
Chúng tôi chắc chắn rằng mực nước biển sẽ tiếp tục tăng trong những thập kỷ tới do sự tan chảy liên tục của các tảng băng ở Nam Cực và Greenland, cũng như các sông băng trên núi,” Natasha Barlow, Phó giáo sư về thay đổi môi trường kỷ Đệ Tứ tại Đại học Leeds ở Vương quốc Anh, nói.

Barlow lưu ý rằng ngay cả khi mực nước biển chỉ dâng lên một độ cao nhỏ cũng có thể gây ra sự gia tăng đáng kể lũ lụt ven biển về tần suất và cường độ, vì mực nước biển cao hơn dẫn đến việc mực nước cơ bản của bão, thủy triều và sóng cũng tăng lên.



Các rào chắn lũ của hệ thống Mose ở Venice được nâng lên trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 5/2020

Thành phố đang chìm xuống

Tệ hơn nữa là chính Venice lại đang chìm dần.

Nền móng của các tòa nhà ở Venice được xây nên bằng cách dùng một hệ thống cọc, Stone nói - những đoạn gỗ dài được cắm xuống lớp bùn và đất sét nhão của đầm phá ở bên dưới theo chiều thẳng đứng.
Nằm sâu dưới bề mặt hơn nhiều so với lớp bùn này là khối đá tảng của đầm phá rất vững chắc, vì vậy mà móng được cắm vào một tầng đất sét nén chặt hơn, nhưng vẫn hơi thiếu vững bền.
Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều tòa nhà được xây dựng trên nền móng không ổn định này đã bị dịch chuyển vị trí và, trong nhiều trường hợp, bắt đầu lún dần xuống bùn. Việc khai thác nước ngầm trong lịch sử đã làm gia tăng tác động này, và trong thế kỷ trước Venice đã tự lún chìm xuống khoảng 15 cm (5,9inches).
Không có biện pháp khắc phục đơn giản nào cho hiện tượng lún từ từ này và, theo Stone, đó là một vấn đề khó giải quyết.
Việc bơm một lượng lớn bê tông vào móng có khả năng gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với việc cứ để nguyên như vậy, vì hệ thống kết cấu đòi hỏi phải có sự dịch chuyển tinh vi,” bà nói. Cũng khó có thể gia cố hầu hết các tòa nhà ở Venice mà không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính toàn vẹn thẩm mỹ tổng thể, bà nói thêm.
Các hành động khác đã được bắt đầu. “Việc đào sâu các kênh dưới nước sẽ giúp làm giảm lũ lụt,” Hayley Fowler, Giáo sư về tác động của biến đổi khí hậu tại Đại học Newcastle ở Anh, cho biết.

Dự án dựng kè chắn Mose

Thay vào đó, trong nỗ lực kìm hãm nước dâng và bảo vệ thành phố, Venice đang chấp nhận đánh cược “được ăn cả, ngã về không” với dự án Mose (Mô-đun điện cơ thử nghiệm) sắp hoàn thành.

Đây là việc lắp đặt các kè chắn trên biển bao gồm 78 cửa chắn di động (có thể tiếp nhận tàu thuyền), mỗi cửa rộng 20m (66 bộ), được đặt tại các vị trí chiến lược để tạo ra một "vành đai ven biển", được hy vọng sẽ làm giảm bớt các trận lụt lội lớn.
Theo Consorzio Venezia Nuova, công ty xây dựng hệ thống, các kè chắn nằm dưới nước khi nước lặng nhưng sẽ nhô lên để chặn thủy triều tràn vào trong đầm phá khi nước dâng lên đến 110cm (3,6 bộ).
Quá trình xây dựng hệ thống Mose không hề đơn giản. Hệ thống được lên ý tưởng lần đầu tiên vào năm 1992 và đã trải qua nhiều chậm trễ và chi phí tăng cao kể từ đó.
Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2003, với mục đích ban đầu là công trình sẽ hoàn thành vào năm 2011. Trên thực tế, Mose chỉ được kích hoạt lần đầu tiên vào năm 2020 và cho đến nay vẫn chưa thể hoạt động toàn bộ. Hiện hệ thống đang được lên kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Chi phí cho việc xây dựng hệ thống có thể sẽ lên đến khoảng 8 tỷ euro (7 tỷ bảng Anh / 8 tỷ đô la Mỹ) so với ngân sách ban đầu - gần 4,7 tỷ euro (4,1 tỷ bảng Anh / 4,7 tỷ đô la), trong khi việc vận hành rào chắn lũ cũng đặt ra gánh nặng tài chính lớn – theo Consorzio Venezia Nuova, có thể trị giá đến 323.000 euro (280.000 bảng Anh / 323.000 đô la) mỗi lần hàng kè chắn được nâng lên.



Dự án Mose không phải được tất cả những người muốn bảo vệ Venice ủng hộ

Dự án không phải là một giải pháp hoàn chỉnh. Mose được thiết kế để chống lại mực nước dâng lớn, do đó sẽ không thể ngăn lụt ở những khu vực đặc biệt trũng thấp, chẳng hạn như Thánh đường Saint Mark. Các kè chắn của hệ thống Mose sẽ chỉ được nâng lên khi mực nước đạt đến 110cm (3,6 bộ), nhưng ở Saint Mark chỉ khoảng 90cm (3 bộ) là đã gây ngập lụt rồi.

Một giải pháp có tác động mạnh, được thiết kế kỹ lưỡng và nhiều người cho là quá phức tạp đã được chấp nhận và triển khai,” Jane da Mosto, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành tại We Are Here Venice, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc nắm bắt và giải quyết những thách thức khác nhau của Venice, cho biết.
Khả năng tốt nhất của Mose là chỉ có thể là ngăn chặn lụt lội xảy ra trên diện rộng ở thành phố và các hòn đảo khác do các sự kiện hết sức to tát gây ra. Nhưng chúng ta cần phải làm những việc để bảo vệ kết cấu đô thị khỏi những tác động thường xuyên của mực nước trung bình ngày càng cao.
Việc đóng kè chắn quá thường xuyên rốt cuộc cũng sẽ làm "diệt vong" đầm phá, Fabio Carrera, Giáo sư tại Học viện Bách khoa Worcester ở Massachusetts, đồng thời là người sáng lập Trung tâm Dự án Venice, một sáng kiến do sinh viên khởi xướng nhằm khám phá những cách để bảo tồn và cải thiện cuộc sống ở Venice, cho biết. Nếu rào chắn lụt được nâng lên thường xuyên, ông nói, nước thải có thể bị mắc kẹt ở trong đầm phá, điều này không chỉ gây ra sự bất ổn mà còn có thể phá hủy hệ sinh thái.
"Hệ thống Mose sẽ hoạt động trong một thời gian - có thể là 100 năm hoặc lâu hơn - nhưng tôi nghĩ rằng cuối cùng thì một giải pháp kiểu Hà Lan sẽ phải được đưa ra," Carrera nói.
Theo các bản thiết kế của Dự án Delta, một giải pháp kiểu Hà Lan có thể liên quan đến một hệ thống quản lý lũ lụt khổng lồ bao gồm 13 đập và một loạt đê, kè chắn và cống chặn lũ đã hoạt động ở Hà Lan từ năm 1997.
Theo Bảo tàng Watersnoodmuseum - một bảo tàng của Hà Lan dành riêng cho các thứ liên quan đến ngập lụt – hệ thống đó hiệu quả đến mức khu vực mà nó bảo vệ sẽ chỉ bị ngập lụt một lần sau mỗi 4.000 năm.
Theo Carrera, một công trình tương tự sẽ có thể giảm thiểu nguy cơ lũ lụt ở Venice, nhưng nó còn lâu mới là một giải pháp khắc phục nhanh chóng.
Dự án Delta mất gần 50 năm để hoàn thành, tiêu tốn khoảng 7 tỷ đô la (6,2 tỷ bảng Anh) và cực kỳ phức tạp. Tổng chiều dài của các con đập là 18,5 dặm (30km), khiến cho hệ thống đó lớn hơn Mose khoảng 18 lần.
Nếu như Mose cần đến 40 năm để được tạo nên và hoạt động, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ xa hơn, rất xa về tương lai,” Carrera nói. "Chúng ta cần phải tìm kiếm những giải pháp tối ưu […] ngay từ bây giờ."
Swenja Surminski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thích ứng tại Viện Nghiên cứu Grantham về Biến đổi Khí hậu và Môi trường ở London, đồng ý rằng tương lai của Venice sẽ được quyết định bởi các quyết định được đưa ra ngày hôm nay.
"Đặc biệt ở những nơi như Venice, nguy cơ lũ lụt cần được lồng ghép vào tầm nhìn của thành phố: chúng ta muốn thành phố của mình trông sẽ như thế nào trong 10, 20, 50 năm nữa?" bà nói.



Thiệt hại do nước liên quan đến sóng đánh đã ảnh hưởng đến 60% các tòa nhà ở Venice nằm dọc kênh Grand Canal

Tác động của tàu thuyền

Nhưng nước biển dâng và lụt lội không phải là vấn đề duy nhất Venice phải đối mặt khi nói đến nước.

Nước từng là điểm hấp dẫn cốt lõi và cũng là kẻ thù quan trọng nhất của Venice. Venice là một thành phố được bao quanh bởi nước và xây dựng trên mặt nước. Điểm độc đáo này làm cho Venice trở thành một vị trí lý tưởng cho một cảng biển và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút hàng triệu du khách hàng năm.
Tuy nhiên, về mặt bảo tồn thành phố và hệ sinh thái địa phương, điều này không mấy thuận lợi. Moto Ondoso, dịch nghĩa đen có nghĩa là "làm dạt ra", là một thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả những luồng nước do thuyền máy tạo ra và là nguyên nhân chính của thiệt hại do sóng đánh vào làm xói mòn đến 60% các tòa nhà ở Venice nằm dọc theo kênh đào Grand Canal.
Những thiệt hại như vậy đang khiến cho vấn đề ngập lụt trở nên phức tạp hơn, làm cho các tòa nhà và nền móng bằng đá của thành phố trở nên yếu hơn, đồng thời làm tăng số tiền cần được phân bổ cho các công việc bảo trì.
"Trong suốt lịch sử của mình Venice đã cần đến rất nhiều biện pháp bảo trì và phòng ngừa," Monika Schmitter, Giáo sư tại Đại học Massachusetts Amherst, người chuyên về văn hóa vật liệu và môi trường xây dựng của Venice, cho biết. “Vấn đề nảy sinh khi các biện pháp này không được thực hiện liên tục.
Một số động thái đã được thực hiện để giải quyết vấn đề thiệt hại cho các tòa nhà. Kể từ năm 2021, các tàu du lịch, mà Stone nói đã tạo ra những đợt sóng lớn hơn nhiều trong không gian hạn chế của con kênh, đã bị cấm đi vào trung tâm lịch sử của thành phố và thay vào đó phải neo đậu ở khu vực cảng công nghiệp bên ngoài.
Nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế. “Nếu tôi có thể thực hiện một thay đổi vào ngày mai, tất cả những chiếc tàu khách đường thủy bẩn thỉu, cũ kỹ, chạy bằng động cơ diesel và sà lan chở hàng lưu thông trên các con kênh của Venice sẽ phải trang bị lại bằng động cơ điện hybrid hết,” Jane da Mosto nói.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi theo hướng này. Candela, một công ty Thụy Điển chuyên đóng tàu cánh ngầm chạy điện, đã thực hiện những thử nghiệm ban đầu ở các đầm phá của Venice.
Mikael Mahlberg, Giám đốc truyền thông của Candela, cho biết những chiếc thuyền lướt trên mặt nước với tốc độ cao, sử dụng ít năng lượng hơn 80% so với những chiếc thuyền thủ công thông thường.
Tàu cánh ngầm có nghĩa là tàu của chúng tôi tạo ra sóng cực nhỏ khoảng 5cm (2inches), thay vì lên đến cả mét (3,3 bộ) đối với một chiếc thuyền thông thường có cùng kích thước,” ông nói.
Nhưng Carrera nói rằng mặc dù đó là ý tưởng tốt đáng để khám phá, nhưng không có khả năng những chiếc thuyền này sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai gần.
Tàu cánh ngầm cần phải đạt được tốc độ nhất định để có thể hoạt động ổn định và điều này có thể sẽ không đạt được ở Venice, nhưng chúng ta sẽ xem sự việc sẽ diễn ra như thế nào,” ông nói.
Schmitter cho rằng sẽ tốt hơn nếu cấm hết thuyền máy. "Nhưng tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra," bà nói thêm.

Do đó, một cách khác có thể áp dụng để giảm thiệt hại do nước gây ra là bắt buộc tất cả các tàu thuyền phải giảm tốc độ.
Những người chèo thuyền đáy bằng gondolla ở Venice trước đây đã tổ chức các cuộc biểu tình để cố gắng và đạt được việc giảm giới hạn tốc độ giao thông đường thủy tại thành phố - tàu thuyền hiện được phép lưu thông với tốc độ tối đa 11 km / giờ (7 dặm / giờ) để ngăn chặn thiệt hại do đường sóng nước mạn thuyền gây ra, mà một số người cho là vẫn còn quá cao, nhưng những người khác lại hoàn toàn coi thường giới hạn.



Trong những ngày cao điểm vào mùa hè ở Venice, lượng khách du lịch có thể đông gấp đôi dân địa phương

Lượng du khách khổng lồ

Thành phố rất cần các giải pháp của địa phương cho những vấn đề này. Nhưng một số người cho rằng việc tạo cho người dân địa phương không gian hít thở và cung cấp tài chính để phát triển các giải pháp này là một kỳ công vô cùng khó thực hiện ở một thành phố thường xuyên tràn ngập khách du lịch.

Khoảng 5,5 triệu khách du lịch đã đến thăm Venice vào năm 2019, gấp 100 lần dân số 55.000 người của Venice.
Lượng khách du lịch đến Madrid và Moscow cũng tương tự, tuy nhiên, hai thành phố này lớn hơn nhiều về quy mô địa lý so với Venice và có dân số lần lượt là 6,7 triệu và 12,6 triệu.
Trong những ngày cao điểm vào mùa hè ở Venice, lượng khách du lịch có thể đông gấp đôi số người dân địa phương.
Jane da Mosto chỉ ra ba vấn đề chính đối với du lịch ở Venice: sự lệ thuộc quá mức của nền kinh tế vào du lịch; thiệt hại lớn mà du lịch gây ra cho cơ sở hạ tầng địa phương; và thực tế là du lịch dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”.
Du lịch là lý tưởng cho lĩnh vực khách sạn, nhưng không hoàn toàn có lợi cho các ngành khác,” Carrera cho biết.
Chảy máu chất xám, một thuật ngữ dùng để chỉ những người có học thức di chuyển khỏi một địa điểm cụ thể, là một vấn đề nghiêm trọng ở Venice - đối với những người có sở thích nghề nghiệp ngoài du lịch, họ có nhiều cơ hội hơn và những cơ hội tốt hơn ở nơi khác và họ ra đi.
Carrera cho rằng điều này đang đẩy nhanh sự suy tàn của Venice, bằng cách mất đi những người cần thiết để giải quyết các vấn đề của nó.
Mỗi thành phố và quốc gia đều có những rào cản riêng để vượt qua, và điều này đòi hỏi những giải pháp riêng được tạo ra bởi những người am hiểu sâu sắc về các lĩnh vực đó,” ông nói.
Venice Lagoon Plastic Free là một ví dụ về việc người dân Venice cùng nhau cải thiện thành phố.
Tổ chức phi lợi nhuận địa phương thực hiện lấy mẫu nước và phân tích các kênh rạch và đầm phá để nâng cao nhận thức về mức độ ô nhiễm trong nước. Tổ chức này thực hiện các sáng kiến hướng đến khách du lịch - chẳng hạn như tạo ra một bản đồ các vòi nước uống công cộng để giảm thiểu rác thải nhựa - và các hoạt động làm sạch nhằm tăng chất lượng nước và tạo ra sự công nhận về hệ sinh thái mỏng manh của Venice.
Những dự án như vậy cho thấy rằng những nhóm người có mối liên hệ cá nhân với Venice đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thành phố. Quả thực, hệ thống Mose, như Carrera dự đoán, cuối cùng sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của đầm phá, thì những nhóm này sẽ rất quan trọng cho việc tìm ra các giải pháp khả thi và thích hợp để khắc phục vấn đề.
Để đáp ứng sự phản đối, thậm chí là kịch liệt, của công chúng liên quan đến việc sự suy giảm dân số của thành phố, Venice có kế hoạch áp dụng mức phí 5 euro (4,30 bảng Anh / 5 đô la) cho du khách trong ngày từ năm 2023 để ngăn cản khách du lịch 1 ngày vào Venice.
Nhưng những thay đổi hữu hình khác sẽ cần được thực hiện để đưa Venice trở lại là một thành phố nơi mọi người muốn sinh sống và còn được lưu giữ cho những thế hệ mai sau.
Carrera nói rằng thành phố nên hướng tới mục tiêu trở thành thiên đường cho những công ty khởi nghiệp như vậy, đặc biệt là những công ty chú trọng đến môi trường.
"Chúng ta có các điều kiện hoàn hảo ở đây cho bất kỳ ai quan tâm đến việc phát triển các công nghệ liên quan đến quản lý nước hoặc ven biển. Và điều này, theo tôi nghĩ, có thể là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của Venice trong dài hạn. Các vấn đề ở Venice sẽ được giải quyết tốt nhất ở chính nơi đây. "
Bất chấp những thách thức mà Venice phải đối mặt, Jane da Mosto hy vọng về cơ hội sống sót của thành phố. “Venice là một thành phố tuyệt vời và là nguồn cảm hứng mãnh liệt,” bà nói.
Cuối cùng, chính vị trí của Venice với tư cách một thành phố được ngưỡng mộ và săn đón như vậy có thể là chìa khóa để những thay đổi mang tính bảo vệ này diễn ra ở đây trước tiên. “Tôi không nghĩ là thế giới sẽ để cho Venice biến mất,” Carrera nói.



BBC