Tinh bột, thịt đỏ chế biến sẵn làm tăng số ca bệnh tiểu đường khắp thế giới



LONDON, Anh (NV) – Ăn quá nhiều sản phẩm gạo và lúa mì tinh chế (refined), cộng với ăn quá ít các loại hạt còn nguyên (whole), đang làm tăng số ca bệnh tiểu đường loại 2 (type 2) khắp thế giới, theo kết quả nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu gần 30 năm, CNN đưa tin hôm Thứ Hai, 17 Tháng Tư.

“Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, phẩm chất tinh bột kém là yếu tố chính làm tăng số ca bệnh tiểu đường loại 2 liên hệ với ăn uống trên toàn cầu,” Bác Sĩ Dariush Mozaffarian, giáo sư dinh dưỡng Tufts University và giáo sư y khoa Tufts School of Medicine ở Boston, Massachusetts, người tham gia nghiên cứu, cho hay.



Ăn quá nhiều thịt đỏ dễ mắc bệnh tiểu đường. (Hình minh họa: Justus Menke/Unsplash)

Một yếu tố quan trọng khác: Ăn quá nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn (processed meat), như thịt heo muối, xúc xích, salami, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Medicine.

Ba yếu tố vừa nêu, ăn quá ít các loại hạt còn nguyên mà lại ăn quá nhiều tinh bột và thịt đã chế biến, là những yếu tố chính của trên 14 triệu ca bệnh tiểu đường loại 2 năm 2018, theo kết quả nghiên cứu.

Thực vậy, nhóm nghiên cứu ước tính cứ 10 ca bệnh tiểu đường loại 2 khắp thế giới năm 2018 thì bảy ca liên hệ với ăn uống không lành mạnh.

“Kết quả mới này làm bộc lộ những lĩnh vực hệ trọng mà từng quốc gia cũng như toàn cầu cần tập trung để cải thiện dinh dưỡng và giảm gánh nặng tai hại của bệnh tiểu đường,” ông Mozaffarian cho biết.

Nhóm nghiên cứu của Bác Sĩ Mozaffarian lập ra mô hình nghiên cứu ăn uống từ năm 1990 tới 2018 và áp dụng cho 184 quốc gia. So với năm 1990, số ca bệnh tiểu đường loại 2 năm 2018 tăng 8.6 triệu do ăn uống không lành mạnh, theo kết quả nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy ăn quá nhiều thực phẩm không lành mạnh làm tăng số ca bệnh tiểu đường loại 2 trên thế giới nhiều hơn ăn thiếu thực phẩm lành mạnh.

Trên 60% ca bệnh tiểu đường loại 2 khắp thế giới năm 2018 là do ăn uống quá nhiều sáu món: Gạo, lúa mì và khoai tây tinh chế; thịt đỏ cả chế biến sẵn lẫn chưa chế biến; nước trái cây và thức uống có đường.

Ăn không đủ thực phẩm lành mạnh, như trái cây, rau củ không chứa tinh bột, các loại hạt còn nguyên và yogurt, chỉ là nguyên nhân của 39% số ca mới.

“Mô hình nghiên cứu của chúng tôi không chứng minh nguyên nhân. Do đó, nên coi kết quả nghiên cứu của chúng tôi là ước tính về rủi ro,” nhóm nghiên cứu lưu ý. (Th.Long)