Vinfast niêm yết 'cửa sau' trên Phố Wall, đón nhận bình luận tiêu cực về chất lượng xe






Các công nhân đang lắp ráp một chiếc ô tô điện tại nhà máy ô tô điện VinFast ở Hải Phòng, Việt nam, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: NHAC NGUYEN/ AFP qua Getty Images)

Hồ sơ tài chính mà Vinfast trình lên Ủy ban giao dịch và chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã làm bùng lên cuộc thảo luận của các nhà phân tích, khi các chỉ số tài chính được công khai quá rủi ro và khó có thể đạt tiêu chuẩn niêm yết tại quốc gia này. Sau một thời gian, Vinfast đã tìm cách niêm yết cửa sau qua hình thức "công ty séc khống" với định giá 23 tỷ USD. Không chỉ vậy, Vinfast liên tiếp đón tin xấu từ những tay lái dùng thử ô tô điện của hãng này.

Ngày 12/5/2023 vừa qua, Công ty Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã chính thức công bố sẽ niêm yết lần đầu (IPO) trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ qua hình thức "công ty séc khống" (SPAC).

Cách thức niêm yết của Vinfast thực sự là gì?


Đây là hình thức niêm yết mà các công ty không đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết truyền thống của Phố Wall ưa thích lựa chọn.

Công ty séc khống, còn có tên khác là "công ty sẽ trống", các loại công ty còn được gọi là công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Các SPAC là các đông ty vỏ bọc đã được niêm yết trên thị trường giao dịch chứng khoán Phố Wall. Cổ phiếu của công ty đã được bán ra cho các nhà đầu tư trên sàn giao dịch. Mục tiêu của các công ty này sau khi được niêm yết chính thức rồi, họ sẽ mua lại các công ty tư nhân không đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết của Phố Wall nhưng có hoạt động kinh doanh, sản xuất có tiềm năng. Sau khi sáp nhập, cổ phiếu của các SPAC có thể tăng giá trị nhanh chóng nếu thuận lợi. Với công ty được sáp nhập, nhờ vào SPAC cũng tìm được được cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, bền vững trên thị trường vốn lớn nhất toàn cầu.

Theo khuyến nghị của SEC, hình thức niêm yết qua công ty séc khống (hoặc séc trắng) như vậy có nhược điểm là chi phí tổng thể để giao dịch sẽ cao hơn. Bản thân công ty niêm yết qua hình thức SPAC cũng bị pha loãng vốn chủ sở hữu, không còn hoàn toàn chủ động với hoạt động kinh doanh của mình.

Vinfast đã tìm thấy một SPAC như vậy để niêm yết "cửa sau" trên thị trường chứng khoán Phố Wall. SPAC mua lại Vinfast là Black Spade Acquisition Co (Black Spade - mã chứng khoán trên sàn NYSE: BSAQ). Hai bên chính thức công bố thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Sau giao dịch, VinFast có mức định giá hơn 23 tỉ USD và tiếp tục kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.

Trong giai đoạn lãi suất thấp (trước khi Ngân hàng trung ương Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất 2020-2021), chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng hết mức để vượt qua đại dịch, hình thức gọi vốn cổ phần lần đầu (IPO) qua SPAC bùng nổ. Năm 2020, tiền đổ vào SPAC lập kỷ lục lên tới 82 tỷ USD.

Định giá 23 tỷ USD cho Vinfast và khó khăn phía trước

Một số liệu tổng kết được tổng hợp với Bloomberg cho thấy thị trường SPAC dường như đã qua thời hoàng kim. Rất nhiều thương vụ của SPAC đã lỗ nặng; giá trị thị trường hiện nay so với định giá ban đầu khi niêm yết rất thấp, thậm chí có thương vụ chỉ còn 5-10% so với giá trị định giá trước đó.



Giá trị thị trường của nhiều công ty SPAC đã thấp hơn nhiều so với định giá ban đầu; biểu thị các giao dịch thua lỗ trầm trọng sau SPAC (Nguồn: Bloomberg)

Theo đồ thị này, mầu đen là biểu hiện giá theo định giá ban đầu. Đây cũng là mức giá khi mới niêm yết qua SPAC. Mầu xanh là giá thị trường ngày 11/5/2023. Một số hãng, giá thị trường thời điểm hiện tại chỉ còn bằng 5%-10% giá trị ban đầu.

Vinfast đã niêm yết qua hình SPAC trong một giai đoạn thị trường tài chính Hoa Kỳ rất khó khăn. Việc Fed có thể ngừng tăng lãi suất chưa phải là một dấu hiệu tích cực vì lãi suất điều hành không thể giảm cho tới hết năm 2023; lãi suất điều hành của Fed đã cao nhất kể từ 2007. Với mức lãi suất này và làn sóng ngân hàng phá sản, các nhà đầu tư ở Mỹ cũng như khắp toàn cầu không sẵn sàng đổ tiền vào các tài sản có mức rủi ro cao như SPAC. Đây là bất lợi lớn nhất với Vinfast trong giai đoạn này.

Nhiều chuyên gia tài chính, nhà đầu tư cũng nhìn nhận rằng, giá trị thị trường của Vinfast sau thương vụ niêm yết qua công ty séc khống trong giai đoạn này không có nhiều triển vọng tích cực.

Vừa niêm yết, Vinfast đã đón nhận tin xấu từ các tay lái thử

Bất lợi lớn hơn với hãng ô tô điện duy nhất của Việt Nam không chỉ đến từ kinh tế vĩ mô và tình trạng rủi ro trên thị trường tài chính Hoa Kỳ, mà đến từ chính chất lượng xe được các tay lái thử đồng loạt bình luận tiêu cực.

Cùng với thời gian Vinfast tuyên bố niêm yết qua SPAC, trang web bình luận về trải nghiệm lái thử xe ô tô là Moto Trend, đã nhận định rằng chiếc xe 2023 Vinfast VF8 chưa thể sẵn sàng giao cho khách hàng. Người viết bình luận còn bình luận rằng dù chiếc xe có nội thất rất thoải mái và phù hợp, nhưng ông sẽ xấu hổ khi đưa chìa khoá chiếc xe như vậy cho khách hàng, ông sẽ không dám nhìn vào mắt họ. Lý do là chiếc xe còn nhiều lỗi về phần mềm và độ bền của pin.



Bài báo trên Moto Trend với phần bình luận tiêu cực khuyên khách hàng chưa nên quyết định mua 2003 Vinfast VF8. (Nguồn: Mototrend.com)

Thậm chí với ngôn từ còn gay gắt hơn, chuyên trang Inside EVs bình luận "Rất tiếc". Bài viết về Vinfast VF8 tuyên bố "xe điện đầu tiên của VinFast chưa sẵn sàng để đối đầu với Hyundai Ioniq 5 hay Ford Mustang Mach-E. Thật tệ là nó đã được bán".

Rất nhiều trang có bình luận tương tự. Gần như công bố cảm nhận và đánh giá chất lượng xe Vinfast đồng thời với tuyên bố IPO qua SPAC của hãng này. Đây mới là khó khăn lớn nhất mà Vinfast phải xử lý, vượt qua để có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường xe ô tô điện khó tính nhất thế giới.

Khác với thị trường trong nước, nơi các bình luận tiêu cực về sản phẩm, quản trị, tài chính của Tập đoàn tư nhân lớn nhất quốc gia có thể bị yêu cầu gỡ, tại Mỹ, các bình luận tiêu cực tại Mỹ, EU không thể xử lý bằng sức mạnh truyền thông hay chính trị. Vinfast chỉ có một con đường duy nhất là thay đổi chính mình, cải tiến sản phẩm đến mức có thể cạnh tranh và đứng vững tại Mỹ. Người Việt luôn mong đợi sự thành công của sản phẩm nội địa nói chung và Vinfast nói riêng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Quang Nhật