Chuyên gia LHQ: Trung Quốc tẩy não hàng trăm nghìn người Tây Tạng dưới danh nghĩa ‘đào tạo nghề’






Các sĩ quan cảnh sát vũ trang đứng gác trước Cung điện Potala, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, vào ngày 1/6/2021 tại Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, Trung Quốc. (Kevin Frayer/Getty Images)

Hôm thứ Năm (ngày 27/4), các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc cưỡng ép hàng trăm nghìn người Tây Tạng chấp nhận tẩy não dưới danh nghĩa "đào tạo nghề". Hành vi này đe dọa đến bản sắc văn hóa của người dân Tây Tạng và là cách ngụy trang giám sát người dân nơi đây. Điều này có thể cấu thành hành vi cưỡng bức lao động.

Theo thông tin từ Đài phát thanh Trung ương Đài Loan (RTI), AFP và kênh truyền thông khác, 6 chuyên gia là Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về cái gọi là "đào tạo nghề" và "kế hoạch chuyển giao lao động" mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tiến hành ở Tây Tạng.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, hàng trăm nghìn người Tây Tạng buộc phải chấp nhận kế hoạch nói trên, nó đã trở thành cái cớ để phá hoại bản sắc tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa của Tây Tạng, song song với đó là giám sát và nhồi sọ người dân Tây Tạng.

Các chuyên gia nói rằng, kể từ năm 2015 tới nay, hàng trăm nghìn người Tây Tạng đã bị ‘chuyển giao’ từ cuộc sống nông thôn truyền thống vốn có của họ sang các công việc có kỹ năng thấp và thu nhập thấp. Kế hoạch này đã được các quan chức mô tả là "mang tính tự nguyện", nhưng "theo báo cáo họ đã bị ép buộc".

Các chuyên gia lưu ý rằng, chương trình chuyển giao lao động được thúc đẩy bởi một mạng lưới các trung tâm đào tạo nghề. Tuy nhiên, những trung tâm này ít tập trung vào phát triển kỹ năng nghề nghiệp mà lại "tập trung nhiều hơn vào việc nhồi nhét văn hóa và chính trị trong môi trường quân sự hóa". Những người Tây Tạng tham gia chương trình này không được nói tiếng Tây Tạng và không được thể hiện bản sắc tôn giáo của họ.

Các chuyên gia LHQ cho biết: “Người Tây Tạng đang bị chuyển từ các sinh kế bền vững, truyền thống và có ưu thế của họ, chẳng hạn như sản xuất lông cừu và chế phẩm từ sữa, sang các công việc lương thấp, kỹ năng thấp trong ngành sản xuất và xây dựng”.

Theo các chuyên gia, những người Tây Tạng được đào tạo nghề thường được chuyển trực tiếp từ các trung tâm đào tạo đến nơi làm việc mới, không rõ liệu họ có đồng ý với công việc mới hay không. Đồng thời, cũng không có cơ chế giám sát nào để đánh giá điều kiện làm việc của họ xem có cấu thành lao động cưỡng bức hay không.

Các chuyên gia LHQ đã cùng đưa ra báo cáo kêu gọi Bắc Kinh làm rõ việc liệu người Tây Tạng có thể từ chối các chương trình này hay không và tiến hành xác minh điều kiện làm việc tại nơi làm việc mới của họ.

Sáu chuyên gia LHQ đã ký vào tuyên bố trên bao gồm:

  1. Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề nô lệ thời hiện đại;
  2. Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề buôn bán người;
  3. Báo cáo viên Đặc biệt về vấn đề phân biệt chủng tộc thời hiện đại;
  4. Báo cáo viên Đặc biệt về lĩnh vực quyền lợi văn hóa;
  5. Báo cáo viên Đặc biệt về quần thể người thiểu số;
  6. Báo cáo viên Đặc biệt về quyền phát triển.


Được biết, các "Báo cáo viên Đặc biệt" do Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) bổ nhiệm nhưng không nhận lương, họ là những chuyên gia độc lập và không phát ngôn đại diện cho Liên Hợp Quốc.

Theo NTD tiếng Trung
Minh Lý biên dịch