Elon Musk: ChatGPT của OpenAI được huấn luyện để lừa dối




Sự thành công của ChatGPT, một ứng dụng được người dùng tiếp nhận nhanh nhất, đã đánh dấu cột mốc ngành AI trở thành lĩnh vực phát triển nóng hàng đầu thế giới. Kèm theo đón nhận ở phương diện này, là hoài nghi ở phương diện khác. Tỷ phú Elon Musk, người đồng sáng lập OpenAI, tuyên bố ChatGPT đã được tạo ra để “lừa dối” (“They are training AI to lie”) trong phỏng vấn với truyền hình Fox News theo video đăng trên mạng xã hội hôm Thứ Hai.



ChatGPT của OpenAI được huấn luyện để lừa dối — Elon Musk, nhà đồng sáng lập OpenAI

Elon Musk (EM): Điều đang diễn ra là họ huấn luyện AI lừa dối.
Tucker Carlson (TC): Thật vậy sao?
EM: Tệ như vậy đó.
TC: Lừa dối. Chính xác vậy, và giữ lại thông tin.
EM: Lừa dối. Vậy đó. [Nào là] đưa ra nhận xét về điều này, hay không nhận xét về điều kia. [Nào là] không nói điều này là gì, hay số liệu nào đó thật ra là… Tôi nói vậy đó.

TC: Tại sao lại thành như thế? Chính anh là người tài trợ [dự án] đó từ đầu mà. Chuyện gì đã xảy ra?

EM: (thở dài và cười buồn) Thật là đáng châm biếm! ‘Số phận’ mà. Kết cục đáng châm chọc nhất lại là kết cục thường gặp nhất.
TC: (phá ra cười đồng cảm)


Con người là có thể nói dối. Và trí tuệ nhân tạo (AI) do con người tạo ra, như ChatGPT của OpenAI, cũng là có thể được huấn luyện để nói dối, cố ý lừa dối. Phải vậy không?

ChatGPT của OpenAI, một ngôi sao vọt lên chói lọi trong thời gian qua, một sản phẩm AI đa dụng làm thế giới ngỡ ngàng vì có thể dùng như một trợ giúp hữu dụng ở đồng thời nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhưng người ta cũng phát hiện ra nó thiên vị một cách đáng sợ: Nó bênh vực cánh tả đến nỗi sẵn sàng ca ngợi ông Biden hết lời nhưng từ chối nói gì tốt cho ông Trump, nó chạy theo những quan niệm woke (thức tỉnh), v.v.

Phải chăng đó là do số liệu đầu vào chưa đầy đủ, chưa phản ánh trung thực thế giới chúng ta đang sống? Cho nên ‘con vẹt thông thái’ này mới trở nên thiên lệch như vậy? Và phải chăng nếu chúng ta cho nó đầy đủ thông tin hơn, trung lập và hoàn thiện hơn, thì vấn đề thiên lệch đó sẽ được giải quyết?

Không — theo ông Elon Musk.

Ông Musk ở đây đã nói rằng vấn đề không phải chỉ là do số liệu thiên lệch, mà là do AI này đã được hữu ý làm ra như thế. Nó được tạo ra để lừa dối.

Video Elon Musk từng nhiều lần cảnh báo về nguy cơ của AI có thể gây hại có tính hủy diệt đối với nhân loại:


Một thông tin gây sốc?

Có lẽ vậy.

Nhưng xã hội mà chúng ta đang sống đây, nói cho cùng, thì những thứ dùng để lừa dối như vậy cũng không ít.

Những kênh truyền thông lớn có trung thực như họ tuyên bố?

Twitter (từ 2022 trở về trước) và các mạng xã hội có phải trung lập khi điều tiết thông tin?

Ngay cả Wikipedia, một sản phẩm mà người sáng lập nó thật sự mong muốn nó trung lập, nhưng mà rồi kết quả có thật là vậy chăng?

Như vậy, phải chăng một AI được ‘huấn luyện’ để ‘lừa dối’ cũng là sản phẩm nào đó của trào lưu xã hội hôm nay?

Tỷ phú Elon Musk, một người thích đầu tư và các lĩnh vực khoa học công nghệ, đã cùng với anh Sam Altman sáng lập ra công ty khởi nghiệp OpenAI năm 2015, mục đích là nghiên cứu phát triển và đưa ra các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Musk đã rời khỏi vị trí trong hội đồng quản trị đi năm 2018. Theo WSJ lý do là vì không thành công trong cạnh tranh quyền lực với anh Sam Altman, CEO hiện nay của công ty.

OpenAI ban đầu được lập ra với mục đích là một hoạt động phi lợi nhuận. Sản phẩm sẽ là thuộc loại mã nguồn mở, một cơ chế trong suốt và minh bạch trong ngành CNTT.

Tuy nhiên qua thời gian, cùng với sự hợp tác và dần dần hoạt động như một nhánh của Microsoft với hơn chục tỷ đô la đầu tư từ ‘gã khổng lồ’ này, OpenAI đã hoàn toàn rời khỏi lộ tuyến ban đầu, đồng thời đặt chân vào đẳng cấp các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Ngoài sản phẩm ChatGPT/GPT-4 đình đám —một chương trình AI đa dụng giao tiếp theo ngôn ngữ nhân loại— thì DALL-E của OpenAI cũng rất nổi tiếng như một chương trình AI về hội họa.

Ông Elon Musk từng vài lần bày tỏ mối quan ngại rằng trí tuệ nhân tạo có thể sẽ hủy diệt nhân loại. Ngoài nguy cơ AI có thể thay thế công việc con người, dẫn tới con người trở nên giảm đi giá trị như được nói trên báo chí, điện ảnh hay văn học, thì giờ đây nguy cơ AI có thể trở thành công cụ lừa dối thông tin cũng đã trở thành một chủ đề.

Ông Musk cũng từng cùng hơn 1.100 người ký tên đề xuất tạm ngưng phát triển AI quá mạnh kiểu như GPT-4, và sau đó đề xuất cần có cơ chế điều tiết sự phát triển của AI.

Tuy nhiên hoạt động này dường như rất khó khả thi. Bản thân việc thiết lập cơ chế điều tiết các sản phẩm AI trên thị trường như thế nào là điều không hề dễ dàng, và hoàn toàn chưa có tiền lệ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không thể nào, dù Hoa Kỳ muốn, điều tiết sự phát triển AI ở các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó bất kỳ cơ chế điều tiết nào, nếu có rủi ro sẽ kìm hãm phát triển AI ở Hoa Kỳ, thì chắc chắn sẽ bị nhiều người phản đối.

Còn nữa, AI có thể lừa dối thông tin sao? Điều đó tuy đem lại bất lợi cho một nhóm người này, nhưng đồng dạng, nó sẽ đem lại lợi ích cho một nhóm người khác. Cho nên làm sao có thể cấm được? Sự tồn tại của các hãng tin hùng mạnh nhưng thiếu trung lập nhiều năm qua chính là bằng chứng.

Hiện nay bản thân ông Elon Musk cũng đang thiết lập một công ty mới mang tên X.AI ở Nevada, Hoa Kỳ. Thông tin này được Tạp chí phố Wall (WSJ) báo cáo hôm 14/4.

Theo WSJ, ông chủ nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ Elon Musk đang muốn chuyển những gì của mình làm ra thành ‘X’. Ngoài X.AI —ứng dụng cạnh tranh với ChatGPT/GPT-4— thì giờ đây hãng Twitter trước ở Delaware đang trong quá trình chuyển sang mang cái tên ‘X Corp’ ở Nevada.

Tờ Business Insider tiết lộ ông Musk vừa qua đã mua hàng ngàn card đồ họa (GPU), được cho là để phục vụ cho đào tạo đứa con X.AI mới ra đời của mình.

Tờ Financial Times miêu tả việc thành lập X.AI này là ông Musk đang tuyên chiến với OpenAI, bất chấp những khó khăn đang gặp phải ở Twitter và sự khó chịu từ các cổ đông của Tesla và SpaceX.

Nhật Tân (t/h)