Nhọc nhằn kiếm tiền mưu hạnh phúc, sao có tiền rồi vẫn chẳng vui?





Nhọc nhằn kiếm tiền mưu hạnh phúc, sao có tiền rồi vẫn chẳng vui? (Shutterstock)

Hạnh phúc bằng thực tế trừ đi những kỳ vọng, khi bạn sống một cuộc sống tốt hơn những gì bạn tưởng tượng, bạn thường đánh giá cao những gì bạn có trước mắt.

Khi học cấp hai ở Malaysia tôi đã đến Penang chơi. Kết quả là tôi bị bao vây bởi một nhóm người ăn xin, ngay cả khi tôi không có gì để cho, họ vẫn tiếp tục kéo quần áo của tôi và cầu xin. Khung cảnh đó làm tôi choáng váng, tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có một chiếc giường ấm áp để ngủ, vì vậy thay vì mong đợi một chiếc ván trượt cao cấp cho Giáng sinh năm đó, tôi quyết định không mong đợi gì cả. Cuối cùng, tôi nhận được một chiếc áo phông từ bố mẹ, nhưng tôi lại hạnh phúc hơn bao giờ hết.


Người xưa nói rằng tiền không mua được hạnh phúc là đúng. Khi bạn kiếm đủ tiền để sống, cho dù đó là 75.000 đô la một năm ở Thành phố Kansas, hay 250.000 đô la ở San Francisco, có nhiều tiền hơn không có nghĩa là có nhiều hạnh phúc hơn.

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới được công bố gần đây xếp Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Báo cáo đo lường mức độ hạnh phúc được tính bằng: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, tuổi thọ (khỏe mạnh), tự do lựa chọn cuộc sống, sẵn sàng quyên góp cho các hoạt động từ thiện, mức độ tham nhũng thấp và mức độ tin cậy cao.

Mặc dù cho đến nay Hoa Kỳ có GDP danh nghĩa cao nhất thế giới, và GDP bình quân đầu người cao thứ 9, nhưng Hoa Kỳ chỉ đứng thứ 18 trong cuộc khảo sát. Thật khó hiểu, khi một nước giàu có như vậy lại có thể xếp hạng hạnh phúc ở mức tầm thường như thế.

Hạnh phúc là một cảm giác chủ quan và cực kỳ khó định lượng, nhưng từ dữ liệu cho thấy, rõ ràng tiền chỉ là một phần của phương trình hạnh phúc.

Theo tôi, tiền chiếm tỷ lệ trong hạnh phúc nhiều nhất cũng chỉ 40%, chỉ cần tài sản đủ để bạn làm việc bạn muốn, thì bạn đã phát huy hết tác dụng của tiền rồi.

60% hạnh phúc còn lại thường liên quan đến gia đình, bạn bè, thành tích, niềm tin và sứ mệnh cuộc đời. Nếu tiền là chỉ số chính của hạnh phúc, thì các tỷ phú đã không bao giờ phải khóc, không bao giờ phải đau khổ và không bao giờ phải ly hôn.

Nếu tôi sử dụng một từ để định nghĩa hạnh phúc, đó sẽ là sự tiến bộ.

Tôi tin rằng hạnh phúc có liên quan chặt chẽ đến sự cải thiện liên tục của bạn trong các lĩnh vực sau: mối quan hệ của bạn với bạn đời, mối quan hệ của bạn với con cái, sức khỏe thể chất, tình hình tài chính, sự nghiệp, kỹ năng vận động và bạn đã giúp đỡ bao nhiêu người.

Giả sử rằng tình hình tài chính của bạn khá ổn định và điều quan trọng là phải phát huy hết vai trò của nó để có một cuộc sống hạnh phúc, bạn sẽ làm thế nào để bù đắp 60% hạnh phúc còn lại? Tôi gợi ý, khi bạn nghĩ về điều khiến bạn hạnh phúc, bạn có thể muốn tập trung vào ba điều quan trọng sau:

Bạn muốn có tự do ở phương diện nào?

Có thể tự mình làm những gì mình muốn là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên hạnh phúc: bạn càng có nhiều quyền tự chủ, bạn sẽ càng hạnh phúc. Bị buộc phải kiếm sống bằng công việc mà bạn ghét không bao giờ là sự lựa chọn tốt nhất. Có vô số công việc toàn thời gian và công việc tự do mang lại thu nhập và sự hứng thú. Mỗi chúng ta đều có thể tìm được một công việc khiến mình cảm thấy hạnh phúc.

Bạn muốn dành thời gian tươi đẹp với ai?

Ở cùng với những người tôn trọng và yêu thương nhau, có thể mang lại cho bạn niềm hạnh phúc lớn lao. Con cái tạo ra một mục tiêu to lớn cho cha mẹ: mang đến cho con cái cuộc sống tốt nhất có thể. Điều này có nghĩa là cha mẹ sẽ làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, cung cấp chỗ ở và giáo dục tốt cho con cái, đồng thời chăm sóc sức khỏe của chúng để tránh chết trẻ. Nếu bạn không có kế hoạch sinh con, bạn muốn chia sẻ tự do của mình với ai? Bạn bè, cha mẹ, anh chị em? Tuỳ bạn!



Con cái tạo ra một mục tiêu to lớn cho cha mẹ. (Shutterstock)

Bạn muốn sống một cuộc sống tự do tự tại ở đâu?


Bạn muốn sống ở đâu là tùy bạn, nó phụ thuộc vào túi tiền của bạn rủng rỉnh đến mức nào. Mặc dù một số người không đồng ý, nhưng việc chọn nơi ở thực sự rất quan trọng.

Khi nghĩ về bức tranh toàn cảnh về hạnh phúc, bạn cũng có thể xác định điều gì khiến bạn không hài lòng và cố gắng loại bỏ chúng khỏi cuộc sống của mình.

Tính rõ cái giá của hạnh phúc

Một khi bạn đã tìm ra loại cuộc sống mà bạn muốn theo đuổi, bạn có thể tính xem bạn cần bao nhiêu tiền để đạt được mục tiêu này. Không nên đánh giá thấp phần này, bạn phải trung thực về những gì bạn muốn, và những gì bạn sẵn sàng làm để đạt được mục tiêu của bạn. Nếu bạn chưa thể thành thật với chính mình, hãy làm quen với điều đó.

Như đã thảo luận trước đó, vì mong muốn, nhu cầu và cách sắp xếp cuộc sống của mỗi người là khác nhau, nên mọi người đều có thể đạt được hạnh phúc lớn nhất tùy theo mức thu nhập của mình, vì vậy hãy tính toán kỹ mức thu nhập tối ưu của bạn.

(Bài viết này được trích từ "Biết cách dùng tiền, sống giàu hơn: 90 triệu người trên thế giới đã chứng kiến ​​sự hiệu quả, chiến binh tài chính dạy bạn quyết định làm giàu, nghỉ việc hơn chục năm không đi làm, thu nhập thụ động 300.000 đô la Mỹ một năm", do Caishi Culture cung cấp)

Tác giả: Andrew Hallam - Epoch Times
Tuyết Liên biên dịch