Nọc độc của bạch tuộc Úc có thể dùng điều trị khối u ác tính






Một tế bào ung thư trong cơ thể con người. (Shutterstock)

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong nọc độc của một loài bạch tuộc Nam Úc có chứa hợp chất có thể dùng để điều trị ung thư da mà không gây độc hại.

Viện QIMR Berghofer, Úc đã tiến hành một nghiên cứu lâm sàng phân tích các peptide của loài bạch tuộc cát Nam Úc, còn được gọi là bạch tuộc Kaurna.

Họ đã thử nghiệm các đặc tính chống khối u của một số hợp chất được tái tạo tổng hợp từ nọc độc của động vật biển.

Nọc độc của bạch tuộc cát Nam Úc được nghiên cứu đặc biệt vì khả năng nhắm tới các tế bào khối u ác tính hiệu quả và an toàn đối với các tế bào bình thường khác.

Tiến sĩ Maria Ikonomopoulou, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng peptide nọc độc của loài bạch tuộc này làm giảm có chọn lọc sự tăng sinh của các tế bào khối u ác tính và ngăn chặn sự tiến triển của khối u trong khi ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.

“Tính đặc hiệu này thực sự quan trọng vì các phương pháp điều trị hiện tại có thể khá độc hại đối với các tế bào khỏe mạnh và có tác dụng phụ khó chịu, hạn chế số lượng mà bệnh nhân có thể sử dụng”.



Một bác sĩ của Học viện Da liễu Hoa Kỳ kiểm tra Christine Trerotoli để tìm dấu hiệu ung thư da (Spencer Platt/Getty Images)

Các phát hiện cho thấy hợp chất có trong loài bạch tuộc này có khả năng được dùng trong điều trị các khối u ác tính do BRAF đột biến, chiếm khoảng một nửa số trường hợp u ác tính với tính nhắm thẳng vào tế bào ung thư và ít gây độc hại hơn.

“Vẫn còn rất sớm để khẳng định điều này. Nhưng những phát hiện này mang lại hy vọng rằng peptide bạch tuộc có thể được phát triển thành một phương pháp điều trị nhắm mục tiêu ung thư một cách an toàn và hiệu quả ngay cả ở liều lượng rất cao”, Tiến sĩ Ikonomopoulou cho biết.

Do nhiều bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị khối u ác tính đột biến BRAF hiện có, Tiến sĩ Ikonomopoulou tin rằng nghiên cứu này rất quan trọng trong việc mở ra nhiều con đường hơn.

Cô cho biết cần phải nghiên cứu thêm, nhưng nọc độc của bạch tuộc có tiềm năng điều trị mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu cũng muốn điều tra xem liệu hợp chất này có khả năng chống lại các bệnh ung thư do BRAF đột biến khác hay không, bao gồm ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và ung thư phổi không tế bào nhỏ.

*NSCLC - Non small cell lung cancer-Ung thư phổi không tế bào nhỏ- xảy ra khi các tế bào bất thường tăng sinh mạnh mẽ ở biểu mô phế quản của phổi và chiếm đại đa số (khoảng 84%) các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Bệnh có xu hướng tiến triển rất nhanh và thời gian chuyển sang giai đoạn di căn khá ngắn.

Theo The Epoch Times tiếng Anh

Thuỳ Minh biên dịch